Thứ Tư, 4 tháng 5, 2022

Mùa Ramadan: Người Việt ở khu vực đại Trung Đông



Rất có thể những điều mình viết ra đây không theo kịp thời cuộc khi mà mọi thứ đều thay đổi nhanh chóng.
Ngược dòng thời gian, vào đầu những năm 2000x, lúc đó ở Trung Đông có hai nhóm người Việt chủ yếu, một ở Lebanon khoảng trên 800 và nhóm Dubai khoảng 200 em.
Trước đó, vào thập niên 1980x, có phong trào đi chuyên gia Algieria, một nước thuộc đại Trung Đông của các bác sĩ Việt Nam biết tiếng Pháp, một số người còn ở lại đó đến tận bây giờ. Sau đó ít lâu, vài chục ngàn công nhân xây dựng sang Iraq, họ đã về nước vào Chiến tranh vùng vịnh lần 1, năm 1991.
Trong thời gian dài ở Trung Đông, mình vẫn có một điều nuối tiếc là chưa bao giờ đến Lebanon, một cái nôi văn minh trong vùng cách đây khoảng trăm năm, theo đó thủ đô Beirut lộng lẫy được ví như Paris. Theo lời kể, nhóm người Việt sang Lebenon để làm osin giúp việc gia đình.
Không giống các nước Hồi giáo khắt khe, khoảng một nửa dân số Lebanon theo Thiên chúa giáo nên họ khá cởi mở. Vào cuối tuần, các bạn ấy được nghỉ việc và ra ngoài đi chơi. Về nam giới người Việt, lúc đó chỉ có ba anh già tội nghiệp, đã ngoài 50 rồi mà phải phụ trách các em hơi đông, đúng là “chuột sa chĩnh gạo”.
Mình ở Dubai nhưng các em gái làm việc tại Jabel Ali là một khu công nghiệp cách đó 45 cây số. Đàn ông độc thân mà ở một mình trong căn hộ 4 phòng ngủ cũng khá nguy hiểm nếu các bạn Jabel Ali đi chơi thành phố vào cuối tuần và đến ngủ nhờ.
Mỗi số phận người Việt xa xứ là một câu chuyện ly kỳ có thể viết thành một cuốn tiểu thuyết. Mình đi Qatar, Bahrainh, Oman, Saudi, Sudan...đi đến đâu cũng gặp người Việt, khi chưa có phong trào xuất khẩu lao động thì mỗi nước cũng có dăm ba người.
- Chị là “ngụy”. Hồi giải phóng chị còn là một thiếu nữ 17-18. Lý lịch xấu quá, tài sản mất hết, cha đi “học tập” còn mấy mẹ con thì đi lên cao nguyên xây dựng vùng kinh tế mới.
"Ngụy"! Không hiểu nổi, người Việt lại có thể nghĩ ra được những từ ngữ đau đớn nhất và đểu cáng nhất để gán cho nhau!
Đến khi vượt biên trót lọt, không bị hải tặc, bão tố thì lại phải sống trong trại tỵ nạn bẩy năm. Sang Mỹ đã ngoài 30, chị lấy chồng, không có con và rồi hôn nhân tan vỡ.
Khi một người không còn gia đình, người đó sẽ có xu hướng tìm một nơi thật xa để đi, để thay đổi môi trường, đúng ra là trốn tránh thực tại và tìm chỗ trú ẩn. May chị kiếm được việc làm ở Oman và làm việc tại đây đã được 15 năm.
Đàn ông Ả Rập rất nhiều nhưng không hợp văn hóa. Mà cái giống đực ở đây rất kỳ, chúng nó chỉ thích gái trẻ, còn chị đã gần 50 rồi.
Nếu bạn muốn ăn ngon, đúng ra là ăn đúng khẩu vị thì bạn có thể đến Tel Aviv, ở đây có đến 5 cái nhà hàng Việt. Cộng đồng người Việt ở đây có nguồn gốc từ những thuyền nhân vượt biên. Chính phủ Israel nhận 300 người tỵ nạn, độ mươi năm sau, số người Việt tại nước này không tăng mà còn giảm đi vì nhiều người đi tái định cư tại Châu Âu và Mỹ.
Cộng đồng Việt có nguồn gốc “xuất khẩu lao động” phát triển mạnh vào những năm 2000 trở đi, nay lên đến hàng chục ngàn người, nằm trong hàng trăm sắc dân khắp trên thế giới đến mảnh đất nóng như lửa đổ lập nghiệp, tha hương cầu thực. Thực tế là người Việt nằm trong nhóm ít thành công về thu nhập, vị trí việc làm do yếu về tiếng Anh và kỹ năng nghề nghiệp.
Công việc người Việt phải làm là những việc lương thấp, nặng nhọc, bẩn thỉu, it người leo lên được các vị trí quản lý. Nhìn sang người Việt ở Âu Mỹ Úc, cũng phải sang thế hệ thứ hai, những người sinh ra và lớn lên và được đào tạo trong môi trường quê hương mới thì mới có thể sánh ngang với mọi người về trình độ.
Người Việt đi đến đâu cũng phải đàn đúm ăn nhậu mới vui. Ở Trung Đông, rượu lậu nhiều và rẻ những anh em ta vẫn không có tiền mà phải tự nấu lấy “quốc lủi” cũng ngon. Mình đã lỡ uống kha khá rồi, nhưng sau mới biết cách nấu thủ công, không được chắt lọc tốt như vậy rất có hại cho sức khỏe.
Rồi cũng phải lập hội hè nữa. Điều kỳ lạ chỉ có “hội me Tây” của chị em ta lấy chồng Tây mà không có hội “me Ả Rập” có lẽ vì ít người lấy người Ả Rập, hơn nữa chồng Ả cũng không dễ cho vợ ra ngoài giao du thoải mái như chồng Tây.
Về sau nam giới Việt sang Trung Đông nhiều hơn nữ gấp bội, mặc dù các anh sang bển rất khổ, không có tiền, lại còn cờ bạc sát phạt nhau, không như các bạn gái, nhiều người kiếm được. Kiếm bằng cách nào ư, thôi, để mọi người tự tìm hiểu thì thú vị hơn, chứ mình xin dừng, hẹn mùa Ramadan sang năm kể tiếp.
Ảnh: một góc osin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét