Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2017

CHU KỲ MỚI CỦA KINH TẾ THẾ GIỚI


Hứng khởi trước việc chứng khoán Mỹ lên cao đến mức kỷ lục, Donald Trump đã vội "vơ vào', coi đó là thể hiện sự tín nhiệm cao (great confidence) đối với chính phủ của ông. Mặc dù Trump không có khẩu hiệu "change we needed" như Obama nhưng đã có những thay đổi gần như quay ngoắt, đặc biệt về các chính sách kinh tế. Trump cho rằng các rằng buộc quốc tế làm Mỹ bị thiệt thòi nên đã rút ra khỏi TPP, UNESCO, Hiệp định biến đổi khí hậu và xem xét việc rút bỏ những thỏa thuận khác nữa. Chính quyền mới gần như bãi bỏ các chính sách kích thích kinh tế vậy mà nền kinh tế không gặp trở ngại, trái lại các chỉ số về sản xuất và bán hàng đều gia tăng. Không chỉ chứng khoán, một khía cạnh có ý nghĩa nhiều về mặt tinh thần, GDP của Mỹ cũng tăng một cách ấn tượng.
Tuy nhiên APEC lại là một diễn đàn nhằm tạo ra các cam kết, trong quá khứ đã từng có Tổng thống Mỹ bỏ họp thì lần này Trump vẫn đi dự, phải chăng có điều gì đó không bình thường ? Câu hỏi khác, chỉ nội việc Trump bãi bỏ hầu như tất cả chính sách của những người tiền nhiệm, thay bằng những chủ trương hoàn toàn mới mà mọi việc "vẫn không sao" thì phải chăng ông là một tài năng kiệt xuất ?
Hình ảnh minh họa cho bài viết này diễn tả một chu kỳ kinh tế. Chị em phụ nữ còn có "period" thì hết thảy mọi thứ trên đời đều phải có "quy luật". Chúng ta đã nghe nói về quy luật tích tụ và tập trung tư bản, quy luật giá trị-lợi nhuận, quy luật cung cầu...nhưng mình lại tin vào một quyền lực khác, thậm chí còn mạnh hơn, đó là tâm lý con người (behavioural economics). Tâm lý con người vận hành theo kiểu có vay có trả, có thăng có trầm (what goes up must come down).
Chu kỳ thăng trầm thể hiện trên tất cả các mặt, các lĩnh vực của nền kinh tế. Nói về dòng tiền, nếu quý vị đi kiểm tra giá ở các công ty chuyển tiền thì sẽ dễ dàng thấy phí chuyển từ Úc về Việt Nam thấp hơn chiều ngược lại. Tìm hiểu chi phí này với các nước khác, cho thấy dường như cash flow đang chẩy từ các nước mới nổi sang các nước tiên tiến. Nhớ lại, điều này khác với 10 hay 20 năm về trước, và cũng có thể dự đoán rằng, trong 5-10 năm tới, dòng chảy của đồng tiền sẽ chuyển đổi.
Về thị trường bất động sản, nhiều ý kiến cho rằng thị trường đang "thăng" ở mức cao nhất về hai khía cạnh: giá cả và thi công xây dựng. Ai cũng biết rằng, trong lĩnh vực nhạy cảm này, yếu tố tâm lý mạnh hơn quan hệ cung cầu.
Về năng lượng, đáng chú ý là chuyến thăm lần đầu tiên trong lịch sử của vua Saudi sang Nga vào tháng trước, đã phản ánh sự lo lắng của quốc gia xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới. Với việc xuất hiện các loại nguồn năng lượng mới như dầu phiến đá, năng lượng mặt trời, sức gió...bản đồ về nguồn năng lượng đang có những thay đổi căn bản theo xu hướng giá dầu lửa sẽ đi xuống trong dài hạn.
Tương tự như vậy, lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp cũng có chu kỳ riêng cho từng loại mặt hàng. Ở đây, hàng nông sản là loại hàng có yếu tố thời vụ cao, nghĩa là vào vụ nguồn cung dồi dào, bảo quản không kịp nên giá rẻ như cho; ngược lại trái vụ thì giá bị đẩy lên cao. Đặc điểm này là miếng mồi ngon cho những nhà đầu cơ, những người có đủ nguồn tài chính để ôm hàng và chính họ chứ không phải những nhà xuất xuất là người quyết định giá cả.
Thật ra, không riêng gì lĩnh vực nông sản, giới tài phiệt toàn cầu mới là những "big boys" thao túng nền kinh tế thế giới. Mình tin họ có những mối liên hệ với nhau để đưa ra những quyết định cho các chính khách thực hiện. Các lãnh tụ chính trị ngày này không có nhiều quyền lực về kinh tế như trước, công việc chính của họ là "show hàng" áo mũ để quay phim chụp ảnh trong các hội nghị, diễn đàn. Điểm mạnh của các lãnh tụ là khả năng quan tâm đến nhiều vấn đề cùng một lúc, không chỉ kinh tế mà cả những chuyện mênh mông về xã hội và môi trường.
Tờ The Sydney Morning Herald hôm nay cũng có quan điểm cho rằng kinh tế toàn cầu đã bắt đầu khởi sắc. Nếu ví Mỹ như cái đầu tàu bởi sự đi đầu về sáng tạo công nghệ (khác với 30 cái đầu tàu được phong tặng cho các tỉnh ở Việt Nam) thì sự đi lên của Mỹ sẽ tạo niềm tin cho kinh tế thế giới. Nhưng ông Sally Auld, người đứng đầu LP Morgan của Úc và New Zealand lại cho rằng nước Úc đứng ngoài kinh tế toàn cầu, với dẫn chứng rằng trong khi thế giới phải hứng chịu những cơn suy thoái thì Úc đã liên tục phát triển trong 26 năm qua. Có lẽ đó cũng là lý do mà người Việt gọi Úc là "Úc khùng".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét