Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017
CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI - ĐIỀU KHÔNG THỂ TRÁNH
Chiến tranh bom đạn gây tang thương chết chóc. Chiến tranh lạnh đe dọa hủy diệt hạt nhân còn đáng sợ hơn. Trong nhiều năm qua, với các chiêu bài "toàn cầu hóa" hay "thương mại tự do" đã làm người ta lãng quên một loại chiến tranh khác: chiến tranh thương mại. Nếu bảo bây giờ lúc chiến tranh thương mại thì liệu nó đã hội tụ đủ các điều kiện hay chưa ?
Với ý tưởng về tự do và cởi mở là động lực để các nước trên thế giới liên kết thị trường, tạo ra những khối kinh tế. Sau đại chiến thế giới II, một loạt các khối kinh tế ra đời EU, khối CERP (của các nước XHCN cũ), Hợp tác vùng Vịnh và AL ở Trung Đông, ASEAN, NAFTA, BRICS, ở châu Phi, Mỹ Latin...Những nước "lẻ loi" về mặt địa lý như Úc cũng phát hoảng, chỉ sợ không "dính" được vào đâu, phải xin liên kết với Nhật, Trung Quốc và ASEAN. Những tưởng đó là xu thế không thể đảo ngược, nhưng hóa ra không phải như vậy.
Những tín hiệu đầu tiên là tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược ở một loạt các khối liên kết. Ví dụ mỗi cuộc họp của các nước Liên đoàn Ả Rập (AL) là một trận cãi vã như mổ bò về cả về chính trị lẫn kinh tế, không ai chịu ai.
Năm ngoái, sự kiện Brexit, nước Anh trưng cầu dân ý để rút ra khỏi Thị trường chung châu Âu EU đã gây chấn động. Khi EU được lập nên, đã có biết bao kỳ vọng về một nhất thể hóa châu Âu, thì đây là một cú giáng khủng khiếp. Những hệ lụy của nó có thể kể đến cuộc bầu cử tại Pháp sắp diễn ra, trong đó ứng cử viên nặng ký Marine Le Pen đã tuyên bố Pháp cũng rút ra khỏi EU khi cô thắng cử. Nếu cả Anh lẫn Pháp, 2 trong 3 trụ cột của khối (nước còn lại là Đức) ra đi thì EU trên thực tế sẽ bị khai tử. Ngay trong trường hợp Pháp còn ở lại thì những khó khăn chồng chất của EU trong bao năm qua vẫn chưa thấy ánh sáng hy vọng le lói.
Khi các khối kinh tế không còn có hiệu lực đủ mạnh thì đó chính là lúc bóng ma của các cuộc chiến thương mại trở nên hiện thực. Chiến tranh thương mại chỉ có thể diễn ra cô lập, song phương không thể có quy mô toàn cầu nếu không có sự tham gia của Mỹ. Mọi người đều biết, Donald Trump, người theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ đã trở thành Tổng thống.
Với tính cách nói thẳng nói thật của một doanh nhân, Trump đã chỉ ra những đối tượng mà nước Mỹ cần "điều trị" để bảo vệ quyền lợi kinh tế thương mại, đó là Trung Quốc trong cái mâm lớn và Mexico trong cái mâm nhỏ.
Là một bậc thầy về truyền thông dương Đông kích Tây, Trump đặt ra vấn đề xây dựng bức tường dọc biên giới Mỹ - Mễ, cũng nêu vấn đề "Một nước Trung Quốc" và các đảo Tàu xâm lấn ở biển Đông. Nhưng những ai hiểu Trump thì đều biết những cái đó không phải là trọng tâm của sự việc. Chính quyền mới của Mỹ đang soạn thảo mức thuế 20% dành cho Mexico, và mức thuế 45% cho Trung Quốc. Đến khi thuế mới được ban hành thì đó chính là một cuộc chiến thực sự.
Tại sao Mỹ lại làm như vậy và có cần như thế không ? Lùi thời gian vào thập kỷ 50 của thế kỷ trước, sau Đại chiến, sản xuất bị đình trệ, hàng hóa thế giới vô cùng khan hiếm. Hết chiến tranh, dân số trở lại tăng nhanh, lại đẩy cầu vượt cung thêm nữa. Một ông bạn thương nhân già ở Dubai kể với mình rằng ông từng đi kiếm nguồn hàng rất cực. Tìm được nơi sản xuất vỏ chăn thì quá mừng, có bao nhiêu bán cũng hết. Bây giờ, khách hàng hành hạ phải có chất liệu mới, màu sắc, kích cỡ, kiểu cách đa dạng mà còn chưa thèm mua. Đến thập kỷ 90, Vietnam vẫn còn khẩu hiệu "tất cả cho sản xuất". Vào những lúc hiếm hoi, Mỹ là nơi cung cấp hàng hóa chủ yếu và lớn nhất cho cả thế giới. Vậy mà nay Mỹ lại là nước nhập khẩu và nhập siêu lớn nhất !
Khách quan mà nói, nhờ Trung Quốc, công xưởng của thế giới, mà mọi người có hàng hóa dồi dào với giá rẻ. Cứ xem một cái máy khoan tay ở Bunning, rẻ dễ sợ nên mỗi người thợ dùng dăm chiếc, từng chiếc chỉ dùng một loại mũi, cho phép tiết kiệm thời gian và nâng cao năng suất làm việc. Chủ nghĩa bảo hộ là điều người Tàu sợ nhất vì nền kinh tế Trung Quốc dựa vào xuất khẩu quá lớn.
Khủng hoảng kinh tế 2009 đã làm các nước thiên về xuất khẩu tìm cách hạ giá thành để giữ mức sản suất và xuất khẩu, làm cho hàng hóa ế thừa khủng khiếp. Những hàng hóa này thường có hàm lượng chất xám kết tinh thấp nên các nước nhập khẩu có thể dễ dàng sản xuất và thay thế. Trump là người hết sức nhạy cảm để hiểu và ngăn chặn ngay cơn lốc hàng hóa đang đổ vào nước Mỹ. Sở trường và thế mạnh của ông là kinh tế thương mại, nên có thể hiểu chính sách an ninh quốc phòng và ngoại giao của Mỹ sẽ không có nhiều sáng kiến đột biến, nhưng về kinh tế và thương mại, mọi người phải sẵn sàng thích nghi với những cú shock đảo lộn tất cả.
Một bài viết trên Sydney Morning Herald đã bình luận rằng, khi chiến tranh thương mại nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc thì Úc sẽ được lợi. Nhưng loại nông phẩm như thịt bò, lúa mì, trái cây... mà Trung Quốc đang nhập của Mỹ thì nay sẽ lấy của Úc...cho tiện. Với dân số của Tàu hàng tỉ người mà nhào dzô ăn đồ nông nghiệp Úc thì phen này chắc ta phải đi cầy ruộng thôi.
NỘI CÁC THÔNG MINH NHẤT
Bài diễn văn nhận chức chỉ 17 phút, cực ngắn so với các tiền nhiệm, đã gây ấn tượng, với nội dung chính về chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ. Có một chi tiết hơi lạ ở phần đầu, ông Trump nói kể từ ngày 20/1/2017, quyền lực của Washington DC sẽ chuyển cho nhân dân. Tại sao lại như vậy?
Bản thân Trump và hầu hết thành viên nội các chưa hề làm việc trong guồng máy chính phủ. Ông tuyên bố đây là nội các có chỉ số thông minh IQ cao nhất trong lịch sử nước Mỹ. Họ không có kinh nghiệm làm nhà nước nhưng rất thành công trong khu vực tư nhân, nhiều người là tỉ phú hoặc đa triệu phú. Trump cho rằng với những người cực kỳ thông minh thì dù xuất thân ngoài lề, từ "nhân dân" vẫn có thể làm tốt hơn giới chính trị chuyên nghiệp, vốn chỉ quen "empty talk".
Theo ước tính, chỉ số IQ của Trump là 156, còn của Obama là 145.
QUẺ BÓI "CHIM BÁO BÃO"
Đầu năm, lại đến một mùa bói toán và trước khi đi vào chủ đề, xin kể một câu chuyện.
Năm 2009, mình được đón tiếp anh Phúc (gần chùa gọi bụt bằng anh), lúc đó còn là Bộ trưởng, sang thăm Ai Cập. Anh em ngồi cũng lâu, mình đánh liều hỏi: trước đây anh học trường nào? Anh đáp, trường Kinh tế quốc dân. Mình nhận ngay: em và bà xã em đều học trường này. Anh học hơi muộn nên chỉ hơn mình 11 khóa và hơn bà xã mình 20 khóa. Anh Phúc cười vui vẻ, đúng như một đồng nghiệp nhận xét, anh được cái “sởi lởi Trời cho”.
Hóa ra anh cũng đá bóng ở nhà 5 và nhà 6 như tụi em, đến trường cả ngày chỉ mong đến lúc ra sân. Hồi đó mọi người học hành rất nghiêm túc chứ không như sau này. Bà xã mình tự nhận thích viết tiếng Anh hơn tiếng Việt bởi vì hồi đi học toàn đi chép nên không tự tin khi viết tiếng Việt. Còn tụi mình dù tiểu luận, đề án, luận văn đều hoàn toàn tự viết, nên được rèn luyện kỹ năng viết khá kỹ. Kiến thức ngày xưa quá ư là lạc hậu, đến nỗi trường dậy kinh tế vĩ mô là chính nhưng lại không dùng chữ kinh tế vĩ mô. Tuy vậy, Kinh tế học của Mác cũng khá đầy đủ các lý thuyết kinh tế cơ bản vì Mác “hệ thống hóa” các học thuyết cổ điển thành ra học thuyết của ông, chỉ có một sáng tạo là khái niệm giá trị thạng dư. “Giá trị thạng dư” vẫn còn là một lý thuyết quan trọng đến tận bây giờ. Từ hồi tụi mình trở lên thời anh Phúc, trường Kinh tế quốc dân tuyển sinh các khóa dài hạn rất ít, mọi người học hành đàng hoàng.
Thế giới ngày nay thiên biến vạn hóa, đòi hỏi khả năng nhận định (judgement) rất cao của những người lãnh đạo quốc gia. Mình hy vọng những kiến thức kinh tế vĩ mô mà anh Phúc đã có là một cơ sở để anh đưa ra những phán đoán chính xác.
Nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa gọi Donald Trump là “Chim báo bão”. Xưa kia thời phong kiến, vua chúa cai trị xã hội bằng chiếu chỉ, tức sắc lệnh. Đến nay, phương pháp phổ biến nhất trong việc quản trị xã hội và nền kinh tế là các công cụ về thuế và tài chính. Dường như Trump đang ưa sử dụng truyền thông như một biện pháp chính. Ông là người đã từng kiếm khoảng 300 triệu đô Mỹ bằng các show truyền hình, điều không phải ai cũng làm được nên phải nói là quá ư lão luyện trong nghệ thuật lèo lái dư luận và tạo sóng, nhất là nay lại có thêm một công sắc bén nữa là mạng xã hội.
Nói là một chuyện, Trump sẽ xuống tay ra sao ? Người ta tìm lại những cuốn sách đã viết của Trump để xem bản chất con người ông. Một trong những luận điểm quan trọng được tìm thấy là đề cao giá trị Mỹ, một điểm xuất phát của chủ nghĩa bảo hộ.
Nếu như Brexit (nước Anh ra khỏi EU) mới là manh nha thì với việc thắng cử của Trump, chủ nghĩa bảo hộ đã trở thành xu hướng thực tế. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009, các nước có nền kinh tế thiên về xuất khẩu như Trung Quốc, Hàn, Nhật, ASEAN và Đức đều tìm cách phá giá đồng tiền để duy trì kim ngạch xuất khẩu cũng như mức sản xuất. Điều này dẫn đến một hệ lụy tất yếu là thị trường các nước nhập khẩu bị bão hòa và buộc phải có chính sách hạn chế nhập khẩu, đó là sự bảo hộ. Đây có lẽ cũng là lý do mà lần đầu tiên một Chủ tịch của Trung Quốc đã phải đích thân đến dự Diễn đàn kinh tế Davos đang diễn ra nhằm kêu gọi tự do mậu dịch.
Xu hướng bảo hộ là một trong những lý do mà Ngân hàng thế giới mới đây đã hạ giảm dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2017 xuống mức rất thấp, chỉ 2.9%, bất chấp những dự báo về giá dầu lửa có thể tiếp tục đi xuống trong trung hạn. Nhiên liệu là một yếu tố thiết yếu trong việc xác định giá thành hàng hóa dịch vụ. Trump không chỉ mang toàn tin vui đến nước Nga (hứa hẹn bỏ cấm vận) mà chủ trương “thoáng” về vấn đề môi trường sẽ cho phép gia tăng sản xuất dầu phiến đá ở Mỹ, làm mất giá dầu lửa, và đó là điều Nga không muốn.
Trước khi có “chim báo bão” thì một xu hướng đã xuất hiện là dòng tiền (cash flow) đang chảy về nước Mỹ bằng cả “chính ngạch” là các nhà đầu tư và “tiểu ngạch” qua các gia đình giàu có của Trung Quốc và các nước nghèo chuyển tiền ra bên ngoài. Với việc bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất của FED thì dòng tiền này lại càng có thêm cơ sở để gia tăng. Nguồn vốn dồi dào nhưng lãi suất cao hơn, đặt ra bài toán cho chính phủ mới của Mỹ là phải giảm thuế ra sao cho hợp lý để chấn hưng nền kinh tế.
Trong nền kinh tế Việt Nam, nợ công năm sau cao hơn năm trước, nhưng điều này đã có …con cháu lo. Cái ảnh hưởng ngay bây giờ là cash flow đang có nguy cơ sụt giảm, nhất là về FDI và ODA, sẽ làm mất tính thanh khoản. Nhưng thôi sắp sang năm mới, mình không muốn nói đến chuyện không vui.
GIẢI PHÁP GIAO THÔNG TRIỆT ĐỂ
Hà Nội đang treo giải 300000USSD cho giải pháp tránh tình trạng giao thông ùn tắc ngày càng trở nên nghiêm trọng. Tiền ai cũng ham nhưng mình đề xuất giải pháp sau không vì tiền mà vì một niềm tin về tính hiệu quả, đó là chuyển thủ đô ra khỏi Hà Nội. Về mặt tình cảm, mình cũng rất buồn vì Hà Nội là nơi mình sinh ra và sống một quãng thời gian dài.
Vậy chuyển đi đâu ? Mình đề nghị Huế vì đây là nơi nằm giữa đất nước hình chữ S, thuận tiện cho việc đi lại của người dân hai miền. Thủ đô mới nhưng không xa lạ mà rất truyền thống và cổ kính vì Huế từng là cố đô. Kể từ khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước, thời gian Huế làm thủ đô của nước ta chiếm thời gian dài nhất, hơn Hà Nội và Sài Gòn bội phần.
Địa hình Huế và vùng phụ cận thuộc vùng miền núi và trung du nên trước đây rất khó xây dựng và mở rộng. Ngày nay, với kỹ thuật cơ giới hóa và thế hệ vật liệu mới, việc xây dựng trên cao và địa hình khúc khuỷu trở nên dễ dàng. Nhà trên núi thoáng đãng, có tầm nhìn xa thơ mộng Nhiều nước đã coi xây dựng thành phố trên núi là một xu hướng mới. Huế có núi, có sông, có biển nên thành phố mới có thể xây dựng rất đẹp.
Có thủ đô mới cũng sẽ làm cho việc giảm biên chế dễ dàng. Hiện nay có đến 99% công viên chức nhà nước là người sinh trưởng ở miền Bắc, điều này không tốt. Nếu công chức có đủ thành phần với tỉ lệ ngang bằng Trung Nam Bắc thì hay hơn.
Thời gian chuẩn bị cho việc dời chuyển nên lâu một chút thì đỡ tốn kém hơn, chẳng hạn 10 năm. Cần tính toán quy hoạch một lộ trình phù hợp ngay từ đầu. Cái cần làm trước là cơ sở hạ tầng điện nước, đường sá cầu cống. Tiếp theo là bệnh viện, trường học, công viên, truyền thông. Rồi công sở và trung tâm thương mại. Cuối cùng mới là nhà ở.
Khi Hà Nội không còn là thủ đô thì sức ép về dân số sẽ sụt giảm, các vấn nạn về giao thông, an toàn thực phẩm, tội phạm, ô nhiễm… sẽ dần được khắc phục, Hà Nội sẽ yên lành hơn. Đối với Sài Gòn, các Văn phòng 2 của các bộ ngành và các cơ quan khác cũng được dỡ bỏ và sự quá tải cũng sẽ đỡ.
Nhiều nước như Brazil, Malaysia, Mianma…đã chuyển thủ đô, cũng chỉ vì lý do ùn tắc giao thông và ô nhiễm.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)