Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Oman – Không tin vào sự nuối tiếc




Cuộc đời như một giấc mơ, tưởng mới đây mà đã hơn 10 năm kể từ ngày mình đến Oman. Quãng đường từ Dubai đi thủ đô Muscat dài 500km, đi 80km đã đến biên giới Oman. Ở đây chẳng có cột mốc hay của khẩu gì cả, chỉ có một con đường với hai bên là cát trắng xóa. Thủ tục xuất nhập cách được làm trong một tòa nhà khuất bên trong đường. Xe chạy thêm một quãng 80km nữa là đến con đường dọc theo sườn núi, bên kia là bờ biển, nhìn ra vịnh Oman mà bên kia bờ là Iran, cảnh tượng như tranh vẽ, đúng là sơn thủy hữu tình. Thêm một quãng vài chục cây số nữa là thành phố Sohar, cố đô của Oman. Đây là một địa danh nổi tiếng trong chuyện ngàn lẻ một đêm, nơi chàng thủy thủ Sinbad đã xuất phát cho 7 lần ra khơi là 7 chuyến đi li kỳ, diễm tình, không thể nào quên.

Vào thể kỷ 18-19, Oman từng là một đế quốc hùng mạnh, với vùng lãnh thổ trải rộng khắp bán đảo Ả Rập, dưới xuống tận Tanzania (châu Phi), trên là vùng đất rộng lớn của Iran và Pakistan ngày nay. Người Oman rất giỏi nghề biển, với thủy quân hùng mạnh khống chế cả vùng Ấn Độ dương, và thuyền buôn cũng đi xa. Ấn tượng nhất trong thời gian ở Oman là khi vào trong bảo tàng Oman, nơi trưng bày đủ các bằng chứng oai hùng trong quá khứ. Đặc biệt, thuyền buôn Oman đã đến cả cảng Hội An của Việt Nam.

Oman ở Trung Đông cũng có vang bóng một thời giống như Mông Cổ của Viễn Đông, bây giờ cả hai chỉ là những quốc gia nhỏ bé về dân số, cùng khoảng 4 triệu người nhưng diện tích lãnh thổ Oman nhỏ hơn, trên 300000km, tương đương với Việt Nam. Oman là thành viên của nhóm Hợp tác vùng vịnh gồm 6 nướcquân chủ trên bán đảo Ả Rập, nhưng khác với Saudi và Bahrain, gọi Vua là King; ở Kuwait và Qatar gọi Vua là Amir; các Vua UAE lấy chữ Ruler; chỉ duy nhất vua Oman mới mới danh hiệu Sultan. Sultan hiện là là Qaboos, 76 tuổi, lên ngôi từ năm 1970.

Sau khi tốt nghiệp trường quân sự ở Anh về nước được vài năm, Qaboos đã tiến hành một cuộc đảo chính không đổ máu, buộc vua cha bị lật đổ phải ra sống lưu vong ở nước ngoài. Kịch bản con lật đổ cha còn được lặp lại một lần nữa ở nước láng giềng Qatar vào năm 1990. Hiện Qaboos là một trong những vị Vua trị vì lâu năm nhất thế giới, sau Nữ hoàng Elizabeth II, tuy nhiên Nữ hoàng chỉ có vai trò tượng trưng, trong khi Qaboos nắm giữ trọn vẹn quyền lực, ông kiêm nhiệm Thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng. Khi Qaboos lên ngôi, Oman là một xứ lạc hậu, hầu hết dân số mù chữ (95%), chế độ chiếm hữu nô lệ còn phổ biến, lại thêm nội chiến nhiễu nhương giữa các bộ lạc. Khách quan mà nói, Qaboos là một nhà cải cách đã đưa Oman ra ánh sáng với thế giới bên ngoài. Một điều may mắn nữa, vào cuối thập kỷ 60, Oman bắt đầu phát hiện ra dầu lửa, Qaboos chủ trương gia tăng mạnh sản lượng khai thác  ở mức tối đa để chấn hưng nền kinh tế.

Muscat là thành phố đông dân nhất cũng chỉ chưa đầy 2 triệu người, nó được chú trọng đầu tư xây dựng nhưng vẫn chưa thể có nhiều các ngôi nhà lộng lẫy như Dubai hay Doha. Bên cạnh đó, Oman còn có rất nhiều các lâu đài cổ nằm rải rác khắp đất nước, dấu tích của một thời vàng son. Đất đai Oman không hoàn toàn cát như các nước vùng Vinh khác mà có cả những cánh rừng rậm rạp, gần như là nguyên sinh. Ngoài dầu lửa, nguồn thu nhập của Oman còn có nghề đánh bắt cá truyền thống, làm nông nghiêp và du lịch. Trong dân số Oman hiện này có khoảng 1/3 là người nước ngoài thường trú, đông nhất là Ấn Độ, Pakistan; dân châu Á trước đây đông nhất là từ Indonesia, nay dân Tàu tràn vào kha khá rồi.

Cuộc sống riêng tư của các Vua chúa các nước vùng Vịnh thuộc đề tài cấm kỵ, nhưng mọi người ở Oman đều biết Qaboos thuộc “thế giới thứ ba” đồng cô bóng cậu. Theo ghi chép chính thức, ông đã từng kết hôn, nhưng nhanh chóng ly dị và sau đó không lấy vợ nữa. Tình hình là Oman không có Thái tử và người kế vị ông lão gần 80 là một ẩn số. Cũng theo tin chính thống, có một lá thư mật của Qaboos mà chỉ công bố khi ông chết, trong đó viết tên 3 ứng cử viên của vị Vua tương lai để Hội đồng hoàng gia sẽ bầu ra một.

Đến nay, dầu lửa, nguồn thu nhập chính của Oman dần dần cạn kiệt, các ngành nghề phụ vẫn còn yếu kém. Điều may mắn cho Oman lúc này không phải là nhân lực dồi dào, ngược lại là dân số nhỏ. Đây là điều kiện cho phép thực hiện một kế sách kiếm tiền dễ dàng là xây nhà bán và nhận di dân nước ngoài.
Tháng 9/2016
Lương Văn Quang

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

HUNSEN - PHÙ THỊNH KHÔNG PHÙ SUY



HUNSEN – PHÙ THỊNH KHÔNG PHÙ SUY
Hunsen sinh năm 1952 nhưng trong giấy tờ lại ghi sinh năm 1951 một chính khách có thời gian cầm quyền lâu, trụ vững qua nhiều thăng trầm đẩy đưa của lịch sử.
Hunsen bỏ học để gia nhập quân đội Khơ me đỏ từ năm 1970, nhưng đến năm 1977 thì đào tẩu sang Việt Nam. Năm 1979, khi Việt Nam đưa quân vào lật đổ chế độ Khơ me đỏ thì Hunsen bỗng dưng trở thành Phó Chủ tịch Mặt trận cứu quốc (Chủ tịch là Heng Somrin), giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia. Vài năm sau, Hunsen đã trở thành Thủ tướng rồi giữ chức vụ đó đến tận bây giờ và có lẽ là Thủ tướng cầm quyền lâu nhất thế giới. Khi Chiasim già nua và chết năm ngoái, Hunsen nắm luôn chức Chủ tịch đảng Nhân dân Campuchia.
Vừa qua có một sự việc ồn ào qua mạng xã hội, khi một người Việt Nam hỏi Hunsen tại sao ông lại phản bội Việt Nam mà ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông. Hunsen đã trả lời bằng tiếng Việt rằng ông chỉ trung thành với Vua và đất nước Campuchia. Tráo trở đến thế là cùng, sao Hunsen không nói như thế trong những năm tháng ăn chực nằm chờ bên Việt Nam ?
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, Hồi ký Trần Quang Cơ khẳng định, lòng dạ Hunsen đã khác từ sau năm 1991, năm diễn ra Hội nghị Thành Đô, khi Việt Nam ép Hunsen phải chấp nhận phương án của Trung Quốc. Theo đó, Hội đồng lãnh đạo Campuchia sẽ bào gồm 13 thành viên, phe đương kim cầm quyền của Hunsen có 6 ghế, trong đó phe đối lập, bao gồm cả Khơ me đỏ, lại có 7 ghế. Nghĩa là bên thắng cuộc lại là thiểu số. Điều đó bắt buộc Hunsen phải hiểu rằng, kẻ có đủ sức mạnh lèo lái hướng đi của Campuchia không còn lại Việt Nam nữa mà chính là Trung Quốc.
Một số sách báo kể rằng, Hunsen là một người sáng dạ. Từ một thằng chân đất mắt toét, Hunsen tiếp thu các kiến thức quản lý hành chính rất nhanh. Trong thời gian đất nước Campuchia mới hồi sinh từ chế độ Ponpot, Hunsen là người lên lớp giảng bài khoa học quản lý cho các cán bộ nòng cốt của chế độ mới.
Là một thằng chột do bị thương trong chiến tranh, Hunsen lại có khả năng đu dây và ảo thuật đổi màu nhanh như chớp cho phù hợp hoàn cảnh. Vào năm 2012, trong cuộc gặp với Obama, Hunsen đã chấp nhập để Thủ lãnh đối lập Sam Rainsy về nước. Cuộc Tổng tuyển cử 2013 đã dẫn đến kết quả thắng lợi cho đảng của Sam Rainsy, nhưng đã bị phe Hunsen ăn gian trắng trợn và không chịu bàn giao quyền lực.
Sau đó, Hunsen đã tỏ ra là có điểm dừng khi tự động tuyên bố sẽ rút lui khỏi chính trường vào năm 74 tuổi, nghĩa là năm 2025. Hun có sáu người con, đều đã hoặc đang du học ở Mỹ và Phương Tây nhưng chắc là những đứa con đó chưa thay đổi tư duy tham lam quyền, tiền và danh.
Campuchia đã chuyển hóa thành một nước dân chủ nửa vời, có chế độ đa đảng và bầu cử nhưng Đảng phái của Hunsen vẫn tìm mọi cách khống chế người dân đối với các quyền tự do và dân chủ. Cơ chế dân chủ “kiểu Campuchia” hiện nay là một phương án tối ưu cho Hunsen, hoặc bám víu quyền lực càng lâu càng tốt, nếu không được thì cũng là lối thoát cho bản thân ông ta và gia đình. Hunsen không thể che dấu được bản chất con người xu thời, gió chiều nào theo chiều ấy của ông.

Tháng 8.2016
Lương Văn Quang

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

MỞ ĐẦU: VỪA ĐI VỪA KỂ CHUYỆN



 “Nước Úc xa và gần” là quyển sách thứ ba của mình. Dù là lần thứ ba, nhưng “Nước Úc xa và gần” vẫn được viết với rất nhiều cảm xúc, của những trải nghiệm của một người tuy không sinh ra ở nước Úc nhưng sẽ chọn nơi này để vĩnh biệt thế giới.

Kể từ năm 1994, cuộc sống của mình không còn yên ả, phẳng lặng tại quê nhà mà ra xứ người để đối mặt với những thử thách, sóng gió nhưng cũng đầy hãnh diện trong 10 năm sống tại Úc và 12 năm phiêu bạt ở nhiều quốc gia và châu lục khác nhau.

Cuộc sống nay đây mai đó,với nhiều công việc ngành nghề khác nhau làm suy nghĩ của mình về nước Úc cũng có nhiều cung bậc. Nước Úc được đặt trong lăng kính đa chiều, lúc sống trong lòng xứ Úc với khi tạm xa nó. Cũng bởi có sự đối chiếu mà mình đưa ra kết luận cho riêng mình: Úc là nhất.

Mình quan niệm, cuộc sống có hai chủ đề chính là mối quan hệ giữa người với người và giữa con người với với thiên nhiên. Phần một của tập sách với tiêu đề “Nước Úc đẹp lắm” là  những kỷ niệm về các phương trời, vùng đất mà mình đã được thăm viếng, ngao du trên mảnh đất này. Cảm nhận của một người đối mặt với cuộc sống thường nhật tại Úc không giống với những người chỉ coi Úc là nơi đi du lịch vì nó có những niềm vui và nỗi buồn riêng. Phần hai, “Người với người trên đất nước Kangaroo” thu lượm thông tin, kiến thức về xã hội, phác họa hệ thống quản trị nước Úc cũng như các vấn đề y tế, giáo dục, an sinh, kinh tế cũng được trình bày trong phần này.

Dành những tình cảm thân quý nhất đối với những đồng hương lập nghiệp ở một nơi vốn là xa lại nhưng dần trở nên thân thuộc trong “Người Việt xứ Úc” cũng là phần ba, phần kết thúc tập sách. Cuộc sống của bà con ta, dù độc thân hay có gia đình trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai là điều mà mình muốn lột tả một cách trung thực và sinh động.
Nghĩ đến chuyện cũ cũng buồn cười thật. Hồi hôm sang Oman, mình quên mang tiền, đúng ra là mình không dùng thẻ tín dụng mà lại quên cầm theo cái thẻ tín dụng của bà xã, chỉ còn ít tiền mặt trong túi, nên đã phải ở trọ trong một căn nhà tạm coi là ổ chuột. Dân tình xung quanh ngạc nhiên khi thấy mình ăn vận com lê com táo, cà vạt đi ra đi vào khu nhà. Bên cạnh muôn vàn những lần khốn khó, mình đã từng ngủ khách sạn 5 sao, ăn trong khách sạn 7 sao, từng nhiều lần ngồi với nhân vật có số má lẫn những người bình dân và đến giờ phút này, chẳng biết còn ham muốn gì khác ngoài ham muốn được “được kể chuyện”. 

Những điều mà mình viết trong “Nước Úc xa và gần” là những ý nghĩ nẩy ra khi mình thường đi bách bộ trên những đường phố chạy dài ở Sydney, một bên là những ngôi nhà biệt thự thơ mộng, một bên là đường xá với xe cộ thưa thớt, bầu trời hầu như luôn xanh và có ánh nắng, bên dưới là thảm cỏ và lối nhỏ dành cho người đi bộ. Ngạn ngữ Úc có câu “neighbor's grass is always greener” (nghĩa là đứng núi này trông núi khác), điều này nghĩa bóng không biết có đúng không, nhưng rất đúng ở nghĩa đen. Thảm cỏ từ đằng xa bao giờ cũng xanh hơn rất nhiều so với cỏ dưới chân mình. Cũng có khi mình viết một cách vội vã vào lúc chờ đón hai cháu đi học về, ngồi trong chiếc xe đậu cạnh cổng trường, trong sân trường là những tán lá cây sum xuê tạo cảm giác vô cùng bình yên. Cũng vì những ý nghĩ mơ màng, chợt ẩn hiện mà những bài viết chắc chắn có nhiều sai sót, mong được đọc giả xa gần chỉ bảo.

“Của ít lòng nhiều”, hiểu biết của mình đến đâu, chỉ viết ra được từng ấy. Xa hơn vấn đề “chém gió” là đi tìm người bạn tâm giao, những người đồng cảm về cuộc sống và cũng yêu nước Úc như mình.

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2016

LUẬN ANH HÙNG



Luận về anh hùng thời nay, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ đến Obama, Pu, Tập, hay … “anh Chọng”. Cứ xem anh Ô cầm quả dừa với cái ống hút nhựa ở Lào, hay đi ăn bún chả, cởi nhẫn trước khi bắt tay…cho thấy ảnh sành điệu không kém gì một diễn viên show biz thực thụ.

Mình nhớ đến câu chuyện cách đây đã trên 20 năm, lúc đó Ngoại trưởng Úc là ông Evans đã đến nói chuyện ở một trường Đại học. Khi ông kể về công việc của ông hết sức bận rộn thì một nữ sinh đã tỏ ý không đồng tình và nói ông khoác lác. Evans xin giải thích thêm rằng ông đã thức khuya dậy sớm ra sao, lịch trình dày đặc hôm qua hôm nay ngày mai thế nào, rồi hỏi lại cô nữ sinh, có hiểu như thế là vất vả không. Lúc này cô nữ sinh còn giận dữ hơn: ông không chỉ khoác lác mà còn dối trá nữa. 

Ở các nước dân chủ phương Tây, người ta không còn coi những người làm chính trị là những bậc thần thánh, cha mẹ nữa mà thường mỉa mai diễu cợt mỗi khi có dịp. Dân chúng gọi những người này, dù cấp bậc cao thấp khác nhau vẫn đều là “paraside” (lũ ăn bám), một từ ngữ lột tả bản chất vấn đề. Người Việt mình bây giờ dân trí cũng rất cao rồi, cứ xem vụ nổ súng ở Yên Bái thì biết lòng dân đối với quan chức ra sao.

Xưa kia, dân ngu khu đen, chỉ có một bộ phận nhỏ tinh túy vượt lên, chiếm giữ quyền lực, trở thành những kẻ bề trên, mỗi lần người dân gặp Vua quan dù ngưỡng mộ mà vẫn không được ngước lên phải cúi gầm mặt xuống. Thời nay, những người làm chính trị chuyên nghiệp đều “vo tròn vót trơn” trong một guồng máy, được giật dây bởi những thế lực giấu mặt trong nước  và nước ngoài. Để giữ việc làm và quyền lợi, họ không được phép bộc lộ và thực hiện quan điểm riêng biệt mà phải diễn sao cho đúng ý những kẻ nặn ra họ.

Những người xứng đáng là anh hùng ngày nay chẳng cần tìm kiếm đâu xa, họ ở ngay quanh chúng ta. Theo cách phân loại thời xưa, có hai loại người là quân tử và tiểu nhân. Mình nghĩ giờ đây cũng có hai loại: loại người có những đóng góp cụ thể và rõ ràng cho xã hội, dù ít hay nhiều tùy theo năng lực và một loại chỉ phá hoại hoặc chẳng đóng góp gì, sống vô vị trên cõi đời. Những người quá già, quá trẻ, người tàn tật, người thất nghiệp…về lý không thể coi là anh hùng những về tình, họ vẫn đáng trân trọng. Không nên coi những người thất nghiệp là lười biếng, đơn giản họ bị thua trong cuộc cạnh tranh trên thị trường việc làm mà thôi. Những người này này có thể coi là những cầu thủ dự bị trong bóng đá, họ đã mang giày vào chân và sẵn sàng thay thế các cầu thủ chính thức.

Câu hỏi đặt ra, làm thế nào để trở thành người có ích cho xã hội? Nếu như  trước đây, hầu hết lao động nằm trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp thì ngày nay đại đa số lao động là làm dịch vụ. Bên cạnh đó, kỹ thuật internet đã mang đến cách mạng về truyền thông, làm đảo lộn nhiều quan niệm về cuộc sống. Điều này đòi hỏi phải có những bước đột phá trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Vừa rồi, mình tình cờ đọc trên fb, có câu “Với người miền Bắc, muốn làm gì cũng phải học; còn người miền Nam, muốn làm gì cũng phải làm”. Mình không tranh luận có đúng là người miền Nam hay miền Bắc như thế không, có điều hiểu chữ “học” ở đây được hiểu là cái học lý thuyết theo trường lớp. Mình hơi ngạc nhiên khi vẫn còn nhiều người sùng bái người học giỏi, mình lại cho rằng người làm giỏi mới đáng quý, vì dù học giỏi đến đâu cũng chẳng để làm gì nếu chưa dẫn đến những thành quả.

Trong gần 20 năm cắp sách tới trường (tính chi ly là 19 năm), phần lớn thời gian mình rất ghét học, đồng thời thấy rằng học hành chẳng có gì khó. Không tính những chuyện xưa cũ, lần mình đi học gần đây nhất là học master ở Úc. Dù tiếng Anh rất dốt mà mình đã lấy sáu môn một học kỳ, trong khi yêu cầu fulltime chỉ cần ba môn, mà vẫn có môn đạt điểm distinction (không hề bốc phét, ai không tin mình cho kiểm tra học bạ). 

Bây giờ đang có trào lưu đi học các lớp “Học làm giàu”, hoặc tương tự như Khởi nghiệp hay Bí quyết kinh odanh, Bí quyết bán hàng… Đôi khi mình tự hỏi, sao mình không đi giảng bài như người ta bởi những thuyết trình viên ở đây cũng dốt nát và nghèo khó…như mình ? Mình nghĩ nếu những giảng viên là tỉ phú hay đa triệu phú thì những bài giảng đó sẽ hết sức giá trị, vì họ là người thật việc thật, có trải nghiệm lên thác xuống đèo trong cuộc sống. Chắc hẳn những bậc thầy này thì không dư thời gian để làm những việc như vậy. Nhắc đến tỉ phú, mình cho rằng những vị dám hiến toàn bộ hay phần lớn gia tài cho từ thiện mới thực sự là những thánh nhân thời đại, những con người tài đức vẹn toàn.
Là một người di dân đến xã hội văn minh, mình tự nhận ra những khoảng trống mênh mông về kiến thức pháp lý, bảo hiểm, chứng khoán, thuế vụ, đầu tư, bất động sản, kinh doanh… mà chỉ có thể có được qua con đường tự học và học ở ngoài xã hội.

Thực sự là mình đã nuối tiếc vì đã từng tốn quá nhiều thời gian trường lớp cho những cái vô ích, nếu không tuổi trẻ của mình còn được sống đam mê và thú vị hơn rất nhiều. Mình nói chuyện với bà xã, hai cháu nhà mình học lớp 5 và lớp 4, đã đọc thông viết thạo, biết toán số học căn bản, thế là đủ, không cần học thêm gì nữa. Những cái như đại số, hình học, lượng giác, giải tích, lý hóa sinh, Mác Lê Mao…ai thích có thể tự học, vô thưởng vô phạt. Nhưng nếu cho con nghỉ học thì chúng biết làm gì vì theo Luật Úc, 14 tuổi mới được bắt đầu đi làm, như thế cháu lớn nhà mình còn 3 năm nữa. Giá mà thời gian này cho các cháu đi chơi vòng quanh thế giới, để được quan sát, trải nghiệm, học hỏi, cảm xúc thì tuyệt vời biết bao. Đi không chỉ là để tìm hiểu thế giới mà còn khám phá chính bản thân, xem mình thích gì và có khả năng gì. Tiếc rằng ước mơ chỉ là ước mơ, không phải hiện thực.

Theo nghiên cứu mới đây, thành công của con người lại không chỉ do kiến thức mà còn có các kỹ năng tính cách (character skill). Trong đó nổi lên ba đức tính hết sức quan trọng, đó là tính chu đáo, làm việc đến nơi đến chốn; tính tò mò, không sợ những điều mới; và tử tế thân thiện với mọi người.
Có lẽ vì lý do này mà tỉ lệ sinh viên Úc (không tính du học sinh) bỏ học ngày càng đông và cũng không ngạc nhiên khi sinh viên tốt nghiệp Đại học thì tỉ lệ kiếm được việc làm càng ngày càng giảm. Theo dự đoán trong 30 năm tới, các trường Đại học sẽ giảm khoảng 75% số sinh viên lên lớp, thay vào đó là học trực tuyến và các lớp vừa học vừa làm. Những tầng lớp người hùng mới sẽ ra đời theo một phương cách khác hẳn.