Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2023

Orange botanic garden

 


Ngoại hạng Anh: Voi trèo lên ngọn cây

 

Bóng đá là một môn chơi có nhiều bất ngờ và Ngoại hạng Anh không phải là ngoại lệ. Tạm coi giải đã đi qua lượt đi khi mà hầu hết các đội đã chơi đủ 19 trận hoặc hơn thì đã có khá nhiều bất thường.
Trước hết cả ba đội mới lên hạng không có đội nào rơi vào nhóm “đèn đỏ” của ba đội xuống hạng, trong đó Fullham leo đến hạng 6. Lý dó ở đây là các đội lên hạng đều đầu tư mạnh tay để giữ vị trí ở sân chơi béo bở Premier League, như Nortingham Forest đã thay máu toàn bộ đội hình, mua về 21 cầu thủ, với mức đầu tư chỉ thua kém Chelsea và Man city.
Trong khi đó Bournemouth dường như không huy động được nhiều vốn nên đầu tư nhỏ nhất và vì thế cũng đang ở vị trí khá nguy hiểm, chỉ hơn nhóm cuối 1 điểm duy nhất.
Đã có 5 HLV bị trảm là khá nhiều, tuy nhiên hiệu quả của việc thay tướng đôi khi lại tiêu cực, đó là trường hợp Chelsea. Chủ nhân mới của đội đã đuổi việc HLV tài ba Tuchel để thay bằng một HLV ít danh tiếng hơn Potter và kết quả là đội rớt xuống tận hạng 10.
Trong chiều hướng ngược lại, Emery, người cũ của Arsenal đang giúp Aston Villa bay cao, từ vị trí cuối bảng lên 11 và không dấu tham vọng cạnh trạnh một suất Europa. Gọi là “người cũ” nhưng thật ra thâm niên Premier League của Emery chỉ có 18 tháng, trong khi Potter mờ nhạt lại đang ở mùa bóng thứ tư.
Ngựa ô của giải chính là Newsctle, hiện đứng thứ tư. Khi được hoàng gia Saudi mua thì mọi người đều biết “Chích chòe” sẽ trở thành một thế lực hùng mạnh nhưng không ngờ sự việc lại nhanh đến thế, mặc dù đội chưa mua sắm quá nhiều do quy định của luật công bằng tài chính.
Tất cả những bất ngờ kể trên đều là chuyện nhỏ với việc “voi trèo lên ngọn cây”. Khi một đội bóng “nặng mình” đến mức xếp hạng từ 5 đến 8 trong 6 mùa bóng thì bỗng dưng chễm chệ lên đỉnh ngoại hạng Anh, hơn các đội xếp sau một khoảng cách đáng kể 5 điểm trước đương kim vô địch Man city; 8 điểm trước Man Utd; 9 điểm hơn Newscatle, dù cho đá ít hơn 1 trận.
Cựu HLV Wenger nhận xét: Pháo thủ không có điểm yếu, đã sẵn sàng về chiến thuật và tinh thần để vô địch. Thật ra Arsenal hiện nay vẫn có vấn đề, đó là lực lượng dự bị còn mỏng nên việc thay đổi phương án tấn công gặp khó khi cần. Nguyên nhân ở đây, các cầu thủ chấn thương đều nằm ở khu vực bên trên như Smith Row, Jesus, Nelson.
Để khắc phục điều này, đội vừa bổ sung vào đội hình một cầu thủ tiền đạo đẳng cấp Trossard. Sau khi Potter rời Brighton thì cầu thủ ghi 7 bàn thắng trong 16 trận này có vẻ bị thất sủng đối với HLV mới nên Arsenal đã có dịp may “hốt” gọn với một cái giá dễ chịu.
Trong loạt trận cuối tuần này, có hai trận đấu giữa các đại gia, đó là trận Liverpool – Chelsea và Arsenal – Man Utd. Liv và Che là hai kẻ thất cơ lỡ vận hiện còn xếp sau cả Fullham, Brighton và Brenford, đội thắng sẽ phần nào tìm được cú hích tự tin cho phần tiếp theo của giải, còn kẻ thua sẽ tiếp tục bị đẩy vào bước đường cùng.
Trong khi trận Ars – MU thì lại theo ý nghĩa khác. Nếu Ars thắng thì đây là một trận thắng quan trọng trước một đội mạnh để củng cố cho vị trí dẫn đầu, còn nếu MU thắng thì MU sẽ tạo ra tham vọng cho một ứng cử viên mới của chức vô địch.
Đội hình của Arsenal không đắt giá bằng Man Utd, càng kém nhiều hơn so với Man city với đặc trưng của một tập thể trẻ, HLV Arteta cũng rất trẻ, hừng hực khí thế vươn lên. Nó rất mong manh dễ vỡ và câu chuyện voi leo lên ngọn cây vô cùng kỳ bí nhưng cũng chưa biết chừng con voi này sẽ rơi uỵch xuống đất bất kỳ lúc nào!

AO: Djokovic đã trở lại

 

Năm ngoái và năm nay, Giải quần vợt Úc mở rộng đều thiếu vắng cây vợt số 1 thế giới, đó là Djokovic và Alcaraz.
Cây vợt tuổi teen Alcaraz kết thúc năm 2022 với ngôi vị số 1 là điều bất ngờ lớn và vì chấn thương cậu không có cơ hội dự giải để xóa tan đi những nghi ngờ về năng lực thực sự.
Trong năm 2022, ngôi vị số 1 bị đổi chủ khá nhiều đầy kịch tính. Ban đầu nó của Djokovic, nhưng vì bị cấm thi đấu ở hai đại giải Úc và Mỹ, riêng Wimbledon vô địch thì không được tính điểm mà vẫn kết thúc năm với hạng 5 là khá lắm rồi.
Người thứ hai lên ngôi là Medvedev, đang ở độ tuổi sung sức 26. Nhưng vì cuộc chiến Ukraine, cây vợt Nga bị cấm thi đấu tại Wimbledon đã ảnh hưởng đến tâm lý và phong độ của anh.
Đoạt 2 trong tổng số 4 đại giải (Úc và Pháp), vậy mà Nadal vẫn không thể lên ngôi số 1 do bị chấn thương vào nửa cuối của năm nên chơi khá tệ.
Một cây vợt kết thúc năm ở thứ hạng 21 nhưng có thể nói còn xứng đáng hơn cả Alcarez, đó là Kygios. Chứng kiến cuộc thăng hoa của Kygios trong năm 2022, McEnroy đã phải thốt lên, đây là cây vợt tài năng nhất trong 10 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, năm 2022 Kygios chỉ chơi 13 giải do chấn thương ở nửa đầu năm, trong khi tính điểm xếp hạng cho 18 hoặc 19 (nếu được dự master cuối năm) giải tốt nhất, hơn nữa thành tích Á quân Wimbledon năm 2022 không được tính nên chung cuộc chỉ được xếp hạng 24, nhưng vẫn là cây vợt số 1 của Úc.
Sau khi bắt thăm, nhà cái đã xếp hạng cơ hội cho các cây vợt theo thứ tự: Djokovic, Medvedev, Kygios và Nadal. Năm qua Kygios thắng Medvedev trong cả 3 lần gặp gỡ nhưng lại bị xếp sau có lẽ vì Kygios chung nhánh với Djokovic ở tứ kết và đây có thể coi là trận chung kết sớm.
Bên nữ, mọi người không thể không nhớ đến Barty, đương kim vô địch và là cây vợt số 1 nữ ba năm liền. Cô được coi đã giải nghệ vì theo chồng bỏ cuộc vui ở tuổi 25 rất đáng tiếc.
Cây vợt được xếp thứ cao nhất của Việt Nam là Lý Hoàng Nam, hạng 244, trong khi Australia Open chỉ nhận dự giải 128 suất. Do đó phải có trên 100 cây vợt chấn thương hay sao đó thì mới đến lượt.

Cấp phó cần có hay không

 

Mọi người đều biết ở Việt Nam có rất nhiều chức phó, dù là Chính quyền hay bên Đảng, đoàn thể. Về lý thuyết, phó để giúp việc trưởng, chỉ đâu đánh đấy nhưng phó vẫn rất thực quyền. Vì thế các cấp phó vẫn phải vào lò và phải chịu trách nhiệm về các quyết định của họ.
Đại đa số dân Úc chỉ biết đến thủ tướng và đại đa số không biết có chức phó thủ tướng hay không, nếu có thì cũng không biết là ai. Thực tế Úc có một phó thủ tướng, còn hầu hết các bộ không có Thứ trưởng. Ở cấp Tiểu bang và địa phương cũng vậy, hầu như mọi người không quan tâm đến cấp phó.
Tại Mỹ, dù tổng thống Biden đã ngoài 80 nhưng ông vẫn nổi bật hơn hẳn “em” Harris, vì công việc của phó tổng thống chủ yếu là ngồi chơi xơi nước, thỉnh thoảng được tổng thống gọi để sai vài việccho có.
Ở Việt Nam hiện có 4 phó thủ tướng thì bỗng gẫy mất ba, đó là các bác Thành, Minh và Đam. Bác Thành học cùng khóa với mình ở Đại học KTQD, đi bộ đội về nên hơn tuổi, được coi là đang lâm trọng bệnh và không làm việc.
Nay bầu bổ sung thêm 2 phó thì thực chất mới có 3, có lẽ là con số ít nhất kể từ khi có “cách mạng”. Lúc nhiều vào đầu thập kỷ 1980x có đến 9 vị Phó CT HĐBT. Tuy nhiên một số vị kiêm nhiệm Bộ trưởng nào đó nên không tham gia nhiều vào công việc chung.
Người kiêm nhiệm đầu tiên có lẽ là ông Võ Nguyên Giáp, Phó TT kiêm Bộ trưởng Quốc phòng từ 1955. UB Kế hoạch là nơi là người đứng đầu hầu như kiêm phó TT như các ông Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị, Võ Văn Kiệt. Tương tự là Bộ Ngoại giao với Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Cơ Thạch và Phạm Bình Minh.
Các phó kiêm có thể kế đến ông Đỗ Mười kiêm Bộ trưởng Xây dựng, Đồng Sĩ Nguyên Bộ Giao thông VT, Võ Chí Công Bộ Thủy sản, Phạm Hùng Bộ Công an, Trần Phương Bộ Nội thương, Đoàn Duy Thành Bộ Ngoại thương, Nguyễn Tấn Dũng Thống đốc Ngân hàng.
Theo quy định hiện hành, cấp trung ương có 4 phó nhưng ở tỉnh thành lại nhiều hơn như Hà Nội hay Sài Gòn có thể có đến 6 phó CT UBND. Các Bộ Quốc phòng, Công An, Ngoại giao cũng được nhiều thứ trưởng hơn con số 4.
Các ban của Đảng không có quy định về số lượng phó nên thoải mái nhưng lại có tiền lệ xấu dành cho phó ban Kinh tế (của ông Đinh La Thăng) hay phó Ban Tuyên giáo (của ông Trương Minh Tuấn).
Trong chính phủ, các phó TT thường được giao phụ trách các mảng lớn như Kinh tế, Văn xã hay Nội chính.
Trước đây mảng nội chính do đích thân Thủ tướng phụ trách chỉ gần đây được giao cho các ông Trương Hòa Bình và Phạm Bình Minh và nay có lẽ lại phân công cho Thủ tướng.
Nhóm Văn xã được ông Vũ Đức Đam nắm khá lâu, sau các người tiền nhiệm Nguyễn Thiện Nhân và Phạm Gia Khiêm.
Mảng kinh tế thường được chia làm hai khối nhỏ hơn là quản lý ngành như Tài chính- Kế hoạch- Ngân hàng và bên kia là khối “Sản xuất” như Công nông nghiệp, Xây dựng, Giao thông.
Các nước Châu Âu có thể có nhiều phó TT nhưng theo ý nghĩa khác. Vì là thủ lĩnh một Đảng trong liên minh cầm quyền nên họ có “hàm” phó nhưng công việc chính là một bộ trưởng nào đó.
Trung Quốc và nhất là Liên Xô cũ cũng có rất nhiều cấp phó mà trước khi giải thể Liên Xô có đến 11 Phó CT HĐBT. Bởi vì có đến trên 100 cơ quan ngang Bộ nên phải cần nhiều phó để phụ trách.
Úc cũng có trên 100 cơ quan trực thuộc chính phủ, nhưng người phụ trách đa ngành đa lĩnh vực được gọi là “Minister”, nếu dịch thoát nghĩa phải là “Tổng trưởng”. Như vậy về thực chất giống nhau, có điều bên Úc bớt đi được một cấp, tinh gọn hơn, ít ghế hơn. Biên chế công chức của các nước tiên tiến như Úc cực kỳ nhỏ.
Theo những đồn đoán ngoài luồng, Việt Nam sẽ tiếp tục bổ sung phó thủ tướng, không loại trừ khả năng thay đổi một số Bộ trưởng. Hãy chờ xem.

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2023

Palm beach

 


Cái chung và cái riêng trong bóng đá

 

Mọi người thường hỏi, giữa Pele, Maradona và Messi thì ai giỏi hơn? Sự so sánh sẽ khập khiếng vì mỗi thời kỳ bóng đá có các yêu cầu khác nhau cho cầu thủ. Theo giới chuyên môn, cầu thủ ngày nay có tốc độ, thể lực tốt hơn nhưng kỹ thuật có thể không bằng các cầu thủ xưa.
Nếu bạn là HLV, bạn sẽ phải chế biến ra một món ăn vừa hấp dẫn vừa bổ dưỡng, hiệu quả với một kỷ luật sắt nhưng không khuôn sáo mà vẫn cần nhiều tính sáng tạo, làm sao hài hòa cái chung của cả đội và cái riêng của các ngôi sao.
Trong World cup bóng đá vừa qua, nhiều người cho rằng vì sự “phá bĩnh” của Ronaldo đã làm đội Bồ Đào Nha mất đi cơ hội. Không phải riêng Bồ Đào Nha, ở đội Cameroon, thủ môn số 1 Onana, người được coi là ngôi sao sáng giá nhất đã bất ngờ bị đuổi khỏi đội vì bất đồng với HLV. Chuyện đã qua nhưng sẽ bị tiếc rẻ rằng, nếu không có sự cố đó, biết đâu Cameroon sẽ tái lập thành tích vào tứ kết như năm 1990, hoặc bán kết như Morocco năm nay?
Tương tự Benzema, cầu thủ mới đoạt quả bóng vàng Châu Âu 2022 mà chơi trong trận chung kết thì chưa biết chừng đội Pháp đã làm nên chuyện?
Đối với các cầu thủ xuất sắc, đương nhiên họ có nhu cầu được HLV và đồng đội tôn trọng, họ muốn trở thành trung tâm chiến thuật của đội mà ví dụ tiêu biểu là Messi ở đội Argentina. Trong trường hợp vai trò không được đề cao xứng đáng thì họ không thể phát huy hết năng lực và chuyện đổ vỡ là khó tránh khỏi.
Ai cũng thích làm điều mình thích mà không thèm quan tâm rằng điều mình làm có phương hại đến người khác hay không. Trong gia đình, nếu bạn không nhường nhịn vợ chồng, cha mẹ hay con cái thì chắc rằng bạn sẽ không thể có hạnh phúc.
Có người nói, xã hội tư bản tôn thờ tự do cá nhân nên mọi người có thể sống thoải mái không cần đếm xỉa đến người khác. Thực tế không đúng như vậy, người dân các nước dân chủ rất tôn trọng pháp luật, nói chung quan tâm đến việc giúp đỡ xây dựng trong cộng đồng, dám đấu tranh với những sai trái bất công để xã hội ngày càng tốt hơn.
Câu hỏi đặt ra là anh hùng tạo thời thế hay thời thế tạo anh hùng? Một facebooker nổi tiếng của Việt Nam cho rằng trong tài năng thì 1% là Trời cho và 99% là do môi trường. Anh cho rằng nếu Bill Gates hay Elton Must mà sống ở Việt Nam thì cũng chẳng là cái gì cả vì chỉ có nước Mỹ mới là mảnh đất lành để trọng dụng, thi thố và có thể tạo ra những tài năng kiệt xuất.
Với cách nhìn nhận như vậy, mình nghĩ rằng nếu các cầu thủ Việt Nam chịu đi sang Châu Âu để chơi cho các đội bóng lớn giống như các nước Úc, Nhật, Hàn...đang làm thì trình độ sẽ nhanh chóng được nâng cao, bóng đá Việt sẽ có một vị thế mới.
Để làm được như vậy, bóng đá Việt Nam phải vượt qua được cái tôi riêng rẽ, cái tự hào vớ vẩn để hòa nhịp vào cái chung của bóng đá thế giới.

Nhật ký bắt mèo


Julius, mèo 3 tuổi đang ở nhà mình ngày thứ 8 trong 9 ngày vì chủ cậu ấy là bạn của Sissy đi nghỉ ở nước ngoài.
Nhà mình còn có Cow, 10 tháng cũng đực rựa, cũng đã bị thiến.
Ba ngày đầu, Julius hiền như đất, đặt đâu nằm đấy. Trông thấy Cow, đứa trẻ con ít tuổi hơn mà sợ, chui xuống gầm giường.
Ngày thứ tư, Julius không còn che giấu bản chất giang hồ nữa, hắn quậy tưng. Hắn gạt hết đồ trên bàn xuống đất, cào cấu cửa sổ. Hắn đòi ra ngoài, không chịu ở trong phòng. Không được thì kêu ầm lên.
Ồn quá, hai đêm liên vợ chồng mình không ngủ được nên phải tống hắn ra toilet bên ngoài sân.
Sáng mình dậy sớm, thấy cửa sổ mở, biết nửa đêm hắn cậy cửa sổ trốn ra ngoài. Cả nhà mình 4 người hoảng hốt đi tìm khắp nơi, báo cho hàng xóm nữa.
Bà xã mình nhìn thấy cái đuôi thò ra ở lỗ thông với tầng ngầm nhà. Thấy người, hắn chạy tọt vào trong.
Mình phải đi mua 2 cái đèn pin soi vào mà không thấy vì tầng hầm rất rộng.
Đến trưa, chiều hắn chạy ra vài lần, thấy động lại chui tọt vào.
Si nhắn tin cho bạn, cổ khuyên cứ chờ vì hắn đói thì thế nào cũng phải ra. Ăn tối xong, Si mặc quần dài, đi tất ra ngồi chờ ở miệng lỗ.
Si còn mang đồ ăn ra dụ. Đến 10 giờ đêm, cuối cùng hắn cũng từ trong ra. Hắn ra đĩa đồ ăn giả bộ ngửi rồi chạy vọt đi.
Tụi mình bịt miệng lỗ không cho hắn chui vào nữa nhưng không biết hắn đi đâu!
Hồi xưa mình hay được mẹ sai đánh chuột nên biết, nhiều con tinh quái khủng khiếp. Mình không biết gì về nó nhưng nó nấp và theo dõi được động tĩnh của mình.
Nhưng rồi thằng ranh Julius 3 tuổi vẫn phải thua mưu ông già. Đêm đầu mình bỏ đồ ăn cho nó chén vì biết thể nào nó cũng phải bò về.
Đêm thứ hai ông giăng bẫy, 3 giờ sáng hôm nay ông đã bắt được mày.
Bây giờ là biệt giam cho đến sáng mai chủ của Julius về và sẽ đến đón.

Thế sự năm qua, năm tới

 

Quỹ tiền tệ quốc tế IMF vừa đưa ra các con số về kinh tế thế giới theo đó năm nay 2022 mức tăng trưởng GDP chỉ có 3.2%, thấp hơn nhiều so với năm trước 2021 là 6%, với dự báo 2.7% cho năm 2023.
Theo chuyên gia kinh tế Daniel Lacalle, kinh tế thế giới đã trải qua vật lộn vì chiến tranh tại Ukraine và chính sách zero-Covid tại Trung Quốc, dẫn đến lạm phát tăng vọt và làm yếu đi các hoạt động.
Bước vào năm 2022, khi mà mọi người hy vọng có một sự phục hồi khi cơn đại dịch Covid dịu bớt thì cuộc chiến ở Ukraine đã bùng nổ ngỡ ngàng. Trên thế giới ngày nay, sự liên kết ngày càng trở nên chặt chẽ giữa các châu lục, quốc gia; giữa các yếu tố về kinh tế xã hội và môi trường thì các vấn đề chính trị, quân sự và kinh tế cũng tác động lên nhau mạnh mẽ.
Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã không đạt mục tiêu trong mũi tấn công vào thủ đô Kyiv và do đó đã thất bại trong ý đồ “giải phóng” nước láng giềng anh em. Nga đã đe dọa dùng vũ khí hạt nhân nhưng Trời không sụp khi cuộc chiến trở thành chuyện lấn chiếm đất đai và chiến tranh phá hoại mà thôi.
Các biện pháp trừng phạt của thế giới đối với Nga cũng không mạnh mẽ như hù dọa. Châu Âu chỉ áp giá trần dưới 5% vào dầu khí của Nga. Có thể hiểu Trung Quốc và Ấn Độ còn mua dầu khí của Nga thấp hơn 5% nhiều, như vậy “hai con cò” đục nước béo này đã chế tài Nga còn nghiêm khắc hơn cả các nước coi Nga là kẻ thù.
Sau hơn 10 tháng giao tranh, chiến sự chưa có dấu hiệu hạ nhiệt bởi vì lập trường của hai bên còn quá xa nhau. Nga vẫn còn mục tiêu thay đổi chính thể Ukraine còn phía Mỹ và phương Tây không nói ra nhưng không thể không tính đến việc bứng Putin ra khỏi quyền lực.
Nhớ lại cuộc chiến ở phía bắc Việt Nam vào năm 1979, tình trạng đối đầu chỉ kết thúc và mở lại biên giới vào năm 1991, tức sau 12 năm. Cuộc kháng chiến chống Indonesia xâm lược của người dân Đông Timor còn lâu hơn từ 1975 đến 1999, kéo dài 22 năm. Cuộc chiến chỉ kết thúc khi “thủ phạm” chính của chiến tranh là Đặng Tiểu Bình và Suharto rời bỏ quyền lực.
Với cách lập luận như vậy, chiến tranh tại Ukraine sẽ kết thúc khi Putin rời ghế và điều này có lẽ chúng ta phải chờ đợi một sự đột biến và không nhanh được.
Không chỉ chiến tranh, năm 2022 cũng là năm hành tinh này này chịu đựng nhiều thiên tai như hạn hán ở Châu Phi, nóng kỷ lục ở châu Âu và hiện nay thì bão tuyết đang hành hoành tại Mỹ và Canada.
Năm 2022 cũng ghi nhận World cup bóng đá lần đầu tiên trong gần 100 năm được tổ chức “trái mùa” khi nó diễn ra vào mùa đông chứ không phải mùa hè như thường lệ. Đội đoạt quốc vô địch đến từ quốc gia đang sống dở chết dở với nạn lạm phát lên đến 100%, đó là Argentina.
Hồi xưa Lenin đã từng cho rằng nên xóa bỏ tiền tệ vì chắc ông biết trước rằng các chính phủ rất ưa in thêm tiền như một cách làm lạm quyền và móc túi người dân. Vòng xoáy là đây: với lý do Covid, các chính phủ vung tiền cứu trợ, sẽ làm thâm hụt ngân sách và in thêm tiền. Nhiều tiền quá sẽ dẫn tới lạm phát và để kiềm chế lạm phát thì phải tăng lãi suất. Lãi suất cao sẽ gây trì trệ sản xuất kinh doanh và tạo ra nạn thất nghiệp. Để trợ cấp thất nghiệp thì một lại có một chu kỳ phát hành tiền tái diễn...
Lãi suất đã tăng cao khắp nơi và sẽ tiếp tục tăng nữa. Riêng tại Úc lãi suất cơ bản hiện tại 3.1% còn khá thấp so với các nước đang phát triển nên vẫn còn “room” để gia tăng. Mọi người cũng không cần quá lo cho thị trường nhà đất vì tỉ lệ lãi suất cố định của Úc chỉ có 35%, so với 55% bên New Zealand và 90% của Mỹ. Tỉ lệ thất nghiệp tại Úc cũng đang thấp kỷ lục ở mức 3.4%.
Trong bối cảnh ”bầu trời thế giới u ám” thì Việt Nam cũng là một điểm sáng khác. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022 lên đến 8%, cao hơn nhiều so với mức chung toàn cầu. Tuy nhiên, không hiểu tại sao vào mấy tháng cuối năm trong nước lại thiếu vắng đơn hàng nước ngoài; trong khi các nước như Bangladesh vẫn có đơn hàng may mặc rất dồi dào?
Trong cuốn “Câu chuyện Việt Nam: ước vọng của cha” đang gây xôn xao trên mạng của tác giả Mai Lan, một người sinh ra và lớn lên tại hải ngoại nhưng am hiểu rất sâu sắc về tình hình Việt Nam, anh cho rằng Kinh tế Việt Nam vẫn sẽ phát triển tốt trong trung hạn vì đất nước còn nghèo, mức xuất phát vẫn thấp. Cũng có thể hiểu khi đại bàng chuyển ổ khỏi Trung Quốc thì chúng vẫn phụ thuộc nguồn nguyên vật liệu và có thể cả nhân công từ đại lục và do đó rời sang Việt Nam là thuận tiện nhất. Nhận định về ‘trung hạn” của Mai Lan vào năm 2020, do đó thời gian cũng không còn nhiều.
Mỗi Giáng sinh và năm mới là dịp tiêu dùng lớn nhất trong năm và tiêu dùng là động lực dẫn dắt hàng hóa và dịch vụ, mang lại tăng trưởng kinh tế. Những số liệu sơ khởi cho thấy doanh số bán ra trong mùa tiêu tiền năm nay khá thấp, có thể dự đoán triển vọng 2023 không hề sáng sủa, như theo số liệu của IMF.

Giấc mơ dang dở

 

Có lần mình từng chém gió rằng, mình đã đạt được tất cả những mong muốn nên không còn ước mơ gì nữa. Nhưng giờ nghĩ lại thì thấy...chưa xong, vẫn còn có một giấc mơ.
Đó là việc được đi chu du khắp thế giới, quả thật mình vẫn còn quá nhiều nơi chưa từng bước chân đến.
Ngay tại Việt Nam, mình đã đi khoảng 2/3 trong số 63 tỉnh thành nhưng vẫn còn muốn khám phá vùng Tây Bắc và vùng miền Tây Nam bộ. Mình nhớ hồi bé được nghe bố kể chuyện về Lai Châu kỳ bí, nơi bố từng sống 8 năm, mình vẫn chưa một lần đến với núi rừng, sông suối nơi đây. Nhà cửa đường sá đẹp nhìn chán mắt rồi, cảnh thiên nhiên mới là quý giá.
Thời nhà Nguyễn miền Tây có ba tỉnh, bây giờ là 13, vậy mà mình mới đi có hai nơi (Cần Thơ và Hà tiên) là quá ít. Mình muốn đến với Sóc Trăng, địa phương có nhiều bà con gốc Miên hay Châu đốc, di tích của người Hồi giáo. Tuổi này không còn ham ăn và ham gái, mình thích tìm hiểu những khác biệt về văn hóa.
Trong những nơi đi rồi mình vẫn còn muốn đến nữa, như Sài Gòn, Hà Nội, Huế, Móng Cái và Nghệ An...
Thế giới quá mênh mông, mình đã sống ở nhiều quốc gia và châu lục nhưng vẫn có nhưng nước chưa hề đến như Mỹ, Anh, New Zealand. Những nước nói tiếng Anh sẽ cho mình cảm giác tự tin hơn không bị rào cản ngôn ngữ. Bạn có thể “đi sâu vào quần chúng”, không ở khách sạn, ở lẫn với người dân để quan sát, trò chuyện và cảm nhận cuộc sống thường nhật của họ.
Nếu bạn làm việc nặng nhọc, muốn nghỉ ngơi thì bạn nên kiếm một hòn đảo trên Thái bình dương để nằm nghe những điệu nhạc du dương nhịp nhàng theo tiếng sóng vỗ.
Mình nghe kể chuyện Đài Loan bây giờ còn hơn cả Nhật Bản. Quả thật về thu nhập bình quân đầu người của Đài đã vượt Nhật, nó còn hấp dẫn du khách về cuộc sống văn minh hiện đại mà vẫn không thiếu nét đẹp truyền thống. Có lẽ mình sẽ đi Đài Loan trước Trung Quốc.
Nhưng liệu ước mơ của mình có tham lam và ích kỷ không? Quí vị chỉ nghĩ đến cá nhân mình mà không quan tâm đến biết bao người khốn khổ vì bất công và áp bức. Hãy thông cảm, vừa già cả vừa bất tài, mình không thể làm gì khác.
Điều mình có thể làm là đi đến đâu cũng sẽ chụp ảnh, ghi chép để kể chuyện và bình phẩm. Nhưng ai mà thèm đọc? Đúng là sẽ tra tấn và làm mất thời gian, nhưng cũng hy vọng mua vui cho một số người.
Ước mơ thì dễ, thực hiện được mới khó. Như bây giờ mình làm hai jobs, mỗi tuần 45-50 giờ, muốn đi đâu cũng khó. Hai năm nữa, cháu út học xong phổ thông mình sẽ giảm giờ làm. Tuổi về hưu bên Úc là 67, mình sẽ không về đuổi gà cho vợ mà sẽ giảm giờ làm một lần nữa, lúc đó sẽ có nhiều thời gian đi chơi hơn.
Đi chơi lại muốn đi lâu thì chịu nổi chi phí không? Tất cả các khách sạn 5 sao trên thế giới đều giống nhau và ở đó chẳng có gì thú vị nên mình tìm chỗ ở bình dân thôi. Như dự đoán, sau vài năm thua lỗ vì Covid thì nay các hãng hàng không tăng giá vé chóng mặt. Có một cách khác: đi du thuyền rất rẻ, ví dụ đi New Zealand trong hai tuần chỉ mất 2500 Úc kim/người bao gồm luôn tiền thuyền, ăn và ở.
Một động lực lớn làm mình muốn đi là để được gặp người Việt khắp 5 châu với nhiều bạn bè trên mạng xã hội, chỉ nghĩ đến thế mà đã muốn ngáo rồi.

Lần cuối cho Ronaldo, Modric, Giroud, Messi và Ziyech

 

Qatar 2022 là kỳ World cup cuối cùng của các cầu thủ kể trên, theo thứ tự độ tuổi.
Tất nhiên đây là kỳ World cup rất buồn đối với Ronaldo khi anh bị HLV Santos loại ra khỏi đội hình Bồ Đào Nha, mặc dù anh là “cầu thủ nổi tiếng nhất thế giới” theo cách nói của đồng đội Fernandes hay “cầu thủ xuất sắc nhất” theo bạn gái Rodriguez.
Nếu được hỏi ai vĩ đại hơn giữa Ronaldo và Messi thì câu trả lời thỏa đáng nhất chỉ có thể là cả hai cùng vĩ đại. Cả hai cùng gặt hái được vô số những phần thưởng danh giá nhất về cá nhân và đồng đội, thậm chí Ronaldo còn ghi nhiều bàn thắng hơn Messi ở các giải quốc nội và giải châu Âu. Khi sang tuổi 37, hơn Messi 2 tuổi thì các số liệu kỹ thuật cho thấy Ronaldo vẫn chạy nhanh hơn và bật cao hơn hẳn Messi. Nhưng giờ thì Messi đã có cup vàng cùng đội tuyển quốc gia còn Ronaldo thì không.
HLV Scaloni tuyên bố rằng sẽ dành một suất cho Mesi vào World cup kỳ tới, miễn là nếu anh ấy muốn, tuy nhiên cũng cần thêm điều kiện ông còn phải tại vị HLV Argentina. Sự có mặt của một cầu thủ như Messi là nguồn cổ vũ và vinh dự to lớn cho các đồng đội.
HLV Santos đã phải trả giá cho sai lầm của mình khi bị cách chức ngay sau khi về nước. Ông đã tống Ronaldo lên ghế dự bị vì cho rằng Ronaldo đã già, xuống phong độ, ảnh hưởng đến thành tích của đội. Nhưng tính toán của HLV hoàn toàn sai, thiếu Ronaldo, Bồ còn thua cả đội dưới cơ là Morocco.
Santos không nhìn thấy và phát huy được sức mạnh vô hình của một cầu thủ có thể coi là biểu tượng của bóng đá Bồ Đào Nha. Hãy nhìn sang đội vô địch Argentina, Messi đã thi đấu tất cả các trận đến tận phút cuối cùng, không bao giờ bị thay ra, kể cả khi không còn sức thì cứ việc đi bộ cũng không sao, coi như đội chấp 1 người. Bởi vì vai trò tinh thần của những huyền thoại sống là vô cùng quý giá, tương tự như với Maradona trước đây, vào World cup 1990 bị chấn thương vẫn phải tiên thuốc giảm đau, sang World cup 1994 thì đến tuổi, sa sút thể lực nhưng vẫn luôn luôn được vào sân.
Bóng đá chỉ là một trò chơi mang ít nhiều yếu tố danh dự và tiền bạc. Ba lần đoạt cup vàng thế giới của Argentina cũng không cứu vãn cho nước này 3 lần vỡ nợ và hiện tại tình cảnh kinh tế nước này vẫn hết sức khốn khó, người dân đang phải sống trong cảnh “thắt lưng buộc bụng”.
Niềm vui bóng đá chính là niềm vui được xem các thần tượng của mình trình diễn trên sân cỏ. Các danh thủ thường giải nghệ khá muộn bởi vì chừng nào họ còn fan thì họ còn phải phục vụ. Không chỉ fan Bồ Đào Nha mà hàng tỉ người hâm mộ trên thế giới đều muốn Ronaldo ra sân, đó là điều HLV ngu ngốc Santos không chịu hiểu.
Tương tự như vai trò của Ronaldo và Messi, Modric là người hùng của đội Croatia. Quốc gia nhỏ bé ở Nam Âu mới được thành lập từ năm 1991 nhưng đã có 6 kỳ được đi dự World cup, kỳ lạ hơn trong đó có 3 lần vào vào bán kết.
Hiện nay Croatia đang ở vào thời kỳ vàng son của bóng đá với hai lần liên tiếp xếp hạng nhì World cup 2018 và hạng ba 2022. Trong một đội hình thiếu vắng ngôi sao, nói đúng ra là chỉ có một đôi chân thượng thặng duy nhất, thành công của Croatia không thể tách rời những đóng góp quyết định của Modric.
Nổi danh trong màu áo Tottenham, Modric là một thành viên của đội bóng hoàng gia Real Madrid trong 10 năm qua. Không giống với Ronaldo và Messi vốn là cầu thủ chạy cánh, Modric “bẩm sinh” chơi ở trung lộ với vị trí “số 10” cổ điển như từ thời Platini. Ở tuổi 37, nhiều khả năng Modric sẽ sớm tuyên bố từ giã sân cỏ và vì thế tương lai của đội bóng áo bàn cờ sẽ trở nên bất định.
Trường hợp của Giroud đối với đội tuyển Pháp khá kỳ lạ. Trong một đội hình đầy dẫy những ngôi sao hàng đầu thì một cầu thủ được coi là “chân gỗ” như Giroud lại có thể lập ra rất nhiều kỷ lục như về số lần khoác áo đội tuyển, số bàn thắng ghi được 53 bàn, hơn cả huyền thoại Henry. Chơi cùng vị trí trung phong với Benzema, chủ nhân Quả bóng vàng Châu Âu 2022, một người cùng thế hệ nhưng Giroud vẫn được HLV các thời kỳ trọng dụng hơn.
Do có lợi thế về chiều cao, Giroud đánh đầu rất giỏi, và cho dù đôi chân không khéo dễ để mất bóng, bù lại anh là có kỹ năng ghi bàn một chạm cừ khôi bằng các tư thế khác nhau. Tiếc rằng đến trận chung kết. Có vẻ hết pin, Giroud chơi khá tệ bị thay ra từ hiệp 1 và cũng phần nào là lý do làm Pháp thua trận.
Ziyech là cái tên nghe có vẻ lạ? Đây là cầu thủ nổi tiếng nhất của Morocco, đội bóng làm nên lịch sử khi lọt vào bán kết.
Ziyech gia nhập Chelsea với bản hợp đồng lên đến 44 triệu bảng từ năm 2018 nhưng giữa một loạt các ngôi sao lớn thì Ziyach chưa có cơ hội thể hiện nhiều trong sân chơi Premier League.
Ở đội Morocco, Ziyech khá nổi bật vì thường đeo băng đội trưởng tại World cup 2022, là người chịu trách nhiệm đá phạt và có lối đi bóng lắt léo từ cánh phải xuyên vào trung lộ, anh cũng có mặt trong đội hình của đội tại World cup 2018. Còn 2 tháng nữa mới sang tuổi 30, sao nỡ chia tay Ziyech sớm vậy?
Lý do vì đội Morocco chưa chắc đã lọt vào World cup 2026 vì cho dù số lượng các đội bóng được nâng từ 32 lên 48 đội, Châu Phi từ 5 suất lên 7 hay 8 suất thì cũng không lấy gì làm chắc cho vận may của đội bóng “Bầy sư tử Atlas”. Trình độ các đội bóng Châu Phi khá đồng đều, World cup lần này đã vắng mặt khá nhiều đội mạnh như Ai Cập, Nam Phi, Bờ biển ngà, Nigeria, Algieria...
Ảnh: nếu Việt Nam cũng có 12-14 cầu thủ sinh ở nước ngoài thì việc đi dự World cup là chuyện nhỏ.