Mình chỉ muốn yên ổn xem World cup bóng đá nhưng những gì đang diễn ra tại Trung Quốc không yên bình đã làm phân tán sự chú ý của mọi người.
Một tuần qua, các cuộc biểu tình đã lan rộng chống Chiến dịch Covid hà khắc trong khắp các thành phố lớn tại Trung Quốc đã làm tình hình “căng như dây đàn”. Theo lý giải, Covid có thể gây ra cái chết cho hàng triệu người Trung Quốc, do đó vẫn cần phải thắt chặt các biện pháp hạn chế đi lại và với hàng loạt hàng rào được dựng lên.
Tuy nhiên, qua màn hình World cup Qatar 2022, người Trung Quốc dễ dàng nhận ra rằng các nước không còn cấm đoán gì và họ đặt câu hỏi tại sao chính quyền cứ tiếp tục giam hãm người dân như vậy.
Biểu tình diễn ra vào thời điểm Đại hội đảng 20 vừa kết thúc thắng lợi làm mọi người nhớ đến Ceausescu đã bị biểu tình lật đổ và hành hình ngay sau khi được bầu lại làm Tổng Bí thư Romania năm 1991 và trước đó F. Marcos, cha đương kim tổng thống B. Marcos cũng bị người dân Philipines đuổi khỏi đất nước ngay sau khi tái trúng cử năm 1986.
Cái chết của cựu TBT Giang Trạch Dân vào thời điểm “nhạy cảm” này cũng đặt ra thêm nghi vấn, nó tạo ra thêm bất lợi hay chính ông Tập đã ra lệnh rút ống thở của cựu lãnh đạo 96 tuổi?
Năm 1958, Mao Trạch Đông đã đích thân phát động chiến dịch chim sẻ, huy động toàn dân tiêu diệt loài chim nhỏ bé này với mục đích không cho chúng ăn thóc lúa. Không ngờ, không có chim sẻ, đàn châu chấu phát triển kinh hoàng đã hủy hoại mùa màng, gây ra nạn chết đói cho 30 triệu người. Sau đó, Mao đành phải cho nhập khẩu chim sẻ từ Liên Xô và Canada.
Rõ ràng đây là hành động hết sức ngu xuẩn, phá vỡ cân bằng sinh thái môi trường và hoàn toàn phản khoa học. Nhưng Mao cứ bắt tất cả mọi người phải làm một điều vô lý ngớ ngẩn để chứng minh quyền lực tuyệt đối của lãnh tụ.
Phải chăng Tập Cận Bình muốn bắt chước Mao để chứng tỏ quyền lực? Nhưng điều Tập đã không tính được là các cuộc biểu tình nổ ra mạnh mẽ và có nguy cơ không thể kiểm soát.
Năm 1989, sự kiện biểu tình lớn tại Thiên An môn đã dẫn đến cuộc đàn áp đẫm máu của chính quyền cộng sản chống lại người dân. Đằng sau biểu tình chính là sự phản ánh những vấn đề nội bộ trong lãnh đạo cấp cao.
Tổng bí thư lúc đó là Triệu Tử Dương là người hậu thuẫn cho biểu tình nhằm gây sức ép lên quyền lực của Ban cố vấn và Thủ tướng Lý Bằng. Cán cân quyền lực bên trên đã quyết định kết quả của cuộc đấu tranh dẫn đến việc ông Triệu bị cách chức và biểu tình bị dập tắt.
Phải chăng có thế lực nào đó trong nội bộ Trung Cộng muốn dùng biểu tình để phá hủy uy tín của lãnh tụ, thậm chí cuộc biểu tình tại Thượng Hải đã làm một điểu chưa từng thấy là hô vang khẩu hiệu đòi họ Tập từ chức?
Tất nhiên, những vấn đề bên trong Đảng cộng sản luôn luôn được giấu kín, mọi người chỉ biết sau khi nó đã xảy ra. Nhưng vẫn có những dấu hiệu bên ngoài, ví như việc cựu TBT Hồ Cẩm Đào bị bảo vệ cưỡng ép “bế” ra khỏi phiên bế mạc Đại hội 20 vừa qua.
Cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo từng nói rằng, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm xuống dưới 8%/năm thì Trung Quốc sẽ loạn. Rõ ràng kinh tế Trung Quốc đã chậm hẳn lại dưới con số đó trong 10 năm qua và đây mới là nguyên nhân sâu xa?
Các chính thể độc tài luôn phải lấy thành tích hay thắng lợi nào đó để thể hiện sự chính danh của chế độ. Nếu không có nhiều thắng lợi, người dân sẽ đặt câu hỏi tại sao họ lại tiếp tục cầm quyền?
Ở các nước dân chủ, lá phiếu dựng nên các chính khách nhưng vẫn có rất nhiều biểu tình. Bất kỳ chính sách nào của chính phủ cũng có lợi cho một tầng lớp người nào đó trong xã hội và bất lợi cho một nhóm khác và đó là lý do xuống đường.
Cái khác biệt là các cuộc biểu tình thường diễn ra cục bộ ở một vài địa phương, như ở Úc hầu như không có biểu tình lớn tại Canbera là nơi sinh hoạt của chính phủ trung ương. Đặc biệt mục đích của biểu tình nhắm vào các vụ việc cụ thể chứ không bao giờ có mục đích lật đổ chế độ như đã từng thấy ở các nước Đông Âu hay Ả Rập.
Trở lại vấn đề Trung Quốc, có ý kiến cho rằng, chính quyền ông Tập phong tỏa Covid còn có lý do kinh tế, đây là cách “thắt lưng buộc bụng” hạn chế chi tiêu trong bối cảnh tình hình kinh tế đang xấu đi.
Theo những diễn biến mới nhất, có dấu hiệu cho thấy chính phủ Trung Cộng sẽ nới bỏ một số biện pháp cứng rắn nhằm xoa dịu người biểu tình. Tuy nhiên, thực tế trong quá khứ cho thấy sự nhân nhượng chưa chắc đã là giải pháp hiệu quả và chúng ta hãy chờ xem.
Ảnh: một phụ nữ dũng cảm thách thức công an trong biểu tình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét