Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018
BÓNG ĐÁ VÀ XÃ HỘI AI CẬP
(Bài đầu tiên trong loạt bài về World Cup 2018)
Mohamed Salah là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất và đắt giá nhất hiện nay trên thế giới. Mức giá mà đội Real Madrit muốn bỏ ra để thuyết phục Liverpool bán Salah được coi là khoảng 200 triệu bảng, tương đương với giá chuyển nhượng Naymar, nhưng cầu thủ Brasil đang bị mất phong độ nên giá trị thật đã sụt giảm. Đáng chú ý, Salah là cầu thủ người Ai Cập và cũng là lần đầu tiên đất nước Pharaoh đã sản sinh ra một cầu thủ ưu tú như vậy.
Mình đã có quãng thời gian 3 năm 4 tháng sinh sống tại Ai Cập. Gia đình mình ở trong một ngôi nhà khoảng 800m2 mặt bằng, diện tích 250m2 được xây 5 tầng, nhà mình ở tầng trệt. Cùng tầng còn có garage ở góc vườn, nơi trú ngụ của một đôi vợ chồng cứng tuổi và một thằng con trai khoảng 10-11 tuổi, bằng tuổi cháu thứ hai của mình bây giờ. Chủ nhà gọi ông chồng là "watchman", mặc dù tên ông là Ibrahim có nhiệm vụ quét dọn, làm vườn. Ít việc quá, mình giao thêm cho Ibrahim việc rửa xe ô tô, dặn mỗi tuần một lần, nhưng rồi ông làm 2 ngày một lần, xe chưa kịp bẩn đã rửa để lấy thêm tiền bồi dưỡng.
Nhà Ibrahim đông con, chúng ở quê, chỉ đưa thằng út lên Cairo. Thằng bé nhanh nhẹn hoạt bát, nhưng mù chữ vì không được đi học. Thời gian chủ yếu của thằng bé là đi đá bóng với tụi nhỏ xung quanh. Ai Cập người đông, sân bóng thiếu nên chỉ đá ở những bãi đất trống; quả bóng cũng không đủ mà chúng phải đá cả bóng rách vá; giầy cũng không có phải đá chân không, thỉnh thoảng có đứa vấp gạch đá bị chảy máu. Thật khó tin, tình cảnh khốn khó như vậy lại là vườn ươm những tài năng hàng đầu thế giới.
Khoảng năm 2009, Võ Quốc Thắng, tức Bầu Thắng của Gạch Đồng Tâm sang Ai Cập và ngồi nhậu với mình. Lúc cao hứng rượu bia, Bầu Thắng bảo muốn kiếm thêm cầu thủ. Làm mình sau đó đến Liên đoàn bóng đá Ai Cập. Giới chức ở đó có vẻ mừng, đưa cho mình mấy cái băng DVD, mỗi DVD giới thiệu về một cầu thủ trẻ. Mình gọi điện về cho Bầu Thắng, hắn lại tỏ ra thơ ở, nên mình vứt béng mấy cái DVD kia đi. Sau này mới biết, họ làm việc có luồng có lạch, phải qua hệ thống "cò" chứ không trực tiếp. Biết thế liên hệ với cò thì có phải kiếm chút tiền ăn phở không.
Xã hội Ai Cập là một bức tranh sáng tối tương phản. Bên cạnh đảo chính, ám sát, mù chữ, đói ăn thì đây vẫn là một nơi đáng sống. Dòng sông Nile vĩ đại cung cấp một lượng phù sa màu mỡ, đồng thời cũng là nguồn cảm hứng vô tận của thi ca. Người Ai Cập đã từng đoạt giải Nobel khoa học, đạt nhiều thành tựu về văn hóa nghệ thuật. Đặc biệt, hàng triệu người ra nước ngoài làm việc, trong số đó không thiếu những người giữ các chức vụ cao cấp trong các đại công ty, các tổ chức quốc tế, lên đến Tổng thư ký Liên hiệp quốc như ông Boutros Ghali.
Bóng đá Ai Cập chiếm ưu thế nổi bật trong khu vực châu Phí với 7 lần vô địch, trong khi các cường quốc khác như Cameroon, Nigeria, Ghana mỗi nước mới vô địch 3 lần. Tuy nhiên, thành tích ở đấu trường thế giới thì khiêm tốn hơn, mới hai lần dự World Cup vào các năm rất lâu 1934 và khá lâu 1990.
Theo một diễn biến mới nhất, Mohamed Eleny vừa được đội bóng Arsenal gia hạn hợp đồng và tăng lương. Lối đá của Eleny khá lạ lùng, anh có tỷ lệ chuyền bóng chính xác cực cao nhưng hầu hết là những quả chuyền vô thưởng vô phạt, không có nhiều giá trị về chiến thuật. Chính vì thế, Elely chỉ được xếp vị trí thứ tư trong thứ tự ưu tiên ra sân trong vị trí tiền vệ trung tâm và phải dự bị cho Wilshere, Ramsey, Xhaka. Hãy xem, Wilshere dám cầm bóng đột phá, Ramsey chạy chỗ tốt và hay ghi bàn, Xhaka là tác giả của những đường chuyền dài và sút xa. Eleny cũng đầy đủ các phẩm chất kỹ thuật điêu luyện, thể lực sung mãn nhưng do thiếu sáng tạo và quyết đoán nên khó có thể tiến xa. Ông bầu Wenger không nghĩ như vậy, ông nói: Eleny mới 25 tuổi, những năm tháng tuyệt vời nhất của đời cầu thủ còn ở phía trước.
Eleny và Saleh là một đôi bạn cùng tiến: cùng tuổi (chỉ hơn nhau 1 tháng) cùng xuất phất từ đội bóng trẻ ở quận Nars, thành phố Cairo; cùng sang đội bóng Basel, một đội bóng mạnh của Thụy Sĩ nhưng chỉ thuộc tầm trung ở châu Âu; rồi cùng được 2 đại gia Anh Quốc rước về là Chelsea và Arsenal. Đến đây thì cuộc đời của đôi bạn chia hai ngả. Nếu Eleny tìm được chỗ đứng ở mức khiêm tốn tại Arsenal thì Saleh không hòa nhập được với Chelsea. Anh phải phiêu bạt sang Ý, đá cho Fiorentina và Roma, sau đó quay trở lại Premier League với Liverpool. Tại đây, Saleh đã thăng hoa vì có vẻ phù hợp với chiến thuật tấn công bốc lửa của đội. Mặc dù chỉ là cầu thủ chạy cánh, Saleh vẫn dẫn đầu danh sách ghi bàn, trên cả những trung phong thực thụ như Kane, Aguero, Lukaku...Anh được gọi là Messi Ai Cập vì tầm vóc cũng nhỏ và lối đá khá giống, nhanh, khéo léo, bén nhọn với bàn thắng. Messi đã 32 tuổi, tuổi ở sườn dốc bên kia của sự nghiệp, trong khi Saleh còn trẻ, còn tỏa sáng hơn nữa.
Trong World cup 2018 sắp tới, Ai Cập lần thứ ba dược tham dự ngày hội bóng đá của thế giới. Chắc chắn Saleh, Eleny và các ngôi sao khác của đội sẽ thỏa sức vẫy vùng trên bầu tời nước Nga.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét