Thứ Hai, 26 tháng 6, 2023

Những nhà thám hiểm đã trở nên bất tử

 

Cuối cùng, 5 nhà thám hiểm trên con tàu ngầm Titan đã được xác nhận là tử nạn. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là “động cơ” nào mà những con người giàu có, tài ba đã chấp nhận mạo hiểm để rồi nhận cái kết khốc liệt nhất?
Đơn giản thôi, đó là “tính tò mò”, họ muốn thăm quan Titanic, con tàu vĩ đại nhất vào thời gian cách đây 111 năm đang nằm dưới đáy đại dương. Thú vị lắm chứ, họ sẽ được tận mắt chứng kiến thiên nhiên hùng vĩ chung quanh con tàu đắm, tìm hiểu những tiện nghi mà người xưa sử dụng, rất nhiều điều bất ngờ chưa thể đoán trước...
Nhưng có đáng để rủi ro mạng sống hay không? Nếu nghĩ rằng không đáng thì Colongbo không thể tìm ra châu Mỹ, Magellan không đi vòng quanh thế giới để chứng mình trái đất hình tròn...cũng những rất nhiều nhà thám hiểm vô danh khác đã gửi thân xác dưới đại dương.
Chúng ta đang sống trên nước Úc tươi đẹp, đâu có biết rằng để có ngày hôm nay, đó là công sức và mạng sống của các nhà thám hiểm trong thuở ban đầu dựng nước.
Người ta thường coi thuyền trưởng James Cook tìm ra châu Úc, đúng hơn ông đã tìm ra bờ Đông, còn trước đó đã có nhiều nhà thám hiểm khác từng đến bờ Tây và bờ Bắc. Họ đã đi vào đất liền để khảo sát những cho rằng miền đất đó quá cằn cỗi và thiếu nước ngọt để sinh sống.
Báo cáo của Cook về một miền đất trù phú đã được triều đình Anh quốc đánh giá cao và quyết định gửi người đi định cư. Nếu muốn Cook có thể trở thành Toàn quyền đầu tiên của xứ sở mới, hoặc ở lại trong nước thì sẽ được phong tước vị xứng đáng cho một cuộc sống phong lưu.
Nhưng không, ở tuổi ngoài 50, độ tuổi mà những người đương thời ở Việt Nam được gọi bằng “cụ” ông lại quyết định lên đường để tiếp tục khám phá. Sinh nghề tử nghiệp, Cook đã bị thổ dân Hawaii giết chết, kết thúc một cuộc đời oanh liệt mà sử xanh mãi lưu truyền.
Một cống hiến khác của Cook mà ít người nhắc tới. Khi nhận thấy các thủy thủ của mình khi đi đường dài trên biển thường dễ đau ốm, sinh bệnh và chết, Cook đã nghĩ đến việc họ thiếu chất vitamin. Quả nhiển, khi khẩu phần được tăng cường trái cây và rau thì mọi người trở nên khỏe mạnh và vì thế mới đi được xa hơn, dài ngày hơn.
Lục địa Úc bao la rộng lớn, là một nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với các nhà thám hiểm để xem trong lòng lục địa có những gì. Sau nhiều chuyến đi xuyên lục địa thất bại, nhiều người thiệt mạng, người ta mới phát hiện ra cần có phương tiện tốt hơn. Bởi vậy mới có lạc đà, một con vật chịu khát nước rất giỏi, được nhập khẩu vào Úc đã giúp cho các chuyến xuyên Đông sang Tây và Nam lên Bắc thành công.
Điều dễ thấy là nhân loại sẽ không tiến bộ nếu ai cũng chọn an toàn, quanh quẩn như gà què mà không dám bứt phá phiêu lưu. Sẽ không có nước Úc, nước Mỹ hùng mạnh, các quốc gia khác đã hoàn toàn tạo dựng bởi di dân.
Mình đã chứng kiến bọn trẻ con Tây chơi với nhau rất nhiều trò nguy hiểm như lướt sóng, trượt ba tanh, nhào lộn trên không...mà phải cảm phục sự dũng cảm của chúng nó. Thầm nghĩ rằng sau này ra đời con nhà mình sẽ không thể ganh đua nổi trong xã hội, không làm được trò trống gì cho đời nếu cứ bị ảnh hưởng bởi tính nhát gan của cha mẹ thế này.
Buồn cười ở chỗ, có người còn nghĩ rằng con tàu ngầm bị nạn là vì bị ma ám bởi những người chết trong tàu Titanic. Nghĩ nhiều quá sẽ chẳng dám làm gì, còn để vươn lên cống hiến cho nhân loại thì điều không thể thiếu là những đức tính tò mò và gan dạ.

Một vụ án bí ẩn


Tối qua, đài 9 đã đưa tin về một tù nhân nổi tiếng, cô Kathleen, nay 56 tuổi vừa được ra tù sau khi bóc 20 cuốn lịch.
Hơn hai mươi năm trước, tại một vùng quê êm đềm phía bắc tiểu bang NSW đã nổ ra một vụ án, theo đó anh chồng Craig Folbigg đã kiện cô vợ Kathleen Folbigg vì tội đã lần lượt giết 4 đứa con chung của hai người trong vòng 10 năm.
Điều kỳ lạ, cả bốn đứa trẻ đều chết khi đứa lớn nhất 18 tháng, còn 3 đứa kia đều dưới 1 tuổi. Cho đến nay cũng chưa thể kết luận bốn đứa trẻ chết như thế nào và nếu bị mẹ giết thì bằng cách nào.
Bồi thẩm đoàn 5 người đã bỏ phiếu theo đó 3 phiếu kết tội còn 2 phiếu cho rằng ngộ sát, tức là không cố ý làm chết người. Úc không có án tử hình và cũng rất hiếm dùng hình phạt chung thân, quan tòa kết án cho Kathleen 40 năm tù. Về sau được cứu xét giảm xuống 30 năm.
Kathleen có tuổi thơ khá bất hạnh. Lúc mới 18 tháng tuổi, bố cô giết mẹ cô, lĩnh 15 năm tù trước khi bị trục xuất về Anh.
Tuy nhiên các bạn của Kathleen vẫn ủng hộ cô và tìm cách xin cho người bạn xấu số được ra tù sớm. Cách đây 2 năm, một thỉnh nguyện thư có chữ ký của hơn 100 nhà khoa học yêu cầu thả Kathleen.
Họ đưa ra một giả thuyết là những đứa trẻ bị chết do sự đột biến của gen di truyền và Kathleen vô tội. Mặc dù giả thiết này cũng chưa đủ chứng cứ nhưng dù sao Kathleen cũng đã được trả tự do sau 20 năm, chỉ trước sinh nhật thứ 56 hơn một tuần.
Khi được hỏi, anh chồng đã ly dị nói anh vẫn không thay đổi quan điểm cho rằng cô vợ cũ giết con và không cho biết thêm bất kỳ uẩn khúc gì trong mối quan hệ vợ chồng.
Khi đài 9 trình chiếu bữa tiệc nhỏ của Kathleen với mấy người bạn, mọi người vui vẻ
chúc mừng
cô, đôi chút nghẹn ngào nhưng không có ai khóc.

Trao đổi: Chọn nghề cho con

 

Hai cháu nhà mình đang học lớp 12 và 11, chưa đến lúc kén rể nhưng là lúc chọn nghề được rồi. Các cháu lớn rồi, ăn gì mặc gì, đầu tóc giày dép thế nào mình không quan tâm nữa nhưng nghề nghiệp là chuyện lớn thì mình rất muốn can thiệp.
Mình đã suy nghĩ rồi bàn với mẹ cháu nhưng càng nghĩ càng thấy bế tắc. Thời thế bây giờ thay đổi rất nhanh, một loạt nghề sẽ mất đi và một loạt nghề mới sẽ ra đời mà mình thì không đủ kiến thức để phán đoán chúng sẽ ra sao.
Hôm rồi, mình gặp một cô bạn kể chuyện có con học đại học mà học mãi không tốt nghiệp. Bọn trẻ bên này có khuynh hướng đang học rồi bỏ, chuyển trường và ngành khác. Chuyển vài lần luôn. Nhưng thà chuyển khi học chưa xong còn tốt hơn học xong rồi, khi đi làm thấy không hợp mới muốn thay đổi.
Con người bạn không phải thế, cháu chưa tốt nghiệp vì bận đi làm nên chuyển sang chế độ học part-time, sau khi chỉ học 1 kỳ full-time duy nhất. Nghe nói mà thấy ưng ý quá. Cách học lý tưởng là vừa học vừa chơi ở tuổi thiếu nhi và vừa học vừa làm ở tuổi trưởng thành. Người ta ví nó như chiếc bánh sandwhich, một lớp thời gian học đến một lớp thời gian làm, rồi lại học, lại làm...đan xem với nhau.
Theo kiểu cũ, học 4-5 năm sau đó đi làm 30-40 năm mà không sờ đến bài vở thì rõ ràng là lý thuyết và thực hành không gắn bó với nhau, không thể làm việc tốt được. Tệ hơn, làm không đúng với cái được học thì việc học còn vô ích.
Một điểm son của giáo dục Úc là cách tính điểm vào đại học hết sức hợp lý, không áp lực cho học sinh, không bao giờ sợ học tài thi phận. Trước hết, điểm tính theo rankings, tức là theo thứ hạng với nhiều hệ số phức tạp. Với quan niệm càng tỉ mỉ, chi tiết càng công bằng nên điểm phải tính bằng máy tính cực kỳ chính xác.
Điểm ATAR được tính bằng kết quả học tập ba năm lớp 10, 11 và 12 trung bình cộng với kỳ thi HSC. Trong khi điểm HSC cũng không chỉ là kỳ thi cuối mà lại còn có thể được chia nhỏ để thi một phần vào lớp 10 và 11. Vì thế nhiều cháu chưa thi HSC đã biết trước mình áng chừng được bao nhiều điểm và đã đủ đỗ vào các nguyện vọng hay chưa.
Đối với các cháu học khá thì để vào luật sư bác sĩ mới cần phấn đấu chứ các ngành nghề khác thì đã biết trước là đủ điểm, vấn đề là chọn ngành và trường nào mà thôi.
Ở tuổi các cháu, ý thích rất dễ thay đổi, như cháu lớn nhà mình lúc chọn ngành này, được một thời gian lại đòi sang ngành khác. Tuy nhiên, đến lúc này, cháu nhất trí với bố mẹ ở một điểm: không học double hay honor mà học cái gì có thời gian ngắn nhất với mục đích để được đi làm sớm.
Một yếu tố nữa cũng cần tính, học ít thì tiền HECS đỡ nặng, chứ tốt nghiệp xong có một khoản tiền vay đè lên người thì cũng khổ. Cũng may, hầu hết các khóa cử nhân của Úc chỉ có 3 năm.
Lý tưởng nhất, chỉ học 1 kỳ full-time rồi đi làm luôn như chị sinh viên kể trên, nhưng cái này không hề dễ. Đi làm rồi mới có thể hiểu đúng mình cần học thêm những gì. Chính phủ khuyến khích các khóa học miễn phí hoặc miễn giảm thuế cho chi phí đào tạo của các công ty.
Được công ty cử đi học là cách thăng tiến nghề nghiệp vững chắc và nhanh chóng để lên sếp và hưởng lương cao. Đời mình bỏ đi rồi, chỉ còn hy vọng con cái thôi.

Chuyện Tây nguyên, Tây bắc và giải pháp

 


Mình đã có ba lần đến với Tây nguyên. Lần đầu năm 1993 đến Đà Lạt với trải nghiệm không ngờ khi gặp thời tiết lạnh quá, cuống cả lên để đi tìm mua quần áo ấm.
Năm 2003, mình đến Tây nguyên hai lần. Vào tháng 6 đến Play Cu tình cờ vào lúc mới xảy ra cuộc bạo loạn còn lớn hơn cuộc tấn công vào hai trụ sở công an tuần trước. Vào cuối năm, sau đám cưới tụi mình tuần trăng mật ở miền Nam, ghé chơi nhà bác vợ ở Bảo Lộc hai đêm.
Đến Tây nguyên nhưng toàn ở thành phố, chưa đến các buôn làng nên chưa hiểu gì về vùng đất này. Điều kỳ lạ, vùng dân tộc thiểu số mà mình lại chủ yếu gặp những người nói giọng Nghệ An, thực sự người khu tư vào đây khá đông.
Bố mình mới là người có nhiều gắn bó với Tây bắc và khi bố ở đây (1951-1959) thì rất ít người Kinh, hầu hết là người Thái và người Mèo. Khi mới 22 tuổi, bố mình đã được bổ nhiệm làm Trưởng ty Y tế Lai Châu, tương đương với Giám đốc Sở bây giờ.
Nhưng sau đó tỉnh Lai Châu bị giải thể để thành lập Khu Tư trị Thái Mèo, sau đổi tên là Khu tự trị Tây Bắc, bố mình làm Hiệu trưởng Trường Y khoa khu tự trị. Vì sống chung với người Thái lâu năm và ham học hỏi, bố mình nói tiếng Thái khá tốt, thậm chí có thể dùng tiếng Thái để “huấn thị” với các học viên. Có lẽ đến tận bây giờ cũng rất hiếm người Kinh dùng được tiếng Thái như bố mình.
Khu tự trị Tây Bắc nằm kế bên Khu tự trị Choang và Trung Quốc vận động bà con thiểu số để sáp nhập hai khu tự trị. “Các cụ” hoảng quá nên lại phải xóa khu tự trị và tách trở lại thành tỉnh.
Theo lời bố kể mà mình còn nhớ, cuộc sống hoang dã hồi đó rất nguy hiểm, đi đâu cũng phải mang súng theo và bố đã nhiều lần suýt chết vì “Phỉ”. “Phỉ” là những nhóm người thiểu số có vũ trang, sống trong rừng sâu và luôn tìm cách tấn công người Kinh.
Đến năm 1976, trong lần đầu đi vào Nam bằng xe hơi qua đoạn Trung phần gần Tây nguyên cũng bị Fulro đe dọa. Bố mình được phát một khẩu súng lục. Sau chuyến đi, không ai thu hồi và lúc phát súng cũng chẳng có giấy tờ gì nên bố cứ thế giữ lại.
Về sau bố mình được lên chức, cấp bậc của bố được phát súng, vì thế bố có hai khẩu, đến khi về hưu mới trả lại cả hai.
====0===
Bản đồ bên dưới là lãnh thổ nước Đại Nam trước khi có Thực dân Pháp, phần màu hồng là hai vùng lãnh thổ tự trị, vua không bổ nhiệm quan cai trị mà các tù trưởng địa phương tự quản. Khi Pháp vào đã thành lập Liên bang Đông dương theo đó cắt bớt một phần lãnh thổ Việt cho Lào và Campuchia, đồng thời sáp nhập các vùng tự trị vào Việt Nam.
Theo số liệu hiện nay, dân tộc thiểu số ở Việt Nam chiếm khoảng 15% tổng dân số, rơi vào khoảng 15 triệu người, một con số không nhỏ. Người thiểu số tại Việt Nam có hai vùng chính: vùng Tây Bắc là các sắc dân có nguồn gốc “Bách Việt”, đông nhất là Thái, Mèo, Tày. Ở Tây nguyên, bà con ta đông nhất là Gia Lai, Ê đê...gần gũi và chủng tộc và ngôn ngữ với người “Nam đảo” như người đảo Torres Stait của Úc.
Một thực tế là các dấu tích và tập quán sinh hoạt của người thiểu số đang bị mai một nghiêm trọng. Người thiểu số ngày nay phải nói tiếng Kinh và quên dần đi ngôn ngữ của họ. Về đất đai, người dân tộc đang bị mất dần đi các mảnh đất cội nguồn của cha ông họ và người Kinh đã tràn vào và trở thành người đa số trong các khu vực tự trị trước đây như Tây nguyên hay Tây bắc. Trong quá khứ, từ thời nhà Nguyễn, thời Pháp, thời Việt Nam cộng hòa và thời XHCN đều có những cuộc nổi dậy chống lại người Kinh.
Ở các nước, chuyện xung đột sắc tộc cũng khá phổ biến, thậm chí còn nghiêm trọng hơn Việt Nam. Vấn đề ở chỗ các nước lớn rất ưa sử dụng con bài sắc tộc để mà cả, đổi chác và can thiệp vào các quốc gia. Họ cung cấp tài chính, vũ khí và huấn luyện cho các sắc dân thiểu số để họ chống lại chính phủ trung ương.
Thực tế là nhiều nước Châu Phi đang có rất nhiều các vùng cát cứ đặt dưới sự quản lý của các nhóm phiến loạn có vũ trang.
Để giải quyết vấn đề sắc tộc một cách lâu dài, công bằng, nhân văn và hòa bình phải chăng chúng ta nên có chính sách tôn trọng văn hóa truyền thống, đặc biệt là quyền sở hữu đất đai của người thiểu số.
Nguyện vọng tự trị cũng phải được coi là chính đáng và đó cũng là cách hầu hết các nước, kể cả Trung Quốc hay Nga vẫn còn duy trì đối với các cộng đồng thiểu số.

Nhìn lại mùa giải Châu Âu 22-23 và viễn cảnh 23-24

 

Mùa bóng 2022-2023 có thể coi là thành công của bóng đá Anh tại Châu Âu khi quê hương môn bóng tròn đã đoạt 2 trong tổng số 3 cup Châu Âu. Với việc giành cup Châu Âu, West Ham, đội bóng ngấp nghé xuống hạng sẽ vinh dự giành thêm một suất dự EUROPA cho nước Anh.
Đương nhiên vinh quang lớn nhất mới là Man city với chức vô địch Champion League, hơn thế nữa đội còn sánh ngang với đội bóng cùng thành phố Man Utd của Sir Alex sau 24 năm đoạt cú ăn ba lịch sử: vô địch quốc gia, vô địch cup quốc gia FA và vô địch Châu Âu.
Kết quả này cũng có phần “hợp lý” vì Ngoại hạng Anh là giải bóng hấp dẫn nhất hành tinh và trong số 10 đội bóng lớn nhất châu Âu (và cả thế giới) thì bóng đá Sư tử chiếm đến 6 đội, đều là các đại gia có tiềm lực tài chính khổng lồ.
Điều đáng chú ý, Man city đang ở trong quá trình điều tra của Liên đoàn bóng đá Anh về những sai phạm về tài chính, cụ thể là chi tiêu quá mức cho phép theo luật công bằng tài chính. Những vi phạm là nghiêm trọng và rõ ràng nhưng lại cần tới hai đến bốn năm để kết luận và công bố án phạt.
Chủ sở hữu Man city là hoàng gia Abu Dhabi, ở đây có sự nhập nhằng giữa tài sản cá nhân, tài sản quốc gia và của dòng họ. Người hâm mộ đang kêu gọi những biện pháp nhanh chóng hơn, chứ để sau này lại đi cách chức “nguyên vô địch” thì rất vô duyên.
Mọi người sẽ dễ dàng nói rằng nguyên nhân thành công của Man city là do họ lắm tiền. Trong 7 năm qua, kể từ khi Pep Guardiola về nắm Man xanh thì đã chi đến 1,3 tỉ USD cho việc mua sắm những cầu thủ giỏi nhất về đội. Tuy nhiên, trong trong thời gian đó, PSG của Pháp hay Chelsea cũng chi tiêu không kém, thậm chí còn nhiều hơn những kết quả chẳng có được bao nhiêu.
Trong cuộc sống, cùng một nguyên nhân cho ra những kết quả khác nhau là điều bình thường. Hình như khác biệt ở đây là vai trò của Pep, một HLV giàu thành tích bậc nhất từ trước tới nay. Sau cú ăn ba, Pep ngỏ ý sẽ không gia hạn hợp đồng với Man city để đi tìm những thử thách mới, nghĩa là ông chỉ ngồi ghế nóng thêm nhiều nhất là 2 năm nữa. Tất nhiên, người ta hiểu rằng ông thậm chí có thể ra đi sớm hơn nếu có những diễn biến kịch tính nào đó về một án phạt đang lơ lửng đối với Man city.
Một bất ngờ trong mùa bóng năm nay là đội vô địch Italia mùa trước Juventus đã bị loại khỏi các cup Châu Âu. Cũng vì vi phạm tài chính, Juventus bị tuyên phạt trừ 15 điểm, sau khi khiếu nại và được cứu xét, hình phạt được giảm xuống trừ 10 điểm. Những lùm xùm về án phạt dã ảnh hưởng đến tinh thần cầu thủ nên mùa bóng này Juventus chơi khá tệ, và bây giờ khi không được dự cup Châu Âu thì đội còn có nguy cơ mất các cầu thủ giỏi.
Tại Tây Ban Nha, Barcelona đã tỏ ra vẫn ổn trong sự thiếu vắng Messi và dễ dàng đoạt chức vô địch quốc nội với 10 điểm cách biệt so với đội nhì. Sự thất bại của Real Madrid đang làm cho chiếc ghế của HLV Ancelotti lung lay dữ dội trong bối cảnh ông HLV này mới đưa đơn ra tòa kiện đội bóng cũ Everton vì vấn đề liên quan đến thương mại.
Trong khi đó Bayern Munich đã lập một kỷ lục với chức vô địch Đức quốc lần thứ 11 liên tiếp. Nhưng có lẽ đây là chức vô địch may mắn nhất vì đến trước vòng cuối còn kém điểm Borussia Docmund và chỉ lên ngôi nhờ đội này sẩy chân.
Newscatle là một hiện tượng của mùa bóng năm nay khi bất ngờ vượt qua hàng loạt đại gia để lọt vào top 4 Ngoại hạng Anh. Với việc đoạt vé dự CL, Chích chòe đang đứng trước một viễn cảnh cực sáng đó là thâu tóm cả bộ ba Ronaldo, Messi lẫn Neymar trong mùa bóng tới khi Hoàng gia Saudi cũng là chủ sở hữu của các đội Saudi có các danh thủ này. Bằng cách “mượn”, Newscatle không mất chi phí chuyển nhượng, vẫn bảo đảm luật công bằng tài chính mà vẫn có được sự phục vụ các các huyền thoại trong mơ.
HLV Arteta đã từng nói rằng Arsenal và Man Utd sẽ là lập lại cuộc canh tranh từ thập niên 1990s như hai thế lực cạnh tranh chính của Ngoại hạng Anh trong thời gian tới. Hai bom tấn lớn nhất sắp nổ là Mbappe cho Man Utd và Rice cho Arsenal.
Vậy là ông đã bỏ qua Man city, Liverpool và cả Newscatle sao? Đó là chưa kể hai đội cùng thành London là Chelsea và Tottenham cũng không thiếu tham vọng. Một điều thú vị, sau khi đã từng “dùng chung” các HLV Mourinho và Conte thì nay Chelsea lại mướn Pochettino, người cũ của Tottenham.
Người ta thường nói người Anh là thầy của người Úc, nhưng chuyện đó xưa rồi. Đúng là đội tuyển Úc đã từng mời các thầy Anh như Venables, Hodgson nhưng nay thì lần đầu tiên đã có một người Úc làm thầy tại một đội bóng Anh, thậm chí là một đội lớn, đó là Postecoglou, tân HLV trưởng của Tottenham.

Cuộc sống độc thân ở Úc

 

Hồi thập niên 1990s, mình sống hơn 4 năm trong một ngôi nhà nhiều phòng ở Marrickville. Trong nhà có khoảng 7-8 người, tất cả đều độc thân, có trai có gái, du học sinh và người ở đây với độ tuổi từ khá trẻ cho đến hơi già.
Viết đến đây thì bao nhiêu kỷ niệm lại ùa về, một giai đoạn đẹp của cuộc đời khi được sống một cuộc sống vô tư hồn nhiên, rất giản dị, tiền bạc không có nhưng cũng không thấy cần lắm. Hôm rồi kể với bà xã là hồi đó không bao giờ mua shampoo để gội đầu, chỉ cần 1 cục xà bông vừa tắm vừa gội là đủ.
Về tiện nghi thì chung đụng tủ lạnh, máy giặt, tivi thì nhặt được một cái ở ngoài đường để cả nhà xem. Hồi đó mát hơn bây giờ hay sao mà không phòng nào có máy lạnh, đến cái quạt cũng không cần luôn. Kỳ lạ, chỉ có một toilet nên nhiều khi cánh con trai ra ngoài vườn tưới cây luôn cho nhanh.
Mỗi người có một cái nồi cơm điện, còn bếp chung có 6 cái lò đun, mỗi người một lò. Thế cũng đủ vì mỗi người hầu như chỉ nấu 1 món hoặc mua thức ăn sẵn bên ngoài.
Vào giờ nấu ăn, mọi người xúm xít quanh cái bếp, rồi lần lượt người trước người sau bê đồ ăn ra phòng khách, trong đó có một cái bàn rộng để ngồi chung. Mọi người vừa ăn vừa chia sẻ thức ăn cho nhau. Thi thoảng cuối tuần mới ăn chung.
Lúc đó club RSL chưa bị dỡ nên đó là địa điểm ưa thích đi chơi tối của cả nhà. Có điều không bao giờ dắt díu rủ nhau cùng đi theo kiểu Việt Nam mà người xong trước đi trước, không ai phải chờ ai, đỡ phiền hà, ra đó rồi cũng gặp nhau thôi.
Nếu bạn chưa nghiện club hay còn gọi là hộp đêm nghĩa là bạn chưa hòa nhập với cuộc sống Úc. Ở đó có muôn vàn trò vui: showtimes, các trò chơi, đánh máy bạc, bia rượu, dancing và những cuộc tình một đêm. Riêng mình thì mình chôn chân ở sân khấu chính để coi hát, hàng tuần còn có 2-3 buổi diễn topless.
Vì có “yếu tố” gái nên đúng ra có một cặp đôi. Ban đầu mỗi người một phòng nhưng về sau hai anh chị dồn vào một phòng cho đỡ tốn tiền. Như mọi phụ nữ trên thế gian, cô ấy tên L, tạm gọi là L1, câu chuyện trở nên ồn ào khi L2 xuất hiện.
Một hôm L2 đến bất thình lình, vì là người quen nên được mở cổng để vào. Lúc đó L1 đang ở trong phòng với anh C, mọi người trợn tròn mắt khi L2 không gõ cửa mà mở thẳng cửa đi vào, rồi đóng cửa lại.
Một lúc sau, tiếng cãi vã phát va, một lúc nữa là cao trào mang dao kéo ra dọa nhau hết cả hồn, vui đáo để. Sau cơn dông tố mọi chuyện lại đâu vào đấy vì khi ta độc thân thì chẳng có vấn đề gì là ghê gớm cả.
Độc thân nghĩa là no dồn đói góp, khi nằm chổng c. chẳng ma nào thèm rờ, còn có lúc vài ba em cùng “khều”. Bạn thích một dòng sông phẳng lặng êm ả hay những cơn bão tố sóng cuồn cuộn?
Để ý một điều, người Việt tại Úc có tỉ lệ sống độc thân cao hơn hẳn so với trong nước. Trai gái ngày xưa mỗi khi nhìn thấy nhau thì mắt tròn mắt dẹt, nhỡ chạm tay vào nhau thì tóe lửa như điện giật. Bọn trẻ bây giờ có vẻ thờ ơ với nhau quá!
Mình biết có một đôi vợ chồng trước khi lấy nhau thì hai gia đình hai bên đã phải dồn ép cật lực, nếu không sẽ không thể có cuộc hôn nhân hạnh phúc đó.
Khi sang Úc, mọi giá trị bị đảo lộn, những điều bạn thờ phụng thì nay lại thấy tầm thường hoặc ngược lại, vì thế vợ chồng dễ có những hướng ngã khác biệt trong suy nghĩ và không còn đồng cảm với nhau nữa, đó là một lý do để ly dị.
Ở Việt Nam, kể cả chuyện tày trời như ngoại tình vẫn có thể chín bỏ làm mười vì ảnh hưởng của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp nhưng lại là những chuyện bên Tây không thể chấp nhận và cũng không có ai khuyên can, giải hòa cả.
Có người có đến hai vợ hoặc hai chồng nhưng sự thật phũ phàng vẫn là chăn đơn gối chiếc, đó là cảnh lấy vợ giả hoặc chồng giả, còn người thật vẫn còn kẹt ở trong nước. Những trường hợp thế không ít mà là nhiều...
(còn nữa)

Cuộc sống độc thân ở Úc (P2)
Khi chúng ta độc thân thì chắc hẳn sẽ thành thạo hoặc biết chút ít về đồ chơi người lớn. Tuy nhiên ngay cả búp bê tình dục vẫn chưa thể phổ biến vì những bất cập của nó, xinh đẹp thì có nhưng lại thiếu hẳn cảm xúc.
Nhưng anh chị em ta đừng lo, với sự phát triển của AI, chỉ trong thời gian ngắn nữa sẽ có những “người” như thật, thậm chí thông minh hơn, nói được vài ngôn ngữ theo lập trình, biết ứng xử làm vui lòng mọi người. Những Jenny, Fiona...rất dịu dàng, nồng nàn, không phải lo nằm như khúc gỗ và đặc biệt không bao giờ cằn nhằn than vãn các quý ông.
Thôi cứ đợi, còn bây giờ là thì hiện tại, phải nói cuộc sống độc thân rất vất vả. Mình là người lấy vợ muộn nên đã nếm trải cuộc sống độc thân như thế nào, đặc biệt là có thể so sánh giữa hai cảm giác một mình và có gia đình.
Ở bên Úc đến tỉ phú cũng không dùng osin, nghĩa là bạn phải lo toan tất cả mọi thứ từ đi cầy như trâu như chó, cơm nước, đưa đón con, bên cạnh đó là áp lực tiền bạc do giá cả rất đắt đỏ. Có hai mình cũng còn khốn đốn huống chi là chỉ có một.
Thực tế cho thấy con cái bây giờ làm chúng ta nhức đầu rất nhiều và để đối phó với chúng, chắc chắn cha mẹ kẻ tung người hứng sẽ đỡ hơn đơn độc một mình.
Bố mẹ bạn con gái mình nhà rất giàu có nhưng mới chia tay nhau. Tụi Tây ly dị không có gì lạ, nhưng mình để ý một điều hình như họ chờ con cái lớn một chút mới chính thức tan đàn sẻ nghé. Nghe chuyện người ta mà mình cũng cảm thấy buồn, thôi thì không thể hạnh phúc được thì cũng nên giải thoát cho nhau và còn hơn sống hai mặt giả dối với nhau.
Bên Úc có quy định, khi ly hôn, con cái vẫn được gặp cả cha lẫn mẹ, chẳng hạn chỉ ở với mẹ 5 ngày trong tuần, còn 2 ngày cuối tuần thì ở với bố. Nếu con còn bé thì phải mang đi “trao trả tù binh’ gặp nhau hằng tuần, biết đâu chạm trán cả bạn trai hay bạn gái mới thì cũng phiền nên khi con đã lớn có thể tự đi lại thì tiện hơn.
Tây hay ta thì cũng đều có một cuộc chiến ngầm để tranh giành tình cảm của con cái và kết quả là các con xa lánh cả cha lẫn mẹ. Mình không rõ khi vào đời sớm thì có dễ thành công hơn hay không, có điều bọn trẻ dễ yêu đương sớm vì thiếu thốn tình cảm gia đình.
Nhìn những cha mẹ đơn thân đôi khi mình nghĩ giá mà đừng ly hôn thì tốt hơn, bởi vì chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Ở vậy đến hết đời, hoặc đi bước nữa cũng rất khó tìm được người phù hợp.
Rất có thể những người trong cuộc nghĩ khác. Vì còn trách nhiệm với con, họ không thể sống một cách bệ rạc, sa đọa mà ngược lại còn mạnh mẽ hơn. Ví dụ nhiều phụ nữ Việt Nam không lái xe ở Úc, nhưng nếu đơn thân thì hầu như đều lái. Họ còn biết làm nhiều việc của đàn ông nữa như sửa điện nước, quét sơn nhà...rất đáng cảm phục.
Một anh bạn độc thân cho mình xem mấy trang mạng hẹn hò rất hấp dẫn, đủ thể loại Úc có, Việt Nam có. Công nhận, thời buổi từ khi có mạng mọi thứ đều kết nối dễ dàng hơn, thảo nào các anh các chị vẫn cứ cười tươi yêu đời lắm.

Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2023

Mùa thu đã hết

 


Vị trí độc tôn của đông Đô la Mỹ chưa kết thúc

 

Địa vị độc tôn của đồng Đô la Mỹ đang làm các nước chống Mỹ hết sức nóng mắt. Tổ chức các nền kinh tế mới nổi BRICS hiện tại gồm 5 nước hiện chiếm 80% dân số toàn cầu sẽ kết nạp thêm thành viên mới trong hội nghị thượng đỉnh tháng 8 tới đây để gia tăng vị thế và nhiệm vụ quan trọng là làm sao hạ bệ được đồng Đô la.
Đây không phải lần đầu tiên đồng Đô la bị đe dọa sự thống soái trong rổ tiền tệ của thế giới mà đã có ít nhất hai lần bị thách thức trong quá khứ.
Trong thời gian chiến tranh lạnh của “hai phe bốn mâu thuẫn”, Hội đồng tương trợ kinh tế (viết tắt là SEV) được thành lập vào năm 1949 với các nước thành viên thuộc các nước XHCN ở Châu Âu, về sau mở rộng thêm Cu Ba (từ 1972) và Việt Nam (từ 1978).
Đương nhiên, khối SEV không sử dụng tiền của bọn tư bản mà vật trao đổi ngang giá trong các Nghị định thư hàng đổi hàng giữa các chính phủ cộng sản là đồng tiền Rúp của Nga Sô. Theo danh nghĩa, 1 Rúp có trị giá tương đương với 1 Đô Mỹ, nhưng trên thực tế thị trường sức mua của nó chỉ bằng 1/10.
Sự tương trợ kinh tế của hệ thống XHCN không hiệu quả, kinh tế của các nước thành viên ngày càng lụi bại dẫn đến kết cuộc Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, còn SEV chính thức giải thể vào năm 1991.
Vào ngày tháng đầu năm 1999, đồng Euro chính thức ra đời với những tham vọng lớn lao. Tổng cộng GDP của các nước tham gia Liên minh kinh tế và tiền tệ lớn hơn quy mô của Kinh tế Mỹ.
Những người đi buôn Việt Nam thích tích trữ tiền giấy 500 Euro vì nó bé hơn tờ 100 đô mà còn có trị giá cao gấp gần 7 lần. Chắc đây không phải ngẫu nhiên mà những người làm tiền đã tính như thế để khuyến khích sự dự trữ bằng đồng Euro.
Mọi người còn nhớ, chúng khoán và các mặt hàng lớn trên thị trường quốc tế không chỉ được định giá bằng Đô la mà bên cạnh đó có thêm trị giá bằng Euro. Tuy nhiên, giới tài phiệt dần dần nhận ra rằng đồng Euro chẳng có phép màu nhiệm nào cả, trái lại nhưng nước tham gia đồng tiền chung còn rơi vào cảnh suy thoái kinh tế không có lối thoát.
Nước Anh đã “tỉnh đòn” không tham gia vào đồng tiền Euro nhưng khi họ rút khỏi khối thị trường chung EU thì đây là một đòn giáng mạnh vào uy tín và vị thế của EU với tư cách là nòng cốt cho các nước sử dụng đồng Euro.
Trong khi đó, “nội lực” của đồng Đô la cũng rất đáng ngờ. Năm 1973, tổng thống Nixon tuyên bố xóa bỏ chế độ bản vị vàng, nghĩa là đồng tiền Mỹ không còn được bảo đảm bằng vàng như trước.
Trong các giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008-2009 và giai đoạn dịch bệnh Covid, với chiêu bài quantitative easing (nới lỏng định lượng), Đô Mỹ đã được in thêm vô tội vạ. Thành ra để giải quyết khó khăn kinh tế, không cần phải thắt lưng buộc bụng như trước đây mà chính phủ Mỹ có một cách đơn giản hơn nhiều: chỉ cần in thêm tiền để tiêu.
Mỹ in thêm tiền nhưng cả thế giới cùng chịu trận vì hầu hết các nước đều dùng Đô la Mỹ như ngoại tệ dự trữ chủ yếu. Nhưng nay thì gió lại xoay chiều, Mỹ không in thêm tiền mà tăng lãi suất để kéo tiền về Mỹ, điều này sẽ làm cho các nước thiếu vốn sản xuất kinh doanh và dẫn để tình trạng suy thoái kinh tế.
Có lẽ thế giới cần đoàn kết lại để chống lại sự lũng đoạn của Mỹ và BRICS phải làm điều gì đó?
BRICS ra đời năm 2001, với các thành viên có nhiều khác biệt về ý thức hệ cũng như về màu da. Đó là lý do 5 nước này không thể coi là “đồng minh” của nhau, bất quá chỉ là liên minh về kinh tế. Tuy nhiên, ngay cả trong lĩnh vực kinh tế thương mại, BRICS cũng chưa bao giờ tỏ ra nguy hiểm, đủ sức đe dọa Mỹ và Phương Tây.
Nay thì có nhiều đồn đoán có đến 25 nước “muốn” gia nhập BRICS. Trong số đó, có thể kể đến các nước lớn, có máu mặt như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Saudi, Iran và Mexico.
Thổ vừa trải qua một cuộc bầu cử tổng thống theo đó ông Erdogan tiếp tục giữ được quyền lực với tỉ lệ phiếu thắng sát sao là 52%. Điều mà Erdogan có thể nhận ra là lần đầu tiên trong hơn 20 năm, phe đối lập ở Thổ đã có được sự liên kết chặt chẽ và lực lượng chống đối ông đã lớn mạnh hơn trước rất nhiều.
Điều quan tâm trước mắt của tổng thống Thổ có lẽ là vấn đề đối nội hơn là chuyện đột phá về đối ngoại. Nộp đơn xin gia nhập BRICS cũng đồng nghĩa với việc cánh cửa hy vọng để vào EU cũng khép lại, điều sẽ làm dân chúng dễ bị nổi giận.
Các nước Ai Cập, Saudi, Iran hiện mới ở dạng “tiềm năng” cho một suất BRICS chứ chưa có động thái nào cụ thể. Riêng Mexico là nước duy nhất có đơn chính thức xin vào BRICS. Mexico may mắn được tham gia hiệp định NAFTA nên được hưởng lợi quá nhiều từ nguồn thu xuất khẩu bằng đồng Đô la cho thấy nước này nếu vào BRICS thì cũng không bao giờ dám chống lại đồng Đô Mỹ.
Một vấn đề nữa là BRICS sẽ lấy đồng tiền nào để làm đối trọng với Đô la? Trung Quốc là nước lớn mạnh nhất trong BRICS nhưng dùng nhân dân tệ có vẻ không ổn, còn lập ra một đồng tiền mới xem ra vẫn còn xa vời.
Sức mạnh Đồng Đô la có nguồn gốc từ sự vượt trội về kinh tế, quân sự và kỹ thuật của Mỹ. Bên cạnh đó là sự hấp dẫn của quyền lực mềm, các giá trị tự do dân chủ đã thu hút các nhân tài lớn của thế giới, đúng như câu nói: mọi người đều chửi Mỹ và mọi người đều muốn sang Mỹ.

Trao đổi: Thiết lập công cụ ứng xử với con cái

 

Trước đây những người làm cha làm mẹ không cần tìm công cụ nào cả vì nó đã có sẵn, đúng là gọi là “vũ khí”: đó là cái roi. “Mày không nghe lời tao thì tao đánh cho mày chết”, đó là cách dạy con của hàng trăm năm hay hàng ngàn năm, bên phương Đông cũng như phương Tây.
Thời xưa, người dân phải đầu tắt mặt tối lo miếng ăn đút vào mồm, hơi đâu mà lo dạy con (tức là mất dậy). Sinh ra mười đứa mà nuôi được bẩy đứa là mừng rồi. Trời sinh voi thì trời sinh cỏ, từ tấm bé đã phải lo đi mót lúa hoặc đi đánh rậm chứ nhiều khi cha mẹ nuôi không nổi.
Trong các gia đình phong lưu mới có cái gọi là “gia giáo nề nếp”, phú quý sinh lễ nghĩa, khi có của ăn của để và có thời gian thì mới lo đến chuyện dậy con. Có điều công cụ truyền thống vẫn là cái roi.
Điều rất “buồn” là bây giờ chúng ta không được phép đánh trẻ em với bất kỳ lý do gì. Thế hế hệ con cháu sẽ sống một cuộc sống khác hẳn với chúng ta. Trong kỷ nguyên AI, không chỉ chỉ là cuộc cạnh tranh người với người mà là cuộc cạnh tranh việc làm giữa người với người máy, cùng lúc hàng loạt ngành nghề đang mất đi là vô số ngành nghề mới ra đời.
Bên cạnh sự phát triển của kỹ thuật là mối quan hệ xã hội cũng thay đổi, con người cần được tôn trọng và bảo vệ về thân thể, tài sản và danh dự, mọi người đều có quyền bình đẳng, không được phép áp đặt, áp bức.
Về mặt pháp lý, cha mẹ có quyền hạn và trách nhiệm chăm sóc con, nhưng thực sự là mình cảm thấy rất lúng túng không biết ứng xử với con cái ra sao. Rất nhiều việc bảo chúng không nghe, rất bực bội, đôi khi phải tự hỏi mình có gì sai không?
Không, những điều mình nói đều đúng đấy chứ: mùa lạnh phải mặc ấm, nếu không sẽ bị ốm. Cần tập luyện thể dục thể thao cho khỏe mạnh. Không nên thức khuya hoặc dùng đồ điện tử quá nhiều. Mẹ cháu còn nhắc con gái thì nên ăn mặc kín đáo, lịch sự. Những điều đó có cần thiết không và liệu có lỗi thời không?
Cứ như ngày xưa, đánh cho một trận là giải quyết tất cả nhanh gọn, nhưng bao giờ cho đến ngày xưa...
Mình để ý một điều là trẻ em châu Á sinh trưởng ở xã hội phương Tây như xã hội Úc có khuynh hướng xung đột với cha mẹ nhiều hơn so với việc nếu chúng sống ở Việt Nam, hoặc so với các gia đình người Tây. Cũng dễ hiểu, trẻ tân thời không thể chấp nhận lối giáo dục khắc nghiệt cũ kỹ và vì thế khi chúng lớn thì dễ xa lánh cha mẹ.
Lại phải khen Tây, cái gì họ cũng hơn và luôn luôn đi trước chúng ta. Hồi trước mình đi cháu đến một nhà bạn Tây chơi thì mới biết nhà bạn có luật không được dùng ipad, iphone sau 6 giờ chiều. Có lẽ đó là lý do tại sao trẻ con tây không bị cận thị nhiều như trẻ con Việt Nam.
Mình đọc sách, họ khuyên nên thiết lập rules, và đó là cơ sở để hướng con mình vào nề nếp kỷ luật. Sẽ có người nghĩ rằng chúng ta đưa ra quy định rồi bắt con thực hiện? Xin thưa, nếu thế thì không phải là luật mà là vừa đá bóng vừa thổi còi.
Rules nghĩa là các bên cùng tham gia thảo luận để đi đến khế ước với nhau. Thế hệ mình không có tư duy pháp lý, nhưng bọn trẻ thì khác, đối với chúng “by the laws”, cha mẹ có quyền khi con chưa đủ 18 tuổi là một cách nói để chúng phải chấp nhận các điều khoản thỏa thuận. Mục đích của luật không phải để trừng phạt mà là giáo dục, làm sao để bọn trẻ từng bước tự giác và sống có trách nhiệm.
Tụi trẻ thừa sức hiểu những điều cha mẹ nói là đúng nhưng chúng không nghe vì muốn thể hiện cái tôi. Một bản thỏa thuận bằng miệng hoặc viết giấy là một giải pháp giữ thể diện cho cả hai mà không bên nào cảm thấy "thiệt thòi".
Chẳng hạn, mỗi năm vào dịp sinh nhật hay năm mới thì “rules” sẽ được đưa ra bàn thảo và sửa đổi theo hướng “con lớn rồi thì việc này con được tự ý quyết”.
Cái khó nữa là làm sao chúng ta có cơ hội nói chuyện với chúng nó? Mình thì nghĩ là vào dịp bữa ăn tối, đó là cơ hội có thể coi là duy nhất trong ngày, mọi người cần dành thời gian và ngồi đúng giờ với nhau.

Cuộc phiêu lưu nhiều bốc đồng và đầy tiếc nuối của Arsenal

 

Đêm nay Ngoại hạng Anh sẽ hạ màn, theo đó đội bóng giữ vị trí đầu bảng trong 32 trong số 38 vòng đấu đã không thể lên ngôi. Đây là điều mà nhiều năm sau mọi người vẫn phải nhớ tới mùa giải này như là một sự vô thường trong bóng đá.
Nói về nuối tiếc, vẫn chưa bằng Borussia Dortmund trước Bayern Munich đêm qua và Man đỏ thua Man xanh mùa 2012-2013 cũng vòng cuối mà còn bằng điểm, chỉ vì chỉ số phụ.
Sự thực Arsenal đã có những tiến bộ rất lớn trong mùa bóng năm nay. Sau khi thua trận thứ 7 trong 9 trận cầm quân, HLV Lampard của Chelsea đã phải thốt lên rằng, khi mà các cầu thủ thiếu tinh thần thi đấu thì mọi chiến thuật đều là vô ích.
HLV không phải là người vẽ ra chiến thuật mà công việc chính là làm sao “truyền lửa” được cho các cầu thủ của mình. Dưới góc nhìn đó có thể thấy HLV Arteta đã làm rất tốt.
Đội hình của Arsenal năm nay nổi bật ở sức trẻ đầy nhiệt huyết, tất cả các ông lớn của PL, ngoại trừ Man city, đều nếm mùi thất bại tâm phục khẩu phục trước những trận cuồng phong của pháo thủ. Trẻ hóa đội hình không bao giờ là việc dễ dàng, thử nhìn sang Southampton, cũng có đội hình trẻ như Arsenal nhưng đã phải đau đớn xuống hạng.
Để có được tập thể đoàn kết gắn bó, Arteta đã phải mạnh tay “trảm” đẹp hàng loạt công thần như Ozil, Auba, Laca, Monreal, Bellerin, Leno...Đội hình hiện nay của Arsenal chỉ còn hai cầu thủ bước sang tuổi băm là Eleny và Xhaka. Điều thú vị cầu thủ người Ai Cập Eleny hiện là đồng đội cũ duy nhất còn sót lại của “sếp”, hai người chỉ chơi với nhau trong nửa cuối của mùa bóng 2015-2016, trước khi Arteta giải nghệ.
Bộ khung của đội hình chính đã hình thành từ mùa giải trước 2021-2022, sang năm này chỉ bổ sung hai tân binh Zinchenko và Jesus, cộng thêm cầu thủ trẻ đang lên chân Saliba. Hiệu ứng của bộ ba này là rõ rệt khi đã đưa Arsenal lên một tầm cao mới còn khi họ bị chấn thương thì Arsenal cũng sa sút thấy rõ.
Với đội hình xuất phát cơ bản 4-3-3, nhưng trên thực địa, Arsenal chơi như 3-5-2 khi Zinchenko thường xuyên dâng cao, còn Jesus lại lùi sâu. Với quân số áp đảo ở trung tuyến nên điều dễ thấy là Arsenal là đội thường làm chủ cuộc chơi và liên tục dồn ép đối phương, ghi được số bàn thắng kỷ lục.
Rồi thì chiếc đĩa bạc đã bị tuột khỏi tay vào mấy vòng đấu cuối, Arteta lý giải nguyên nhân: khi bạn bước vào tháng 4 và tháng 5, bạn cần có đủ 24 cầu thủ sung sức trong đội hình, và đây là điều mà Arsenal đã không có.
Công bằng mà nói, Arteta có lỗi trong chuyện này khi ông không chịu xoay tua đội hình, dẫn đến tình trạng đến cuối giải thì các trụ cột hoặc chấn thương (Saliba, Zinchenko), hoặc đuối sức như Saka, Xhaka, Partey. Còn đối với Jesus, sau hơn 3 tháng nghỉ chơi, anh đã không thể lấy lại phong độ cũ.
Mặt khác, các cầu thủ dự bị, dù là những người đã có kinh nghiệm và danh tiếng như Tierney, Holding, Tomiyasu, Smith Rowe...do bị bỏ quên quá lâu, họ bị cảm giác không được tin tưởng, do đó không có được sự tự tin mỗi khi vào sân.
Dù sao Arsenal đã trở lại với Champion League lần đầu tiên sau 6 năm dài chờ đợi. Theo cơ cấu mới của mùa giải năm sau, PL sẽ có 5 đại diện cho nên việc giành vé đi CL sẽ là chuyện nhỏ, điều mà người hâm mộ quan tâm là chức vô địch kia.
Một điều dễ thấy là hàng tấn công của Arsenal thiếu hẳn cầu thủ có tầm vóc và giỏi đánh đầu. HLV Arteta phải đưa ra giải pháp tình thế là để Xhaka dâng cao, nhưng Xhaka sẽ chia tay đội vào mùa hè để nhường chỗ cho các cầu thủ trẻ hơn. Mùa chuyển nhượng năm nay sẽ rất bận rộn đối với Arsenal trong việc chiêu dụ thêm nhiều tài năng mới cho một phiên bản mới của pháo thủ.

Con đường vòng quanh thế giới nhanh và rẻ nhất

 

Có lần một cậu trai hỏi mình: tại sao cùng quãng đường, bay từ Sydney đến Perth mất 5 giờ 5 phút, còn từ Perth đi Sydney chỉ mất 4 giờ 10 phút? Không lẽ bảo cậu ấy đi học lại môn vật lý lớp 6. Một học sinh lớp 6 cũng biết rằng trái đất không đứng yên mà nó tự quay, mỗi vòng hết 23 giờ 56 phút và 4 giây. Lý do này dẫn đến hiện tượng “jet streams”, cụ thể bay từ tây sang đông sẽ nhanh hơn từ đông sang tây xấp xỉ 20% thời gian. Thời gian bay nhanh hơn cũng dẫn đến giá vé máy bay rẻ hơn.
Chu vi trái đất qua đường xích đạo là 40 075km, nhưng theo quy tắc FAI, quý bạn sẽ được công nhận bay vòng quanh thế giới nếu đường đi không ngắn hơn chí tuyến mùa hạ ở vĩ độ 23 dài 36 788km (lấy tròn số), đồng thời qua đủ các kinh tuyến rồi trở về điểm xuất phát.
Giả sử quý bạn xuất phát từ Sydney mà bay đủ cả vòng theo vĩ độ khoảng -33 của thành phố này thì sẽ không đủ độ dài nói trên vì chí tuyến mùa đông (cho nam bán cầu, độ dài tương đương chí tuyến mùa hè). Nhưng đừng lo vì trong thực tế không có đường bay nào thẳng tắp theo vĩ tuyến như vậy, bạn chỉ cần bay zích zắc một chút, miễn có điểm dừng vượt trên vĩ độ -23 của chí tuyến mùa đông là sẽ đủ độ dài của đường vòng quanh thế giới. Dĩ nhiên, để tiết kiệm thời gian và tiền bạc, bạn cần bay theo hướng tây sang đông như nói ở trên.
Để chuẩn bị về hưu khi đủ 67 tuổi (I can’t wait), mình đã thử thiết kế một chuyến đi vòng quanh thế giới như sau:
Bay 1: Sydney - Santiago (Chi Lê) vượt Thái Bình dương mất 12 giờ 20 phút.
Bay 2: Buenos Aires (Acgentina) – Luanda (Angola) vượt Đại tây dương mất 11 giờ 40 phút.
Bay 3: Johannesburg (Nam Phi) – Sydney vượt Ấn Độ dương tính 11 giờ 45 phút.
Từ Santiago đi Buenos Aires có xe lửa dài 942km, nhưng trước khi đến quê hương của Maradona và Messi thì mình muốn lòng vòng chút, như lượn đường bộ qua Bolivia chẳng hạn.
Có một lý do mà mọi người không để ý, trong 10 năm tới bộ ba Bolivia, Chi Lê và Agentina sẽ có những bước tiến đặc biệt vì đây là ba nước có trữ lượng lithium lớn nhất thế giới. Lúc đó xe chạy điện sẽ đánh bạt xe chạy xăng và dầu lửa không còn quý giá như bây giờ để nhường bước cho lithium. Trung đông đã phát triển nhanh mạnh nhờ dầu lửa thì đến lượt Nam Mỹ, với nguồn tài nguyên quý giá mới họ cũng có thể làm như vậy.
Có điều đi thủ đô La paz thì hơi xa nên chỉ cần ghé qua một thành phố nhỏ ở phía Nam gần biên giới như Tarija cũng đủ thú vị rồi. Bolivia ít dân, đa số thuộc chủng tộc da đỏ, còn khá hoang sơ cho một sự thay da đổi thịt.
Mình đã từng đến Johannesberg vào năm 2010, chỉ là ngắn ngày nên chưa được khám phá mảnh đất này. Điều háo hức hơn là đến với Luanda, thuộc xứ nhiệt đới vì nằm trên vĩ tuyến -23, nơi có cộng đồng người Việt đông nhất tại Châu Phi, khoảng 10 000 người.
Chắc chắn, mình sẽ có nhiều ngày đi trên đất châu Phi bằng đường bộ, trên đường hành quân từ Angola đi Nam Phi, có điều đi qua Namibia có vẻ như là vùng đất có nhiều bất trắc, thiếu an toàn thì mình sẽ chọn Botswana, khó quá thì đành chơi máy bay vậy.
Quý bạn xuất phát từ Hà Nội, vĩ độ 21 thì không cần đi qua xích đạo để xuống Nam bán cầu cho mất thời gian. Vẫn theo hướng tây – đông, bạn đi các địa điểm có vĩ độ tương đương như Đài Bắc, từ Đài Bắc có bay thẳng đi Hawaii, kế tiếp Mexico, Lisbon, Dubai rồi trở về Hà Nội, tất cả đều bằng máy bay, cũng không tệ?

Thực hiện kế hoạch ngân sách là cơ hội thực thi dân chủ

 

Như thông lệ, vào tối thứ ba đầu tiên của tháng 5, Tổng trưởng kinh tế Úc Jim Chalmers đã trình bày kế hoạch ngân sách cho năm tài khóa mới 2023-2024. Kế hoạch này sẽ còn phải thông qua tại Quốc hội, trước khi được thực thi. Đáng chú ý, cách phê chuẩn không phải làm “cả cục” cho xong chuyện mà sẽ được phe đối lập và báo chí mổ xẻ một cách chi tiết, không loại trừ khả năng đến năm tài khóa mới bắt đầu từ 1/7 một số khoản mục vẫn chưa được duyệt.
Đây là bản ngân sách năm thứ hai của chính phủ Lao động sau một chu kỳ cầm quyền ba nhiệm kỳ 9 năm của phe Liên đảng Tự do quốc gia. “Tân quan, tân chính sách”, chính phủ mới chắc chắn phải có những thay đổi mang tính bước ngoặt, dựa trên những quan niệm và nguyên lý khác biệt so với chính phủ cũ.
Trong bóng đá, điều gì làm nên những tài năng kiệt xuất làm say mê lòng người? Đó là những cuộc cọ sát đỉnh cao, một môi trường cạnh tranh quyết liệt. Mình tin rằng điều đó cũng đúng trong chính trị, chỉ có những phản biện, đấu tranh không khoan nhượng theo chiều hướng dân chủ mới có thể tìm ra những giải pháp hợp lý nhất cho việc điều hành xã hội, cùng lúc là tìm ra được những nhân tài được mọi người thừa nhận và thải loại những người không phù hợp.
Các cầu thủ có các đội thì các chính khách cũng sinh hoạt phe đảng, theo các trường phái triết lý khác nhau như khuynh tả hay khuynh hữu, bảo thủ hay tự do. Ở Úc, đảng Lao động ưu tiên an sinh xã hội trong khi Liên đảng chú trọng phát triển kinh tế.
Tuy nhiên đối ngoại là lĩnh vực mà hai phe ít có sự đối chọi chống đối nhau. Chính phủ của ông Albanese hoàn toàn tôn trọng thỏa thuận về tàu ngầm hạt nhân mà chính phủ tiền nhiệm của ông Morrison đã ký với Mỹ và Anh. Trong khi báo chí Úc đã bắt đầu “thả thính” để chuẩn bị cho những cải cách sâu rộng về lĩnh vực di trú.
Trở về với Kế hoạch kinh tài, Tổng trưởng Chalmers cho hay sau 15 năm, năm nay là năm đầu tiên ngân sách Úc có thạng dự, vì lý do các mặt hàng xuất khẩu lớn của Úc tăng giá mạnh như quặng sắt, than đá và khí lỏng.
Tuy nhiên với truyền thống chi mạnh tay của đảng Lao động, ngân sách 2023-2024 sẽ lại thâm hụt trở lại. Cụ thể, Chính phủ dự định chi $42,9 tỉ cho quốc phòng, $48,3 tỉ cho giáo dục, $106,5 tỉ cho y tế, $250,3 tỉ cho an sinh xã hội...
Lãnh thổ Úc rộng bao la nhưng có lẽ nhờ coi Mỹ là “hòn đá tảng” trong chính sách đối ngoại mà tiết kiệm được ngân sách quốc phòng, dành tiền làm phúc lợi cho dân.
Năm tài chính hiện tại chưa kết thúc nên chưa biết chi cho giáo dục bao nhiêu nhưng ắt hẳn ngân sách mới có sự gia tăng đáng kể. Giáo dục Úc đang có những chỉ trích về sự tụt hậu chất lượng, trong khi chi phí giáo dục tăng cao, đặc biệt là đối với du học sinh và tình trạng này kéo dài thì Úc sẽ không còn là điểm đến hấp dẫn đối với sinh viên quốc tế.
Tổng trưởng Y tế coi việc tăng ngân sách y tế lần này là lần “tăng mạnh nhất trong 40 năm qua”. Với ngân sách mới cho medicare, những người đi khám bệnh sẽ không còn lo phải trả thêm phụ phí cho các bác sĩ gia đình.
An sinh xã hội là những khoản trợ cấp cho người già, trẻ em, cha mẹ nuôi con, người tàn tật, người thất nghiệp... đã lên đến con số kỷ lục từ trước đến nay. Tiền thất nghiệp hầu như không tăng trong 40 năm qua thì nay sẽ được tăng thêm $40/ mỗi hai tuần, riêng người trên 55 tuổi được $92,10 để được nhận $745.2/ 2 tuần, chưa kể phụ cấp nhà và điện nước.
Cha mẹ nuôi con cũng được tăng trợ cấp, đồng thời độ tuổi ăn tiền này cũng thay đổi từ đứa nhỏ nhất 8 tuổi tăng thành 14 tuổi. Nhân viên chăm sóc người già được tăng lương 15%, là tin vui cho 250.000 người lao động trong ngành.
Ở chiều ngược lại, mức thuế thu nhập cá nhân lại có sự giảm thiểu có lợi cho người đi làm, chính phủ còn giảm thêm thuế nếu người có thu nhập cao muốn đóng thêm tiền vào quỹ hưu bổng.
Chính phủ dự trù, lãi suất cơ bản của ngân hàng dự trữ giữ ở mức 3.85% trong năm tài khóa tới, mức thất nghiệp là 4.25% (cao hơn mức hiện tại là 3.5%), lạm phát chỉ có 3.25%, đều là các con số “lý tưởng”. Do đó, “bầu trời thế giới u ám” nhưng chỉ có Úc mới chói lòa?