Thứ Ba, 18 tháng 12, 2018

Nhà thờ ở Orange


LÀM THẾ NÀO ĐỂ GHI BÀN


Khi ra sân, những người trong cuộc như HLV hay cầu thủ không quá chú trọng đến việc ghi bàn, mà họ muốn thi đấu tốt (good performance) và control the games. Áp đặt lối chơi theo ý của mình cũng không hẳn là sở hữu bóng (possession) nhiều hơn. Khi gặp đối thủ mạnh, thậm chí có thể áp dụng chiến thuật “nhường sân”, cho phép đội bạn tấn công nhiều hơn.

Tuy nhiên, các đội bóng và cầu thủ hiểu mong mỏi của những người xem đó là chiến thắng và những bàn thắng. Những khán giả thường xuyên của bóng đá đều biết chấp nhận rằng đội nhà không thể luôn luôn chiến thắng, luôn luôn vô địch, vì nó phụ thuộc vào tương quan lực lượng, nhưng họ vẫn cần những bàn thắng để chiêm ngưỡng. Điều đó đặt ra “trách nhiệm” của các đội bóng và cầu thủ là phải ghi bàn.

Những ngôi sao tấn công thường được chú ý và nổi bật hơn những cầu thủ chơi ở vị trí phòng ngự. Họ phải có những phẩm chất cao về kỹ chiến thuật để mang lại bàn thắng.

Thứ nhất, khả năng tạo đột biến. Để phá vỡ hệ thống phòng ngự của đối phương, tất yếu phải có yếu tố bất ngờ và sự sáng tạo. Ở đây là vai trò của cầu thủ được coi là nhạc trưởng của đội, người được coi là có tầm nhìn, điều chỉnh được nhịp độ lúc nhanh lúc chậm và tìm ra được “lỗ hổng” của đội bạn.

Thứ hai, có chiến thuật và các “miếng đánh”. Tấn công theo kiểu “vô chiêu” và cầu may thì rất khó mang lại bàn thắng. Trong tập luyện, các cầu thủ đã trải qua những công thức cơ bản như hai đánh hai, ba đánh ba hay bốn đánh bốn, chồng biên, không chiến, tình huống cố định...

Thứ ba, tạo được khoảng trống. Ai đã từng xem Maradona thi đấu đều rất ấn tượng với khả năng cầm giữ bóng, mỗi khi huyền thoại này có bóng thì đã hút theo 2, 3, 4 cầu thủ đối phương. Khi hất được bóng ra thì đồng đội của anh thường được đặt vào vị trí rất trống trải và có thể dễ dàng ghi bàn.

Thứ tư, trong nhiều trường hợp, tấn công bế tắc. Lúc đó rất cần khoảnh khắc lóe sáng của một ngôi sao bằng những đường đi bóng, chuyền bóng hoặc cú sút có độ khó cao, táo bạo và liều lĩnh. Những pha bóng như vậy có khi đến, có khi không nhưng nó thường quyết định số phận của trận đấu.

Có những trận đấu ít bàn thắng, duy nhất một bàn như trận đấu Việt Nam – Mã Lai 1-0 đêm qua vẫn là một trận đấu rất đẹp.

MIỀN TÂY VẪY GỌI


Lần thứ ba trong vòng ba năm rưỡi, cả nhà mình đi chơi miền Tây của tiểu bang NSW. Doc đường đồi núi 250km tới Bathurst, thêm 50 km nữa, đó là Orange. Trong “hai chị em”, Bathurst phải là chị vì thị trấn này bắt đầu được xây dựng vào năm 1814; trong khi Orange “trẻ trung” được thành lập vào năm 1846. Vùng đất này cũng nằm trong cơn sốt đi đào vàng, bởi vậy cả hai lớn nhanh như thổi vào thập niên 1860s. Tuy vậy, đến nay, dân số hai thị trấn vùng cao vẫn còn khá thưa thớt, Bathurst có 42.000 và Orange thì 40.000 dân mà thôi. Bathurst là nơi đặt đầu não của trường Đại học Charles Sturt, trường cũng có nhiều campus khác, trong đó một cái lớn ở Orange.

Hai lần trước, nhà mình đều đi vào mùa thu lá vàng, lần này đầu hè và sau hơn một năm rưỡi nên quang cảnh hơi khác. Kelly và Sissy reo lên mỗi khi nhận ra các địa điểm quen thuộc. Lần thứ ba, vì có ý đồ đi farm trái cây nên bọn mình và các cháu ngủ tại Orange. Công viên Roberson tọa lạc ngay chính giữa thị trấn. Hai hàng mận lá tím ngắt chạy dài theo thảm cỏ xanh, nơi có mấy con vịt thả rông đi lạch bạch. Kế tiếp đó là dãy Nhà hát, Thư viện và Bảo tàng của thị trấn.

Thật ra từ cuối những năm 1820, đường bộ do tù nhân từ nước Anh sang làm đã được nối đến vùng đất sau này mang tên Orange, và năm 1877, tuyến đường sắt cũng vươn tới. Điều đó cho thấy Orange còn có đường sắt trước hơn so với Sài Gòn hay Hà Nội. Vậy mà về mặt dân số, thị trấn này vẫn mãi mãi “còi” không lớn được. Lý do ở đây chắn chắn là do di dân không chịu đi định cư ở những nơi xa như thế này. Tỉ lệ dân số sinh tại Úc cao hơn mức trung bình toàn quốc rất nhiều. Tây da trắng chiếm đại đa số, “Tây đen”, tức thổ dân da nâu chiếm 6.6% là tỉ lệ khá cao, tiếp đến là người gốc Ấn Độ, khoảng 1%. Người Tàu, “người Ta” thì quá hiếm hoi.

Sau một đêm ngon giấc, từ sáng sớm nhà mình đến một farm trái cây cách Orange có 10 phút lái xe mang tên Nashdale. Orange được coi là vùng đất nông nghiệp của những trang trại hoa quả, với đầy đủ các loại quả ôn đới như cherry, mơ, đào, mận, lê, táo, hồng, nho, figs, nectarines...Mùa này, Nashdale chỉ có cherry, mơ, đào và mận. Thế cũng quá đủ để nếm thử những hương vị thơm ngon, tinh khiết và bổ dưỡng.

Một chi tiết làm mình chú ý: mấy trang trại đăng biển quảng cáo tìm người làm farm, lương trả theo sản phẩm $1/kg cho cherry. Theo mình hiểu, vùng đất này rất thiếu nhân công, nhất là lúc vào các vụ thu hoạch. Mình nhẩm tính, nếu mỗi ngày chơi 3 tạ sẽ được $300, một tháng $9000, hai vợ chồng thì nhân đôi thành $18000. Trên này giá sinh hoạt rẻ, nhà mua hay nhà thuê chỉ bằng nửa giá Sydney. Vậy là đủ tiền tiêu cả năm, làm một tháng, ăn chơi nhảy múa 11 tháng. Phần thưởng thêm là không khí thoáng đãng, trong lành, yên tĩnh.

Cách đây một năm rưỡi, chưa có nhà hàng nào của người Việt ở Orange, vậy mà bây giờ đã mọc lên luôn hai cái, đó là SaiGon Quan và Trang Hue. Tiệm nail trước có 2, bây giờ là 4, nhưng nghe nói vẫn chỉ là của 2 người chủ nhà ta. Chỉ có tiệm bánh mỳ của người Việt là đã tồn tại từ khá lâu, nhưng đã chuyển hướng làm thêm cả bánh ngọt.

SaiGon Quan nhỏ nhắn với hai hàng bàn ghế. Dù nằm ngay trên đường trục chính của thị trấn, phố Summer, nhưng có vẻ không đông khách. Các loại rau thơm cho các món ăn phải lấy từ Cabramatta lên. Ở Sydney, người Việt trông thấy nhau, đôi khi còn né; nhưng ở đây thì tay bắt mặt mừng. Lên đây dễ gì được trò chuyện, hàn huyên bằng tiếng mẹ đẻ. Mình hứa, sẽ về đây dưỡng già thì nhà chủ quán bảo thế thì lâu quá. Có lâu quá không nhỉ ?

Đối với cá nhân vợ chồng mình, đi đâu cũng được, ngay lập tức cũng không sao. Nhưng còn con cái, khi chúng chưa đủ tuổi thì chưa bỏ chúng mà đi được, mà chúng cần ở đô thị lớn thì điều kiện học hỏi cạnh tranh nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu chúng không cần ganh đua, làm gì cũng được miễn là hạnh phúc, lại là chuyện khác.

Thời tiết vùng đất này thật tuyệt, mùa hè không nóng hơn Sydney nhưng mùa đông lạnh hơn một chút, đủ để mỗi năm tuyết rơi vài ba ngày. Lạnh quá, mình sẽ không đi farm hái quả, chỉ ngồi trong nhà ngắm quyết trắng xóa bên cửa sổ. Hơi bị lãng mạn.

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2018

CÓ MỘT SỰ VÔ CÙNG TIẾC NUỐI


Thực tại
Các giải bóng tròn châu Âu đang ở kỳ nghỉ 2 tuần để các cầu thủ làm nhiệm vụ ở đội tuyển quốc gia, cũng là lúc các đội bóng nhìn lại thực tại của mình. Giải ngoại hạng Anh có 38 vòng marathon, có thể chia 12 vòng vừa qua là khởi động, 14 vòng tới là tăng tốc, sau khi nghỉ 2 tuần thi đấu quốc tế nữa thì đến 12 vòng đấu cuối nước rút.
Đội Arsenal đang “vững vàng” ở vị trí thứ năm, hơn đội sau và kém đội trước cùng 3 điểm. Xét về điểm số và thực lực, Man city, Chelsea và Liverpool là quá mạnh, họ là UCV của chức vô địch và dường như chắc suất trong top 4 để dự Champion League châu Âu. Ba đội đại gia khác gồm Tottenham, Ars và Man Utd tranh suất còn lại. Nói như vậy, Ars không có cửa vô địch, trong khi triển vọng lọt vào top 4 cũng không hề sáng sủa.
Đó là những gì đáng buồn đối với các fan của Ars nhưng mọi người không nỡ trách móc gì Emery vì ông mới nhận chức được 4 tháng. Tuần trăng mật của một HLV có thể kéo dài từ vài tháng đến 1 năm. Hết 1 năm, hoặc ông sẽ được tung hô, hoặc sẽ lên “thớt” trước búa rìu dư luận.

Vang bóng một thời
Wenger được coi là HLV lâu dài và thành công nhất trong lịch sử gần 150 năm của đội. Nếu tính cả mùa bóng dang dở đầu tiên thì ông dìu dắt đội trong 22 mùa. Tuy nhiên, có thể chia ra “3 đội Arsenal” là Ars đỉnh cao, Ars mạnh và Ars mất niềm tin.Trong 10 năm đầu tiên, đội vô địch 3 lần, 6 lần về nhì. Riêng trong mùa 96-97, Wenger tiếp quản đội ở vị trí thứ 8, chung cuộc xếp thứ ba, và có thể coi đội đã đá với phong độ của đội vô địch thì mới có bước tiến như vậy. Các trận đấu Ars – Man Utd của Wenger và Sir Alex luôn là những trận chung kết khốc liệt và không khoan nhượng.
Khi các đội Chelsea, Man city, Liverpool, Leicester... được các ông chủ tỉ phú bơm tiền, bóng đá đi vào giai đoạn thương mại hóa cao độ. Đáng tiếc, vào lúc này, Ars xây sân vận động mới, đồng thời ông chủ không chịu nhả thêm cho việc đầu tư cầu thủ nên Ars bị tụt hậu, chỉ còn xếp thứ ba hoặc thứ tư trong 9 mùa bóng liên tiếp. Đến mùa bóng 15-16, các đội đại gia bỗng rủ nhau sa sút, nhưng Leceister, một đội mới lên hạng lại chơi xuất thần, Ars chỉ về nhì. Tiếc nuối hơn, Ars là đội duy nhất đánh bại Leicester ở cả hai lượt đấu đi và về.
Sau giải này, Ars rơi vào một cuộc khủng khoảng mất niềm tin, do phải chờ đợi quá lâu cho chiếc đĩa bạc. Cả hai mùa bóng 16-17 và 17-18, đội thậm chí còn bị bật ra khỏi top 4 và Wenger đã ra đi.

So sánh
Không thể so sánh Ars của Wenger trong 20 năm đầu tiên với Ars của Emery bây giờ. Wenger ra mắt Ars vào ngày 12/10/1996 bằng một trận thắng và cứ thế thi đấu như lên đồng cho đến hết mùa bóng 96-97, rồi giành chức vô địch cho mùa bóng 97-98, cộng thêm cup FA. Emery khởi đầu bằng một trận thua và chỉ bắt nạt được mấy đội bóng yếu. Hòa được Liverpool đã cảm thấy mừng, còn ngả bàn đèn thê thảm trước Man city và Chelsea. Với Wenger còn đỉnh cao và mạnh thì khác, thắng đại gia là chuyện thường, hòa và thua cũng trong thế ăn miếng trả miếng. Đặc biệt, không bao giờ Wenger chịu thừa nhận những trận không thắng các đội đàn em là “kết quả hợp lý” (fair result) mà thường đổ tại cho may mắn, sai sót cá nhận hoặc trọng tài đáng nguyền rủa.
Nhưng đội Ars hai năm cuối trào Wenger và Ars hiện tại mới có cùng đẳng cấp. Trước hết phòng ngự tiếp tục yếu kém và chỉ số bàn thua cao hay phong độ không phập phù, trận hay, trận dở. Đội Ars của Emery có hiệu suất ghi bàn cao hơn một chút nhưng các số liệu thống kê cho thấy cơ hội sáng tạo lại giảm. Lý do ở đây là Arsenal đang có hai cây ghi bàn đẳng cấp là Auba và Laca, trong khi trước đây các chân gỗ Giroud và Walcott hay phung phí cơ hội. Bù lại, Ars đã phải trông chờ vào các bàn thắng của Sanchez và Ramsey.

Hướng đi
Bằng giờ này hai mùa trước, Ars đều xếp hạng tư, còn Ars năm nay thì thứ năm. Rõ ràng đây là tình thế đòi hỏi Emery phải làm gì đó cải thiện.
Trong 5 trận gần đây nhất, Ars chỉ thắng được một trước Blackpool, một đội bóng hạng ba với tỉ số sát nút 2-1. Đáng chú ý là cả 5 trận này đều thiếu vắng hậu vệ trái Monreal do chấn thương. Bốn cầu thủ đã được lần lượt trám vào vị trí này là Lichtsteiner, Xhaka, Jenkinson và Kolasinac chỉ cho thấy nỗi nhớ Monreal càng tăng vì chưa ai đạt yêu cầu. Cũng may Monreal sắp trở lại, bên cạnh đó Maitland, người từng chơi tốt vị trí này dưới thời Wenger cũng đã bình phục chấn thương.
Ars chơi tấn công khá bế tắc trong trận gặp đội Volves mới lên hạng. Đội không có cầu thủ chạy cánh giỏi, và một khi không còn Welbeck thì khả năng không chiến rất tệ. Khó khăn sẽ lớn hơn vì Laca cũng mới đây dính chấn thương và phong độ Ozil không ổn định và chưa xứng đáng với tấm băng đội trưởng và mức lương ngất ngưởng lên đến 350 000 bảng/tuần.
Một điều đáng lo nữa, đội thường chơi rất tốt trong giai đoạn nước rút vì Wenger hiểu rõ về một cuộc đua đường dài và rất khốc liệt trong Premier League nên rất có ý thức dưỡng sức cho các trụ cột. Còn với Emery, có lẽ quá cần thành tích nên kể cả những trận gần đội yếu cũng ra sân với đội hình gần như là mạnh nhất.
Dự báo tình hình là rất xấu và những người yêu Ars có nhiều lý do để tiếc nuối về một thời kỳ hoàng kim đã qua.

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2018

NHỐT QUYỀN LỰC VÀO LỒNG


Hồi mới ra hải ngọại, nghe câu “Vô duyên như VC”, mình chẳng hiểu gì. Sau này mới hiểu, câu nói hàm ý là VC khô như ngói, không biết nói giỡn.

Bố mình là một VC thứ thiệt theo kiểu cũ, cả đời ông sống mẫu mực. Còn tính mình thích đùa. Không nỡ mắng mình nhiều, bố chỉ nói “con phải nghiêm túc một chút chứ”. “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính”, dù yêu bố, mình cũng không thể thay đổi.

Khi bạn nói một câu hài hước mà không biết nó buồn cười thì đó chỉ còn là cười ra nước mắt. “Một người làm hai việc không phải là kiêm” (Ý cụ nói việc TBT và việc CTN). Quả là ngộ nghĩnh, trong nghĩa tiếng Việt không kiêm thì gọi là gì? Còn nữa, “Nhốt quyền lực vào lồng”, cũng là một câu “hiểu chết liền”.

Thôi, chuyển sang câu chuyện khác, để xem có thể nhốt quyền lực vào lồng được không?

Sau cái chết của nhà báo Khashoggi tại Thổ Nhĩ Kỳ, tên tuổi MBS, viết tắt của Mohamed bin Salman, Thái tử kiêm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng quốc phòng Saudi Arabia, bỗng trở nên nổi tiếng. Khi vua cha kiêm Thủ tướng Salman, 83 tuổi lại mang nhiều trọng bệnh thì MBS là nhà lãnh đạo trên thực tế (day to day) của Saudi, một quốc gia giàu có, thành viên G20 duy nhất của vùng Trung Đông.

Mới 33 tuổi, MBS đến với quyền lực một cách hết sức nhanh chóng. Cách đây hơn 3 năm, Salman lên ngôi vua đã bổ nhiệm MBS làm bộ trưởng Quốc phòng, vài tháng sau kiêm thêm Phó Thủ tướng, vài tháng nữa chính thức trở thành Thái tử.

Xét về truyền thống và phong tục của xứ Ả Rập thì có thể thấy việc thăng tiến của MBS là không bình thường. Khác với sự tập quyền cao độ vào cá nhân của Vua châu Á, sự chuyên chế phong kiến ở Ả Rập theo mô hình độc tài tập thể, quyền lực tập trung vào bộ tam đầu chế hoặc hội đồng hoàng tộc. Theo đó, các thành viên lớn tuổi thường có những tiếng nói quan trọng.

Khi sáng lập ra nhà nước Saudi Arabia vào năm 1932, các con lớn của vua Abdulaziz đã đến tuổi trưởng thành và đã được phân bổ vào các vị trí trọng yếu trong chính quyền. Abdulaziz có đến 45 con trai với khoảng 20 phụ nữ. Phong tục Ả Rập không phân chia vợ cả vợ thứ, và thứ tự anh, em được xếp hạng theo tuổi tác. Tuy nhiên, bà vợ nào có nhiều con trai hơn thì sẽ có địa vị quan trọng hơn trong gia đình.

Hassa Al Sudairi là người vợ có tới 7 con trai chung và là nhiều nhất với Abdulaziz. Mối tình của hai người khá đặc biệt. Hassa lấy Abdulaziz khi cô mới 13 tuổi, những chỉ một thời gian ngắn thì li dị. Sau đó, cô lấy em cùng cha khác mẹ của Abdulaziz và sinh được một con trai. Nhưng Abdulaziz lại ép em trai li hôn để “trả”Hassa lại. Về sau, em gái của Hassa lấy Faisal, con trai của Abdulaziz với người vợ trước. Như vậy là hai bố con kết hôn hai chị em, điều được coi là loạn luân ở châu Á nhưng là bình thường ở xứ Ả Rập.

Khi Abdulaziz đi xa vào năm 1953, đã xảy ra tình trạng tranh chấp quyền lực giữa các con. Kết quả là vua Saud bị phế truất vào năm 1964, Faisal lên thay cũng bị ám sát vào năm 1975. Khi Khalid lên ngôi đã bổ nhiệm Fahd, người anh cả trong nhóm “Bẩy anh em” (seven Sudairi) làm Thái tử, đánh dấu giai đoạn nhóm Sudairi chiếm giữ quyền lực tại đất nước từ đó tới nay.

Trong 7 anh em, 6 người từng giữ các chức vụ trọng yếu trong Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ, duy nhất Salman là “cán bộ địa phương” ở cương vị thống đốc tỉnh Riyadh. Nhưng Salman rất thân với Sultan, người anh thứ hai trong nhóm. Mặc dù Sultan chưa bào giờ làm vua và chỉ làm Thái tử nhưng ông được coi là người sắc sảo đầy uy quyền, giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng gần 50 năm. Con trai ông, Bandar làm Đại sứ tại Mỹ trong 22 năm, về nước lại nắm Hội đồng an ninh trong 10 năm và gần đây mới về hưu. Vài năm trước khi qua đời, Sultan bệnh nặng không làm việc được, ông đã cho Salman tham gia "thường trực” ở bộ Quốc phòng để rồi tiếp quản ghế Bộ trưởng khi ông qua đời vào năm 2011. Đó chính là cơ sở để Salman thâu tóm quyền bính sau này.

Từ 2015 đến nay có thể coi khoảng thời gian Salman chuyển giao quyền lực cho MBS và cũng là lúc Saudi có nhiều biến cố. Đầu tiên là việc Saudi bất ngờ tấn công Yemen và trực tiếp dấn thân vào cuộc nội chiến ở nước này. Đây là điều gây nên nhiều tranh cãi, ngay ông chú ruột Ahmed của MBS cũng lên tiếng công khai phản đối. Ồ, tại sao Nga và Mỹ can thiệp vào Syria thì được mà Saudi lại không? Hỏi vậy cũng giống như hỏi tại sao Tây Thi nhăn mặt thì đẹp mà người khác bắt chước nhăn thì lại thành ma quỷ ? Saudi “chưa đủ tuổi”, chưa có vị thế để làm chuyện can thiệp quân sự bên ngoài.

Saudi cũng bất ngờ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, một người anh em láng giềng cùng hệ quân chủ và hồi giáo. Đây là một hành động làm tan rã khối 6 nước vùng Vịnh GCC trên thực tế. Điều làm MBS không thể hài lòng là chỉ có UAE và Bahrain ủng hộ Saudi trong khi Oman và Kuwait vẫn tiếp tục bang giao với “kẻ thù” Qatar.

Rồi nữa, một kế hoạch cải tổ kinh tế táo bạo, xóa bỏ việc cấm phụ nữ lái xe, chống tham nhũng... Với chiêu bài chống tham nhũng, MBS đã liều lĩnh bắt giam một loạt hoàng thân, tỉ phú, những người có máu mặt. Đa số họ đã được thả, nhưng người ta cho rằng, chính phủ của MBS đã tịch thu được một khoản tiền lớn, và như vậy đây là một vụ ăn cướp, vụ khủng bố nhà nước trắng trợn.

Chấn động hơn cả là đội biệt kích của Saudi đã sang tận Thổ Nhĩ Kỳ để sát hạt một nhà báo bất đồng chính kiến. Có lẽ MBS là một thí dụ điển hình cho thấy khi quyền lực không bị kiểm soát thì nó sẽ dẫn đến những điều lố bịch ngông cuồng. Những người phản đối MBS trong nội bộ Saudi ngày càng gia tăng, trong đó có cả mẹ ruột. Để xem, quyền lực của MBS sẽ bị nhốt như thế nào.

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2018

Nước Úc giàu và đẹp


CÁM ƠN NƯỚC ÚC


Bà xã mình kể chuyện về một gia đình người Việt thuộc loại tầng lớp chẳng tinh hoa gì cả. Anh chồng lớn tuổi rồi, có vấn đề sức khỏe, không lái xe được. Chị vợ được cẩu sang từ Việt Nam chưa lâu, chẳng biết tiếng Anh. Nhà chỉ có một đứa con mà đã thấy nheo nhóc rồi, nói nôm na là làm không đủ ăn. Cũng may mà có tiền trợ cấp, người Việt thường dùng chữ “tiền sữa”, mặc dù cháu đã qua tuổi uống sữa từ lâu. Đây là trợ cấp dành cho trẻ con trong các gia đình có thu nhập thấp. Trẻ con cũng như người già, người tàn tật là những đối tượng cần sự trợ giúp của xã hội.

Tử tế không cần “ráng”, là điều có thật tại Úc. Thử hỏi ở xứ “thiên đường” chẳng hạn, nơi mọi người có sự tự do sống chết mặc bay thì một gia đình như thế này thì còn khốn khổ đến đâu.

Cũng như bất cứ nơi nào, Úc có nhiều cảnh đẹp nao lòng. Nhưng những cái đẹp khác, không phô trương, chỉ lặng lẽ thì khó nhìn thấy.

TẦNG LỚP TINH HOA


Để trở thành tầng lớp tinh hoa hay tinh bông, dường như có “hai cách”. Tinh hoa một khi bạn có nhiều tiền, chức to thì không thiếu kẻ xúm vào nịnh hót, tâng bốc, mặc dù trong bụng thì khinh bỉ và căm ghét. Nếu bạn chết, họ khóc rống lên nhưng ngay sau đó là có thể công khai chửi rủa bạn. Cách thứ hai, bạn là người tài năng đức độ, bạn không cần ai nịnh hót. Những thành quả và cống hiến của bạn đối với xã hội sẽ làm mọi người cảm phục và yêu mến.

Dù mặt xấu chân tay bẩn, mình âm thầm tính chuyện lên đời mở mày mở mặt với thiên hạ. Gái có thì, khi nhan sắc sút giảm, cơ hội của bạn không còn nhiều. Không phải là gái thì mình cũng cảm thấy không còn cơ hội để vươn lên đẳng cấp của tầng lớp tinh hoa lắm tiền nhiều danh. Vậy chỉ còn cách học, để trau dồi trí tuệ và nhân cách thôi.

Có tuổi rồi cũng không thể cắp sách đến trường được nữa, vậy đọc sách là một cách học nữa, học mãi. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, đi nhiều là một cách khác nâng cao tầm nhìn và sự hiểu biết.

Mình đã từng có giai đoạn đọc nhiều và cũng một thời gian khác đi overseas liên tục mà chẳng biết có học hỏi được gì không. Bây giờ lười đọc, cũng chẳng đi đâu mấy nhưng so sánh với lúc trước, mình cảm thấy “vẫn thế”. Có lẽ hồi xưa ngu, bây giờ vẫn ngu nên thấy bằng nhau.

Thực sự, có đọc thì cũng không mở mang được bao nhiêu vì thông thường mọi người chỉ chọn vài đề tài quen thuộc, theo những niềm tin có sẵn. Khi đọc truyện, đa số trường hợp để tò mò để xem chàng và nàng có lấy nhau không. Tuyệt đại đa số, các truyện đều happy end một cách dễ dãi để chiều lòng người đọc. Những quyển sách thực sự có ý nghĩa tư tưởng cao đẹp thì quá hiếm. Mình muốn các cháu nhà mình mở mang đọc nhiều thể loại sách khoa học, lịch sử hay địa lý, mà quá khó.

Bà xã mình đọc sách, gặp từ không hiểu thì hay hỏi cháu Bi là cô chị. Cô em Si thắc mắc, sao mẹ không hỏi con mà hỏi chị ấy. Bà xã bảo, mày lười như hủi, còn chị chăm đọc nên mẹ mới hỏi chứ. Si bảo, con ít đọc nhưng con lại nhớ hơn, nên chưa biết ai đã hơn ai. Ừ, đúng vậy, có một thực tế là có những người đọc rất nhớ, ngược lại, có người chẳng nhớ gì cả. Đó là do “Trời cho”, không phải cứ muốn là nhớ, là hiểu và vận dụng hợp lý.

Khi đi du lịch, đến sân bay, bạn sẽ có người đón và leo lên ô tô, chở về khách sạn. Rồi từ khách sạn, ô tô đưa đi nhà hàng hoặc các địa điểm du lịch để chụp ảnh. Liệu bạn có cơ hội gì để quan sát, lắng nghe là lĩnh hội các kiến thức mới ? Tất cả sân bay, khách sạn, ô tô, nhà hàng ở nước nào cũng giống hệt nhau. Cái khác là hình thù của Tháp Eiffel và Kim tự tháp trên các bức ảnh mà thôi, nếu không dùng photoshop.

Kẹt quá, xem ra con đường trở thành tinh hoa không đơn giản! Thôi, có bệnh thì vái tứ phương.

Nhớ lại hồi trẻ mình rất khoái đá banh, mua sách về để tập đá theo sách, nhưng không tiến bộ. Bỗng dựng may mắn mình được gọi vào đội tuyển bóng đá của trường ĐH KTQD. Có điều thời gian theo đội quá ngắn, chưa kịp đi khoe thì đã bị loại vì không đạt yêu cầu chuyên môn. Mấy anh em trong đội đá rất giỏi nên mình bắt chước theo, học được mấy chiêu rất hay, nên đã cho mình một level mới.

Vậy theo cách này cũng được, nếu bạn chịu khó giao du cọ sát, “gần đèn thì rạng” và “học thầy không tầy học bạn”, chắc chắn sẽ thu hoạch những điều bổ ích và lý thú. Có anh bạn không muốn dùng phone vì qua phone chỉ đọc được những “cái ngắn”, mà đã đọc ngắn thì sẽ không muốn đọc dài nữa. Mình thì thấy những thông tin ngắn, cập nhật cũng cần thiết và quan trọng. Phone và mạng xã hội là phương kiện để mọi người có tương tác, trao đổi nhanh chóng dễ dàng với nhau.

Đọc sách cứ cho là không được gì về kiến thức nhưng để đọc cho hết một quyển sách cũng đòi hỏi sự kiên trì và cho ta sự tĩnh tâm. Đi du lịch mà thiếu so sánh, động não thì cũng không thấy được nhiều cái mới lạ, nhưng nó vẫn mang lại những cảm xúc và trải nghiệm.

Học trong cuộc sống giao tiếp kết bạn, tự học và học qua sách vở đều cần thiết. Nếu không phải là kiến thức mà chỉ niềm vui thôi cũng quá đủ, chẳng cần lên tầng lớp tinh hoa và không phải cứ cố là được.

MÔ HÌNH IRAN


Tháng 2/2001 sang Dubai thì đến tháng 11 và 12 cùng năm, mình đã có hai chuyến đi đến với Iran, một đất nước với bề dày lịch sử kỳ bí.

Kể từ cuộc cách mạng hồi giáo 1979 đến nay, Iran đã trở thành một ốc đảo biệt lập với thế giới bên ngoài. Với khí thế hừng hực, ngày 4/11 năm ấy, một sự kiện chưa từng có trong lịch sử bang giao quốc tế, Iran đã bắt giữ hơn 60 nhà ngoại giao và nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Tehran. Họ đã bị giam cầm những 444 ngày, chỉ được thả đúng vào ngày nhậm chức của Tổng thống Reagan, đầu năm 1981.

Trong suốt năm 2002 cho đến đầu năm 2003, một câu hỏi luôn lơ lửng đặt ra: khi nào Mỹ tấn công Iraq của Saddam Husain? Chỉ vì ám ảnh đó mà tại khu vực vùng Vịnh, mọi chuyện làm ăn, thương mại đình đốn, khách du lịch cũng vắng hoe.

Nhàn rỗi cũng là một thú vui, nhất là khi mình vẫn còn độc thân. Một anh bạn tên Ali, quốc tịch UAE, gốc Iran, sống ở Sharjah. Sharjah và Dubai là thủ phủ của hai tiểu bang nhưng chỉ cách nhau 20km, nên có thể coi là tuy hai mà một tuy một mà hai. Ali thích đi Dubai vì ở đây có nhiều quán bia rượu và đồ nhậu hơn thành phố của hắn. Mỗi lần đi Dubai, hắn hú mình và tụi mình thường ngồi từ suốt từ trưa đến tối.
Mình hỏi Ali, mày có ăn thịt lợn không, hắn cười “I’m not a good Muslim” và kể con gái lớn đua đòi theo bạn bè, không chịu ăn thịt lợn nữa. Hắn bảo con, mày không thích thì thôi nhưng tao vẫn ăn.

Ali bảo quá một nửa người Northern Emirates là gốc Iran (Northern Emirates chỉ 6 trong tổng số 7 tiểu vương quốc thuộc UAE). Trong quá khứ, Đế quốc Ba Tư từng có những thời kỳ hết sức hào hùng, với vùng ảnh hưởng bao trùm Một răng (Iran), Một rắc (Iraq), Ba răng (Bahrain) là chuyện nhỏ, mà còn chiếm lĩnh cả một vùng Tây Á và Trung Á mênh mông, ngày nay là Iran, Iraq, Syria, bán đảo Ả Rập, các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ. Các nhà sử học gọi đây là “đế quốc Đa văn hóa” vì các tiểu quốc bị chinh phục vẫn được giữ lại văn hóa riêng của họ và không cần đồng hóa với mẫu quốc.

Trong suốt lịch sử gần ba ngàn năm, Ba Tư trải qua những khúc thăng trầm “lên voi xuống chó”. Nhiều giai đoạn, đất nước này đã bị khuất phục bởi các thế lực bên ngoài như La Mã, Ả Rập, Mông Cổ và Otoman (Thổ Nhĩ Kỳ). Iran ngày nay được coi là hậu duệ của đế quốc Ba Tư nhưng thành phần sắc tộc khá phức tạp với chỉ khoảng 53% dân số nói tiếng Persian.

Nói chuyện là vậy, nhưng Ali có vẻ khá dửng dưng, chẳng có vẻ hãnh diện tự hào gì cả, bản thân anh cũng chưa bao giờ về Iran chơi. Mình thích ngồi nhậu gần với màn hình Tivi để theo dõi chiến sự tại Iraq thì hắn bảo, xem làm quái gì, thế nào Mỹ cũng thắng thôi. Ừ, hắn nói đúng, giao tranh chỉ kéo dài 70 ngày, từ 10/3 đến 20/5. Hết chiến tranh, mọi việc bất chợt nhộn nhịp hẳn lên, tranh mua, tranh bán, tranh đầu cơ, chẳng còn thời gian tán dóc nữa. Mình và Ali cũng ít gặp nhau.

Nếu chủ nghĩa bảo hộ thắng thế thì nhiều quốc gia sẽ trở về với mô hình mà Iran đã có trong gần 40 năm qua, đó là một nền kinh tế tự cấp tự túc. Người ta nói đùa, “một cô gái Tây mặc áo dài và đặt tên Việt hay Vietfast chẳng hạn thì cũng không thể trở thành cô gái Việt Nam”. Nhưng ở Iran, ô tô chạy ngoài đường là của Iran, thứ thiệt từ trong ra ngoài. Các loại nhãn hiệu IKCO Samand, Peykan, Saipa... đã được thị trường thừa nhận với mức tiêu thụ hàng triệu chiếc/năm, tức là đã nắm giữ thị phần và thương hiệu. Cái câu tào lao “Trong khó khăn, chúng ta sẽ Quyết tâm hơn” hóa ra lại đúng ở đất nước này.

Thực ra ngành công nghiệp xe hơi của Iran đã phát triển từ trước cách mạng, các nhãn hiệu kể trên xuất hiện cùng thời với Le Dalat của Nam Việt Nam. Sự khác nhau là khi Việt Nam có Lada, Moscovic của Nga...rồi các loại xe hơi của Mỹ, Âu, Nhật; thì Iran bị cấm vận và phải tự lo liệu. Điều may mắn là ở Iran không có cải cách ruộng đất hay cải tạo tư bản nên nền móng xã hội vẫn được giữ, các cơ sở kinh tế của “chế độ cũ” không bị phá hủy.

Làn sóng toàn cầu hóa dâng trào trong mấy thập niên qua đã làm thay đổi sâu sắc tình trạng kinh tế các nước. Ngay tại Úc, điều dễ thấy là một loạt các ngành sản xuất, dù cố tình giải tán để bảo vệ môi trường hay bị tiêu diệt cũng đã trống vắng trên một loạt lĩnh vực xe hơi, cơ khí, luyện kim, điện tử, may mặc, giày dép...

Trong khí đó, các ngành sản xuất của Iran đã gồng mình lên để cung ứng các loại nhu cầu của trên 80 triệu dân. Loại hàng mà Iran vẫn cần nhập khẩu là gia vị và nông sản dạng thô thì đã có cửa ngõ Dubai, mà chủ yếu thông qua con đường tiểu ngạch.

Cách đây mấy năm, Iran đã có thỏa thuận về hạt nhân với nhóm cường quốc 5+1 và đã được nới lỏng cấm vận. Tuy nhiên, chính quyền Trump đã tái áp dụng lệnh cấm với cáo buộc Iran đã sử dụng nguồn tài chính mới kiếm được để tài trợ khủng bố và các nhóm vũ trang ở Syria, Lebanon và Yemen.

Đến nay, cơ cấu chính quyền Iran vẫn bao gồm hai bộ phận, giới giáo hội quản lý phần “hồn” cho các con dân và Tổng thống đứng đầu bộ máy hành chính. Lãnh tụ tối cao hiện nay là Giáo chủ Khamenei đã bước vào tuổi 80 cũng từng tham gia chính biến từ những ngày đầu cách mạng. Một khi Việt Nam có chuyện nhất thể hóa thì có lẽ Iran sẽ là nước duy nhất trên thế giới còn giữ hệ thống “song trùng” lãnh đạo.

Quan hệ giữa Iran với Mỹ vẫn chưa được bình thường hóa, không phải vì Iran theo Hồi giáo mà chính vì vụ khủng khoảng con tin 39 năm trở về trước. Nếu giới lãnh đạo Iran dám thừa nhận sai lầm trong quá khứ và có một lời xin lỗi thì sẽ mở ra cơ hội giải thoát được vướng mắc. Rất đơn giản nhưng cũng quá khó khăn.

LÊN ĐỈNH 9 TẦNG MÂY


Arsenal vừa có trận thắng thứ 9 liên tiếp một cách giòn giã 1-5 ngay trên sân đối phương. Trong 5 bàn thắng, bàn thắng thứ ba đã tái diễn cảnh “dệt gấm thêu hoa” của thời Wenger, với những pha một chạm tinh tế, kết thúc bằng cú giật gót của Ramsey. Đây là chắc chắn bàn thắng đẹp nhất từ đầu giải và sẽ là một trong những bàn thắng đẹp nhất cả mùa giải.

Chiến thắng này đã giúp Arsenal vươn lên vị trí thứ tư trong Premier League, xếp sau ba đội Man city, Chelsea và Liverpool. Đây là ba đội bóng còn lại trong 20 đội của giải chưa thua, trong khi Ars đã thua 2 trận gặp Man city và Chelsea. Trùng hợp là, cũng có 3 đội chưa thắng, lại là ba đội xếp cuối giải.

Mọi người đều biết sau một triều đại kép dài 24 năm của Ferguson, Man Utd đang lâm vào khủng hoảng. Những người hâm mộ cũng sợ rằng, sau 22 năm của Wenger, Ars cũng đi theo vết xe đổ. Những người yêu mến Wenger còn sót lại hẳn nghĩ đến một kịch bản rằng, nếu Emery làm Ars suy sụp giống như Moyes đã làm với Man Utd trước đây và phải thay ngựa giữa dòng khi mùa giải chưa kết thúc, có thể Wenger quay trở lại. Wenger vẫn còn hợp đồng với Ars đến giữa năm 2019 và chừng nào ông chưa tìm được jobs mới thì Ars vẫn phải tiếp tục trả lương. Vậy thì còn gì hợp lý hơn khi Wenger được thỏa mãn mong muốn nắm Ars trong trường hợp Emery thất bại.

Nhưng cũng chính vì những khó khăn của Man Utd mà người ta dễ tính hơn đối với Emery. Với Wenger, top 4 là thất bại, nhưng khi Ars leo lên thứ tư thì đã được tung hô quá chừng, như là một chiến công lớn.

Hình như Emery chẳng có gì khác biệt so với Wenger. Trước hết là lối chơi nặng về tấn công và coi nhẹ phòng ngự. Khi tấn công, cũng thiên vào trung lộ và ít chú trọng lật cánh đánh đầu. Trong 29 bàn thắng trong 11 trận, chỉ có hai bàn thắng đánh đầu, một tỉ lệ quá thấp ở Premier League.

Emery cũng thích nâng đỡ các cầu thủ trẻ, một loạt cầu thủ trẻ đã khởi sắc dưới bàn tay của Emery, có thể thấy đó là Iwobi, Torreira, Guendouzi, Rowe...

Về chiến thuật, Emery ưa thích sử dụng 1 tiền đạo trong sơ đồ 4-3-3 hoặc 4-2-3-1, y như Wenger. Hai trận gần đây ông thử nghiệm 3-4-3 và 4-4-2 lại là những sơ đồ Wenger đã từng dùng.

Emery cũng có con mắt tinh đời, chỉ với 70 triệu bảng mà ông đã mang về được 5 cầu thủ rất có chất lượng, làm nên một lực lượng hùng hậu hiện nay.

Tuy nhiên, đến giờ phút này, Emery vẫn chưa xác định được bộ khung chính cho đội hình xuất phát. Vẫn chưa dứt khoát ai là thủ môn số 1, Cech hay Leno? Chọn hai cầu thủ nào trong số 3 trung vệ Holding, Sokratis và Mustafi? Có đến 3 cầu thủ xứng đáng chơi ở vị trí trung phong là Auba, Laca và Welbeck nên trận đấu đêm qua ông đã phải xếp 2 tiền đạo thay vì 1 như trước đây. Còn nữa, Emery nêu danh sách 5 đội trưởng, kể hơi nhiều nhưng trong mấy trận gần đây thì lại “mọc” thêm Monreal và Welbeck. Đáng chú ý là 7 cầu thủ này có 7 quốc tịch khác nhau, điều này cũng tương đồng khi Wenger chính là người đi tiên phong trong việc đưa nhiều cầu thủ nước ngoài vào Anh.

Vấn đề hóc búa nhất là vị trí nhạc trưởng số 10. Ozil là lựa chọn đương nhiên vì những phẩm chất kỹ chiến thuật, nhưng nếu để anh vào vị trí đó thì xếp Ramsey đi đâu? Cho nên đã có tin Ars rút lại hợp đồng dự kiến sẽ ký gia hạn với “Rambo”, cũng là một điều đáng tiếc.

Sau kỳ nghỉ 2 tuần dành thi đấu các đội tuyển quốc gia, Ars sẽ có cơ hội kéo dài mạch thắng vì có đến 4 đối thủ dưới cơ. Đến trận thứ 5 là cuộc chạm chán với Liverpool, thứ dữ thực sự, và đó sẽ là thước đo cho tham vọng của Emery và Ars trong mùa giải năm nay.

CỜ NGOÀI BÀI TRONG


Câu ngạn ngữ nói về chuyện chơi cờ và đánh bài để diễn tả có những việc người bên trong hiểu rõ việc cần làm hơn người ngoài; ngược lại, có những cái người ngoài cuộc mới sáng nước.

Về chuyện tình cảm cảm, người trong cuộc luôn luôn mù quáng bởi tỉnh táo thì chẳng thể có tình yêu. Do vậy người ngoài mới khách quan và sáng suốt.

"Ép hành ép mỡ, ai nỡ ép duyên". Mình nghĩ mẹ không nên can thiệp vào chuyện riêng của con cái. Bởi vì cha mẹ vẫn còn quá nhiều cảm tính, họ vẫn là người trong cuộc. Nhưng anh chị em và bè bạn có thể có những lời khuyên xác đáng hơn.

Vấn đề làm ăn lại khác, chỉ người bên trong mới có đủ thông tin và cảm xúc để phán đoán nên làm gì.

Gần đây, mình hân hạnh nhận được một số lời khuyên kiếm tiền thế nào. Mình qua Úc từ năm 1994, còn mấy người xui khôn xui dại thì mới sang. Kỳ lạ, toàn những sáng kiến "tay không bắt giặc", đại khái không mất vốn hoặc mất rất ít mà vẫn kiếm được nhiều. Ông Mường tè ra Hà nội mà lại quên mất thân phận miền ngược và lên mặt dạy đời thì có lộn ruột không?

Tui không đui không mù, cũng không què, mấy trò trẻ con đó không lẽ tui không biết hay sao. Nhặt tiền dễ thế thì tui nhặt xong lâu rồi, không đến lượt các cụ đâu.

Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

CUỘC CHIẾN ĐẤU CÒN TIẾP DIỄN


TT Trump vừa trổ tài diễn thuyết đầy cảm xúc tại Đại hội đồng liên hợp quốc và gây tiếng vang lớn, mà từ đó người ta có thể tìm ra lý do thầm kín về một cuộc chiến với Trung Quốc.

Trong Tam quốc chí, có đoạn Thừa tướng nước Thục mang quân đánh quân Ngụy. Vì cạn quân lương, Khổng Minh buộc phải bí mật ra lệnh lui binh. Mỗi lần binh trại chuyển đi là mỗi lần quân số giảm thiểu mà vì thế số lò bếp cũng giảm theo. Tả hữu hỏi, trong sách Binh pháp của Tôn tử, khi lui binh thì phải giữ nguyên hoặc tăng lò bếp lên, để quân địch không biết là ta giảm quân, tại sao Thừa tướng không làm theo ? Khổng Minh cười, sách đó thì Tư Mã Ý đã thuộc làu rồi, ta cứ giảm lò, làm Ý không hiểu thực hư ra sao thì sẽ không dám truy đuổi.

Nhớ lại cách đây gần hai năm, Trump mới lên cầm quyền đã tỏ ra cứng rắn với rất nhiều nước. Với Nga là trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao, dọa tăng thuế với Mexico, ném bom Syria, đấu khẩu tóe lửa với Kim Jong Ủn, hủy bỏ Hiệp ước với Iran...nhưng rồi thời gian trôi đi, mọi việc có vẻ đâu lại vào đấy.

Đối với Trung Quốc, vấn đề lại khác, không biết đâu là hư, đâu là thực. Trump gặp Tập rất sớm và liên tục, gọi Tập là “my friend”. Thế rồi, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn cứ nổ ra. Sau 3 tháng, nền kinh tế Trung Quốc đã chịu những tổn thất nặng nề, dễ thấy chứng khoán rớt thảm hại, đồng tiền mất giá. Một thương nhân có làm ăn với Trung Quốc xác nhận với mình là các nhà máy bên Tàu đã hạ giảm công suất sản xuất, ngõ hầu là nạn thất nghiệp. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ chưa có dấu hiệu gì xấu đi.

Còn hơn một tháng nữa là kỳ bầu cử lưỡng viện quốc hội Mỹ. Dự báo, đảng Cộng hòa của Trump sẽ tiếp tục giữ đa số ở Thượng viện và Hạ viện và vì thế Trump không cần cuộc chiến thương mại để phục vụ cho chính trị bầu cử. Sau bầu cử mấy ngày là lịch trình các cuộc họp Thượng đỉnh, bao gồm APEC, Đông Á và G-20. Ít nhất Trump và Tập sẽ có một cơ hội để gặp nhau. Biết đâu hai nhà lãnh đạo sẽ nối lại tình bạn và tìm ra được một thỏa hiệp nào đó cho cuộc chiến thương mại. Nếu điều này xảy ra, có thể coi Mỹ đã “ăn non”, Trung Quốc tuy thiệt nhưng cũng mừng vì không bị tổn thất thêm nữa.

Nhưng sự đời không dễ dàng như vậy, và ông Trump cũng không bốc đồng và nông cạn như một số người nghĩ. Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã tuyên bố, cuộc chiến chỉ chấm dứt với hai điều kiện, Trung Quốc chấm dứt việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và không còn tình trạng mất công bằng mậu dịch. Vấn đề sở hữu trí tuệ là “định tính”, hơi khó xác định, nhưng mậu dịch là con số, đó là thâm thủng 375 tỉ USD/năm.

Để mậu dịch cân bằng, về lý thuyết sẽ có ba giải pháp. Thứ nhất là hai con số đều về zero, tức nghỉ chơi với nhau; thứ hai cùng bằng với mức xuất khẩu của Mỹ là 130 tỉ USD; thứ ba, cùng bằng mức xuất khẩu của Trung Quốc là 505 tỉ USD.
Tối ưu nhất là thương mại mỗi bên đạt 505 tỉ USD, nghĩa là Trung Quốc phải mở cửa thị trường 1,4 tỉ dân, điều mà Mỹ và phương Tây mong muốn từ lâu. Để thực hiện điều này không nhanh được vì năng lực tiêu thụ của đa số người dân Tầu còn nghèo khó là khá thấp. Theo hướng này, sẽ đúng với dự đoán của Tỉ phú Jack Ma, chiến tranh kinh tế thương mại sẽ kéo dài 20 năm.

“Chính trị là sự biểu hiện tập trung của kinh tế”. Chiến tranh về kinh tế không thể không dính đến chính trị và quân sự. Đó là điều mà chính quyền Trump đã chuẩn bị để tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục 700 tỉ USD vào năm nay và sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới.

Mặt trận chính trị tư tưởng đã được đích thân ông Trump tác chiến. Trong bài phát biểu chật cứng các hàng ghế đại biểu tại Liên hợp quốc, ông đã sỉ nhục chế độ mà Tàu cộng "lựa chọn” bằng những lời lẽ ê chề: “Virtually everywhere socialism or communism has been tried, it has produced suffering, corruption, and decay. Socialism’s thirst for power leads to expansion, incursion, and oppression. All nations of the world should resist socialism and the misery that it brings to everyone”. Ông đã vạch ra cái mà bọn đầu sỏ vẫn tìm cách giấu diếm: Sự thèm khát quyền lực của CNXH đã dẫn đến bành trướng, thôn tính và đàn áp.

Vậy là điều Trump theo đuổi không phải là mấy đồng bạc mậu dịch mà có nguồn gốc sâu xa và cao đẹp hơn nhiều, vì một thế giới bớt đi áp bức, bất công.

Từ lâu, mình đã thích Trump nhưng không sùng bái ông cũng như sùng bái bất kỳ cá nhân nào, vì ai cũng có điểm mạnh điểm yếu và những giới hạn. Nếu ông làm suy yếu chút ít nước Tầu và làm nước Mỹ mạnh thêm phần nào cũng là kỳ tích rồi, chứ bảo ông phải thay đổi hoàn toàn cả thế giới là điều không tưởng.

Các Tổng thống Mỹ đều là những nhà hùng biện, đặc biệt là tại diễn đàn Liên hợp quốc. Điều khác biệt ở Trump là lời nói luôn đi đôi với việc làm? 

KHI SỰ NGẠO NGHỄ BỊ ĐÁNH MẤT


Bóng đá Anh có 10 hạng với hàng ngàn đội bóng. Từ hạng 5 đến hạng 10 là trình độ của các đội bán chuyên nghiệp và nghiệp dư. Bốn hạng đầu tiên dành cho 92 đội bóng nhà nghề (fulltime proffessional), gọi là hạng danh dự (premier league), Championship, League 1 và League 2. Được khoác trên người màu áo của một đội bóng nhà nghề là niềm vinh dự lớn lao. Đối với hạng danh dự, các cầu thủ “regular”đều là những triệu phú nhưng nhìn cách họ thi đấu thì có thể thấy tinh thần thượng võ không khoan nhượng. Nhiều cầu thủ đã từng bị chấn thượng nặng, nhưng khi trở lại họ còn mạnh mẽ hơn trước.

Không phải ngẫu nhiên mà giải bóng đá Anh được coi là hấp dẫn nhất hành tinh. Các đội bóng Anh nhà nghề thường có độ tuổi từ 100 đến 150, có đội thành lập từ năm 1862. Mỗi đội bóng là một thiên tình những trang sử hào hùng.

Trong một trận đấu, nếu đội nhà ghi bàn thắng trước thì điều gì sẽ xảy ra ? Trong hầu hết các trường hợp, là tiếp tục lao về phía trước để ghi thêm nhiều bàn thắng nữa. Tuy nhiên, cách đá này có thể coi là ngu ngốc nếu bạn gặp phải một đội bóng mạnh hơn. Khán giả có thể thông cảm với các đội bóng nhỏ, lực bất tòng tâm, vì thiếu tiền bạc và danh tiếng nên không thể tuyển mộ được những ngôi sao tầm cỡ để đương đầu với đối phương. Nhưng khán giả không bao giờ tha thứ cho một đội bóng đẳng cấp hàng đầu, với thương hiệu và tài sản đồ sộ mà lại hèn nhát.

Trong trận đấu rạng sáng nay, Man Utd chỉ tiếp đội ở hạng dưới (tức Championship) Derby County trong Cup Liên đoàn. Man Utd đã vượt lên dẫn trước ngay từ phút thứ 3 nhưng rồi không giữ được lợi thế và chịu thua chung cuộc. Kịch bản này đã trở nên quen thuộc kể từ khi Mourinho quay trở lại nước Anh để dìu dắt đội quỷ đỏ thành Man.

Mourinnho là HLV giàu thành tích, đã mang lại 3 chức vô địch cho đội Chelsea trước đây. Ông nổi tiếng là “Mr 1-0” nghĩa là chỉ cần thắng một bàn. Kỳ lạ ở chỗ Mou lại tỏ ra thích thú về điều này. Trong mùa bóng 2016-2017, Mou đã ngậm đắng nuốt cay khi Man Utd hòa tới 15 trận tại Premier League, một con số kỷ lục. Sau khi ghi bàn, Mou có thói quen xua quân về phòng ngự để giữ tỉ số. Nhưng điều này đã bị các đội bóng bắt bài. Khi bị Man Utd dẫn trước, họ biết tỏng các cầu thủ của Mou không còn khát khao, nên chẳng việc gì phải sợ bị thủng lưới thêm mà hiên ngang ra đòn tấn công gỡ hòa. Trong rất nhiều trường hợp, các đội bóng tí hon đã thành công trước gã khổng lồ.

Man Utd khác Chelsea, khán giả của họ lại càng khác. Sân Nhà hát của những ước mơ có sức chứa gấp đôi sân Stamford Bridge, khi mà việc mở rộng nó đang bị trì hoãn. Khán giả của Man Utd không dễ tính và luôn đòi hỏi đội bóng của mình phải thực thi triết lý tấn công vũ bão nhất có thể được. Mourinho đã buộc phải thay đổi, tiếc thay đó chỉ là sự thay đổi nửa vời. Đúng ra, sở trường của ông là bóng đá phòng ngự, nhưng khán giả không cần biết điều đó.

Pogba là một cầu thủ ma lanh đã nhanh chân đứng về phía khán giả. Sau trận đấu với một đội Wolves mới lên hạng, cũng trên sân nhà, Man Utd cũng ghi bàn thắng trước rồi bị cầm hòa, Pogba đã ra báo chí thẳng thừng chỉ trích lối đá phòng ngự của HLV mà ông boss chẳng làm gì được. Mourinho chỉ đáp trả rằng Pogba sẽ không được đeo băng đội trưởng nhưng Pogba có phải đội trưởng đâu mà cần.

Trở lại trận đấu với đội hạng dưới Derby, với đủ mọi lợi thế mà Man Utd không hề tỏ ra lấn lướt đối thủ trong các chỉ số cầm bóng, số cú sút, phạt góc...mà chỉ hơn...cái phạm lỗi, trong đó có lỗi dẫn đến thẻ đỏ. Man Utd thua không phải vì bị thiếu người, nên nhớ trước khi Romero bị đuổi thì Derby đã gỡ hòa 1-1 rồi. Và với một thủ môn số 3 ít kinh nghiệm thì cái chết trên chấm phạt đền không có gì lạ.

Rõ ràng thời gian đã đủ để nói rằng Mourinho là một thử nghiệm thất bại tại Man Utd. Việc ông ra đi không phải tính bằng tháng, mà tính bằng ngày.

MƠ ƯỚC TRỞ THÀNH NHÀ VĂN


Nhờ có facebook mà thỉnh thoảng mình lại khai quật được một người bạn từ ngày xửa ngày xưa. Mấy chục năm mà nó còn chọc mình, hồi trước mày mặc quần thủng đít, sao bây giờ nhà văn rồi à. Ờ, bây giờ vẫn thủng đít thì sao, bực bội rồi đấy.

Quả là mình có viết chữ “writer” trong phần giới thiệu trên facebook. Nhưng ngôn ngữ đâu phải chỉ phản ánh hiện thực mà còn phản ánh ước mơ. Sự thực là, không chỉ tự hào về những cái đã có mà vẫn có thể hãnh diện về những cái đang mơ, có ai cấm đâu.

Trong cuộc sống, đôi khi thực và mơ ngược nghĩa với nhau. Ví dụ, khi hô “chúng ta đoàn kết”, tức là chúng ta đang có chuyện, đấm đá nhau, âm mưu giết nhau...chứ đoàn kết rồi thì cần gì khẩu hiệu nữa. Người mong muốn trở thành nhà văn không có nghĩa là giỏi văn, mà có thể rất dốt.

Mày ơi, chat với mày rất vui nhưng mày không cần nói toạc ra đâu. Tao không đến nỗi quá ngu, chỉ ngu vừa vừa nên đã hiểu mày định nói gì, mày bảo tao viết như con c. í mà đòi tự nhận là nhà văn. Ngần này tuổi đầu, tao không hoang tưởng, hơn nữa tao đã biết khả năng viết lách của tao từ rất lâu.

Năm 1990, mình tình cờ quen biết Chu Lai, tác giả “Nắng Đồng bằng”, “Ăn mày dĩ vãng”, “Vòng tròn bội bạc”, “Phố Nhà binh”...cũng là lúc mình bắt đầu viết truyện ngắn. Chu Lai nói một ý mà mình nhớ mãi, nếu em bê nguyên xi chuyện ngoài đời vào sách thì người đọc sẽ không tin, cho đó là bịa; ngược lại nếu là bịa đặt hoàn toàn thì người ta lại dễ tin là có thật. Mình coi đó là một cẩm nang quan trọng cho những người cầm bút, bởi vì chuyện thật thường có những chi tiết ngẫu nhiên không thể tin được; còn chuyện bịa thì người viết có thể chủ động dàn dựng sao cho câu chuyện thật “logic”.

Mỗi lần viết, mình đưa cho Chu Lai xem, ông chỉ cười. Truyện ngắn đầu tiên mình viết 16 lần, đến lần thứ 16 thì Chu Lai không cười mà bảo, em không nên viết nữa. Làm nhà văn khổ lắm chứ không sung sướng gì đâu.

Từ hồi đó mình đã hiểu, nếu trở thành nhà văn, mình chỉ thuộc loại hạng bét. Nhưng cuộc đời rất đẹp, không chỉ có một lối đi mà có rất nhiều con đường.

“TÔI LÀM CHÍNH TRỊ”



Tuần qua, mọi người đã chứng kiến một phen sôi động trên chính trường nước Úc thì ở quốc nội, cựu Đại sứ Nguyễn Trung cho ra mắt bạn đọc cuốn hồi ký mang tên “Tôi làm chính trị”. Điều thú vị là cựu Phó Tổng thống, Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ đã từng nói “tôi không làm chính trị” thì nay lại có người nói ngược lại! Cho thấy từ “chính trị” trong tiếng Việt quả là khó hiểu và đa nghĩa.

Ông Turnbull là một chính khách dễ mến, dù đảng của ông 38 lần thua trong các cuộc trưng cầu dư luận thì cá nhân ông vẫn luôn vượt hơn so với thủ lãnh đối lập. Turnbull vốn một doanh nhân thành đạt, đến 50 tuổi mới bắt đầu ra làm chính trị. Việc ông ra đi sớm, chỉ sau 2 năm ngồi trên ghế Thủ tướng, dẫn đến việc nước Úc có đến 7 lần thay đổi Thủ tướng trong vòng 11 năm qua. Có người cho như thế là “bất ổn” và thay đổi hơi nhiều. Vậy thì trong 11 năm trước đó chỉ có một Thủ tướng là ông Howard thì sao? Và dường như có những người rất giỏi làm chính trị, còn những người khác thì không?

Bàn rằng, lãnh tụ phải là người có bộ óc siêu phàm, nghĩ ra được tất cả mọi thứ hay ho, từ đó ra lệnh và bắt mọi người phải làm theo. Mình cho rằng quan niệm như vậy rất sai lầm.

Trong Tam quốc chí, một bộ sách lịch sử chính trị xuất sắc, hai nhân vật điển hình nhất là Tào Tháo và Lưu Bị. Tào Tháo là người văn võ song toàn, ngẩng đầu thông thiên văn, cúi xuống tường địa lý. Trong khi đó, Lưu Bị ít học, võ nghệ cũng kém cỏi. Cả hai đều tay không làm nên cơ nghiệp, cho thấy, giỏi hay dốt đều có thể làm được lãnh tụ.

Cái nổi bật của Tào và Lưu là sự bao dung, độ lượng và năng lực quan sát lắng nghe. Về binh pháp, ngoại trừ Tư Mã Ý, không ai bằng Tào Tháo, nhưng bất luận việc gì Tào cũng hỏi ý kiến mưu sĩ và thường làm theo lời khuyên của họ. Tương tự, Lưu Bị thường xuyên làm theo Khổng Minh và những người khác. Mỗi khi có chuyện, tướng sĩ đều hăng say hiến kế để chủ tướng của mình có nhiều phương án lựa chọn. Có lẽ tiêu chí để đánh giá một người lãnh đạo giỏi hay không là mức độ sử dụng nhiều các sáng kiến của người khác chứ không phải ý tưởng của mình. “Ông cứ làm theo ý của ông thì cần chúng tôi để làm gì và ông đi mà tự làm lấy”.

Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cách đây năm rưới , Hilary Clinton là một đối thủ vô cùng chuyên nghiệp, ngược lại Donald Trump hết sức nghiệp dư. Chiến thắng thuộc về, không thể nói khác, người thấu hiểu nguyện vọng của cử tri hơn.

Bản thân mình đã từng tham gia vài ba hội doanh nghiệp và hiện tiếp tục ở trong hội Children’s Festival. Trong hàng chục, nếu không muốn nói là hàng trăm Hội đoàn của người Việt thì có những Hội đoàn hoạt động rất tốt, duy trì trong ba bốn chục năm; ngược lại, có những hội chỉ được ba bẩy hai mốt ngày. Sự khác biệt do nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề phong cách lãnh đạo.

Một số người cho rằng, tôi không thích chính trị, hoặc không làm chính trị. Mình nghĩ chính trị là một khái niệm rộng, thay đổi theo thời gian. Trước đây, phải làm vua, làm quan thì mới là làm chính trị, bởi vì nếu không phải vua quan thì nói không ai nghe, bá tính chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là vâng lời và làm theo. Ngày nay, nếu bạn không muốn đảm nhiệm các chức vụ công quyền hoặc dân cử, đó là sự lựa chọn của bạn, nhưng bạn phải được bày tỏ ý kiến của mình đối với mọi vấn đề thiết thực trong cuộc sống.

Con cái bị bạn học chung bắt nạt, không lẽ bạn làm ngơ mà không đấu tranh với tệ nạn bully trong trường học. Hàng xóm nhà bạn xả rác bừa bãi, làm ồn ào, bạn phải cất tiếng nói để chống lại những hành vi sai trái. Bạn đấu tranh với những gì bạn cho là không đúng, là bất công, đó chỉ là chính trị mà thôi.

Để cuộc đấu tranh của bạn không đơn độc và có kết quả hơn, bạn cần có sự đồng hành của tập thể, của cộng đồng. Bạn phải ủng hộ ai đó để họ có được một địa vị lãnh đạo cho cả nhóm người, hoặc tự đứng ra nhận lãnh trách nhiệm chỉ huy, vì một mục tiêu giống nhau. Vậy là bè phái, phe đảng rồi.

Trong sở làm, bạn có người quản lý mới. Lẽ đương nhiên, ông hay bà đó sẽ chọn lựa những người cùng cánh để họ có thể cộng tác được với nhau một cách chặt chẽ và hiệu quả, không bị lo sợ tình trạng người làm kẻ phá. Liệu bạn có nằm trong e kíp mới hay sẽ phải ra đi. Hoặc bạn có muốn thăng chức để có tiếng nói lớn hơn, có vai trò quan trọng hơn và chế độ đãi ngộ cao hơn? Những chuyện đó đều là chính trị.

Một vấn đề nữa là “tư tưởng chính trị”. Nhớ lại những cuộc tranh luận hồi còn ở Việt Nam, đa số cho rằng độc tài tốt hơn dân chủ vì nó “ổn định”. Thời gian gần đây, mình khá ngạc nhiên khi “nghe lỏm” những bàn luận của những vị khách du lịch từ trong nước sang, họ đến từ những vùng nông thôn nhưng chính kiến của họ về tự do dân chủ không khác gì những người đã sống ở nước ngoài vài chục năm. Thì ra, trong thời đại internet bùng nổ, với thông tin đa chiều, nhận thức con người đã thay đổi nhanh chóng.

Làm chính trị hay không làm chính trị chỉ là hai cách nói. Trên thực tế, con người ta đã tham gia vào các hoạt động xã hội, đã được thể hiện nguyện vọng và quan điểm và đó chính là đã làm chính trị từ lúc nào không hay.

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2018

THAY TƯỚNG LIỆU CÓ ĐỔI VẬN


Arsenal đang trải qua giai đoạn thay đổi sâu rộng liên quan đến chủ sở hữu, giám đốc điều hành và HLV trưởng. Tỉ phú dầu lửa Nga Usmanov đã bán toàn bộ 30.04% phần hùn của mình cho Tỉ phú Mỹ Kroanke, cho phép ông này nắm giữ 97.13% cổ phiếu Arsenal. Như vậy, tình trạng được người Việt mô tả là “cầm buồi cho chó đái” đã chấm dứt. Dù đóng góp khối tài sản trị giá 550 triệu bảng của đội nhưng Usmanov vẫn là thiểu số, chẳng có quyền hành và đã phải đáp ứng các mệnh lệnh của ông chủ tối cao. Kroanke, nay là ông chủ duy nhất chính là người bị các cổ động viên ghét cay ghét đắng vì thói keo kiệt trong thị trường chuyển nhượng.

Trong khi đó giám đốc điều hành Ivan Gazidis, cũng có tin đồn sẽ chuyển đi AC Milan sau gần 10 năm giữ chức. Cuối cùng, sau 22 năm, Arsenal đã có một tân HLV, ông Emery.

Gia tài mà Emery đón nhận là một thành tích tệ hại nhất trong kỷ nguyên Wenger, với một nhân lực dư thừa về số lượng nhưng thiếu vắng phẩm chất. Theo nguồn tin nội bộ, Emery cho phép ai muốn ra đi đều được thoải mái, ngoại trừ 5 cầu thủ “đủ trình độ” đá cho Arsenal, đó là 3 tân binh của mùa bóng 2017-2018 gồm Laca, Auba, Micky, cùng với cầu thủ đang được hưởng lương cao nhất đội Ozil và cầu thủ U23 duy nhất đá chính trong đội hình Bellerin. Như vậy 2 cầu thủ được bầu chọn là xuất sắc nhất và nhì mùa giải trước là Ramsey và Monreal không nằm trong thành phần “siêu hạng” này.

Ramsey chỉ còn 1 năm nữa là hết hợp đồng nhưng anh không chịu ký gia hạn. Vấn đề ở chỗ mức lương khi Arsenal chỉ muốn khoảng 150.000 bảng/tuần nhưng chắc chắn Ramsey muốn hơn. Lý do là Ozil được những 350.000, trong khi các chỉ số so sánh giữa hai cầu thủ này về thời lượng thi đấu, hiệu suất ghi bàn, hiệu suất kiến tạo Ramsey đều vượt trội. Nên nhớ Ozil ký gia hạn vào hoàn cảnh khá đặc biệt, Sanchez mới ra đi, Ban HL sợ mất nốt Ozil nên đã phải bấm bụngcho mức lương cao chót vót. Với trường hợp Monreal, anh đã 32 tuổi nên không thể nằm trong kế hoạch dài hạn của HLV mới được.

Hơn nữa, Ramsey và Monreal cũng không thể có đẳng cấp ngang bằng với 5 cầu thủ kể trên. Ramsey thuộc mẫu cầu thủ cần cù chứ chưa bao giờ được đánh giá cao về kỹ thuật, bù lại anh có sức bền thể lực và lối chơi nhiệt tình. Trong khi Monreal được coi là có kỹ thuật vượt trội so với...các hậu vệ. Monreal lên tham gia tấn công, cũng dứt điểm và ghi bàn, nhưng càng bộc lộ các sút bóng nhẹ hều, trong khi những cầu thủ ở hàng tấn công đều phải sở hữu những cú sút đầy uy lực và chính xác. Đó cũng là lý do các cầu thủ tiền đạo thường đắt giá hơn và cũng nổi tiếng hơn.

Về nắm đội, Emery đã nhanh chóng đưa về 5 cầu thủ,nhưng không có cầu thủ nào thuộc đẳng cấp của 5 cầu thủ được coi là đủ điều kiện của Arsenal. Cũng dễ hiểu, với tổng trị giá 70 triệu bảng thì khó mà có được cầu thủ nào nằm trong danh mục 10 cầu thủ đắt giá nhất gia nhập mùa bóng 2018-2019. Tuy nhiên những cầu thủ mới là tỏ ra hữu dụng khi đã lấp đầy khoảng trống tại các vị trí phòng ngự vốn không được coi trọng dưới thời Wenger. Ở góc nhìn báo chí, vẫn bình luận rằng Emery đang bị rơi vào trình trạng khó xử (delemma) vì muốn đưa các cầu thủ mới vào sân nhưng thiếu chỗ vì các cầu thủ cũ còn quá nhiều.

Theo quy định mới, các đội bóng chỉ được phép mua cầu thủ cho đến trước ngày khai mạc giải, tức hôm qua 9/8, nhưng vẫn được bán đến hết tháng 8 theo thời hạn của UEFA. Chính vì thế, ngoại trừ 5 cầu thủ cũ và 5 cầu thủ mới, những cầu thủ khác vẫn còn khả năng ra đi.

Mặc dù lực lượng Arsenal chưa được nâng cấp như ý muốn nhưng đội lại được đánh giá khá cao trước mùa giải mới. Đội chỉ xếp sau hai đội là Liverpool và Man city. Ai cũng biết Man city là đương kim vô địch và có lực lương hùng hậu. Đội Liverpool đang có đà tiến bộ và là đội bạo chi nhất trong mùa chuyển nhương với một tinh thần cao nhất tìm về ánh hào quang trong quá khứ.

Với cách nhìn như vậy thì top 4 là chuyện nhỏ đối với Arsenal. Nhưng phải nói HLV mới cũng gặp may khi mà một loạt đại gia đang có vấn đề. Ông chủ Abranovich của Chelsie gặp rắc rối về visa vào Anh và đang tìm cách lấy quốc tịch Israel để hóa giải chuyện này. Đối với Man Utd là vấn đề của HLV Mourinho, hiện đang bị sức ép về thành tích và tín nhiệm, bị đánh giá là HLV dễ bị sa thải nhất trong mùa bóng. Trong khi đó, Tottenham thì phải dồn tiền cho sân vận động mới nên không mua sắm bất kỳ cầu thủ nào.

Nhận định chỉ là nhận định, nó chỉ được sáng tỏ khi trái bóng lăn. Trận khai mạc giữa Man Utd và Lecester sẽ diễn ra vào rạng sáng ngày mai thứ bẩy theo giờ Úc. 

Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2018

GIỎI HỌC GIỎI LÀM VÀ GIỎI NÓI


Nửa đời người, chắc quý vị đã từng nghĩ, làm sao mà mình có ngày hôm nay. Rồi con cái mình nữa, quý vị muốn chúng tiến thân bằng con đường nào ?
Ngày xưa, ông nội, ông ngoại chỉ học hết tú tài mà có thể nuôi được một đàn con, tức cha mẹ của quý vị, một cách đàng hoàng. Còn bây giờ, quý vị có rất nhiều bằng cấp mà chỉ dám mong có một việc làm ổn định, mà cũng không xong.
Cũng không hẳn cuộc sống ngày càng khắc nghiệt như vậy, Khi mà cả làng chưa ai học đến tú tài, cả huyện chỉ có vài người thì những người có chữ hẳn rất đáng quý. Giả sử, trước đây chỉ 1% dân số học hết tú tài; còn bây giờ nếu con cái quý vị lọt vào top 3% những người học giỏi nhất thì cứ yên chí lớn, kiểu gì cũng sống được. “Tiền nào của ấy”, ở Úc cũng như hầu hết các nước, bằng cấp của những ngành nghề hot và trường danh giá thì sẽ dễ xin việc và việc lương cao. Có điều đầu vào của những chỗ ấy thì cần phải có điểm cao, tức là phải có học lực hơn người.
Tuy nhiên, ngay cả khi quý vị là Luật sư hay Bác sĩ giỏi thì phải đến cuối đời mới đạt được mức lương $1 triệu/năm. Trong khi những cầu thủ đá chính và một phần cầu thủ dự bị ở Giải ngoại hạng Anh đã đạt con số ấy từ độ tuổi 20+. Nếu con cái bạn đá bóng không giỏi mà lại hát hay cũng không sao, ca sĩ nổi tiếng cũng rất giàu. Ngoài tiền bạc, những ngôi sao thể thao âm nhạc còn có nhiều người hâm mộ.
Nếu con quý vị có năng lực làm kinh doanh thì cũng chẳng cần và chẳng nên học hành làm gì cho mất thời gian. Ngoài hữu thực là tỉ phú hay trăm triệu phú, họ còn có một niềm tự hào chính đáng bởi chính những doanh nhân thành công là những người nuôi sống cả đất nước, cả xã hội loài người.
Nếu con cái mình học dốt đồng thời chẳng biết làm gì thì có “cửa” gì không ? Vẫn còn. Quý vị không có tiền mà lại tự xưng là đại gia, bình thường ra, chẳng ai tin. Nhưng nếu quý vị nói giỏi thì lại có khối người tin. Lúc đó, quý vị sẽ dễ dàng lấy được một vợ và kiếm được vài cô bồ. Được ngồi cùng thuyền với các big names, việc làm ăn sẽ hết sức dễ dàng.
Xuân tóc đỏ chơi quần vợt bị thua, vậy mà vẫn tự mô tả đó như một chiến công vì hòa bình, cứu mọi người khỏi chiến tranh, ngụy biện trắng trợn như thế mà vẫn được tán thưởng. Hậu duệ của Xuân là bọn Vũ nhôm, Út trọc với nghề chính là “nổ”, “ngáo” và “tay không bắt giặc”. Mình tin rằng những kẻ xuất thân hạ lưu, dòng dõi bần cố nông, chúng thường nói năng một cách vô liêm sỉ.
Xã hội nào, con người đó. Xưa kia, nói nhiều bị coi là “thùng rỗng kêu to” thì ngày nay khi xã hội không còn khép kín và sẽ không thành kiến như vậy nữa. Xã hội hiện đại khuyến phát minh, sáng tạo hàng hóa dịch vụ mới, đặt ra nhu cầu “sell” những ý tưởng và sản phẩm mới. “Nói giỏi” không còn chỉ là hoạt ngôn còn là năng lực sử dụng các phương tiện khác như viết, điện thoại, email và và tương tác mạng xã hội. Con người ngày nay cần phải có năng lực giao tiếp cao hơn hẳn trước đây.
Để giao tiếp giỏi, con bạn cần có rất nhiều trải nghiệm và cảm xúc trong thực tiễn lẫn lý thuyết. Muốn đạt được điều này, không có cách nào khác ngoài sự lao động miệt mài.
Có lần hai cháu nhà mình hỏi, thế nào là người tốt, thế nào là người xấu? Mình đã nói ngắn gọn rằng, người tốt là người cống hiến contribution nhiều hơn cái họ hưởng; ngược lại, người xấu, ngoại trừ người tàn tật, lại giành phần nhiều hơn cái họ làm ra.
Nếu bạn lười biếng, bất tài lại tham lam những cái mà bạn không xứng đáng thì có thể và có nên lừa dối vợ con bạn không? Bọn trẻ có đủ thông minh để đánh giá và cách giáo dục con cái tốt nhất là bằng tấm gương của chính con người bạn.
Quan niệm của mình chưa chắc đã đúng, nhưng cũng là một gợi ý cho các cháu. Theo mình, hạnh phúc chưa chắc đã có được bởi sự thành công nhưng chắc chắn có được nếu bạn nguyện làm “người tốt”.

NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢCCHÚA CHE TRỞ


Kỳ World cup vừa qua, đội tuyển Anh đứng hạng tư, tuy nhiên lối chơi khá nhạt nhòa. 10/12 bàn thắng của đội Anh xuất phát từ những quả phạt bao gồm phạt đền, phạt góc và phạt trực tiếp. Kane được nhận phần thưởng vua phá lưới của giải với 6 bàn thắng, nhưng trong đó có 3 bàn từ chấm phạt đền. 

Dấu ấn chiến thuật lớn nhất của HLV Southgate chỉ là dùng Steeling như là một “chim mồi” khi cầu thủ này thường xuyên rê dắt để kiếm phạt! Ý đồ của ông chỉ hoạt động được phần nào vì có lẽ Steeling đã quá tải trong màu áo Man city nên rất hay mất bóng và đuối sức, thường bị thay ra từ giữa hiệp 2.

Southgate xếp đội hình đội Anh theo sơ đồ 3-5-2 với số đông tiền vệ bao gồm Henderson, Young, Trippier, Dele Ali và Lingard. Xét theo các tiêu chí kỹ thuật, tốc độ, nhãn quan chiến thuật và lối chơi táo bạo quyết đoán thì chẳng ai trong số họ có thể bì được với một tiền vệ khác không có trong danh sách: Jack Wilshere.

Đội tuyển Anh dự World cup với một đội hình được trẻ hóa triệt để, loại hẳn các anh già, đáng chú ý lại loại luôn một cầu thủ 26 tuổi là Wilshere. Bóng đá ngày nay ngày càng thiên về sức mạnh, do đó thường đến tuổi 25 trở đi thì người cầu thủ mới phát triển đầy đủ về thể chất và bắt đầu tỏa sáng. Các cầu thủ hàng đầu hiện nay đã sang tuổi “băm” có thể kể đến Messi, Ronaldo, Modric.

Thực ra, không phải Southgate ghét bỏ gì Wilshere, chẳng qua vì chàng cầu thủ tài hoa có một tiền sử chấn thương rất đáng quan ngại.

Wilshere vào lò đào tạo của Arsenal từ năm 9 tuổi. Năm 15 tuổi, cậu bé được coi là thần đồng và được đặt cách lên đội 1 Arsenal. Mùa giải 2010-2011, ở tuổi 18, Wilshere đã có một mùa giải tuyệt vời, được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất của Arsenal, đồng thời là cầu thủ trẻ xuất sắc nhất Giải ngoại hạng Anh.

Để lấy chỗ cho thủ lĩnh mới ở tuyến giữa, HLV Wenger đã tự tin bán Fabregas đi. Thật đáng tiếc, Jack đã bị chấn thương nặng ngay đầu mùa giải tiếp theo 2011-2012 và phải nghỉ cả mùa giải. Sang mùa 2012-2013, nghĩ rằng Jack lành chấn thương, Wenger đã trao anh chiếc áo số 10, nhưng không, cái mắt cá chân trái, chân thuận, vẫn chưa chịu buông tha Jack.

Có thể nói quãng thời gian sa sút của Arsenal trong tám năm vừa qua, có “lỗi” của Wilshere, cầu thủ được coi là trụ cột của đội lại không chịu lớn. Wenger đã làm một điều khá kỳ lạ, chơi tất tay trong mùa giải 2017-2018 khi tìm mọi cách đưa Wilshere vào sân và đã phải trả giá bằng cái ghế chưa hết hợp đồng của ông.

Trong đội hình 4-3-3, Wenger đã sắp xếp vô lý với ba tiền vệ là Ramsey, Xhaka và Wilshere. Thông thường trong 3 tiền vệ, phải có 1-2 tiền vệ phòng ngự, trong khi cả ba cầu thủ này đều thiên về tấn công. Wenger ép Xhaka lùi xuống vị trí thấp nhất và vì không đúng sở trường, Xhaka là một trong những cầu thủ chơi tệ nhất trong mùa giải, bị coi là tội đồ của nhiều bàn thua lãng xẹt. Vì Ramsey chơi quá nổi bật, không loại được thì Wenger lại đẩy Ozil lên hàng tiền đạo, cũng để lấy chỗ cho Wilshere, điều đó cũng làm Ozil mất phong độ.

Được ông bầu ưu ái như vậy, Wilshere chơi trận hay trận dở, trận nghỉ vì đau làm người ta không hiểu nổi đâu là giá trị thật của anh? Sự thật, Jack là một siêu sao với chiếc chân trái ma thuật không kém gì Messi, Modric hay bạn đội Ozil. Có điều, anh không được Chúa che trở nên không thể làm gì hơn được.

Với kinh nghiệm xương máu của Wenger, tân HLV Emery dường như đã có chủ ý ngay từ đầu. Bởi vậy, ngay sau cuộc nói chuyện với Emery, Wilshere đã tuyên bố ra đi mặc dù trước đó có tin đã “xong” thỏa thuận về việc gia hạn hợp đồng.

Bến đỗ mới của Jack không xa: West Ham, đội bóng cùng thành phố. Đây là đội bóng thường thường bậc trung, và với một đội như thế, áp lực sẽ được giảm thiểu, cũng ít cơ hội tái phát chấn thương hơn. Chưa biết chừng, nếu được Chúa thương thì Wilshere vẫn có thể quay trở lại.

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2018

CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI ĐI ĐẾN ĐÂU


Với hai “phát súng” chỉ cách nhau vài ngày nhắm vào hai gói hàng hóa trị giá 50 tỉ USD và 200 tỉ USD, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở thành một thực tế, giai đoạn hòa bình, hòa hoãn đã trôi qua. Mục đích của Mỹ, như TT Trump đã từng nói là “gây tổn thương tối đa cho Trung Quốc và tối thiểu cho người tiêu dùng Mỹ”.

Câu hỏi đặt ra ở đây là cuộc chiến này chỉ dành cho Trung Quốc hay là chống lại cả thế giới ? Dễ thấy, Mỹ đang là con bò để vắt sữa, “người ta lợi dụng Mỹ để làm giàu”. Ai cũng biết rằng Mỹ đang nhập siêu nhiều nhất, trong khi cân bằng thương mại mới là sự công bằng trong mối quan hệ mậu dịch. Nhìn góc độ khác, với tư cách là ông anh cả hùng mạnh nhất, tại sao bỗng dưng “ông anh” lại so đo thiệt hơn với em út làm chi ?

Sau một thời gian được vỗ béo về kinh tế, Trung Quốc đã xuất hiện các tham vọng về chính trị, quân sự. Kế hoạch “một vành đai, một con đường” rõ ràng là mưu đồ thống trị thế giới, đe dọa địa vị của Mỹ. Để hóa giải sự bành trướng của Trung Quốc, ông Trump đã từng nói đến chuyện Mỹ có thể ủng hộ Nhật Bản phát triển vũ khí hạt nhân. Nếu Nhật có vũ khí hạt nhân sẽ tạo ra tiền lệ chạy đua vũ trang khó lường bởi Hàn Quốc hay Đài Loan cũng sẽ đi theo. Đương nhiên, Trung Quốc rất sợ viễn cảnh này nên đã ép Kim Jong Un giải trừ hạt nhân, nhằm xóa cái cớ đe dọa hạt nhân trong khu vực Đông Bắc Á.

KInh tế luôn liên quan chặt chẽ đến chính trị. Việc làm của Tập về việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ của chức Chủ tịch đã tạo ra một hình ảnh nước Trung Hoa phản cảm. Ngay đến Putin tìm mọi cách níu kéo danh vọng nhưng người ta tin ông không cống hiến đến hơi thở cuối cùng, sẽ có lúc ông về hưu. Quyền lực mà thiếu kiểm soát chắc chắn dẫn đến tha hóa. Thử hỏi, khi nắm trọn quyền lực tột đỉnh, Hitler liệu có còn đặt quyền lợi nước Đức cao hơn những tham vọng cá nhân ngông cuồng của hắn ? Ở đây, họ Tập sẽ áp dụng phương cách “xanh vỏ đỏ lòng”, ra vẻ chống Mỹ nhưng thực chất là sẵn sàng nhượng bộ để đổi lại, Mỹ sẽ chiếu cố cho ông ta mãi mãi ngồi trên ngai vàng nước Tàu.

Nếu cho rằng mặc nhiên Mỹ phải là cái ô che chở, trả tiền quân sự, rồi mua hàng cho các nước thì đó là tư duy của thời “hai phe, bốn mâu thuẫn”. Cứ như vậy mãi thì sẽ có ngày Mỹ không còn đủ sức mạnh để bao sân cho các hoạt động cao cả vì mục đích tự do và nhân quyền trên toàn thế giới. Và bây giờ là lúc Mỹ xóa bỏ những điều vô lý bấy lâu và đặt quyền lợi của nó lên trên hết.

Một danh sách “nóng” gồm 16 nước, bao gồm Nhật, Đức, Canada... cũng như Trung Quốc, Mexico, Vietnam...xuất siêu hàng vào Mỹ đã được công bố. Tuy nhiên, chính quyền Trump nhấn mạnh hành động của Mỹ đối với từng nước là khác nhau, thông qua các đàm phán song phương. Khác nhau bởi vì giữa những nước tiên tiến đồng minh sẽ có nhiều thứ để trao đổi và hợp tác; trong khi đó, các nước xuất cảng hàng thứ cấp chỉ biết cạnh tranh bằng giá rẻ và thao túng, định hướng tiền tệ, tất phải hứng chịu những đòn trừng phạt về thuế.

Cuộc chiến chống Trung Quốc lần này không chỉ có ý nghĩa về kinh tế tài chính mà khía cạnh kỹ thuật cũng quan trọng không kém. Trong quan hệ làm ăn với Mỹ, Trung Quốc đã và đang mua nhiều máy móc thiết bị, phát minh, sáng chế kỹ thuật để phát triển công nghiệp 4.0 đầy triển vọng. Đây chính là điều phía Mỹ cần ngăn chặn một cách khẩn cấp.

Trong bối cảnh thế giới đang dư thừa các loại hàng hóa rẻ tiền, hàm lượng chất xám thấp thì vai trò “công xưởng” của Trung Quốc không còn có ý nghĩa như trước. Nếu không có hàng Trung Quốc, nguồn cung vẫn còn rất dồi dào. Mặt khác, một khi nền sản xuất công nghiệp nói chung của thế giới chững lại, các nhà máy đóng cửa hoặc giảm công suất, giảm thiểu việc việc sử dụng nguyên nhiên liệu và phế thải lại là điều tốt lành cho việc bảo vệ môi trường.

Trong mỗi sản phẩm hàng hóa dịch vụ, thương mại là đầu ra, còn đầu tư là đầu vào. Cùng với giải pháp đánh vào hàng nhập khẩu, Ngân hàng FED tăng lãi suất liên tiếp và nhiều hơn dự kiến cũng là những đợt pháo kích làm các nước mất nguồn vốn đầu tư, dòng tiền đang chạy trở về Mỹ.

Người ta đưa ra nhiều dự báo về diễn biến của cuộc chiến. Cứ nhìn vào màu đỏ bao trùm của thị trường chứng khoán Trung Quốc thì mọi người hiểu triển vọng của “nước láng giềng” là rất xấu. Nếu bạn ra các trung tâm thương mại mà thấy nhiều shop đóng cửa thì nghĩa là sức mua của người tiêu dùng đã sụp giảm.

Thị trường không chỉ quyết định bởi quan hệ cung cầu mà yếu tố tâm lý xã hội còn quan trọng hơn. Ông Trump chính là người ưu thích hơn ai hết trò chơi hư hư thực thực này.

BÓNG ĐÁ VÀ TÌNH YÊU


Tình yêu thật kỳ lạ: bạn có thể sung sướng trong mối tình một đêm với kẻ xa lạ, đồng thời vẫn hạnh phúc với vợ hay chồng, người bạn biết tường tận. Còn với mình, không chỉ yêu một đội bóng, mà là hai. Đội Úc là đội hầu như chẳng biết cầu thủ nào, còn Anh thì mình lại rất rành về các thành viên của đội.

Bóng đá Anh là giải đấu mình rất say mê và thường xuyên thưởng thức trên màn ảnh nhỏ. Đa số các thành viên đội tuyển Úc đá cho các đội hạng hai, gọi là Championship, một số đá giải Ngoại hạng Anh nhưng chỉ là những cầu thủ vai phụ và bị lu mờ trước các ngôi sao. Mình không có đủ thời gian xem các hạng hai, ba, tư...nên không hân hạnh được biết các cầu thủ Úc. Đội tuyển Anh thì ngược lại, chẳng có ai đá đội hạng 2 mà toàn đá cho ngoại hạng. Tuy vậy, HLV trưởng Southgate lại là một HLV của một đội Championship. Nhưng vì ông kiêm nhiệm HLV đội U21 của Anh nên đã bất ngờ được bổ nhiệm vào ghế HLV đội tuyển Anh.

Dấu ấn của ông Cửa Nam (Southgate) đối với đội tuyển Anh là việc trẻ hóa đội hình. Anh là đội có tuổi bình quân trẻ nhất ở World cup lần này, trong đó Kane nhận bằng đội trưởng ở tuổi mới 24. Có thể lý giải rằng ông chỉ là HLV “tầm thường” nên khó thu phục được các công thần của đội. Hơn nữa, là cựu HLV U21, ông dễ dàng đôn các học trò cũ lên.

Người mở tỉ số bằng quả đánh đầu kinh điển cho đội Anh trong trận tứ kết với Thụy điển là một chàng trai không quá trẻ nhưng mới lạ: Maguire. Còn người hùng trong trận 1/16 trước đó với Colombia là thủ môn Pickford cũng chỉ có số lần khoác áo đội tuyển đếm trên đầu ngón tay. Nhưng phải nói đội Anh đã gặp may, đôi rơi vào bảng đấu khá ngon, rồi lịch thi đấu thuận lợi. Anh được gặp 2 đội yếu Tunisia và Panama ở hai trận đầu tiên và dễ dàng thắng với tổng tỉ số 8-2, gây dựng được tinh thần tự tin cho toàn đội. Gặp Bỉ ở trận cuối vòng bảng, Anh chỉ cần hòa là đủ nhất bảng, nhưng lại thua để rơi vào nhánh ngon hơn.

Giờ thì Anh đã trở thành favourite của chức vô địch thế giới khi đội đã trình diễn được một lối đá rất thuyết phục. Có thể mạnh dạn nói rằng, trận gặp Croatiaở bán kết sắp tới là ngon ăn. Trận chung kết dù gặp lại Bỉ hay đại chiến với Pháp thì Anh vẫn là cửa trên.

Vào lúc Southgate công bố danh sách đội đi Nga, mình đã không khỏi thất vọng khi một loạt cầu thủ yêu thích đã bị ra dìa như Hart, Smalling, Gibbs, Walcott và đặc biệt là Wilshere. Nhưng thật không ngờ, những cầu thủ trẻ nước Anh lại có thể chơi hay đến thế. Nay Úc đã đi xa, chỉ còn Anh, còn lại tình yêu với đội tuyển bóng đá Anh.

Thứ Hai, 2 tháng 7, 2018

KHÁT VỌNG TỰ DO


Mình tin rằng trong tâm khảm mỗi người trong chúng ta đều có một ước mơ nào đó nhưng lại không dễ có cơ hội để bộc bạch những điều thầm kín của mình. Ước mơ đó không hình thành một chốc một lát mà có một quá trình dài lâu, từ khi còn tấm bé.

Bố mình đi nước ngoài từ khi mình chưa ra đời, bên ông bà ngoại cũng có tài sản, cho nên từ khi lọt lòng, mình đã có một cuộc sống vật chật đầy đủ hơn so với những đứa trẻ cùng lứa. Vào thời bọn trẻ còn ăn cơm độn nhá với cà muối thì mình đã uống sữa ngoại. Bạn học cùng lớp mình vẫn đi dép lê không tất vào mùa đông thì mình đi giầy. Mặc dù vậy, mình không thích ăn mặc khác người mà chỉ mong được giống mọi người. Vào những năm 70-71, khi em gái mình ra đời thì nhà mình đã có người giúp việc.

Có người làm trong nhà nhưng mình được giáo dục tính độc lập cao độ. Từ khi 4-5 tuổi, đã tự rót nước uống. Vì hậu đậu và vụng về, đánh vỡ rất nhiều cốc nên được thửa riêng cốc nhựa. Tự đi học từ năm học lớp 1, quãng đường từ phố Châu Long đến trường Chu Văn An dài 1300m, độ dài mà người lớn đi cũng phải mỏi chân. Năm 13 tuổi, vào thời xe đạp vẫn phải đăng ký giấy phép, đã được bố mẹ một cái xe đạp với biển số trùng với ngày sinh. Năm 17 tuổi, đi buôn kiếm được tiền, mình mở sổ tiết kệm để cất giữ. Số tiền tiết kiệm được gần đủ mua được cả cái xe đạp, một cơ nghiệp thời đó. Khi chính thức đi làm từ năm 21 tuổi, dù vẫn được mẹ nấu cơm, nhưng đã tự trả tiền ăn.

Dường như có một sự khác biệt rõ ràng giữa những người sống bằng khả năng của mình với những người sống bằng xin xỏ, nhờ vả. Người quen bú mớm thường tham lam, tìm mọi cách cướp phá, thực chất là nô lệ cho đồng tiền và những thứ vật chất tầm thường. Họ không thể cảm nhận được những giá trị khác đáng yêu, đáng quý của cuộc sống. Chỉ khi tự làm chủ được về tài chính thì mới có thể sống chậm, ngẩng cao đầu ngó nghiêng, hướng tới một điều hết sức cao cả, đó là sự tự do.

Khó giải thích về hai chữ “Tự do” lắm. Trai, gái nằm trên hay nằm dưới sẽ mang lại nhiều khoái cảm hơn, không thể là chủ đề bàn tán của những đứa trẻ con, bạn chỉ có thể hiểu được nó khi bạn đã là người lớn. Nếu bạn chưa từng được sống trên một đất nước tự do như nước Úc thì cảm nhận về các giá trị dân chủ, nhân quyền không thể đầy đủ. Nói vậy không hẳn bạn bắt buộc phải sống ở Úc hay các nước tiên tiến, dù sao để có được tự do về tư tưởng cần thời gian và những đột phá về tư duy. Không làm full time cũng là cách mình cảm thấy không bị lệ thuộc vào một công ty hay tổ chức nào cả. Mình không còn viết cho bất kỳ tờ báo nào, bởi để lấy mấy đồng nhuận bút và để được đăng bài, ít nhiều phải uốn éo ngòi bút theo ý của người duyệt bài. Đến tận bây giờ, khi đã có tuổi, mình mới cảm nhận được tự do là điều quý giá nhất, không gì so sánh được.

Tuy vậy, tự do không có nghĩa là không có ràng buộc. Bạn không thể phủ nhận sự giáo dục của cha mẹ và cũng không thể thoái thác trách nhiệm với con cái. Trong xã hội phương Tây, có thể coi cả ba môi trường giáo dục là xã hội, trường học và gia đình đều quan trọng, nhưng đối với văn hóa phương Đông, sự dậy dỗ của gia đình là chủ yếu. Tinh cha huyết mẹ sinh thành, được nuôi ăn, mặc là chuyện đương nhiên, cái mà những người con nên cám ơn cha mẹ là những rèn dũa cho các tính cách quý báu để vào đời. Đối với mình, điều luôn luôn ghi nhớ là suy nghĩ độc lập, tính kiên trì và sự tự tin.

Một số bạn bè từng thắc mắc rằng, mình chức bé mà sao dám giao du với một số người chức to ? Chẳng biết nói sao. Khi nghĩ lại thì thấy chuyện đó cũng giống như một đứa lên bốn phải tự rót nước uống, một việc làm quá sức vào lúc đấy. Dù có đổ vỡ, nhưng nó không cảm thấy sợ phải tự phục vụ khi khát và tự làm những điều muốn làm.

Thành công không phải con đường duy nhất hoặc quan trọng nhất để mang lại hạnh phúc, bởi càng tham vọng càng dễ chuốc lấy khổ đau và những trói buộc. Tư do mới là cái mang lại hạnh phúc.

Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2018

World Cup: BÓNG ĐÁ LÀ LỄ HỘI


Nếu “tụ tập đông người”, bạn luôn đối diện với nguy cơ bị công an giải tán vì như thế là chia rẽ quan hệ ta với “nước láng giềng chung biên giới Quảng Ninh”. Nhưng nếu bạn tụ tập dù có đông hơn nữa để cổ vũ bóng đá thì “chẳng sao cả”. Điều đó cho thấy vị trí vai trò đặc biệt của bộ môn bóng tròn.

Đôi khi lẩn thẩn mình nghĩ thầm, tại sao phải có bóng đá, hoặc bóng đá để làm gì ? Tự hỏi rồi lại tự trả lời. Bóng đá là một trò chơi có sức cuốn hút cao, khiến hàng tỉ người túc trực bên chiếc máy Tivi, doanh số mỗi mùa World Cup lên đến hàng chục tỉ USD.

Chưa hết, bóng đá có thể ví như một thứ thuốc phiện, hay một tôn giáo. Thuốc phiện là thứ gây mê hoặc, dính vào nó sẽ dễ quên những chuyện khác. Tôn giáo cũng vậy, nếu so với “khoa học hiện đại” thì vô số những luận điểm trong giáo lý dường như đã sai, nhưng tôn giáo vẫn tồn tại và chưa hề tỏ dấu hiệu suy yếu. Tôn giáo, dù là Thiên chúa, Phật hay Hồi thì vẫn cần cần cho cuộc sống vì chúng mang lại niềm tin và gắn kết con người với nhau.

Thường nói “người với người sống để yêu nhau”, không nên chiến tranh giết hại, hủy diệt lẫn nhau. Vấn đề là làm thế nào để có được những điều này ? Những người lương thiện chỉ mong có một cuộc sống bình yên, ít bị cướp bóc, quấy rầy bởi các thể loại cướp đêm và cướp ngày. Điều gì có thể mang lại cho họ sự liên kết để tạo nên sức mạnh và niềm tin yêu?

Ồ, hỏi đã là trả lời. Có quá lời không khi nói rằng, bóng đá đã làm con người quên đi một “thói quen cũ” là gây chiến tranh. Kể từ sau WW II kết thúc vào năm 1945, về cơ bản, thế giới không còn chiến tranh lớn (ngoại trừ chiến tranh Việt Nam).

Không thể tìm được lý do gì khác để hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn người thường xuyên tụ tập với nhau hàng tuần, hoặc mỗi tuần hai lần quanh năm tại các sân vận động như bóng đá. Mỗi lần tụ tập như vậy là một ngày hội, một niềm vui không bờ bến.

Hồi trước ở Vietnam có môn “Ủ su”, mình chưa bao giờ xem nhưng thấy đài báo khoe huy chương vàng ỏm tỏi. Đương nhiên, để lấy được huy chương thì phải mất tiền, nhưng để làm gì khi mà quần chúng không quan tâm, không thèm xem.

Thực sự, bóng đá không chỉ để cho vui. Một xã hội muốn phát triển và tiến bộ thì phải có sự đồng thuận (harmony) và khoan dung (tolerance). Ổn định không phải là Gaddafi ở ngôi liên tục trên 40 năm hay một phe đảng Bonsevic cầm quyền trên 70 năm mà ở chỗ lòng dân có yên hay không. Nếu dân còn bất mãn, còn chửi rủa và phá phách thì đừng hy vọng thịnh vượng, thành công và hạnh phúc.

Tại World Cup 1978, nguời ta chú ý đến điều khác thường khi Toredo, cầu thủ da đen duy nhất trong đội tuyển Pháp, chơi ở vị trí trung vệ. Ngày nay, trong các đội bóng mạnh của châu Âu như Pháp, Đức, Anh, Bỉ...đều có quá nửa là các cầu thủ da màu. Những cầu thủ có nguồn gốc chủng tộc khác nhau xúm xít bên trái bóng tròn là hình ảnh đẹp về một thế giới đại đồng.

Chỉ còn vài giờ nữa, ngày hội Worrld Cup sẽ bắt đầu. Hãy để Bóng đá góp phần tạo ra một xã hội, một hành tinh có nhiều yêu thương và gắn kết hơn.

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018

Tuổi 92, vì sao Mahathir trở lại chức Thủ tướng

 

Từ trước tới nay, tuổi 90+ mà vẫn giữ ngôi vị không nhiều. Năm 2015, vua Abdullah của Saudi băng hà ở tuổi 91. Năm ngoái, Mugabe của Zimbabwue chưa hề muốn từ bỏ quyền lực. Nhưng sự lú lẫn của tuổi 91 làm ông không thể đối phó được với các đồng chí đầy tham vọng của mình. Ông đã khóc khi bị ép phải từ chức tổng thống. Trong khi đó, Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị vẫn còn giữ ngôi vị ở tuổi 92.

Các vị kể trên ở ngôi lâu như vậy có lý do lịch sử và đều không thông qua bầu cử. Còn trường hợp ông Mahathir Mohamed sắp bước vào tuổi 93 mà vẫn chiến thắng trong cuộc bầu cử dân chủ và trở thành Thủ tướng của Malaysia mới đáng đặt ra nhiều câu hỏi.

Mahathir cùng thế hệ với Lý Quang Diệu, chỉ kém ông Lý gần 2 tuổi. Hai ông đều con nhà giàu, học rất giỏi, Lý trở thành Luật sư còn Mahathir tốt nghiệp Bác sĩ và đều dấn thân làm chính trị khá sớm. Khi Singapore tách ra khỏi Malaysia năm 1965 thì Lý trở thành Thủ tướng nhưng con đường của Mahathir khá lận đận. Do bất đồng với , Tunku Rahman, lãnh tụ Đảng UMNO cầm quyền đồng thời là Thủ tướng đầu tiên của nước Malaysia độc lập vào năm 1957, ông bị thanh trừng khỏi ban lãnh đạo đảng UMNO. Sau đó, Mahathir đã viết quyển sách nổi tiếng The Malay Dilemma. Sách đề cao vai trò người Mã Lai, phê phán người gốc Hoa, coi họ là người kẻ hung hăng và hám tiền; đồng thời cũng đả kích mạnh mẽ chính phủ Kunku. Chính vì vậy, quyển sách bị cấm và Mahathir suýt nữa bị bỏ tù. Khi Kunku từ chức vào năm 1970, Abdul Razak lên thay, Mahathir trở thành Bộ trưởng rồi phó Thủ tướng thì lệnh cấm vẫn tiếp tục có hiệu lực. Chỉ đến năm 1981, khi Mahathir chính thức trở thành Thủ tướng thì quyền sách mới được phép lưu hành công khai.

Trong 22 năm làm Thủ tướng của Mahathir, Malaysia đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tuy chưa phải là một trong 4 con hổ mới (NIC) của Đông Á, nhưng cũng được coi là thành công. Về đối ngoại, trái ngược với Lý Quang Diệu thân thiện với phương Tây, Mahathir nổi tiếng với những phát ngôn chống Mỹ và đặc biệt xung khắc với cựu Thủ tướng Úc Keating.

Mahathir quả là một chính khách dễ thay đổi. Trước khi làm Thủ tướng, ông chống người Hoa, khi lên thì lại chống người Mỹ. Trước đây, ông là cộng sự thân thiết của Abdul , Thủ tướng thứ hai của Malaysia, được Abdul nâng đỡ và đưa ông vào vị trí lãnh đạo thì sau này ông lại kịch liệt chỉ trích con trai ông, thủ tướng mãn nhiệm Najib Razak đến mức ly khai với Đảng và đứng về phía phe đối lập. Ông đã lãnh đạo phe chống chính phủ để đánh bại Đảng UMNO cầm quyền từ khi Malaysia giành độc lập đến nay.

Đối với Anwar, nay đã 70 tuổi, người từng được ông đưa lên ghế Phó Thủ tướng, nhưng rồi cách chức và bỏ tù thì nay lại là đồng minh thân thiết. Thậm chí Mahathir còn hứa sẽ trao lại quyền lãnh đạo cho Anwar trong 2-3 năm tới. Về đối ngoại, lâu nay không còn thấy Mahathir có những phát ngôn chống phương Tây nữa và có tin chính sách mới sẽ cứng rắn với Trung Quốc.

Ở tuổi 92, lẽ đương nhiên sức lực và trí lực của con người đều đã suy giảm nghiêm trọng. Vậy lý do nào mà người dân Malaysia lại bầu cho Mahathir ?

Trong cuộc trưng cầu dân ý cách đây chưa lâu, người dân Anh đã chọn giải pháp đưa nước Anh ra khỏi EU. Đây là một điều “dại dột” vì gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế nước Anh mà chính người Anh phải hứng chịu. Ngay sau đó, người Mỹ cũng “ngờ nghệch” không kém khi bầu Donald Trump, một kẻ điên rồ và bịp bợm làm tổng thống.Nhưng dường như những “sai lầm” đó không tai hại như người ta tưởng, bởi cái gì cũng có hai mặt: tốt xấu, hay dở. Ngay trong trường hợp vừa xấu vừa dở thì cũng không mất hết, biết đâu lại có cái được lớn hơn nhiều.

Người ta thường nói, đoàn kết mang lại thành công, rồi “giữ gìn đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Nói vậy nhưng làm được bao nhiêu ? Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Tập Cận Bình đã đụng chạm đến những quan chức cao cấp trong guồng máy Đảng, quân đôi và công an, nhiều người bị bỏ tù, tử hình, có người tự sát. Khách quan mà nói, nạn tham nhũng ở Trung Quốc đã được đẩy lùi một bước đáng kể, làm niềm tin của người dân đối với chế độ và chính quyền được khôi phục.Tuy nhiên, điều này cũng làm ông Tập phải lo lắng đến viễn cảnh ông từ bỏ quyền lực và về hưu thì cá nhân ông khó có thể an toàn, đó cũng là lý do ông phải tìm cách xóa bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ để có thể ngồi lâu hơn.

Ở tầm mức doanh nghiệp, một khi nhân viên ghét chủ, chủ coi khinh nhân viên, những ý tưởng từ trên không được thực hiện nghiêm túc, thậm chí còn bị phá hoại ngấm ngầm thì nếu không phá sản, công ty cũng không phát triển được. Trong một gia đình, vợ chồng không “happy” với nhau thì hậu quá có thể đoán biết, ly dị hay chung sống địa ngục cũng đều là bất hạnh.

Thực thi dân chủ , chấp nhận sự khác biệt, thậm chí chấp nhận cái sai thì phần thưởng lớn hơn sẽ là sự khoan dung, đồng thuận và thương yêu. Cái đó lớn hơn nhiều, cao xa hơn nhiều, chẳng hạn so với việc vì Brexit mà nước Anh mất chục tỉ hay trăm tỉ. “Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”, trong một đất nước cũng vậy, trên dưới đồng lòng chính là sức mạnh vô địch. Dùng bạo lực và gian dối để áp đặt duy ý chí sẽ không bao giờ mang lại sự đoàn kết thực sự. Đó là điều mà những thể chế độc tài không hiểu và không chịu làm theo.

Chính vì thế, đồng thuận để một ông già ở tuổi sắp chết làm lãnh đạo, đất nước Malaysia vẫn sẽ có một tương lại tươi sáng.

BÓNG ĐÁ NGA, TRƯỚC VÀ NAY


(Bài 3 trong loạt bài World cup 2018)
Nhắc đến bóng đá Nga làm mình nhớ đến cả một bầu trời tuổi thơ. Vào Thập niên 70x, 80x, bóng đá Liên xô là cửa sổ nhìn ra bóng đá thế giới. Giải ngoại hạng Liên xô là giải đấu quốc gia duy nhất VTV truyền hình trực tiếp, với một câu thường trực “nếu điều kiện kỹ thuật cho phép”. Cái gì Liên xô cũng nhất. Dasaev của Spartak Matxcova là thủ môn số 1 thế giới, Trevatde của Dinamo Tbilisi là lá chắn vững chắc nhất, Blokhin của Dinamo Kiev là tiền đạo lừng danh không ai bằng được. Đổi tuyển Liên xô cũng mạnh nhất thế giới.

Sự thật không phải như vậy. Thành tích cao nhất của đội Liên xô chi là bán kết World Cup và Chung kết Euro. Để tiện so sánh, Urugoay hai lần vô địch thế giới; Tiệp, Hung, Chili đều từng vào chung kết World Cup; trong khi Đan Mạch và Hy Lạp từng vô địch Euro. Các đội này có thời điểm mạnh nhưng cũng chưa thể coi là đẳng cấp hàng đầu thế giới, huống chi là Liên xô hay Nga.

Thuở nhỏ, mặc dù mê bóng đá Liên xô nhưng mình cũng chưa bao giờ được xem các thần tượng thi đấu trên sân. Thông thường, vào tháng 11, 12 hàng năm, các đội bóng Liên xô và các nước XHCN anh em sang Việt Nam thi đấu. Đó là các đội bóng hạng hai, hang ba, đôi khi trong đội hình cũng có cầu thủ đạt danh hiệu “vận động viên công huân nước cộng hòa” nhưng đó vẫn chưa phải tuyển thủ quốc gia. Vậy mà các đội bóng Vietnam còn mang rổ ra đựng bàn thua. Tuy nhiên, trận cuối gặp Thể công thì thường hết sức căng thẳng và kết thúc hòa 0-0 hoặc 1-1. Giả sử đội bạn ghi được bàn thắng thì gần cuối trận, một cầu thủ Vietnam chạy vào trong vòng cấm và ngã lăn đùng ra. Trọng tài lập tức chỉ vào chấm phạt đền và đó là trận hòa 1-1.

Nó đi nói lại, dù bạn có đội người ta lên đầu hay không thì bóng đá Liên xô vẫn là bóng đá Liên xô. Nó hơn hẳn Vietnam nhưng cũng chỉ vào loại kha khá trên thế giới.

Thời tiết là một trở ngại lớn của bóng đá Liên xô trước đây và bóng đá Nga ngày nay. Nếu như các nước Á Phi, Mỹ Latin có thể chơi bóng đá quanh năm. Bóng đá Anh cũng không cần có kỳ nghỉ đông. Nhưng bóng đá Nga chỉ chơi được hơn nửa năm vì băng tuyết của nước Nga bao phủ trong 5 tháng. Mùa bóng ở Nga rất ngắn nhất so với các nước,chì từ tháng tư đến tháng mười. Trở ngại thứ hai, Khán giả Nga không quá cuồng nhiệt và các đội là marketing cũng dở, vì thế khán đài thường xuyên trống vắng. Vấn đề thứ ba là nguồn vốn đầu tư tài chính cho bóng đá cũng không dồi dào như các cường quốc về bóng đá.

Với những khó khăn chồng chất mà bóng đá Nga vẫn có một chỗ đứng như vậy thì quả không tồi.Các cầu thủ Nga vẫn được đánh giá cao về kỹ thuật và thể lực. Tuy nhiên, do việc cọ sát thi đấu có phần hạn chế mà các cầu thủ Nga hạn chế về khía cạnh tâm lý. Mới đây, đội Spartak Moscow gặp Arsenal trong vòng tứ kết Europa. Lượt đi Spartak thua 1-4. Trong trận lượt về, như không còn gì để mất, đội chơi tấn công rất hay và ghi được hai bàn, và chỉ cách thiên đàng 1 bàn thắng, theo luật bàn thắng trên sân khách. Đến lúc này các cầu thủ Nga đã bộc lộ những bất ổn, thay vì thừa thắng xông lên thì lại tỏ ra rụt rè chờ thời. Để rồi Arsenal san bằng cách biệt 2-2.

Mình nghĩ bóng đá Nga sẽ có trình độ cao hơn nhiều nếu các cầu thủ Nga chịu khó ra nước ngoài thi đấu. Ashravin là cầu thủ rất tài năng, nhưng chưa thế nói anh đã thành công khi sang Anh thi đấu. Nhược điểm của các cầu thủ Nga là khả năng hòa nhập trong môi trường mới, không chỉ về chuyên môn mà cả trong cuộc sống nữa. Điều này có lễ cần thời gian.

Dù sao, các đội chủ nhà vẫn luôn là một đội đáng gờm. Biết đâu đấy, đội tuyển Nga sẽ làm nên chuyện ở World cup 2018.

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2018

THÁI BÌNH DƯƠNG KHÔNG CÒN THÁI BÌNH


Nhận định thế này có vội vàng không: Vùng Đông Bắc Á bỗng trở nên an toàn vì triển vọng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên; ở phía Nam, biển Đông cũng đã yên bề với hòa bình kiểu Tàu. Nhưng Thái Bình dương rất rộng lớn, sau khi bình định xong biển Đông, Trung Quốc bắt đầu vươn xa với tham vọng lớn lao trên Đại dương lớn nhất hành tinh.

Tin tức cho hay, Trung Quốc dự kiến xây dựng căn cứ quân sự tại đảo quốc Vanuatu. Khoảng cách giữa thủ đô Port Vila của Vuanuatu đến Brisbane chỉ có hơn 2 giờ bay, chỉ bằng non nửa thời gian bay đi Perth. Nếu điều này xảy ra sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền an ninh quốc phòng của Úc. Bởi vậy, giới chức chính phủ Úc cũng như New Zealand đã kịch liệt phản đối ý định này, trong khi đó chính phủ Trung Quốc và Vanuatu chỉ bác bỏ một cách yếu ớt.

Nhớ lại trước đây có anh bạn Việt kiều Pháp còn độc thân nói với mình rằng, công việc của anh rất căng thẳng nên mỗi năm anh phải kiếm một hòn đảo ở Thái Bình dường để "nằm" hai tháng. Mỗi lần lênh đênh như vậy, anh tắt hết thiết bị điện tử để khỏi liên lạc với thế giới. Những câu chuyện của anh kể về những hòn đảo làm mình rất tò mò thích thú. Nó càng mê hoặc hơn khi chưa một lần mình được đặt chân đến các đảo quốc lạ lẫm này.

Có bao nhiêu nước trong khu vực Thái Bình dương ? Muốn trả lời câu hỏi này thì phải định nghĩa thế nào là "nước". Nếu phải là thành viên Liên hiệp quốc (UN) mới gọi coi là quốc gia thì quả là điều ngớ ngẩn vì UN là một tổ chức yếu đuối và kém hiệu lực như phê phán của nhiều người.

Dân số 24 quốc gia độc lập và vùng tự trị ở Thái Bình dương vào khoảng 40 triệu người, trong đó riêng Úc đã là gần 25 triệu. Các xứ đông dân nhất tiếp theo có thể kể đến New Zealand, Papua Newguinea, Fiji, Solomon, New Caledonia (tức Tân Thế giới) và Vanuatu (tức Tân Đảo). 

Về mặt chủng tộc, người Thái Bình dương được coi là người da nâu. Theo một giả thiết, nguồn gốc loài người từ châu Phi, khoảng 100.000 năm trở về trước di cư sang phía Tây trở thành người châu Âu da trắng, di chuyển sang phía Đông là người châu Á da vàng. Một nghiên cứu mới nhất còn cho hay, cái nôi của nền văn minh phía Đông nằm ở...đáy biển Đông ngày nay, nơi mà 8000 năm trở về trước vẫn còn là đất liền. Xưa kia, Úc và một loạt đảo quốc Thái Bình dương còn dính với đất liền của lục địa Á Âu. Trong khoảng từ 8000 năm cho đến 100000 trở về trước, trái đất trải qua 5 đợt đại hồng thủy, đã nhấn chìm một loạt vùng đất và những nền văn minh bị đánh mất.

Khi mực nước biển còn thấp, đất còn liền nên người da nâu và da vàng dễ dàng qua lại với nhau. Khi đại hồng thủy xảy ra, một số người da nâu không kịp chạy về "quê hương" và ở lưu lạc ở lại những vùng núi cao thuộc Đông Á ngày nay, như vùng Tây Nguyên của Vietnam. Những người thiểu số như Bana, E đê... được coi là có huyết thống và ngôn ngữ gần gũi với người châu Đại dương.

Tuy vậy, người dân Thái Bình dương cũng không hoàn toàn là người da nâu. Tại đảo quốc Fiji, non nửa dân số gốc Ấn Độ, những người di cư từ cuối thế kỷ 19. Ông Chauhdry, một người gốc Ấn đã từng làm Thủ tướng và nay vẫn còn là một chính khách có ảnh hưởng tại đảo quốc.

Đương nhiên, Úc và New Zealand là những quốc gia có đa số dân là người da trắng. Trong khi đó, Papua Newguinea có dân số khá đông trong vùng (trên 8 triệu), giáp biên giới với Indonesia, từng là xứ bảo hộ của Úc nhưng lại là một quốc gia rất biệt lập. Khác với những nước khác trong vùng, có thể coi là những "quốc gia biển" vì cuộc sống gắn lển với đảo và bờ biển thì đa số người Papua Newguinea sống trên núi cao và trong rừng rậm. Địa hình hiểm trở làm cho ngay cả bản thân họ cũng cách biệt nhau và đây là một trong những quốc gia có nhiều ngôn ngữ nhất thế giới. 

Nếu có một ngày, mình được "lang thang" ở các đảo quốc Thái bình dương thì ưu tiên của mình sẽ là các đảo quốc Tân Thế giới và Tân Đảo. Tương tự như người Anh đưa người Ấn sang Fiji, người Pháp đã đưa người Việt sang New Caledonia và Vanuatu (tên cũ New Hebrides) từ hơn một trăm năm nay.

Cách đây mấy năm, vợ chồng mình được gặp và hỏi chuyện một chị người New Caledonia sang Úc chơi. Bên đó có khoảng 3000 người Việt, tính cả người lai thì khoảng 6000 người, chiếm 3% dân số của đảo quốc là cộng đồng người Việt lâu đời và đông nhất ở khu vực Thái Bình dương. Người Việt ở đây vẫn còn nói tiếng Việt, ăn đồ ăn Việt nhưng không có thói quen nghe nhạc Việt. Có lẽ vì thế hệ người Việt đầu tiên định cư ở đây vào thời gian tân nhạc Việt Nam chưa phát triển.

Vauatu từng được coi là một mảnh đất trù phú với dân số lên đến 1 triệu người vào thế kỷ 19. Tuy nhiên dịch bệnh đã làm gần như tuyệt chủng cư dân ở đây (trong đó có một phần người Việt đi làm đồn điền), vào thập kỷ 1940x thì dân số chỉ còn khoảng 45.000 trước khi tăng lên 200.000 người như ngày nay.

Do sự xa cách về địa lý và địa hình hiểm trở, các đảo quốc Thái Bình dương và Papua New Guinea bao lâu nay đều thiếu vắng giao lưu, mở mang học hỏi từ thế giới bên ngoài. Hậu quả tất yếu nghèo nàn, lạc hậu, nhưng đối với nhiều người, cuộc sống nơi đây vẫn được coi là hạnh phúc. Các du khách kể chuyện là người dân xứ biển hết sức hồn nhiên vui vẻ, không biết bon chen.

Vì sự yếu kém về kinh tế, một nguồn sống quan trọng của các nước và vùng lãnh thổ Châu Đại dương là viện trợ từ nước ngoài. Đến nay nhiều vùng lãnh thổ ở Châu Đại dương chưa nhận trao trả độc lập từ Anh, Pháp, Mỹ, Úc và New Zealand. Dưới lăng kính của Trung Quốc, một cường quốc đang trỗi dậy, những hòn đảo ở Thái Bình dương có ý nghĩa quan trọng về quân sự. Nếu quốc gia và vùng lãnh thổ ở đây cần sự giúp đỡ về tài chính thì đó cũng là điều nước Tàu luôn sẵn sàng. Bởi vậy, Thái Bình dương sẽ không còn phẳng lặng.

Ảnh: Một cảnh trên đảo