Thứ Hai, 26 tháng 12, 2016

QUÊN SAO ĐƯỢC GADDAFI



Gaddafi trỡ về với Allah đã được 5 mùa Ranmadan. Trước khi ông bị giết khoảng 6 tháng, mình đang ở Việt Nam và đến chơi nhà bác Thêm, nguyên Vụ trưởng châu Phi- TAN. Trong câu chuyện, mình bảo, Gaddafi chắc không giữ được tính mạng, bác Thêm có vẻ ngạc nhiên. Mình suy đoán, có dấu hiệu Gaddafi muốn từ chức và đi lưu vong mà không được, trong khi ông “nợ máu” quá nhiều.

Cũng khoảng thời gian đó, Gaddafi trả lời phỏng vấn của một đài truyền hình phương Tây, trực tiếp bằng tiếng Anh không lưu loát lắm. Trong khi nói chuyện, Gaddafi đeo kính mát nhưng theo như các nhà bình luận, vẫn không che giấu được sự hốt hoảng. Ông lý giải, Libya là một nước dân chủ, mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Bản thân ông không phải là một nhà độc tài vì ông không hề giữ chức vụ gì, mà chỉ có danh hiệu “Nhà lãnh đạo cách mạng”, các chức danh Tổng thống, Thủ tướng hay Tổng bí thư đảng đều do người khác làm. Khá khen cho Gaddafi, một cái danh trời ơi đất hỡi, không bị ràng buộc gì bởi bầu cử, nhiệm kỳ mà vẫn có thể thâu tóm quyền lực trong suốt 42 năm.

Mình còn nhớ ông nói bằng cái giọng khàn khàn “Libyan people, all they love me”, tiếp theo là một tiếng cười gượng gạo. Mình không thích Gaddafi nhưng mình tin rằng ông nói một cách thành thật. So với các nước láng giềng, người dân Libya có mức sống rất cao. Thực ra không phải Gaddafi tài giỏi gì, chẳng qua vì Libya ít dân mà dầu lửa lại nhiều quá.

Gaddafi là một biểu tượng chống Mỹ, không phải chống bằng lời nói mà bằng những việc làm cụ thể. Ông tài trợ cho các tổ chức hoạt động khủng bố như PLO, Hesbullah…Libya còn bị tố cáo là thủ phạm của vụ đánh bom vào một máy bay dân sự năm 1988 tại Lockerbia Scotland, làm chết 270 hành khách. Vì vụ này mà Mỹ đã ném bom vào thủ đô Tripoli để trừng phạt, và Libya lại “dám” bắn rơi máy bay Mỹ. Sau đó, một tượng đài đã được dựng lên với hình tượng một nắm đấm bóp vụn máy bay Mỹ.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Gaddafi đã vội vã thay đổi chính sách. Ông chấp nhận bồi thường cho các nạn nhân của vụ nổ máy bay. Rồi ông tìm cách kết thân với Ý, một nước láng giềng đồng thời là thực dân cũ, như là một đột phá khẩu với phương Tây. Con trai ông đã trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp tại Ý. Nhưng hình như những nỗ lực như vậy đã quá muộn.

Khi bị bắt, Gaddafi còn bị dắt đi diễu phố để làm nhục trong 2 tiếng đồng hồ rồi mới bị bắn chết. Chính trị quả thật là bẩn thỉu và tàn nhẫn.

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

Ai Cập huyền bí. Nhắc lại chuyện cũ: Liên bang Ai Cập- Syria



Mình được gắn bó với mảnh đất Ai Cập trong 3 năm 4 tháng.  Người Ai Cập sống rất tình cảm, một ông bạn già cứ khẩn khoản mời mình đến nhà chơi. Nhà giàu mà, rộng đến 4000m2, vườn bao quanh, có bể bơi, diện tích xây dựng khoảng 1000m2, có hai tầng lầu, tổng cộng hơn 10 phòng. Con cái nhà đủ khôn lớn đã “bay” hết, chỉ còn lại hai ông bà già và cô giúp việc. Khi vợ chồng mình và các cháu tới, ông già rất vui, kêu cô giúp việc và vợ đưa bà xã mình và hai cháu ra bể bơi. Nhà có đến 7-8 phòng khách, ông tiếp mình trong một phòng ở tầng trệt. Ngồi một lúc, ông bảo, tôi cho anh xem cái này rất special và dẫn mình lên lầu. Một phòng nhỏ, chỉ kê một bàn, hai ghế và một bức tranh lớn treo trên tường. Ông chỉ vào bức tranh chân dung, viền vàng và hỏi, anh có biết đây là ai không ? Mình bảo: Vua Farouk. Ông có vẻ mừng rỡ: sao anh biết. Mình bảo mình đọc sách thì biết thôi.

Ông giảng giải một hồi dài: tại sao lại phải làm cách mạng? Anh thấy đấy, đã có cách mạng lần 1 thì phải có lần 2, lần 3 và không thể yên ổn được. Cách mạng của Ai Cập lật đổ vua Farouk vào năm 1952, do Nasser lãnh đạo. Nhưng Nasser không trở thành Tổng thống mà lại là Naguib Mohamed. Chẳng là tổ chức “Sĩ quan tự do” gồm 9 thành viên lập ra bởi Nasser chỉ bao gồm những sĩ quan trẻ tuổi, không có tiếng tăm. Để khuyếch trương thanh thế, nhóm mời Naguib Mohamed là một vị tướng làm minh chủ. Cách mạng thành công, đương nhiên Mohamed lên làm Tổng thống. Sự tranh giành quyền bính giữa Mohamed và Nasser kết thúc với kết quả Nasser lên ngôi và Mohamed vào tù. Rồi Nasser cũng chết bất đắc kỳ tử ở tuổi 52 sau một cơn đau tim vào năm 1970. Sadat lên đã xoay chuyển chính sách đối ngoại của Ai Cập từ chỗ thân Liên Xô sang thân Mỹ, rồi Sadat cũng bị ám sát. Mubarak là Tổng thống lâu năm nhất, 29 năm rưỡi và lúc mình trò chuyện với ông bạn già thì Mubarak còn đang vững như bàn thạch, mặc dù ông bị dân chúng và giới doanh nhân chửi rủa hết lời.

Mubarak đã sụp đổ sau cuộc biểu tình 18 ngày, ông được chuyển từ dinh Tổng thống vào thẳng nhà tù. Tổng thống tiếp theo, ông Mosri, đã bị tuyên án tử hình, tuy nhiên đang chờ để được xử lại.

Nhắc đến Ai Cập là phải nói đến Kim tự tháp. Tuy nhiên khác với người Tàu tỏ ra hãnh diện về kỳ quan Vạn lý trường thành thì người Ai Cập không hề tự hào về Kim tự tháp. Đúng vậy, Kim tự tháp được xây bởi người Ai Cập cổ đại, giống người này đã bị diệt chủng. Người Ai Cập hiện nay chủ yếu từ châu Á di cư sang, và cũng vì lý do đó, người Ai Cập không nhận họ là “châu Phi”. Thực ra cách đây khoảng 1000 năm, trước khi người da đen sang châu Mỹ, thì làn sóng nô lệ da đen sang Ai Cập đã “pha trộn” với người di cư từ châu Á, tạo ra người Ai Cập bây giờ.

Liên bang Ai Cập-Syria với tên gọi The United Abrab  Republic (UAR) là một thực thể chỉ tồn tại chưa đầy 4 năm (1958-1961), đã phản ánh tham vọng ngông cuồng của Nasser. Mục tiêu hướng tới của Nasser là một Liên bang các nước Ả Rập, đúng là là một Đế quốc Ả Rập theo mô hình Liên bang Xô viết. Trong 22 nước Ả Rập có chung ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo ngày nay, Ai Cập luôn được coi là anh cả trong khu vực vì sự vượt trội về dân số và tri thức. UAR đã kết thúc sau cuộc đảo chính tại Syria, nước này đã quyên bố rút khỏi Liên bang. Nhưng Nasser vẫn chưa buông tha, ông tiếp tục gâp sức ép với chính quyền mới ở Syria, lôi kéo Iraq và Yemen, tiếp tục sử dụng lá cờ và tên hiệu UAR. Giấc mộng về một Đế quốc Ả Rập chỉ chấm dứt hẳn sau cái chết đột ngột của Nasser. Một số bình luận đã buộc trách nhiệm của Nasser đối với tình hình Syria bây giờ, cho rằng ông đã can thiệp và phá vỡ những trật tự chính trị xã hội của Syria.

Điều mình muốn nói là, nhưng biến động trên thượng tầng kể trên chỉ là bề nổi, cuộc sống của người dân Ai Cập mới là điều quan trọng và đáng quan tâm hơn. Đến với thủ đô Cairo, điều đập vào mắt là nạn tắc đường. Thật kỳ lạ, hai ba giờ sáng đường sá vẫn đông như trẩy hội. Lý do là ở Ai Cập, 40% dân số thất nghiệp, người đi làm đêm ngủ, ngày đi làm; ngược lại giới thất nghiệp ngủ ngày, đêm thức. Xăng bên Ai Cập rất rẻ, người ta xách xe chạy chơi lòng vòng kể cả ban đêm, gây ra tắc đường.

Trước đây, vùng đất gọi là “đại Trung Đông” gồm Bắc Phi và Tây Á là những biển cát khổng lồ, những điểm có nước ngọt được gọi là “Oasis”, tức là những ốc đảo. Để di chuyển từ ốc đảo này sang ốc đảo kia, người ta dùng lạc đà, loài động vật có khả nẳng tích trữ nước trên một hoặc hai bướu của chúng, được ví như những con thuyền. Vùng đất mênh mông đại Trung Đông hầu như không có sông, ngoại lệ là dòng Nile, lại là con sông lớn nhất thế giới. Người dân đổ dồn về sinh sống dọc hai bên bờ sông Nile, và đó là lý do tại sao dân số Ai Cập vượt trội so với các nước láng giềng. Đến nay, nước ngọt vẫn quý, nhưng các nước vùng Vịnh nhiều dầu lửa có thể chế tạo nước ngọt từ nước biển nên họ không cần nguồn nước tự nhiên mà vẫn có thể gia tăng dân số một cách nhanh chóng.

Điều dễ nhận ra là đời sống người dân Ai Cập ngày càng đi xuống theo thời gian. Các chính quyền Ai Cập chỉ giỏi tranh giành quyền bính mà thiếu viễn kiến trong việc xây dựng đất nước và Ai Cập không thể làm được một điều cốt tử: đứng được trên đôi chân của chính mình. Họ nhận viện trợ hết của Liên Xô rồi sang của Mỹ, sống dựa vào tài nguyên dầu lửa, dựa vào thu lệ phí của thuyền bè đi qua kênh đào Suez. Trước đây, với ưu thế về đồng bằng sông Nile màu mỡ, Ai Cập nổi tiếng về xuất khẩu lương thực và sản phẩm nông nghiệp. Nay vì dân số tăng quá nhanh, nước ngọt không còn dồi dào, diện tích đất cho nông nghiệp bị thu hẹp và vì thế không còn thế mạnh xuất khẩu. Sản xuất công nghiệp và dịch vụ của Ai Cập không phát triển được.

Điều đáng tiếc là Ai Cập có khá nhiều nhân tài với bốn giải thưởng Nobel về khoa học. Rất đông người Ai Cập làm việc trong các tổ chức quốc tế, thậm chí người Ai Cập còn làm đến Tổng thư ký Liên hợp quốc. Hình như chỉ khi ra hải ngoại, người Ai Cập mới phát huy được năng lực, còn ở trong nước thì lụi bại đi.

Cuốn tiểu thuyết “Từ sông Nile đến sông Jordan” đã mô tả sinh động cuộc sống người dân Ai Cập vào thời còn có Vua, họ đã xây dựng một cuộc sống yên bình, xã hội có tôn ti trật tự. Chẳng trách gì mà ông bạn già của mình cứ hoài cổ.

Lương Văn Quang

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

Bò và sữa bò



Chăn nuôi bò là một ngành nghề lâu đời và mang lại lợi ích kinh tế cao của Úc. Ngay trong chuyến tàu đầu tiên của Thuyền trưởng Phillip vào năm 1788 đã có 1 con bò đực và 4 con bò cái. Lục địa Úc vốn không có bò, do đó tổ tiên của loài bò Úc được di cư từ các chuyến tàu lập nghiệp đầu tiên. Trải qua gần 230 năm, đến nay đàn trâu bò Úc đã lên đến 27 triệu con, phân bố theo thứ tự từ nhiều đến ít là các tiểu bang QLD, NSW, VIC, WA, NA, SA và TAS.

So với các nước chăn nuôi bò hàng đầu của thế giới thì đàn trâu bò Úc còn mỏng hơn nhiều so với Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc và Mỹ. Mặc dù vậy, Úc lại là nước xuất khẩu thịt bò lớn nhất thế giới và nổi tiếng với phẩm chất thơm ngon. Trị giá ngành trâu bò Úc lên đến 14.3 tỉ Úc kim (số liệu năm tài chính 2015-2016), chiếm ¼ tổng trị giá ngành chăn nuôi nói chung. Về xuất khẩu, ngành trâu bò mang về cho nước Úc 10 tỉ Úc kim/năm với các thị trường chính là Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc. Riêng bò sống xuất khẩu đạt trị giá 1.5 tỉ Úc kim thì dồn chủ yếu cho thị trường Indonesia (46%) và Việt Nam (23.5%). Thỉnh thoảng lại có tin, các tổ chức bảo vệ động vật lên tiếng tố cáo một số lò mổ của Indonesia và Việt Nam đã giết mổ không đúng tiêu chuẩn, gây đau đớn cho con vật trước khi chết. Tuy nhiên, giết mổ tại Úc chi phí quá cao, do vậy cách tốt nhất là những nước có chi phí nhân công thấp như Indonesia hay Việt Nam nên nhập khẩu bò sống thì có lợi hơn về mặt kinh tế. 

Khi còn học tiếng Anh, mình thấy bê bò quả là phức tạp bởi có đến hàng chục từ để chỉ thịt bò, mỗi bộ phận, vùng miền trên cơ thể đều có từ ngữ riêng để diễn tả ! Mỗi bộ phậnnhư vậy đều có cách chế biến và cách ăn cũng khác nhau và có lẽ kể cả những người sành điệu nhất về thịt bò cũng không biết hết. Riêng món bít tết (steak) cũng chia làm 5 hạng từ tái nhất cho đến chín nhất, với nhiều loại thịt khác nhau và nhiều loại nước sốt khác nhau.

Nuôi bò ở Úc khá dễ dàng vì bò chỉ có ăn cỏ, mà cỏ thì lại có sẵn trên các thảo nguyên mênh mông của lục địa Úc châu. Theo “rule of thumb” (quy tắc ngón tay cái), mỗi con bò cần khoảng 1.8ha thì đủ cỏ để ăn cho cả năm. Một chị chủ người Việt kể, trang trại bò của chị cách Sydney khoảng 500 km, cả đàn chỉ có 300 con nên tạm coi là nuôi “làm cảnh” chứ phải nuôi cỡ 1000 con trở lên thì mới gọi là làm ăn thực sự và có tính thương nghiệp. Với số bò như vậy, chị chỉ thuê một anh chăn bò và anh sống một mình vui buồn với đàn bò trong trang trại. 

Người Việt ở Sydney hẳn đều biết đến Phở An. Nghe đồn chủ nhân của nó đã là triệu phú chục triệu đô nhờ vào bán phở và chỉ bán một món duy nhất là phở bò. Phở bò thương hiệu “An” nhiều thịt và đặc biệt nước dùng ngọt đậm do có nhiều xương. Xem người ta làm ăn, hóa ra kiếm tiềm ở xứ Úc có vẻ dễ như bỡn ?
Trước đây, thịt bò là món ăn dành cho giới nhà giàu ở miền Bắc Việt Nam. Ngoài chợ thường bán thịt trâu, thẫm màu và dai ngoắt do hết tuổi đi cày chứ thịt bò thật thì khá hiếm và đắt đỏ. Bố mẹ mình được sinh trưởng trong các gia đình thuộc “giai cấp thịt bò” nên khá hợp nhau về sở thích ăn thịt bò, và bố làm bít tết còn ngon hơn mẹ. Bản thân mình cũng coi thịt bò là món khoái khẩu quen thuộc, thế nào lại được sinh sống ở đất nước thịt bò, đúng là “địa lợi, nhân hòa”.

Hồi mới qua Úc, mình khá ngạc nhiên khi thấy một số nhà hàng đã để bình sữa tươi miễn phí cho khách y như nước lọc. Rõ ràng sữa tươi ở Úc quá nhiều và rẻ. Từ lúc lọt lòng, mình là trường hợp khác thường vì được dùng sữa bò thường xuyên chứ không như những đứa trẻ cùng trang lứa thời đó, sữa bò là một thứ xa xỉ. 

Theo các số liệu nghiên cứu, sữa bò hết sức bổ dưỡng, chẳng thế mà mấy năm gần đây, thị trường sữa bột đã lên cơn sốt, nhiều siêu thị phải hạn chế số lượng, bằng không thì “bọn Tàu” vét sạch. Từ vấn đề này nẩy sinh là một chuyện làm ăn xuất phát từ nhu cầu thị trường cực lớn. Khả năng của Úc lại dồi dào từ nguồn nguyên liệu, công nghệ sản xuất sữa bột của Úc được kiểm soát tốt. Vấn đề ở đây là các nhà đầu tư mạnh dạn xây dựng một thương hiệu, thủ tục đăng ký cũng khá dễ dàng, cấn đối được đầu vào đầu ra là sẽ có một doanh nghiệp vững mạnh. Bản thân mình sữa bò hay thịt bò cũng không ăn, uống được nhiều, tiêu pha khác cũng chẳng bao nhiêu nên bảo làm gì cũng lười, xin nhường lại cho các anh chị em khác.

Bên cạnh đó, làm farm bò cũng là một hình thức làm ăn có triển vọng. Đất đai của Úc vẫn còn rẻ, trồng cỏ không khó, phương tiện kỹ thuật cũng dễ dàng, nhân lực chăn nuôi ít, chỉ cần người đầu tư. Nguồn thu của nông trại bò không chỉ là bán thịt hay bán sữa mà còn có thể có qua tổ chức các đoàn khách du lịch đến thăm quan. Người châu Á còn tin rằng ngẩu pín (“chim” bò) rất tốt, vậy các nông trại có thể đáp ứng cho khách bằng cách giết mổ và bán hàng tại chỗ.

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2016

THIÊN THẦN GẪY CÁNH



Trong kỷ nguyên Arsene Wenger, cứ tháng 11 hàng năm, Arsenal phạm phải lời nguyền bết bát, thi đấu rất kém. Chính vì vậy, mọi người thắc mắc tại sao sắp hết tháng 11 mà Arsenal chưa thua ? Ba mươi chưa phải là Tết, tối 30/11, tức sáng 1/12 theo giờ Úc, Arsenal đã thực sự thua Southamton 0-2 trong khuôn khổ Cup Liên đoàn. Đây là một giải thứ yếu nên các đội thường đưa ra đội hình phụ. Tuy nhiên, khi vào đến tứ kết trở lên thì các đội đều dùng đội hình mạnh nhất, ngoại trừ Arsenal, vẫn đội hình B. Thậm chí, Arsene còn đưa cả vào sân Martinez, Thủ môn hạng 3 của đội, nên có vẻ coi thường đối thủ quá.

Trong hơn 20 năm nắm đội, Arsene đã tạo dựng ra quá nhiều tên tuổi ở tất cả các vị trí trong đội hình, ngoại trừ thủ môn. Các tài năng Seaman, Lehmann, Cech đã nổi tiếng từ trước, còn những người Arsene gây dựng thì chỉ là thất vọng với chán chường: Alumenia, Fabiansky, Mamnon, Szczesny. Có lẽ Arsene coi Martinez là cơ hội cuối cùng trong việc tạo dựng thủ môn khi tuần trước đã ký hợp đồng mới và nâng bi anh là “tiềm năng” trở thành thủ môn số 1 của đội.Bỏ chuyện thủ môn qua một bên, trong tâm bài viết này là về “đôi cánh”.

Trong sơ đồ chiến thuật của Arsene, các tiền đạp cánh không bám biên mà đều có xu hướng bó vào trung lộ, cụ thể là Walcott, Ramsey, Sanchez, Ox-Chamber, Iwobi; bù lại các hậu vệ biên thường dâng cao. Có thể coi Arsenal không có hai đôi cánh như các đội khác mà chỉ có một đôi cánh (wingers), đó là hai hậu vệ biên. Do đó cặp hậu vệ cánh trở nên quan trọng hơn. Arsene đã tỏ ra có con mắt tinh đời khi tuyển chọn và bồi dưỡng được nhiều hậu vệ cánh giỏi, bên trái lần lượt là Coles, Clichy, Gibbs; phải có Lauren, Sagna, Bellerin.

Trong mùa giải năm nay, hai hậu vệ trái Monreal và Gobbs có phong độ khá đều, được sử dụng số trận gần như bằng nhau. Nhưng cánh phải thì chỉ có Bellerin xuất sắc, trong khi Debuchy và Jenkinson chưa đáp ứng được yêu cầu.

Trong tháng 11, vì có nghỉ cho đội tuyển thì đấu nên Arsenal chỉ đá 6 trận, trong đó 2 thắng, 3 hòa và 1 thua, đạt điểm trung bình 1.5, một số điểm quá thấp. Kết quả, ngoài việc bị loại ở Cup FA, trong giải PL, đội từ thứ nhì tụt xuống thứ tư; còn trong CL, từ nhất bảng xuống nhì bảng. Câu hỏi thường đặt ra là: Vì đâu nên nỗi ?

Câu trả lời cũng thường là: chấn thương. Đúng, tháng 11 có 2 ca chấn thương đáng kể, đó là Carzola và Bellerin. Carzola đã 32 tuổi, không còn được xem là trụ cột của đội; khi mua Xhaka về cũng nhằm mục đích thay thể anh, do đó có thể nói mất Carzola không ảnh hưởng gì nhiều. Nhưng đối với Bellerin thì thực sự đã làm đội yếu hẳn đi mà trận đấu sáng nay là một minh chứng: cả hai bàn thua đều xuất phát từ cánh trái của Southamton, tức cánh phải của Arsenal do Jenkinson đảm trách. Nhìn chung, đội Arsenal thi đấu không đến nỗi nào, các chỉ số về thời gian giữ bóng, số cú sút và sút trúng đích, số phạt góc đều nhỉnh hơn đối phương. Biết Arsenal có điểm yếu, Southamton đã ép vào đó rất nhiều, nên rồi Jenkinson đã bị thay ra ở đầu hiệp 2.

Thời gian tới, mật độ các trận dầy đặc, Bellerin chưa trở lại, trong khi Debuchy lại dính chấn chương nên tình hình rất lo ngại. Trong một lần phỏng vấn, Arsene đã từng tính đến phương án Gariel hay Collenque nhưng trong trận vừa qua, cả hai đều phải đang thi đấu trong vị trí sở trường của họ là trung vệ và tiền vệ trụ. Vì thế, ông bầu Arsene đã phải đưa vào sân một cầu thủ mới tinh là Maitland, 18 tuổi. Biết đâu đây lại là cơ hội năn ra một tên tuổi mới.Bottom of Form

ĐI TÌM Big 4 ĐỜI MỚI



Mười năm qua, quần vợt thế giới bị chi phối bởi 4 cây vợt hàng đầu mà người ta gọi là Big 4 hay Tứ đại thiên vương, gồm Federer (SN 1981), Nadal (1986), Djokovic (1987) và Murray (1987). Ba cây vợt đầu đã từng giữ vị trí số 1 TG, năm nay cây vợt cuối cùng của Big 4 là Murray lần đầu tiên nếm hương vị này.

Thật ra Fed thuộc thế hệ của Hewitt (1981) và Roddick (1982), những người thay phiên nhau chiếm giữ đỉnh cao thế giới vào các năm 2000, 2001 và 2002. Hewitt và Roddic đều là những nhà thể thao “sớm nở chóng tàn”, nổi sớm mà xuống dốc cũng quá nhanh. Bởi vậy từ năm 2004, ngai vàng đã thuộc về Fed. Nadal cũng là một hiện tượng nở sớm, khi anh đoạt Grand Slam từ khi 19 tuổi và nhanh chóng trở thành cây với số 2 thế giới vào năm 2005. Bộ đôi Fed và Nadal là cặp đối thủ số 1 và số 2 lâu năm nhất trong lịch sử. Đến năm 2008, Nadal thắng Fed ở Wimbledon, nơi sở trường của Fed để trở thành cây vợt số 1 thế giới. Những tưởng một triều đại mới được mở ra nhưng vì Nadal bị chấn thương nên Fed đã trở lại. Nhưng vào lúc đó Fed đã phải chiến đấu khốc liệt với 2 cây vợt trẻ đang nổi lên, đó là Djokovic và Murray, trong đó Nole lên ngôi số 1 vào năm 2011.

Jdokovic và Murray là cặp đôi sinh cùng tháng cùng năm, cùng luyện tập và thi đấu với nhau từ thuở thiếu niên, cùng vào top ten trước ngày sinh lần thứ 20 trong năm 2007. Thành công đến với Nole trước khi anh đoạt Grand Slam vào năm 2008, trong khi cùng năm Murray cũng vào chung kết Grand Slam nhưng thua. Số phận đen đủi của Murray kéo dài đến tận chung kết lần thứ năm, tức giải US Open 2012 thì Murray mới được hưởng Grand Slam đầu tiên. Giai đoạn này cũng là giai đoạn Big 4 thống trị tuyệt đối, các cây vợt Fed, Nadal, Jdokovic thay nhau nắm giữ ngôi vua, ngoại trừ Murray, một lý do nhỏ là Murray bị chấn thương nặng, phải phẫu thuật.

Một điều thú vị là, Fed là cây vợt vĩ đại nhất trong lịch sử với kỷ lục về số GS (17 chiếc), kỷ lục về thời gian giữ vị trí số 1, nhưng thành tích đối đầu trực tiếp trong Big 4 thì lại khá khiêm nhường: thua Nadal với tỉ số “khắc tinh” 11-23; thua Djokivic 22-23; với Murray, số trận đấu hơi ít thì Fed mới nhỉnh hơn 14-11, tuy nhiên vì Fed chưa giải nghệ nên sẽ có nguy cơ cũng sẽ thua cả Murray.

Vào đầu mùa banh 2016, Nole tiến đến một kỷ lục trong lịch sử về số điểm ATP: 16790, những tưởng số điểm không thể vượt qua. Vậy mà sau khi được làm cha vào tháng 6, Murray đã chơi quá xuất sắc, trong 5 tháng đã đoạt 8 danh hiệu, cộng thêm chiếc huy chương vàng Olympic, Murray còn là nhiều đầu tiên chiếm 2 huy chương vàng cá nhân ở hai kỳ ĐH liên tiếp. Cùng lúc đó, Nole lại sa sút thảm hại và đã phải nhường vị trí cho Murray. Murray trở thành người già thứ nhì trong khi nhận ngôi vị, đồng thời cũng đánh dấu một cột mốc khác, xóa bỏ thời kỳ của các Big 4 vì Fed Và Nadal đã xuống dốc không phanh.

Vài nét về Nhà vua mới, Murray có lối đánh phòng ngự cuối sân (defensive baseline), ít lên lưới, tỉ lệ đánh hỏng khá thấp. Murray giao bóng mạnh nhưng số quả ace thường ít. Murray có thể lực khá tốt và là một chiến binh bền bỉ và cũng vì thế người ta cho rằng anh còn giữ được phong độ trong vòng vài năm nữa. Mặc dù Murray mới đoạt 3 GS nhưng tổng số lần vào chung kết không hề kém: 11 lần.

Trong quá khứ, các cây vợt hàng đầu, ngoại trừ Federer, đều trưởng thành khá sớm, đó là Becker, Sampras, Agassi, Chang, Hewitt, Roddick… đều có Grand Slam từ lúc tuổi teen. Kỹ thuật quần vợt có sự thay đổi, theo hướng tạo ưu thế cho những cây vợt thiên về sử dụng sức mạnh. Sức mạnh là phẩm chất đòi hỏi có sự trưởng thành nhiều hơn của thể chất, tức phải nhiều tuổi hơn. Cây vợt số 4 hiện nay Warrinka chỉ vươn lên đỉnh cao sự nghiệp khi ở tuổi 30; tương tự Raonic là một cây vợt có thể hình cao to mới vươn lên vị trí số 3 khi tuổi đời cũng không còn trẻ (25). Nói như vậy sẽ thấy một khoảng trống kinh hoàng khi nhìn vào lực lượng các cây vợt trẻ thế giới. Có thể tiên đoán ba cây vợt Murray, Djokovic và Raonic sẽ tiếp tục trụ trong bố tứ của 2017. Cây vợt thứ tư đang được nhắm đến Kyrgios, cậy vợt Úc thòi lòi 21 tuổi, đang đứng thứ 13. Chưa biết chừng, cây vợt tính khí bất thường nhưng là một tài năng lớn này sẽ cạnh tranh ngôi vị số 1 trong tương lai rất gần.