Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI - ĐIỀU KHÔNG THỂ TRÁNH


Chiến tranh bom đạn gây tang thương chết chóc. Chiến tranh lạnh đe dọa hủy diệt hạt nhân còn đáng sợ hơn. Trong nhiều năm qua, với các chiêu bài "toàn cầu hóa" hay "thương mại tự do" đã làm người ta lãng quên một loại chiến tranh khác: chiến tranh thương mại. Nếu bảo bây giờ lúc chiến tranh thương mại thì liệu nó đã hội tụ đủ các điều kiện hay chưa ?

Với ý tưởng về tự do và cởi mở là động lực để các nước trên thế giới liên kết thị trường, tạo ra những khối kinh tế. Sau đại chiến thế giới II, một loạt các khối kinh tế ra đời EU, khối CERP (của các nước XHCN cũ), Hợp tác vùng Vịnh và AL ở Trung Đông, ASEAN, NAFTA, BRICS, ở châu Phi, Mỹ Latin...Những nước "lẻ loi" về mặt địa lý như Úc cũng phát hoảng, chỉ sợ không "dính" được vào đâu, phải xin liên kết với Nhật, Trung Quốc và ASEAN. Những tưởng đó là xu thế không thể đảo ngược, nhưng hóa ra không phải như vậy.

Những tín hiệu đầu tiên là tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược ở một loạt các khối liên kết. Ví dụ mỗi cuộc họp của các nước Liên đoàn Ả Rập (AL) là một trận cãi vã như mổ bò về cả về chính trị lẫn kinh tế, không ai chịu ai. 

Năm ngoái, sự kiện Brexit, nước Anh trưng cầu dân ý để rút ra khỏi Thị trường chung châu Âu EU đã gây chấn động. Khi EU được lập nên, đã có biết bao kỳ vọng về một nhất thể hóa châu Âu, thì đây là một cú giáng khủng khiếp. Những hệ lụy của nó có thể kể đến cuộc bầu cử tại Pháp sắp diễn ra, trong đó ứng cử viên nặng ký Marine Le Pen đã tuyên bố Pháp cũng rút ra khỏi EU khi cô thắng cử. Nếu cả Anh lẫn Pháp, 2 trong 3 trụ cột của khối (nước còn lại là Đức) ra đi thì EU trên thực tế sẽ bị khai tử. Ngay trong trường hợp Pháp còn ở lại thì những khó khăn chồng chất của EU trong bao năm qua vẫn chưa thấy ánh sáng hy vọng le lói.

Khi các khối kinh tế không còn có hiệu lực đủ mạnh thì đó chính là lúc bóng ma của các cuộc chiến thương mại trở nên hiện thực. Chiến tranh thương mại chỉ có thể diễn ra cô lập, song phương không thể có quy mô toàn cầu nếu không có sự tham gia của Mỹ. Mọi người đều biết, Donald Trump, người theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ đã trở thành Tổng thống. 

Với tính cách nói thẳng nói thật của một doanh nhân, Trump đã chỉ ra những đối tượng mà nước Mỹ cần "điều trị" để bảo vệ quyền lợi kinh tế thương mại, đó là Trung Quốc trong cái mâm lớn và Mexico trong cái mâm nhỏ.

Là một bậc thầy về truyền thông dương Đông kích Tây, Trump đặt ra vấn đề xây dựng bức tường dọc biên giới Mỹ - Mễ, cũng nêu vấn đề "Một nước Trung Quốc" và các đảo Tàu xâm lấn ở biển Đông. Nhưng những ai hiểu Trump thì đều biết những cái đó không phải là trọng tâm của sự việc. Chính quyền mới của Mỹ đang soạn thảo mức thuế 20% dành cho Mexico, và mức thuế 45% cho Trung Quốc. Đến khi thuế mới được ban hành thì đó chính là một cuộc chiến thực sự.

Tại sao Mỹ lại làm như vậy và có cần như thế không ? Lùi thời gian vào thập kỷ 50 của thế kỷ trước, sau Đại chiến, sản xuất bị đình trệ, hàng hóa thế giới vô cùng khan hiếm. Hết chiến tranh, dân số trở lại tăng nhanh, lại đẩy cầu vượt cung thêm nữa. Một ông bạn thương nhân già ở Dubai kể với mình rằng ông từng đi kiếm nguồn hàng rất cực. Tìm được nơi sản xuất vỏ chăn thì quá mừng, có bao nhiêu bán cũng hết. Bây giờ, khách hàng hành hạ phải có chất liệu mới, màu sắc, kích cỡ, kiểu cách đa dạng mà còn chưa thèm mua. Đến thập kỷ 90, Vietnam vẫn còn khẩu hiệu "tất cả cho sản xuất". Vào những lúc hiếm hoi, Mỹ là nơi cung cấp hàng hóa chủ yếu và lớn nhất cho cả thế giới. Vậy mà nay Mỹ lại là nước nhập khẩu và nhập siêu lớn nhất !

Khách quan mà nói, nhờ Trung Quốc, công xưởng của thế giới, mà mọi người có hàng hóa dồi dào với giá rẻ. Cứ xem một cái máy khoan tay ở Bunning, rẻ dễ sợ nên mỗi người thợ dùng dăm chiếc, từng chiếc chỉ dùng một loại mũi, cho phép tiết kiệm thời gian và nâng cao năng suất làm việc. Chủ nghĩa bảo hộ là điều người Tàu sợ nhất vì nền kinh tế Trung Quốc dựa vào xuất khẩu quá lớn.

Khủng hoảng kinh tế 2009 đã làm các nước thiên về xuất khẩu tìm cách hạ giá thành để giữ mức sản suất và xuất khẩu, làm cho hàng hóa ế thừa khủng khiếp. Những hàng hóa này thường có hàm lượng chất xám kết tinh thấp nên các nước nhập khẩu có thể dễ dàng sản xuất và thay thế. Trump là người hết sức nhạy cảm để hiểu và ngăn chặn ngay cơn lốc hàng hóa đang đổ vào nước Mỹ. Sở trường và thế mạnh của ông là kinh tế thương mại, nên có thể hiểu chính sách an ninh quốc phòng và ngoại giao của Mỹ sẽ không có nhiều sáng kiến đột biến, nhưng về kinh tế và thương mại, mọi người phải sẵn sàng thích nghi với những cú shock đảo lộn tất cả.

Một bài viết trên Sydney Morning Herald đã bình luận rằng, khi chiến tranh thương mại nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc thì Úc sẽ được lợi. Nhưng loại nông phẩm như thịt bò, lúa mì, trái cây... mà Trung Quốc đang nhập của Mỹ thì nay sẽ lấy của Úc...cho tiện. Với dân số của Tàu hàng tỉ người mà nhào dzô ăn đồ nông nghiệp Úc thì phen này chắc ta phải đi cầy ruộng thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét