Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

· HOÀI NGHI TẤT CẢ

Ông râu xồm họ Cạc tên Mác đã ra đi lâu lắm rồi nhưng đến giờ vẫn nhiều người nhắc tới, mình không phải ngoại lệ. Mình thích một câu Mác trả lời con gái. Khi con gái hỏi: Câu châm ngôn mà cha yêu thích, Mác trả lời: Hoài nghi tất cả. Câu trả lời ngắn gọn song phản ánh tư duy khoa học và biện chứng.

Nếu cuộc sống là một dòng chảy thì nhận thức là một quá trình. Có lần Khổng Tử đứng trước một dòng sông, Ngài nói: “Tất cả mọi vật đều trôi đi, như dòng nước chảy, ngày đêm không ngừng”. Còn Heraclite (Hy Lạp) thì nói: Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông. Hai nhà triết học cùng sống vào thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, họ không hề quen biết nhau, chỉ chết cách nhau vài tháng mà hợp ý nhau đến kỳ lạ.

Có đầu óc khoa học thì phải hoài nghi, trong khi tôn giáo thường mang lại niềm tin. Hoài nghi và niềm tin là một cặp song trùng của nhận thức. Có điều hoài nghi trước, niềm tin sau, đó sẽ là nhận thức đúng đắn. Ở chiều ngược lại, tin tưởng rồi mới sinh ra nghi ngờ, thì sẽ phải trả một cái giá đắt.

Theo tiên đề Euclid, đường ngắn nhất nối 2 điểm là đường thẳng. Điều này có đúng không ? Vừa đúng và vừa sai. Đúng về lý thuyết và sai trong thực tiễn.
Giữa Sydney và New York, không thể xuyên quả đất, trong khi dù đi bằng đường thủy, đường bộ hay đường không hoặc pha trộn giữa các đường này  đều không tạo ra đường thẳng. Đường bộ thì phải tránh núi cao, vực thẳm; đường thủy phải tránh nước xoáy, đá ngầm; đường hàng không cũng phải theo hành lang luồng lạch.

Vua bóng đá Pele từng nói, đường ngắn nhất đến khungthành là từ hai cánh. Dễ nhận thấy từ các con số thống kê, bàn thắng xảy ra nhiều hơn gấp bội do bóng từ ngoài  biên so với  đường chuyền “chữ i” trung lộ.

Vô tình hay hữu ý, Mác đã làm con người hoài nghi về chủ nghĩa tư bản. Nhưng từ hoài nghi ấy, bây giờ người ta nhận ra một điều: một cách tương đối so với lựa chọn khác, chủ nghĩa tư bản mang lại sự phồn vinh và cuộc sống tốt đẹp hơn cho con người.

Trong nhiều năm qua, mình đã hỏi chuyện một số người Ả Rập, một số người Tây nhưng chưa tìm được ai tin rằng con người là từ con vượn mà ra ! Nhưng không hiểu sao đa số người Việt vẫn tin vào điều này ? Đa số người Việt cũng tin rằng sừng tê giác có thể chữa bệnh, thậm chí bệnh ung thư, nhưng Tây thì không tin !

Ngược lại, rất ít người Việt tin có sự sống và người ngoài hành tinh khác, nhưng rất nhiều người Tây tin điều này. Người Việt trong nước đã trải qua và đã hiểu, giá nhà đất có lên, có xuống, nhưng đa số người Việt ở Úc lại cho rằng giá nhà cùng lắm là đi ngang chứ không bao giờ xuống giá.

Mình nghĩ dân trí cao hay thấp không liên quan gì ở đây. Thông tin có đầy đủ và đa chiều hay không cũng chỉ một phần. Vấn đề ở đây, con đường đi đến nhận thức đúng phải từ hoài nghi đến niềm tin, không có cách nào khác

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét