Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2021

The voice 2021


 

Chung kết cuộc thi hát The Voice Australia 2021 sẽ được Đài Truyền hình số 7 tường thuật trực tiếp từ 7 giờ tối nay.
Lọt vào đêm Grand Finale chỉ còn 4 thí sinh:
🌼 Arlo, sinh viên trình diễn âm nhạc
🌼 Mick, doanh nhân làm nông
🌼 Bella, một giáo viên nhạc
🌼 Nhóm tốp ca G-nation.
Từ đông đảo thí sinh chuyên hoặc không chuyên, có kinh nghiệm sân khấu hoặc chưa, sự chọn lựa nói trên cho thấy ban giám khảo, các coach muốn ưu tiên các thí sinh có tiềm năng để tiến xa.
Họ được ví như những viên ngọc thô, cần tiếp tục gọt dũa, thay vì một sản phẩm đã hoàn chỉnh. Có lẽ những giọng ca có sự cảm thụ sâu sắc các bài hát và nhiều đồng cảm với khán thính giả đáng quý hơn các phẩm chất về kỹ thuật hát và kỹ thuật diễn xuất.
Tại vòng chung kết, khán giả sẽ được quyền vote qua Facebook hoặc app để bầu chọn người thắng giải từ bốn ứng viên.
Mình dự kiến bầu cho Bella, 23 tuổi, người bắt đầu hát từ Nhà thờ và chưa bao giờ nghĩ có thể trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Trong các vòng thi, mỗi khi Bella cất tiếng hát đều mang lại cảm xúc mãnh liệt, ngất ngây đến tất cả mọi người.
I can't wait until 7pm.
Ps. Giải thưởng là $100,000 cộng với các show diễn

Cá độ vòng 5 Premier League

 

Niềm vui đến club uống bia và cá độ bóng đá sắp trở lại! Ở nhà mình hầu như không uống bia, chỉ uống rượu, nhưng đến club thì khác, có bia tươi rất mát.
Chơi cá độ mà cay cú quá thì dễ chết nặng lắm, đánh văn nghệ cũng khó thắng nhưng huề thì khả thi.
Trong một trận bóng giữa một đội lớn và một đội nhỏ thì số người đánh cho đội lớn do có nhiều fan sẽ đông hơn áo đảo. Để tạo cân bằng, tránh rủi ro, nhà cái sẽ tăng tiền chung độ cho cửa dưới. Vì thế, nếu bạn lấy cửa dưới (underdog) thì sẽ có lợi.
Cụ thể, mình dự đoán 10 trận vòng 5 Ngoại hạng Anh như sau: (theo thứ tự lịch thi đấu)
Newcatstle – Leeds:
Năm ngoái mới được lên hạng Leeds chơi khá bốc, riêng đối đầu với New đã giành cả hai trận thắng, nhưng năm nay thời thế đã khác Leeds lận đận thua 2 hòa 2 mặc dù New cũng chẳng hơn gì, mới kiếm được điểm đầu tiên bằng một trận hòa. Dù sao, có lợi thế chủ nhà nên Newcatstle sẽ thắng.
Wolves – Brenford:
Khi HLV Bồ Nuno nắm đội Wolve đưa về khá nhiều cầu thủ đồng hương, chỉ thiếu hai người giỏi nhất là Ronaldo và Fernandes đang chơi cho Man Utd. Brendford là đội chơi tốt nhất trong số 3 đội mới lên hạng, còn năm nay Wolves mất HLV Nuno, dù có một HLV Bồ khác là Bruno đã sa sút. Hai đội khá cân bằng Wolves thắng cũng vì lợi thế sân nhà.
Burnley – Arsenal:
Arsenal khởi đầu tồi tệ nhất nhưng đã có trận thắng đầu tiên còn Burnley mới có 1 điểm. Chiếc ghế của HLV Arteta đang bị đe dọa nghiêm trọng trong khi Dyche lại khá an toàn vì mới gia hạn hợp đồng. Các cầu thủ dính Covid và chấn thương trở lại, Ars sẽ thắng.
Liverpool – Crystal Palace:
Sau một mùa giải chững lại, Liv dường như đang trở lại đường đua cạnh tranh ngôi vô địch. Crystal cũng có dấu hiệu khởi sắc với HLV mới Vieira tuy nhiên trước đối thủ quá mạnh, đội khó tránh được một trận thua, thậm chí thua đậm.
Man city – Southamton:
Tướng tự, đây cũng là một cặp đấu không cân sức và Southamton khó có thể làm nên bất ngờ. Man city thắng.
Norwich – Watford:
Hai đội mới lên hạng. Norwich lên hạng với tư cách vô địch Championship nhưng lại đang cầm đèn đỏ với 4 trận thua liên tiếp và nay được tiếp một đối thủ yếu trên sân nhà thì đây là cơ hội để “chim hoàng yến” thế hiện. Nor thắng.
Aston Villa – Everton:
Năm nay Aston yếu đi vì mất đội trưởng Grealish, cũng là cầu thủ giỏi nhất về tay Man city. Everton thì có HLV mới là người kỳ cựu của Premier League Benitez với tham vọng tìm lại hào quan đã mất từ lâu. Đội đang nằm trong nhóm dẫn đầu. Có thể hòa.
Brighton – Leicester:
Hai mùa trước Leicester đều khởi đầu tốt, sau tụt dần và đều chấp nhận hạng 5 chung cuộc. Năm nay đội khởi đầu bình thường, thậm chí còn đang xếp sau Brighton. Lei vẫn mạnh hơn nhưng chủ nhà Bri có thể thủ hòa.
Westham – Man utd:
Với HLV Moyes, Westham đã trỗi dậy mạnh mẽ vào mùa giải năm ngoái, giành suất dự Europa, trong khi mặc dù đang dẫn đầu giải Ngoại hạng Anh thì Man Utd lại bất ngờ để thua trong trận CL giữa tuần. Nếu chơi đúng sức, Man Utd vẫn có thể áp đảo đội chủ nhà.
Tottenham – Chelsea:
Trận đụng độ duy nhất trong nhóm big six. Tot của HLV Nuno đang bất lợi vì bão chấn thương, thiếu vắng Son, trong khi chưa rõ phong độ Kane sẽ ra sao. Chelsea đang ở phong độ hủy diệt với nhiều hứng khởi. Một trận thắng cho đội khách.
Trên đây chỉ là cá độ trên giấy chứ xuống tiền thì khác. Khi đó mình chỉ chọn 4 trận kèo ngon giữa một đội đại gia và một đội chiếu dưới, trong đó luôn chọn cửa dưới. Trong 4 trận, chỉ cần thắng độ 1 trận là huề tiền. May mắn thắng được 2 trận thì lời chút đỉnh.
Lúc đó, bạn sẽ nói với một thiếu phụ ngồi bàn bên cạnh: tao vừa thắng cá độ, xin phép mời mày một ly bia, hoặc mày muốn lấy cocktail cũng được.
Khi cả hai bắt đầu ngất ngây con gà tây, bạn dìu nàng vào sàn nhảy...

Có thể nào sống chung với Covid?


Đây là câu hỏi từ lâu, nhưng bây giờ nước Úc chậm tiến mới có câu trả lời. Theo tin tức mới nhất, Sydney sẽ dỡ bỏ phong tỏa từ 11/10 tới, theo đó các nhà hàng, quán xá sẽ được đón khách đã tiêm chủng trở lại thay vì phải “mang đi xa” như hiện nay.
Ở Việt Nam năm ngoái, ai đòi mở cửa từng bị coi là “phản động” mặc dù cùng lúc Châu Âu và Mỹ vẫn chỉ lockdown cục bộ trong ngắn hạn, làm số người chết lên đến 5% ca nhiễm như ở Ý. Nhưng rồi Việt Nam cũng thay đổi, các bước chuẩn bị cho việc “sổ lồng” đang được ráo riết tiến hành.
Lý do nào của việc “tự diễn biến” như vậy? Đơn giản thôi: Tiền!
Ở Mỹ, vật giá tăng mạnh, một dấu hiệu hiển nhiên của lạm phát. Nếu Mỹ thắt chặt chi tiêu sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nước đang xuất khẩu vào Mỹ. Trong bối cảnh Thái Lan đã dỡ bỏ phong tỏa, Việt Nam không muốn chậm chân, nếu không sẽ đối mặt với nguy cơ bị mất các đơn hàng vào tay các đối thủ trong khu vực.
Một chi tiết thú vị, đội Manchester United đã bán được 60 triệu USD tiền bán áo số 7 của Ronaldo nhưng cực chẳng đã, phải xin khất ngày giao hàng vì nhà máy sản xuất Adidas tại Việt Nam đang tạm thời phải đóng cửa.
Tại Trung Quốc đang dấy lên tin đồn về Đại gia bất động sản Evergrande sắp vỡ nợ. Bất động sản Trung Quốc đã phát triển nóng từ nhiều năm nay với hàng loạt thành phố ma, các tuyến đường sắt bỏ hoang kiểu như Cát Linh ở Hà Nội nhưng không đáng sợ vì đã có Chính phủ bảo kê. Nhưng với việc Covid xuất hiện thì người cho rằng Chính quyền sẽ bất lực nếu thị trường có diễn biến chẳng lành.
“Tin đồn” nói trên đã làm giá quặng sắt sụt giảm chỉ còn phân nửa so với cao điểm tháng 5 năm nay và dự đoán sẽ tiếp tục đi xuống. ĐIều này dĩ nhiên là giáng đòn mạnh vào nguồn thu của ngân sách chính phủ Úc.
Với việc dỡ bỏ lockdown, chương trình trợ cấp dịch bệnh (disaster payment) sẽ chấm dứt, chính phủ cắt giảm được một khoản chi đáng kể.
Đến nay có tất cả 5 biến thể coronavirus, trong đó Delta là nguy hiểm nhất. Không ai biết liệu có còn biến thể nào nữa không, nếu có thì nó mạnh hơn hay yếu hơn những cái đã có? Riêng cuộc chiến đối với Delta cũng phải tính ít nhất 6 tháng nữa, không loại trừ mất vài năm.
Khi số ca nhiễm vẫn đang ở mức hàng ngàn ca mỗi ngày, bỏ phong tỏa sẽ dẫn đến ba tình huống: số ca tăng, số ca giảm, số ca đi ngang và chưa nhìn thấy khả năng số ca về zero như cùng thời gian này năm ngoái. Nghĩa là mọi người sẽ phải thực sự sống chung với Covid một cách lâu dài.
- Các hạn chế được nới lỏng nhưng có thể vẫn duy trì một số quy tắc như 4m2/ đầu người, hoặc 2m2/ đầu người.
- Mọi người trở lại văn phòng làm việc, nhưng việc làm việc tại nhà sẽ trở nên phổ biến hơn.
- Lễ lạc sự kiện, giải trí du lịch giảm bớt, kèm theo là sự suy yếu kỹ nghệ may mặc, thời trang
- Phi đô thị hóa hoặc chí ít là ngưng lại quá trình đô thị hóa. Có thể đồ đoán Châu Phi ít ca Covid hơn vì tỉ lệ dân chúng sống ở nông thôn còn rất cao, mật độ dân khá thưa.
- Khẩu trang tiếp tục là vật bất ly thân. Điều này hơi buồn. Già cả rồi, chẳng có ham hố làm ăn gì, chỉ mong ra đường để ngắm gái thì niềm vui này cũng không còn nữa!

Chuyện tìm việc làm ở Úc


Mình qua Úc định cư đã tròn 10 năm, đã làm hàng chục jobs khác nhau, với khoảng 10 ông bà chủ. Có điều chưa bao giờ mình làm CVs và đi phỏng vấn để xin việc. Các bạn có thể không tin nhưng mình cam đoan là nói thật.
Trước khi định cư ở Úc, mình đã sống ở nhiều quốc gia khác nên có dịp so sánh. Úc là nơi có mức lương trung bình cao nhất thế giới và có lẽ cũng là nơi dễ kiếm việc làm nhất.
Theo số liệu năm 2020, mức lương trung bình của người lao động Úc là 89,000 AUD / năm, cộng tiền thưởng và các loại khác thì mức thu nhập trung bình là 92,000 AUD /năm.
Nếu bạn chấp nhận mức lương thấp hơn trung bình và vẫn còn cao hơn Việt Nam hoặc các nước khác thì bạn sẽ có việc làm rất dễ.
Chấp nhận lương thấp để len được một chân vào thị trường lao động có lẽ là bí quyết đầu tiên của chuyện kiếm việc làm.
Hồi đầu thập niên 1990s khi mình qua Úc du học thì kiếm việc làm còn dễ hơn bây giờ, nhiều bà con người Việt làm 2 jobs, lên đến 70-80 giờ/ tuần. Thế hệ con cháu họ không còn chăm chỉ như xưa.
Khi quay lại Úc, mình đã có tuổi, bà xã cũng không còn ở tuổi lý tưởng đi xin việc. Tụi mình có vốn, vì thế đã mua lại một cái shop để làm kinh doanh. Sau ba năm, tụi mình bỏ shop vì nhận thấy rằng đi làm thuê hay hơn.
Sau ba năm, mình đã có mối quan hệ network rất dầy. Được bạn bè giới thiệu và các loại chủ nhân gọi đi làm, chẳng cần vác CVs đi đâu cả.
Trong thị trường lao động, hidden market chiếm 70%, vì thế bạn nên nhắm vào words of mouth thay vì các công việc được quảng cáo công khai. Đây cũng là một kinh nghiệm cá nhân của mình.
Nói thật chưa bao giờ mình hỏi lương bao nhiêu trước khi đi làm. Thậm chí có nơi mình còn làm không lương, chỉ ăn hoa hồng. Nhưng mình không có gì phải oán trách vì chưa có ai để mình chịu thiệt.
Thị trường Úc điều tiết hàng hóa sức lao động rất tốt, nếu bạn làm được việc, chủ nhận bắt buộc phải trả lương xứng đáng để giữ chân bạn.
Mình cũng chưa bao giờ đòi tăng lương nhưng đã có vài lần chủ nhân chủ động nâng lương cho mình.
Xin tăng lương là một kỹ năng rất khó, đòi hỏi bạn phải đánh giá được hiệu quả công việc của mình. Mình cũng đã từng làm chủ, có một lần một cậu nhân viên nhắn cho mình xin tăng lương, mình đã cho nghỉ việc ngay tức khắc. Bởi vì mình đã trả đủ, ở mức tối đa rồi mà hắn không hiểu.
Chủ nhân nào cũng thích người chăm chỉ và có trách nhiệm. Nhưng bạn không nên nôn nóng khi chứng minh điều này vì giới chủ cũng đủ khôn để nhìn nhận bạn theo một quá trình.
Nếu bạn thực sự có đóng góp, mức đãi ngộ của nước Úc chắc chắn sẽ thỏa đáng.

Cột điện mà biết nói năng

 

Tin cho hay Chủ tịch Phúc sắp đi Mỹ dự họp Liên hợp quốc làm mình nhớ đến câu nói năm ngoái của ông, rằng Cột điện Mỹ mà có chân thì cũng phải về Việt Nam. Câu nói đã gây nên bão mạng nhưng không thể phủ nhận đây là một thực tế những năm qua.
Có thể hình dung hai loại “cột điện” chính: Ca sĩ và Doanh nhân về nước làm ăn, kiếm tiền.
Ca sĩ về nước cũng dễ hiểu vì khán giả ở Việt Nam đông hơn và do đó tiền cát sê cũng lớn hơn. Chỉ có điều về Việt Nam thì phải giữ mồm giữ miệng, không thể nói năng như khi ở bên Mỹ được. Cái này không khó đối với các diễn viên.
Vụ lùm sùm “sao kê” làm mọi người thấy giới nghệ sĩ khá bất nhất trong lời hứa, không muốn nghi ngờ cũng khó. Bố mẹ mình từng dặn, lấy vợ thì đừng có lấy xướng ca vô loài. Tuy nhiên, phải nói thêm có rất nhiều ca sĩ hải ngoại về thăm quê hương, thân nhân nhưng không hề đi sô.
Còn Doanh nhân thì sao? Cái này phức tạp hơn nên mình lạm bàn dài dòng chút.
Mình quen biết một gia đình người Việt, ông chồng nhất mực về nước làm “Doanh nhân” bỏ lại vợ con bên Úc.
- Ổng thì doanh nhân con mẹ gì, không ăn thất nghiệp là may rồi. Tại tui ngu quá, tui rủ ổng đi Việt Nam chơi. Thấy cách ông ta với con nhỏ đó nói chuyện với nhau là tui thấy không ổn rồi.
Quả nhiên, khi vừa qua lại Úc là ổng đòi đi Việt Nam luôn. Nhưng đi Việt Nam thì mới có job ngon, được phong làm Phó Tổng, lương cao, cặp một lúc với mấy em trẻ đẹp.
Rồi Covid đã xóa đi làm lại cuộc chơi. Người bên Úc, bên Mỹ được trợ cấp mỗi người cả chục ngàn đô, bên Việt Nam được 1,5- 3 triệu đồng.
Sao Việt Nam keo vậy, chút xíu thế thì người ta sống sao được?
Trả lời: tiền đâu ra mà cho! Ngân sách Chính phủ rất hạn hẹp vì thất thu thuế. Quy trình thu thuế thiếu khoa học và cán bộ tham nhũng nên không thể thu được thuế doanh nghiệp cũng như thuế thu nhập cá nhân. Cái gì cũng có tính hai mặt, nhà nước mất tiền thuế nhưng lại tạo ra nột nền kinh tế năng động, thông thoáng.
Mình từng sống ở Dubai nhiều năm, nơi được coi là có môi trường kinh doanh cởi mở và tính cạnh tranh cao nhất thế giới. Ở đó cũng có nét tương đồng như Việt Nam: thuế rất nhẹ, riêng thuế nhập khẩu chỉ có 4%.
Về lý thuyết, thuế nhập khẩu của Việt Nam cao nhưng nếu “làm luật” với hải quan hoặc đi qua đường tiểu ngạch thì thuế vào Việt Nam cũng rất thấp.
Bên cạnh các loại thuế nhẹ, sự nhân nhượng về bảo hộ an toàn lao động, quyền lợi người lao động, vấn đề môi trường... đều là những yếu tố dẫn đến giảm đột biến giá thành.
Tổng hợp lại, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam và các nước có môi trường kinh doanh dễ dãi sẽ có khả năng cạnh tranh rất mạnh, nhất là về khía cạnh giá cả. Đó là lý do cho việc làm giàu ở Việt Nam đã trở nên dễ dàng.
Trên thực tế, Ca sĩ và Doanh nhân có thu nhập cá nhân rất cao nhưng lại đóng thuế thu nhập cá nhân không hề tương xứng, cho phép họ có một cuộc sống vương giả, trên tiền. Họ đúng là những “cột điện” biết nói, biết khôn ngoan để đi đâu.
Đếm cua trong lỗ, mọi người hy vọng chuyến đi của Chủ tịch Phúc sẽ “ngoại giao” thêm được một mớ vaccine. Lại là con Covid, rất có thể nó làm thay đổi hướng đi của các “cột điện”.

Đi chợ mua rau

 

Cách đây hai năm, mình đi Việt Nam chơi. Lững thững ra một cái chợ, đúng ra là một cái ngõ nhỏ, mọi người bày hàng ngoài vỉa hè theo kiểu buôn thúng bán mẹt.
Rau dưa nhiều thật, còn rẻ nữa. Mình thích loại rau thơm thường để ăn với phở gà kiểu Bắc mà nước ngoài không có.
Trái cây chỉ có mùa nào thức ấy, không có những loại hàng quanh năm như bên Úc.
Con cá con tôm bé xíu, cũng phải thôi, đồ Việt Nam chủ yếu từ ao hồ mà ít loại hải sản nước mặn.
Vệ sinh cũng tàm tạm, nếu so với mấy chợ súc vật bên Trung Đông thì còn hơn nhiều.
Được mười phút là đi hết cả cái chợ, bỗng dưng mình bật cười một mình như thằng hâm. Lần nào đi chợ cũng gặp cãi nhau, toàn những chuyện chẳng đáng, mà cả thêm bớt mấy mớ rau có được bao nhiêu tiền đâu mà cãi vã cho mệt người.
Buồn cười khi nhớ đến lúc cách đây bốn năm mươi năm về trước, thằng bé con đứng ngẩn tò te xem các bà xắn quần móng lợn lôi đủ các thứ quý giá ra dí vào mặt nhau.
Chuyện ngoài chợ là thế, còn chuyện trong nhà thì sao, quý vị có bao giờ cãi vã với người vợ hay người chồng thân yêu của mình không?
Nếu có, mình khuyên quý vị nên đi tu. Khi đó, vợ nói gì quý vị đều thấy đúng. Rồi nàng hối hận, thậm chí tự nhận là "điên".
- Điên lên thì nói thôi, chứ không phải thế đâu anh ạ.
Có bao giờ bạn mắng con vô lý không, tội nghiệp tuổi thơ dữ dội của nó.
Mình vẫn lo hai cháu nhà mình có thói quen thức khuya hoặc chơi máy tính nhiều quá. Cũng may đây vẫn chỉ là quan ngại, chứ thực tế chưa đến nỗi lắm.
Nhưng tụi mình cũng không dám tự nhận có công trong việc này. Để mình giải thích.
Mùa hè Dubai có nhiệt độ lên đến trên 40 độ vào ban đêm. Kể cả khi đẻ hai cháu, tụi mình vẫn không cần bật máy lạnh mà vẫn mát. Vì sao?
Vì hai nhà hàng xóm hai bên, hai nhà tầng trên và tầng dưới và nhiều nhà khác đều đã bật điều hòa tổng, nó mát chung cho cả building.
Các cháu nhà mình không quá mê games vì bạn chúng nó cũng ít chơi, thức đêm mà không có bạn thì thức làm gì. Vậy tất cả do môi trường hoàn cảnh.
Mấy bà đi chợ không thể không cãi nhau được, bởi vì:
- Mày mân mê đồ của tao như thế tao còn bán cho ai.
- Điêu toa vừa phải thôi, nửa cân thịt mà bằng cái lưỡi mèo thế này à?
Chẳng lẽ chị thịt lợn phải nói toạc ra:
- Không cân điêu lấy gì mà ăn. Giá rẻ thì phải bớt cân để bù vào chứ!
Cuộc đời vui chứ không buồn đâu.

Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2021

Hoa dại

 




Góc nhìn: Lá mặt lá trái trong bang giao quốc tế

 

Sau chuyến thăm Việt Nam của “bà ngoại” Harris, một câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có “theo” Mỹ không? Để tìm câu trả lời thiết nghĩ nên lật lại những trang lịch sử và nhìn nhận vấn đề dưới góc nhìn lá mặt lá trái trong bang giao quốc tế.
Cách mạng tháng 8 thành công dẫn đến việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam DCCH. Trong 5 năm cầm quyền trước đây ở Afghanistan, Taliban chỉ được 3 nước công nhận, còn 5 năm đầu tiên (1945-1950) của Việt Nam DCCH không được nước nào công nhận, kể cả phe Liên Xô hay phe Mỹ.
Hầu hết các nước cộng sản Đông Âu (riêng Nam tư tuyên bố trung lập), ngay cả Trung Quốc và các nước Triều tiên, Yemen, Campuchia, Ethiopia... đều giành được chính quyền nhờ vào thế lực bên ngoài. Chỉ có hai ngoại lệ đó là Việt Nam và Cuba, hai nước thức ngủ canh giữ hòa bình thế giới.
Khi lãnh đạo cuộc đảo chính để lên cầm quyền vào đầu năm 1959, Phidel Castro không phải là một người cộng sản. Bốn tháng sau, ông sang thăm Mỹ nhưng không được tổng thống Eisenhower tiếp. Bất mãn, Phidel liên lạc với Liên Xô và dần dần ngả sang phe XHCN. Nhưng đến tận năm 1965, Đảng Cộng sản Cuba do ông đứng đầu mới chính thức được thành lập, nhưng kể cả lúc đó vẫn chưa thể coi Cuba ngả hẳn vào Liên Xô.
Vụ án chống Đảng xảy ra vào năm 1968 do Anibal Escalante lãnh đạo, được Liên Xô hậu thuẫn nhằm lật đổ Phidel đã bị bại lộ. Lúc này, chắc Phidel nhận ra rằng lực lượng thân Nga đã trở nên lớn mạnh trong nội bộ và ông sẽ gặp nguy hiểm nếu không tỏ thái độ dứt khoát. Anibal Escalante và đồng bọn bị bắt và bị kết án tù.
Tại sao trong một khoảng thời gian dài Liên Xô không công nhận chính phủ Hồ Chí Minh? Phải chăng lúc đó Hồ Chí Minh chưa phải là một người cộng sản? Nếu coi lịch sử là một môn khoa học thì đây là điều nên phản biện.
Thực sự trước năm 1951, các ông Trần Phú, Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự...là Tổng Bí thư, không có chức danh Chủ tịch và ông Hồ cũng không thể giữ một chức vụ thấp hơn.
Sau khi về nước lần đầu năm 1941, Hồ Chí Minh thường đi qua biên giới Trung Quốc. Năm 1942 bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt đến cuối năm 1943 mới được thả. Người bảo lãnh ra tù là Nguyễn Hải Thần, với tư cách Chủ tịch Việt Nam Cách mạng đồng chí hội mà Hồ Chí Minh là Phó Chủ tịch. Năm 1944, Đảng Cộng sản VN tuyên bố giải thể.
Trong tự truyện “Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” xuất bản năm 1948, với bút danh Trần Dân Tiến, HCM kể ra nhiều câu chuyện về quá trình hoạt động, nhưng không hề tự mô tả mình như một người cộng sản.
Tháng 2/1050, sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên cầm quyền chưa lâu, Hồ Chí Minh đã có một chuyến đi xuyên lục địa sang Liên Xô. Không được Stalin tiếp, tuy nhiên lần đầu tiên Bác Hồ đã gặp Bác Mao. Mao Trạch Đông tỏ ra nhiệt tình nhận lời giúp Việt Minh chống Pháp, về cả tài chính cũng như vũ khí.
Năm 1951, Đảng Lao động VN được thành lập do Hồ Chí Minh đứng đầu và giữ chức vụ cho đến khi qua đời. Điều đáng lưu ý là Điều lệ Đảng Lao động không đề ra mục tiêu cả nước tiến lên CNXH như Điều lệ Đảng Cộng sản sau này.
Sau khi trở về Hà Nội vào 1954, chính phủ do Hồ Chí Minh lãnh đạo đã tiếp tục bổ nhiệm nhiều người ngoài đảng giữ các chức vụ quan trọng như Phó Thủ tướng, Chủ tịch Hà Nội, nhiều Bộ Thứ trưởng. Về đối ngoại, Việt Nam và Hồ Chí Minh tích cực tham gia phong trào Không liên kết, lúc đó chưa bị Trung quốc thao túng, cùng các nhân vật nổi bật như Thủ tướng Neru của Ấn Độ, Tổng thống Tito của Nam tư, Tổng thống Sukarno của Indonesia.
Vào cuối thập niên 1950s, Liên Xô và Trung Quốc bắt đầu mẫu thuẫn, Việt Nam được coi là ở trạng thái đu dây như làm xiếc giữa hai “ông anh”.
Lá mặt lá trái trong bang giao quốc tế là sao?
Trước mặt sếp thì nịnh, sau lưng thì nói xấu. Bạn vừa có vợ, vừa có bồ. Đó chính là cuộc sống hai mặt. Những ví dụ tương tự có thể thấy rất nhiều trong cuộc sống, trong một khoảng thời gian nào đó, nó mang lại các “lợi ích”, nhưng cũng coi chừng chơi dao đứt tay.
Trong bang giao quốc tế, hiện tượng trong nóng ngoài lạnh, hoặc ngược lại trong lạnh ngoài nóng khá phổ biến. Các nước Ả Rập vùng Vịnh sống dưới cái ô bảo hộ quân sự của Mỹ, tuy nhiên thỉnh thoảng mấy ông vua Ả Rập lại ra báo chí chửi Mỹ. Nhưng trong hành động, họ luôn đáp ứng những đòi hỏi của Mỹ về mượn lãnh thổ hay gửi quân cho các chiến dịch quân sự.
Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 1991 và với Mỹ năm 1994. Một số người cho rằng Việt Nam đang đi giữa hai hàng Mỹ Trung khi mà hai cường quốc này ngày càng trở nên đối đầu gay gắt mà chưa biết sẽ ngả hẳn vào lòng ai.
Thật ra ý định đến với nước Mỹ đã có từ lâu. Sau cách mạng Tháng 8, Hồ Chí Minh đã ba lần viết thư cho Tổng thống Mỹ, đáng tiếc là không có hồi âm. Đến khi thống nhất đất nước vào năm 1975, một trợ lý đã tiết lộ TBT Lê Duẩn đã hủy bỏ chuyến đi thăm Cuba vì không muốn làm mất lòng Mỹ.
Sau năm 1954, Việt Nam nhanh chóng làm lành và có mối quan hệ hữu hảo với Pháp tuy nhiên đến lần này, việc đàm phán bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ đã bị đổ bể vì Việt Nam quá ngạo nghễ sau chiến thắng. Dù bề ngoài vẫn là “anh em” nhưng quan hệ với Trung Quốc ngày càng căng thẳng, cho đến khi chiến sự bùng nổ, cũng chính là việc thoát Trung và thoát khỏi tình trạng làm xiếc đu dây giữa hai nước lớn Liên Xô và Trung Quốc.
Đại dịch Covid là một phép thứ và một bước ngoặt trên thế giới. Người dân Việt rất mong một lần nữa “thoát Trung” khi bày tỏ thái độ dứt khoát chê vaccine Trung Quốc mà chỉ mê hàng Mỹ. Không hẳn ý dân là “theo Mỹ”, đơn giản chúng ta chỉ mong muốn đất nước được hội nhập vào dòng chảy văn minh tiến bộ chung của nhân loại mà thôi.
Oái oăm thay, ý muốn đó không phải một chiều mà có được. Mục đích của các nước lớn bao giờ cũng là tìm cách thao túng các nước nhỏ. Để làm điều này, họ chơi con bài lá mặt lá trái.
Trung Quốc bề ngoài hữu hảo với Kim Jong Ủn nhưng vẫn có mối quan hệ đầy mờ ám với anh trai Kim Jong Nam và chú dượng Jang. Mỹ nuôi chính phủ Afghanistan nhưng vẫn đi lại công khai và bí mật với Taliban. Việc xảy ra sự kiện “Mùa xuân Ả Rập” làm sụp đổ một loạt chính thể ở Trung Đông chính là do chính sách hai mặt, chơi với cả hai phe, phe chính phủ và phe đối lập của chính quyền Mỹ. Còn gì “oai” hơn khi Chú Sam đứng ra làm trọng tài cho các tranh chấp.
Vì thế, “theo Mỹ” hay không dường như phụ thuộc vào nước Mỹ nhiều hơn Việt Nam vì họ mới là người chơi bàn cờ chiến lược với việc có đủ sức mạnh chính trị, ngoại giao, kinh tế, quân sự và nhiều thứ để đổi chác giữa các nước lớn.

Hồi ký Arsene Wenger: My life in Red and White

 

Sau 4 ngày làm con mọt sách, mình đã đọc xong cuốn hồi ký của HLV Arsene Wenger. Thư viện đóng cửa trong mùa Covid nên không có gì để đọc, mình phải đặt sách từ bên Anh quốc, mất 3 tuần sách mới về.
Hồi ký là thể loại mình chưa bao giờ đọc hết trọn vẹn cả quyển, kể cả tiếng Việt hay tiếng Anh, nhưng đối với Arsene thì đó là ngoại lệ. Đối với mình, nếu có một đại sảnh danh vọng Premier League như các cầu thủ thì Wenger là HLV vĩ đại nhất, thứ nhì mới là Sir Alex Ferguson, tiếp theo Mourinho, Guardiola, Klopp, Ancerlotti, Conte...
Nếu coi bóng đá là một tôn giáo thì thực sự Wenger là một trong nhưng môn đồ cuồng tín nhất. Cả cuộc đời ông không có một thú vui nào ngoài bóng đá. Ông kết hôn muộn với một phụ nữ đã có một đời chồng và hai con riêng và đến năm 48 tuổi mới có một đứa con gái duy nhất. Tuy nhiên cuộc hôn nhân được coi là khá ngắn ngủi cho đến khi li dị, do đó hầu hết cuộc đời ông sống độc thân, chỉ ăn ngủ và dành trọn thời gian cho bóng đá.
Cuốn hồi ký của một HLV bóng đá nhưng không chỉ gói gọn những chuyện bóng đá mà có rất nhiều triết lý về cuộc sống. Với biệt danh “Giáo sư” Wenger có kiến thức uyên thâm về nhiều lĩnh vực, nhiều ý tưởng sắc sảo, táo bạo để cách tân môn bóng đá.
Mình thích câu ngạn ngữ “không đem chuyện thành bại để luận anh hùng”. Lưu Bị, Quan Vũ, Khổng Minh có thể không thành công, không đạt được những ước nguyện nhưng vẫn được người đời sau tôn thờ, hơn hẳn nhưng nhân vật công thành danh toại khác.
Nếu nói riêng về bề dày thành tích, ông không bằng Sir Alex, nhưng nếu biết rằng trong 16 năm đối đầu, ngân sách của đội Arsenal chỉ bằng phân nửa hoặc ít hơn so với đội Manchester United thì sẽ thấy tính hiệu quả của Wenger cao hơn.
Chính Wenger đã phát biểu rằng nếu chạy theo tiền lương cao, các danh hiệu thì ông không ở Arsenal lâu như thế vì ông được mời chào bởi nhiều CLB danh tiếng như Real Madrid, Bayern Muchen, PSG...Ông coi trọng đam mê và lòng trung thành hơn.
Wenger là HLV kỳ tài nhưng sự nghiệp cầu thủ của ông thì lại khá bình thường. Arsene từng chơi cho đội bóng quê nhà FC Strasbourg vô địch nước Pháp 1978-1979, nhưng chính mùa bóng đó anh chỉ được ra sân 2 lần còn chủ yếu khoác áo dự bị. Cũng chính vì thế Arsene giải nghệ khá sớm, ở tuổi 30 đã bắt đầu làm HLV kiêm cầu thủ và do đó số lần ra sân càng ít ỏi.
Arsene Wenger sinh ra và lớn lên tại năm 1949 tại ngôi làng Duttlenheim, gần thành phố Strasbourg trong một gia đình trung lưu, cha mẹ làm doanh nghiệp nhỏ. Năm ông sinh ra cũng là năm thành lập nước CHLB Đức, tức Tây Đức sau đại chiến và vùng quê nói tiếng Đức chính thức bị cắt sang lãnh thổ nước Pháp.
Trước khi xuất bản cuốn hồi ký này vài tháng là lúc anh trai hơn 5 tuổi của Arsene qua đời. Anh của Arsene cũng là một cầu thủ chuyên nghiệp, thuở nhỏ hai anh em đá bóng với nhau và nảy nở tình yêu với trái bóng từ một làng quê Duttlenheim hẻo lánh.
Khi lên thành phố Strasbourg, được tuyển chọn vào đội bóng chuyện nghiệp, Wenger vẫn tiếp tục sự nghiệp học hành lấy được bằng cử nhân về kinh tế, rồi lấy bằng HLV khá sớm. Nhận thức tiếng Anh là quan trọng nên Arsene đã sang Anh để theo học một khóa tiếng Anh ngắn hạn, điều này giúp ích cho anh rất nhiều sau này khi trở thành HLV của Arsenal. Wenger được coi là thông thạo tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Anh, biết chút tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý và tiếng Nhật.
Wenger chính thức trở thành HLV trưởng của đội Nancy khi mới 34 tuổi. Trong ba mùa bóng ông đã làm đội này xuống hạng nhưng mọi người hiểu không phải do lỗi của ông, vì thế Wenger được đội Monaco mời về. Không phụ lòng tin, Wenger đưa Monaco đến chức vô địch nước Pháp năm 1988, cup quốc gia 1991.
Trong giải bóng 1991-1992 có một sự cố mà sau nhiều năm mới được hóa giải. Đó là bê bối dàn xếp tỉ số của đội Marseille để đội này vượt lên Monaco và giành chức vô địch. Khi sự việc bị phát giác, Marseille bị buộc phải xuống hạng nhưng đã quá muộn, Wenger đã quyết định từ bỏ bóng đá Pháp để sang hành nghề ở Nhật.
Chỉ với 18 tháng, Wenger đã đưa đội Nagoya giành chức vô địch, cup quốc gia và siêu cup của Nhật Bản. Việc này không được đánh giá cao vì bóng đá Nhật vẫn được coi là một “chú lùn’ của thế giới nhưng cũng đủ để ban lãnh đạo Arsenal thấy sự kỳ lạ của Wenger và mời ông gia nhập đội.
Trong triều đại 22 năm tại Arsenal, ông đã biến một đội bóng đang gặp khủng khoảng trở thành nhà vô địch nước Anh, cup FA, vào chúng kết CL...tổng cộng 17 danh hiệu. Để làm cuộc cách mạng ở đây, Wenger đã đưa các thành tựu về tâm lý học và dinh dưỡng học vào bóng đá.
Triết lý bóng đá của ông cũng khác lạ, đó là bóng đá cống hiến, dệt gấm thêu hoa làm say lòng khán giả. Arsenal luôn là đội bóng bán vé đắt nhất, kể cả đến nay mà sân vẫn kín. Nhưng khi Arsenal đầu tư xây dựng sân vận động mới lớn hơn, vô hình chung đã làm yếu đi khả năng tài chính của đội trên thị trường chuyển nhượng.
Với con mắt tin đời, Wenger đã từng tiếp cận Ronaldo, Suarez, Y. Toure, Mbappe... nhưng không đủ tiền để thu nạp. Không những thế, Arsenal còn mất đi nhiều cầu thủ hàng đầu như Henry, Fabregas, Adebayer, van Persie...
Cho dù thiếu vắng cầu thủ giỏi, đội bóng của Wenger vẫn có thể chơi một thứ bóng đá quyến rũ, có thể thắng bất kỳ đội bóng vào và luôn ghi được nhiều bàn thắng. Wenger thừa nhận chưa sẵn sàng ra đi và rất buồn khi mất việc, nhưng ông đã ở đội quá lâu rồi, đã đến lúc phải có sự thay đổi.
Cho dù các HLV Emery và Arteta không thiếu tài năng, di sản của ông đã bị phá tan tành, thành tích của Arsenal tiếp tục đi xuống, đứng hạng 8 hai mùa bóng liền và hiện nay còn thấp hơn. Mình đã tính thôi không làm fan của Arsenal nữa thì đọc được dòng chữ:
“If you love Arsenal one, you love it for ever”. Arsene vẫn còn yêu Arsenal và mình cũng vậy!

Chống dịch Covid kiểu Úc

 

Thủ tướng ScoMo đã đăng đàn trên Tivi để trình bày kế hoach sống chung với con quỷ Covid. Theo đó, ông đưa ra hai cột mốc tỉ lệ tiêm 70% và 80% để dỡ bỏ các hạn chế và đưa cuộc sống trở về bình thường. Như vậy chính thức khai tử chiến lược zero Covid vì không có cách nào đưa nó về số 0, như kinh nghiệm Châu Âu và Mỹ.
Cần nói thêm, các chỉ số này là theo lời khuyên khoa học, y tế và kinh tế nhưng mọi người đều hiểu các loại "nhà" này không có quyền lực. Thủ tướng và các chính khách phải chịu trách nhiệm về các quyết định, hên xui thế nào cũng không được đổ thừa cho người khác.
Úc chích vaccine hơi chậm so với các nước phát triển, đến nay mới được trên 30% đủ hai liều, chưa ai tiêm phát thứ ba. Nhưng tốc độ đang đẩy nhanh và dự báo đến cuối năm sẽ đạt 70%.
Lý do chậm trễ là Úc ỷ y vào việc bào chế được loại Astra mà không ngờ rằng đa số dân chúng không chịu loại này mà khoái Pfizer hơn. Người Úc đặt niềm tin không nhầm, vaccine Pfizer vừa được chính thức phê duyệt, trong khi các loại khác vẫn còn trong tình trạng sử dụng "khẩn cấp".
Tiểu bang bị nặng nhất là NSW thì lại tiêm nhanh nhất, sẽ đạt 70% vào 24/10. Lệnh lockdown ở đây có hiệu lực đến cuối tháng 9, đến lúc đó chưa đủ 70% mà số ca giảm thì có thể vẫn được nới chút xíu.
Nếu việc chích ngừa có hiệu quả thì nhiều khả năng số ca sẽ không tăng nữa, nếu không muốn nói sẽ giảm dần. Hôm nay số ca ở hai thành phố lớn Sydney và Melbourne đều giảm mạnh.
Đang giãn cách, lại ở trong 12 LGA "concern" nhưng mình vẫn lang thang đều đặn. Chưa thấy cảnh sát dám "bố láo" chặn đường hỏi đi đâu, ngoại trừ một lần lên city đúng vào ngày biểu tình. Khi biết mình không thuộc thành phần đó, họ cho đi luôn.
Trong 12 vùng này phải đăng ký mới được đi làm và tất nhiên trong nhóm 35 ngành nghề. Những vùng bên ngoài thì dễ thở hơn.
Đi chợ không hạn chế thời gian, đi tập thể dục được 1 giờ/ ngày trong phạm vi cách nhà 5km, lại được đi gặp tình nhân nếu khai danh tính, địa chỉ người ấy...
Trước đây một số "chuyên gia" dự báo ngày tàn cho các cửa tiệm ngoài đường phố vì xu hướng khách hàng sẽ vào các trung tâm thương mại. Nay thì ngược lại, các trung tâm lớn mới khổ, còn các cửa hàng nhỏ ngoài đường vẫn sống thoải mái.
Đúng là con tạo xoay vần, không biết đường nào mà lường!

Tiểu quốc Lithuania chọc giận Trung Quốc


Lithuania và Đài Loan vừa có thỏa thuận mở văn phòng tại thủ đô Vilnius. Mặc dù đây chưa phải cơ quan ngoại giao chính thức nhưng cũng làm cho Bắc Kinh nổi giận lôi đình. Trung Quốc yêu cầu Đại sứ Lithuania về nước đồng thời cũng rút Đại sứ của họ về.
Đây là lần đầu tiên sau 18 năm, Đài Loan có thêm một văn phòng kinh tế văn hóa đặt tại Châu Âu, sau một cơ quan tại Tiệp được mở vào năm 2003.
Lithuania chỉ là một tiểu quốc chưa đầy 3 triệu dân, vốn là một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Trong lịch sử, Lithuania gắn bó với Ba Lan nhiều hơn.
Đức quốc xã ký với Nga Sô hòa ước vào 23/8/1939 thì đến 1/9/1939 đã tấn công Ba Lan mở màn Đại chiến II. Thừa cơ, Liên Xô sáp nhập luôn Lithuania, lúc đó là một vùng tự trị thuộc Ba Lan.
Sau khi chiếm hầu hết Châu Âu và buộc nước Pháp hùng mạnh đầu hàng, phát xít Đức quay sang phía Đông, chiếm lại Lithuania và một phần lãnh thổ Liên Xô.
Về sau Đức thua, Liên Xô giữ lại Lithuania, nhưng cắt một phần lãnh thổ nước Đức để "đền" cho Ba Lan.
Tháng 3/1990, trước khi Liên Xô tan rã, Lithuania và hai nước CH Ban tích khác là Latvia và Estonia tuyên bố độc lập.
Đến nay, Lithuania là một quốc gia nhỏ bé nhưng hòa thuận, yên ấm, có phong cảnh trữ tình, là một địa chỉ lý tưởng cho du khách.
Trong một diễn biến khác, một số Nghị sĩ Châu Âu và Mỹ đang yêu cầu chính phủ các nước này tẩy chay Thế vận hội mùa đông tại Bắc Kinh vào tháng 2/2022 tới. Các chính phủ vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát, mặc dù thời gian không còn nhiều.