Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

THẾ SỰ: Sự khác biệt gữa Độc lập Tự do và Ly khai chia cắt



Đầu tháng 10 này, người dân Catalonia đã đi bỏ phiếu cho cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề thành lập quốc gia Catalonia. Xứ Catalonia có 8 triệu dân, thủ phủ là thành phố Barcelona tráng lệ, có nền văn hóa lâu đời và ngôn ngữ riêng, hiện đang được hưởng quy chế tự trị những vẫn nằm trong Tây Ban nha. Cuộc bỏ phiếu đã bị chính quyền trung ương coi là bất hợp pháp và đã cho cảnh sát đi thu giữ các thùng phiếu. Mặc dù vậy, vẫn có trên 40% cử tri đi bỏ phiếu và trên 90% ủng hộ quyền độc lập của một nhà nước Catalonia mới.

Theo suy nghĩ thông thường (common sence), ý nguyện của người dân Catalonia là rõ ràng, mạnh mẽ nhưng con đường độc lập tự do vẫn còn nhiều chông gai. Tây Ban Nha nằm trong khối EU, do vậy, nếu Catalonia thành công trong việc ly khai thì sẽ xẩy ra một hiệu ứng khó lường trong các quốc gia EU và nguy hiểm cho cả việc tồn tại của khối EU vốn đang hết sức mong manh. Vì thế EU kêu gọi hai bên Tây Ban Nha và Catalonia hãy ngồi lại để đàm phán, điều ai cũng hiểu là để hoãn binh, làm dịu cơn sốt độc lập và mục đích xa hơn chắc chắn là dù có trao thêm quyền tự trị bao nhiều chăng nữa thì về danh nghĩa Catalonia vẫn phải thuộc Tây Ban Nha.

Năm 1945 là năm thành lập Liên hiệp quốc (UN) với chỉ vỏn vẹn 51 quốc gia thành viên. Đến nay UN đã có 193 thành viên. Các thành viên mới là những quốc gia mới bằng cách tách ra từ "mẫu quốc", tức từ nhà nước thực dân hoặc từ các nước đã độc lập rồi chia cắt ra, và từ những vùng đất vô chính phủ. 

Cũng vào lúc Liên hiệp quốc mới ra đời, tổ chức này đã giao quyền bảo hộ xứ Sudan cho Ai Cập và xứ Papiu NewGhine cho Úc. Về sau, Papua New Guinea và Sudan đều đã trở thành những quốc gia độc lập, thậm chí Sudan còn có sự tách ra của Nam Sudan, trở thành thành viên mới nhất của Liên hiệp quốc.

Hầu hết các quốc gia đương đại ở châu Phi và Trung Đông đều được thành lập vào thập niên 60 và 70, rồi gia nhập Liên hiệp quốc. Với sự sụp đổ của Liên bang Liên Xô, Liên bang Tiệp khắc và Liên bang Nam tư, Liên hiệp quốc lại có thêm hàng chục quốc gia mới. Tại Đông Nam Á cũng có những quốc gia non trẻ như Singapore từ 1965, Bruney từ 1984 và Đông Timore từ 1999. Có một nhà nước là một nguyện vọng, với những dân tộc đông như Palestin, Kurd...và vô số các dân tộc nhỏ hơn, nên có thể dự đoán rằng số lượng thành viên của Liện hiệp quốc sẽ tiếp tục gia tăng. 

Nhiều quốc gia đã là những nước độc lập trên thực tế nhưng chưa phải là thành viên của Liên hiệp quốc. Ví dụ đầu tiên có thể kể đến Trung Hoa Cộng hòa (Republic of China), mà thường gọi là Đài Loan. Đài Loan có dân số 24 triệu, tương đương với Úc, có nền kinh tế hùng mạnh cũng không kém gì Úc. Đài Loan có quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ với khoảng 30 nước là thành viên của hầu hết các tổ chức quốc tế, ngoại trừ UN. Người Đài hoàn toàn có thể hãnh diện với những gì thu được từ bàn tay và khối óc của họ.

Mình đang đọc bộ sách "Hồi ký Lý Quang Diệu" do một người bạn tặng. Không phải fan của ông Lý nhưng mình rất thích những tư liệu quý giá của phần viết về giai đoạn Singapore trở thành tiểu quốc độc lập khi mới có 1,8 triệu dân. Câu hỏi đặt ra là nếu không ly khai, liệu người dân Sing có đạt những thành quả huy hoàng và mức sống như hiện nay ? Có thể tự tin để trả lời rằng "khó" hoặc "không thể".

Câu hỏi khác, nếu Bắc Hàn giải phóng Nam Hàn thì Nam Hàn có đạt được những sự phát triển đất nước cân đối bền vững và cuộc sống người dân ở đây có đạt được những tiêu chí cao về cuộc sống tinh thần và vật chất như ngày nay? Chắc là cũng không.

Đoàn kết thống nhất hay Độc lập Tự do ? Tất cả những điều đó chẳng có nghĩa lý gì nếu không có Hạnh phúc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét