Luận về anh hùng thời nay, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ đến
Obama, Pu, Tập, hay … “anh Chọng”. Cứ xem
anh Ô cầm quả dừa với cái ống hút nhựa ở Lào, hay đi ăn bún chả, cởi nhẫn trước
khi bắt tay…cho thấy ảnh sành điệu không kém gì một diễn viên show biz thực thụ.
Mình nhớ đến câu chuyện cách đây đã trên 20 năm, lúc đó Ngoại
trưởng Úc là ông Evans đã đến nói chuyện ở một trường Đại học. Khi ông kể về
công việc của ông hết sức bận rộn thì một nữ sinh đã tỏ ý không đồng tình và
nói ông khoác lác. Evans xin giải thích thêm rằng ông đã thức khuya dậy sớm ra
sao, lịch trình dày đặc hôm qua hôm nay ngày mai thế nào, rồi hỏi lại cô nữ
sinh, có hiểu như thế là vất vả không. Lúc này cô nữ sinh còn giận dữ hơn: ông
không chỉ khoác lác mà còn dối trá nữa.
Ở các nước dân chủ phương Tây, người ta không còn coi những
người làm chính trị là những bậc thần thánh, cha mẹ nữa mà thường mỉa mai diễu
cợt mỗi khi có dịp. Dân chúng gọi những người này, dù cấp bậc cao thấp khác
nhau vẫn đều là “paraside” (lũ ăn bám), một từ ngữ lột tả bản chất vấn đề. Người
Việt mình bây giờ dân trí cũng rất cao rồi, cứ xem vụ nổ súng ở Yên Bái thì biết
lòng dân đối với quan chức ra sao.
Xưa kia, dân ngu khu đen, chỉ có một bộ phận nhỏ tinh túy vượt
lên, chiếm giữ quyền lực, trở thành những kẻ bề trên, mỗi lần người dân gặp Vua
quan dù ngưỡng mộ mà vẫn không được ngước lên phải cúi gầm mặt xuống. Thời nay,
những người làm chính trị chuyên nghiệp đều “vo tròn vót trơn” trong một guồng
máy, được giật dây bởi những thế lực giấu mặt trong nước và nước ngoài. Để giữ việc làm và quyền lợi, họ
không được phép bộc lộ và thực hiện quan điểm riêng biệt mà phải diễn sao cho đúng
ý những kẻ nặn ra họ.
Những người xứng đáng là anh hùng ngày nay chẳng cần tìm kiếm
đâu xa, họ ở ngay quanh chúng ta. Theo cách phân loại thời xưa, có hai loại người
là quân tử và tiểu nhân. Mình nghĩ giờ đây cũng có hai loại: loại người có những
đóng góp cụ thể và rõ ràng cho xã hội, dù ít hay nhiều tùy theo năng lực và một
loại chỉ phá hoại hoặc chẳng đóng góp gì, sống vô vị trên cõi đời. Những người
quá già, quá trẻ, người tàn tật, người thất nghiệp…về lý không thể coi là anh hùng
những về tình, họ vẫn đáng trân trọng. Không nên coi những người thất nghiệp là
lười biếng, đơn giản họ bị thua trong cuộc cạnh tranh trên thị trường việc làm
mà thôi. Những người này này có thể coi là những cầu thủ dự bị trong bóng đá, họ
đã mang giày vào chân và sẵn sàng thay thế các cầu thủ chính thức.
Câu hỏi đặt ra, làm thế nào để trở thành người có ích cho xã
hội? Nếu như trước đây, hầu hết lao động
nằm trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp thì ngày nay đại đa số lao
động là làm dịch vụ. Bên cạnh đó, kỹ thuật internet đã mang đến cách mạng về
truyền thông, làm đảo lộn nhiều quan niệm về cuộc sống. Điều này đòi hỏi phải có
những bước đột phá trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Vừa rồi, mình tình cờ đọc trên fb, có câu “Với người miền Bắc,
muốn làm gì cũng phải học; còn người miền Nam, muốn làm gì cũng phải làm”. Mình
không tranh luận có đúng là người miền Nam hay miền Bắc như thế không, có điều
hiểu chữ “học” ở đây được hiểu là cái học lý thuyết theo trường lớp. Mình hơi
ngạc nhiên khi vẫn còn nhiều người sùng bái người học giỏi, mình lại cho rằng
người làm giỏi mới đáng quý, vì dù học giỏi đến đâu cũng chẳng để làm gì nếu
chưa dẫn đến những thành quả.
Trong gần 20 năm cắp sách tới trường (tính chi ly là 19
năm), phần lớn thời gian mình rất ghét học, đồng thời thấy rằng học hành chẳng
có gì khó. Không tính những chuyện xưa cũ, lần mình đi học gần đây nhất là học
master ở Úc. Dù tiếng Anh rất dốt mà mình đã lấy sáu môn một học kỳ, trong khi yêu
cầu fulltime chỉ cần ba môn, mà vẫn có môn đạt điểm distinction (không hề bốc
phét, ai không tin mình cho kiểm tra học bạ).
Bây giờ đang có trào lưu đi học các lớp “Học làm giàu”, hoặc
tương tự như Khởi nghiệp hay Bí quyết kinh odanh, Bí quyết bán hàng… Đôi khi
mình tự hỏi, sao mình không đi giảng bài như người ta bởi những thuyết trình viên
ở đây cũng dốt nát và nghèo khó…như mình ? Mình nghĩ nếu những giảng viên là tỉ
phú hay đa triệu phú thì những bài giảng đó sẽ hết sức giá trị, vì họ là người
thật việc thật, có trải nghiệm lên thác xuống đèo trong cuộc sống. Chắc hẳn những
bậc thầy này thì không dư thời gian để làm những việc như vậy. Nhắc đến tỉ phú,
mình cho rằng những vị dám hiến toàn bộ hay phần lớn gia tài cho từ thiện mới
thực sự là những thánh nhân thời đại, những con người tài đức vẹn toàn.
Là một người di dân đến xã hội văn minh, mình tự nhận ra những
khoảng trống mênh mông về kiến thức pháp lý, bảo hiểm, chứng khoán, thuế vụ, đầu
tư, bất động sản, kinh doanh… mà chỉ có thể có được qua con đường tự học và học
ở ngoài xã hội.
Thực sự là mình đã nuối tiếc vì đã từng tốn quá nhiều thời
gian trường lớp cho những cái vô ích, nếu không tuổi trẻ của mình còn được sống
đam mê và thú vị hơn rất nhiều. Mình nói chuyện với bà xã, hai cháu nhà mình học
lớp 5 và lớp 4, đã đọc thông viết thạo, biết toán số học căn bản, thế là đủ, không
cần học thêm gì nữa. Những cái như đại số, hình học, lượng giác, giải tích, lý
hóa sinh, Mác Lê Mao…ai thích có thể tự học, vô thưởng vô phạt. Nhưng nếu cho
con nghỉ học thì chúng biết làm gì vì theo Luật Úc, 14 tuổi mới được bắt đầu đi
làm, như thế cháu lớn nhà mình còn 3 năm nữa. Giá mà thời gian này cho các cháu
đi chơi vòng quanh thế giới, để được quan sát, trải nghiệm, học hỏi, cảm xúc
thì tuyệt vời biết bao. Đi không chỉ là để tìm hiểu thế giới mà còn khám phá
chính bản thân, xem mình thích gì và có khả năng gì. Tiếc rằng ước mơ chỉ là ước
mơ, không phải hiện thực.
Theo nghiên cứu mới đây, thành công của con người lại không chỉ
do kiến thức mà còn có các kỹ năng tính cách (character skill). Trong đó nổi
lên ba đức tính hết sức quan trọng, đó là tính chu đáo, làm việc đến nơi đến chốn;
tính tò mò, không sợ những điều mới; và tử tế thân thiện với mọi người.
Có lẽ vì lý do này mà tỉ lệ sinh viên Úc (không tính du học
sinh) bỏ học ngày càng đông và cũng không ngạc nhiên khi sinh viên tốt nghiệp Đại
học thì tỉ lệ kiếm được việc làm càng ngày càng giảm. Theo dự đoán trong 30 năm
tới, các trường Đại học sẽ giảm khoảng 75% số sinh viên lên lớp, thay vào đó là
học trực tuyến và các lớp vừa học vừa làm. Những tầng lớp người hùng mới sẽ ra
đời theo một phương cách khác hẳn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét