Thứ Tư, 29 tháng 5, 2024

Những điều ghi nhận sau mùa bóng Anh Quốc

 

1. Bất ngờ lớn nhất có thể kể đến trận đấu chung kết cup FA đêm qua, trong đó Man đỏ, với đội hình què quặt đã hạ đẹp Man xanh, với đội hình mạnh nhất. May cho quỷ đỏ, vài ba gương mặt đã kịp thời phục hồi, đã được “ém quân” chờ cho trận đấu của cả mùa giải trong khi Man city thiếu vắng TM đã thất sủng Ederson. Man Utd đã dẫn trước hai trái trong hiệp 1, còn Man city bế tắc, chỉ gỡ được một bàn danh dự ở phút 87.
Một trận bất ngờ gây kết quả thất vọng cho 4 đội bóng, bao gồm đối thủ Man cùng thành phố mất cú đúp, Chelsea mất suất đá C2, Newscatle mất suất đá C3, Arsenal mất quyền chơi siêu cup Anh quốc, thậm chí còn cay đắng hơn nếu nghĩ rằng phải chi Man xanh cũng chơi tệ thế này thì làm sao họ toàn thắng được trong 10 trận cuối giải, và chỉ cần 1 trận hòa thì chức vô địch Primier League đã thuộc về pháo thủ.
2. Bất ngờ lớn thứ nhì có thể kể đến là sự trỗi dậy ngoạn mục của Aston Villa để lọt top 4 Ngoại hạng Anh, vượt qua đối thủ trực tiếp Tottenham, của HLV người Úc Postecoglou vỏn vẹn 2 điểm.
Thành công này ghi dấu ấn của HLV Emery, đồng thời của hai cầu thủ xuất sắt nhất trong đội hình ở hai đầu là TM Martinez và trung phong Watkins. Aston Villa từng vang bóng một thời nhưng tình trạng tài chính ngày nay của đội không hùng mạnh như các đại gia big six mà vẫn lọt vào top 4 thì có thể coi là kỳ tích.
3. Sự sa sút của thảm hại của Chelsea và Man Utd, dù có lý do là bão chấn thương ở cả hai đội. Chelsea đã trở lại với 5 trận thắng cuối giải để lên hạng 6, Man Utd thắng chung kết FA như kể trên vẫn không thể coi là một mùa giải thành công.
Tương tự, Newscatle cũng có mùa giải thất bát rớt xuống hạng 7 từ hạng 4 năm ngoái. Chủ nhân Chích chòe là hoàng gia Saudi còn giàu hơn hoàng gia UAE của Man city và hoàng gia Qatar của PSG nhưng họ lại không chịu chi, có thể do sợ vi phạm luật công bằng tài chính.
4. Everton bị trừ 8 điểm, Nortingham Forest bị trừ 4 điểm vì chi tiêu quá mức cho phép, trong khi sai phạm của Man city còn nghiêm trọng hơn mà vẫn “chưa thấy gì”. Dự kiến, mức án dành cho Man city sẽ được công bố vào cuối năm nay 2024, như vậy có thể dự đoán Man city khó có thể tiếp tục vô địch nước Anh một lần nữa.
Liên đoàn bóng đá Anh nên mạnh tay hơn nữa tránh tình trạng mang tiền mua danh hiệu, mất đi vẻ đẹp trong sáng của túc cầu.
5. Cuộc đua vô địch nằm nay hào hứng đến trận cuối giữa Man city và Arsenal, sau khi Liverpool đã đứt bóng trước đó vài trận.
Ở mùa giải năm ngoái, Man city thực sự xuất sắc thì năm nay họ có phần may mắn. Nếu nhìn vào thành tích của Arsenal với nhóm big six thì rõ ràng Arsenal giỏi hơn, họ thắng Man Utd cả hai lượt trận, các đội khác lấy mỗi đội 4 điểm (một thắng một hòa). Riêng với Man city thì một hòa và hai lần bị phơi áo (tính cả trận siêu cup đầu giải). Vậy mà vẫn chưa đủ thì chỉ có thể đổ tại cho số.
6. Lần đầu tiên ba đội vừa lên hạng đã xuống hạng đủ cả bộ ba Luton, Burnley và Sheffield Utd. Ở chiều ngược lại, ba đội xuống hạng năm ngoái sẽ lên hạng hai đội vào mùa bóng tới, đó là Leicester, và đội thắng play off đêm nay giữa Southamton và Leed Utd. Đây là trận cầu trị giá hàng trăm triệu bảng vì đội được chơi Primier League sẽ ẵm chi phiếu khủng, còn lớn hơn cả sân chơi Cup Châu Âu.

Iran: cuộc khủng hoảng người kế vị


Cái chết bất ngờ của tổng thống Iran Ebrahim Raisi, 63 tuổi đặt ra nhiều câu hỏi về người kế vị nhà lãnh đạo tối cao, Giáo chủ Khamenei, 85 tuổi. Trong chính thể Iran, tổng thống chỉ là nhân vật số 2, sau nhà lãnh đạo tôn giáo. Khi kế vị Giáo chủ Khomeini, người khai sinh ra nước Iran cách mạng hồi giáo, qua đời năm 1989, Khamenei cũng đang là tổng thống.
Đối với một chế độ độc tài, cái chết của một lãnh đạo cấp cao luôn đặt ra những nghi vấn. Nguyên nhân để chiếc máy bay chở ông Raisi rơi được quy cho thời tiết và trục trặc kỹ thuật. Có điều trong ba trực thăng thì chỉ có chiếc bay giữa chở tổng thống, ngoại trưởng và Thống đốc tỉnh rớt, nếu vì thời tiết thì tại sao hai chiếc kia không việc gì?
Chiếc trực thăng Bell 212 của Mỹ được sử dụng từ năm 1976, trước cách mạng 1978, nhưng vẫn được ưa chuộng vì nó "êm" nhưng với độ tuổi gần 50 năm và thiếu phụ tùng bảo dưỡng do bị cấm vận thì cũng dễ có chuyện. Tuy nhiên để dùng cho tổng thống chắc phải là cái tốt nhất, nhưng hóa ra lại là chiếc duy nhất gặp sự cố.
Khi ông Raisi chết đi mới lộ diện một ứng viên kế vị, chính là Mojtaba Khamenei, con trai "đấng tối cao". Liệu Mojtaba có liên quan gì đến cái chết của tổng thống là một câu hỏi nhưng có thể không bao giờ có câu trả lời.
Được biết sau 3 giờ máy bay rơi, Giáo sĩ Mohammad-Ali Al-Hashem, người có mặt trên chuyến bay cùng Tổng thống Raisi, đã ít nhất hai lần liên lạc bằng điện thoại với văn phòng tổng thống để cầu cứu nhưng rồi mọi thành viên trong phi hành đoàn đều đã chết.
Tại Iran không có chức thủ tướng, tổng thống là người điều hành chính phủ hằng ngày. Tuy nhiên nhiên Giáo chủ kiêm nhà lãnh đạo tối cao mới có tiếng nói quyết định cuối cùng về chính sách lớn, đặc biệt liên quan đến an ninh quốc phòng và đối ngoại.
Giáo chủ Khaimenei đã ngự trị 35 năm, là một trong những nhà lãnh đạo lâu năm nhất thế giới. Ở tuổi 85, ông không khỏe, từng bị ám sát, đạn bắn xuyên phổi làm liệt một cách tay; rồi từng bị ung thư tiền liệt tuyến.
Mặc dù con trai Mojtaba đang được đồn đoán nhưng anh này chưa hề từng giữ chức vụ gì trong tôn giáo và chính quyền và do đó không có nhiều uy tín.
Cuộc bầu cử tổng thống Iran sẽ diễn ra vào ngày 28/6 tới (trùng sinh nhật mình) có thể sẽ tìm ra người kế vị Giáo chủ Khamemei. Tuy nhiên việc lựa chọn ứng cử viên cũng là điều phức tạp và khó đoán định.
Mình đã từng sang Iran và Saudi, hai quốc gia hồi giáo hà khắc nhất. Điều khác biệt là Saudi không có gái điếm còn Iran đứng đầy đường. Có người cho rằng đây là tàn dư chế độ cũ, nhưng đúng hơn là hoàn cảnh kinh tế xô đẩy, từ một nước giàu có thịnh vượng nhất khu vực, ngày nay Iran trở nên nghèo khó, đến phương tiện bay cho tổng thống cũng không lo nổi.

“Ngân sách cho tất cả mọi người”


Tổng trưởng Kinh tế Jim Chalmers vừa công bố kế hoạch ngân sách cho năm tài khóa 2024-2025 mà ông mô tả là một bản Ngân sách “cho tất cả mọi người dân Úc”. Đó là cách nói lùa gà, dù sao cũng không không trắng trợn đến nỗi: "Tiền điện tăng thì mọi người đều hưởng lợi”.
Theo quy luật khách quan của một xã hội còn phân chia giai cấp và xung đột lợi ích, nếu vận hành thị trường thì không thể định hướng. Bất kỳ chính sách nào cũng có winner và loser, đối nghịch như nước và lửa, không thể mọi người giống nhau được.
Nhưng thôi để cho vui vẻ, chúng ta thử “tô hồng” một chút về những cái được trong kế hoạch ngân sách mới để xem chính phủ ứng phó với bão giá ra sao. Điều đập vào mắt mọi người là ông Chalmers thông báo mỗi gia đình sẽ được trợ giá $300 tiền điện.
Vẫn câu chuyện được và mất. Có tiền thì vui nhưng cũng nên hiểu điều này sẽ làm ngân sách tốn $7.8 tỉ. Cộng thêm một số gia tăng chi tiêu khác như hỗ trợ tiền thuê nhà đã làm đảo ngược cán cân từ chỗ ngân sách thạng dư sẽ trở nên thâm hụt chỉ sau một năm.
Mọi người có thể đoán được lý do của việc chi tiêu hào phóng là chỉ còn 10 tháng nữa là thời điểm tổng tuyển cử cho nhiệm kỳ tới.
Một chính sách lớn là sẽ cắt giảm di dân, trong đó có cả du học khi chính phủ coi giá sinh hoạt cao là vì di dân. Đây là cách lý giải rất được lòng dân vì không hiểu sao đa số cử tri Úc luôn muốn cắt giảm di dân.
Bây giờ có đủ các loại máy chụp chiếu cắt lớp mà còn chưa chẩn đoán được bệnh gì, đằng này chỉ nắm cổ tay mà phán như đúng rồi. Chưa có bằng chứng hay nghiên cứu nào chứng minh được sự liên quan giữa di dân và giá cả mà cứ đổ thừa như vậy thì giỏi thật.
Nhìn sang Việt Nam, càng hô hào giảm biên chế thì biên chế càng tăng. Úc cũng vậy, các chính khách luôn nói phải giảm di dân nhưng thực tế thì người bên ngoài vẫn vào với nhiều lý do khác nhau. Sau cơn sốt visa đầu tư kinh doanh 188 thì nay là trào lưu visa tay nghề làm việc 482.
Sự thực, di dân là động lực tăng trưởng kinh tế, mặc dù phải trả giá đôi chút về môi trường và xã hội. Trong hoàn cảnh tâm lý bất lợi, chính khách nào dám bày tỏ quan điểm phải tăng cường di trú thì không khác nào sự tự sát về mặt chính trị.
Nhìn chung chinh phủ của Thủ tướng Albanese đang xuôi chèo mát mái với con thuyền kinh tế Úc, các chỉ số về tăng trưởng, thất nghiệp, lạm phát đều ổn định ở mức an toàn. Dự báo từ nay đến cuối năm xác suất tăng lãi suất là 10%, giảm cũng 10%, như vậy triển vọng giữ nguyên là 80%, đó cũng là điều kiện để thị trường địa ốc phát triển bền vững.

Tự sướng tuổi tri thiên mệnh

 

Đến tuổi biết mệnh trời cũng là lúc nghĩ về thời trẻ trâu biết với bao hoài bão và cũng bấy nhiêu ham hố.
Đời là bể khổ khi quí vị luôn luôn ham muốn chơi bời vô độ, đặt ra nhiều mục tiêu quyền và tiền vượt quá khả năng của mình.
Để rồi một ngày ở tuổi 50+ quí vị ngộ ra rằng đã đến lúc phải buông bỏ, hiểu ra đâu là giới hạn và điểm dừng.
Cũng đừng trách lẫn trời xa trời gần nếu đã sống đến 50 năm có lẻ mà vẫn chưa biết mình biết ta, chưa thể kiềm chế tham sân si để rồi như con thiêu thân lao đầu vào lò.
Thời gian không ngừng trôi, quí vị sẽ đến 60+ hay 70+, lúc sức lực và trí lực suy giảm, đồng thời bệnh tật kéo tới. Con cái quý vị lấy vợ chồng, sinh cháu và cũng là thêm các nhu cầu. Nhưng quí vị phải hiểu rằng mình đã lực bất tòng tâm, lo thân già không xong, làm sao bao đồng được.
Còn bây giờ, quí vị vẫn còn đầy đủ năng lực cống hiến, không còn viển vông, chỉ đương đầu với những cái vừa sức và khả thi, bằng lòng và mãn nguyện với những điều đang có.
Hình như đây đang là thời kỳ vàng son nhất trong cuộc đời.

Solomon: Thủ tướng Sogavare "xin thôi"

 

Hóa ra không chỉ các tứ trụ Việt Nam mới có "phong tục" xin thôi giữ chức mà ở đảo quốc Solomon nằm trong Thái Bình Dương thì Thủ tướng Manasseh Sogavare cũng vừa "xin thôi" nhiệm vụ.
Sau cuộc tổng tuyển cử Đảng OUR không đủ đa số ghế trong Quốc Hội nhưng nhờ liên kết với các đảng nhỏ nên vẫn giữ được vị thế cầm quyền. Tuy nhiên ông Sogavare lại không tiếp tục "hy sinh" mà nhường ghế cho người khác.
Manasseh Sogavare bị coi là một kẻ phản bội, một kẻ ăn cháo đá bát khi năm 2022 đã bất ngờ ký hiệp ước an ninh quốc phòng với Trung Quốc. Điều này sẽ tạo nên một cuộc chạy đua vũ trang trong vùng biển vốn là sân sau của Úc, với các đảo quốc xưa nay vẫn được cưu mang bởi tiền viện trợ và phương tiện kỹ thuật phương tây.
Sogavare, 69 tuổi đã 4 lần làm thủ tướng Quần đảo Solomon, với tổng thời gian hơn 9 năm, lần đầu vào năm 2000. Ba lần đầu ông giữ chức khá ngắn, mỗi lần chừng hơn 1 năm, còn lần thứ tư tới 5 năm.
Thực ra hiệp định với tầu cộng vẫn chỉ có giá trị trên giấy, chưa có căn cứ quân sự của Trung Quốc và thỏa thuận hợp tác viễn thông với tập đoàn Hoa Vi đã bị đình chỉ.
Nói về lý do từ chức, Sogavare thú nhận ông không chịu được sức ép của phương tây. Người kế nhiệm giữ chức Thủ tướng là Jeremiah Manele, 56 tuổi, cựu ngoại trưởng, một đàn em gần gũi với Sogavare.
Hồi xưa Nasser và Sadat cũng Ai Cập cũng thân nhau nhưng khi Sadat kế vị Nasser làm tổng thống Ai Cập thì đã có một cú đảo chiều ngoạn mục trong chính sách đối ngoại, từ phe Liên Xô chạy sang phe Mỹ. Điều này có xảy ra ở Solomon Islands hay không thì phải chờ xem.
Ở đây, Sogavare chưa về hưu mà vẫn giữ ghế Dân biểu Quốc Hội. Tuy nhiên triển vọng ông trở lại ghế Thủ tướng một lần nữa là khó, một phần vì "quá đát", hơn nữa uy tín của đảng cầm quyền bị đã mai một mà minh chứng là đã bị mất ghế trong bầu cử vừa qua.

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2024

Duck pond in Centenial Park

 


Rwanda sẽ là quê hương mới của người Việt

 

Mới đây quốc hội Anh đã thông qua một đạo luật nhằm đưa những người nhập cư bất hợp pháp sang Rwanda, một quốc gia nhỏ tại Trung Phi. Đây là điều tương tự như cách Úc đã làm cách đây hơn chục năm, khi đó những thuyền nhân vào lãnh hải Úc sẽ bị đưa sang Vanuatu (tức tân thế giới), một đảo quốc trong vùng Thái Bình dương, nhưng lại là câu chuyện đầu tiên của một quốc gia Châu Âu.
Theo số liệu của cảnh sát Anh, trong hai năm 2022 và 2023 đã có 72000 người nhập cư bất hợp pháp, đáng chú ý trong đó người Việt là đông nhất. Nếu thông tin này là đúng thì dễ đến chục ngàn người Việt sẽ đưa đưa đến đất nước Châu Phi xa xôi và lạ lẫm.
Rwanda có 13 triệu dân trong một diện tích khá nhỏ, chỉ có 30000km2, tuy nhiên khác với phần lớn các nước Châu Phi khác, tỉ lệ đất bỏ hoang hoặc không sinh sống được rất thấp. Đất nước nằm ở Nam bán cầu được mệnh danh là Thụy Sĩ của Châu Âu vì cũng có rất nhiều ngọn đồi.
Nhắc đến Rwanda, mọi người đều mang nặng nỗi thương cảm khi cuộc nội chiến năm 1994 đã dẫn đến cái chết của 800000 người, trong đó sắc dân Tutsi thiểu số cầm quyền đã bị giết hại bởi sắc dân Hutu chiếm đa số nổi loạn.
Ngày nay, Rwanda đã trở thành một điểm sáng ở Châu Phi, được coi là một quốc gia an toàn, tỉ lệ tội phạm thấp và ít tham nhũng. Mặc dù là thuộc địa cũ của Đức và Bỉ nhưng quốc gia dùng cả tiếng Anh và Pháp làm ngôn ngữ chính thức này lại gia nhập khối Liên hiệp Anh (Commonwealth).
Tuy nhiên, Rwanda vẫn rất nghèo, nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Dịch vụ du lịch đang trở thành lĩnh vực hứa hẹn để vực dậy nền kinh tế.
Theo thỏa thuận, Chính phủ Anh sẽ trả cho Rwanda 20000 bảng cho mỗi đầu người, nếu tính tổng số sẽ là một khoản không nhỏ cho một quốc gia đang rất eo hẹp về tài chính.
Là đất nước không có biển, chỉ có hồ Kivu mênh mông là biên giới tự nhiên với nước Congo láng giềng và một số hồ nhỏ khác, đủ để duy trì cuộc sống cho một số ngư dân. Dòng sông lớn nhất Nyabaronga chảy qua thủ đô Kigali là cũng là nguồn nước ngọt quan trọng. Đối tác thương mại lớn nhất của đất nước không có cảng biển là UAE, Trung Quốc và các nước láng giềng như Congo, Kenya, Uganda, Tanzania.
Mặc dù vị trí khá gần đường xích đạo nhưng vì địa hình cao nên Rwanda có khí hậu mát mẻ quanh năm. Đất nước của trang trại bạt ngàn rất màu mỡ, thuận lợi cho việc nuôi trồng nhiều cà phê, chè, chuối, đậu, khoai tây... với đàn gia sức gồm bò, heo, gà, dê, cừu và thỏ.
Dự kiến, những chuyến bay đầu tiên đưa người từ Anh sang Rwanda có thể bắt đầu từ tháng 6 tới.
Hiện nay, Angola, thuộc Nam Phi là nơi cộng đồng người Việt lớn nhất tại Châu Phi, khoảng 15000 người. Đất lành chim đậu, nếu kế hoạch của Anh Quốc diễn ra suôn sẽ thì sẽ có một cộng đồng mới của người Việt ở Trung Phi.
“Chết trước được mồ mả”, và người Việt có “truyền thống” người đi trước dẫn dắt (hoặc chăn dắt) người đi sau. Quý vị muốn làm ăn, làm giàu có thể coi đây là cơ hội cần sớm hành động. Rất nhiều việc để làm, vấn đề ai nhanh hơn thì sẽ dễ thành công hơn.
Thế mạnh của người Việt khắp nơi là shop làm nails, kế đến lò bánh mỳ để làm bánh mỳ thịt và bánh ngọt. Nếu mở nhà hàng thì có lẽ không thiếu nguồn thực phẩm làm nguyên liệu sẵn có và cũng có thể dễ dàng trồng và nuôi thêm những loại cây, rau và gia súc mới.
- Sao ông không làm mà đi xui người khác?
Mình già rồi, không có nhu cầu kiếm nhiều tiền vì vợ con cũng đang đi làm, không ai cần ăn bám mình, hơn nữa mình sống rất giản dị.
Chưa biết chừng, quý vị đến Kigali bằng thời gian này sang năm có thể được ăn phở, nghĩ vậy thôi đã thấy vui.

Note: tỉ lệ phụ nữ làm quan chức của Rwandan cao nhất thế giới, với 65% nghị sĩ Quốc Hội và 52% thành viên chính phủ thuộc phái đẹp.

Chiến tranh ủy nhiệm

 

Quốc hội Mỹ vừa thông qua khoản viện trợ trị giá 95 tỉ USD, trong đó Ukraine được ưu ái chiếm gần 2/3, với 61 tỉ USD, ngoài ra dành cho Israel, Đài Loan, cứu trợ Haza.
Điều này có nghĩa Nga chưa thể “giải phóng” Ukraine và còn nguồn nuôi dưỡng, chiến tranh sẽ còn tiếp diễn. Vì Nga có tham vọng về lãnh thổ nên xem đây là một cuộc chiến vệ quốc chống xâm lược, tuy nhiên nó còn mang yếu tố của một cuộc “chiến tranh ủy nhiệm”, theo đó Ukraine cầm tiền để đánh Nga hộ Mỹ và phương Tây.
Khái niệm chiến tranh ủy nhiệm (proxy war) là khái niệm có từ thời trung cổ, nhưng đã trở nên phổ biến sau Thế chiến II, khi mà hàng chục nước sở hữu vũ khí nguyên tử, nếu đụng độ sẽ dẫn đến thảm họa hạt nhân.
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, hai cường quốc đầu sỏ không bao giờ đụng độ nhau nhưng họ lại đưa quân chinh phạt các xứ sở khác. Đó là quân Liên xô vào Hungaria năm 1956, vào Tiệp 1968, vào Afganistan 1978...quân Mỹ nổi tiếng với chiến tranh Việt Nam và sau này là cuộc chiến tại Iraq. Chỉ có một ngoại lệ là cuộc đụng độ khốc liệt giữa Liên xô và Trung Quốc vào tháng 3/1969 tại khu vực trung Á, gây thương vong hàng chục ngàn cho đến hàng trăm ngàn lính, chủ yếu của Trung Quốc.
Trong hầu hết các trường hợp, các cường quốc dùng chiến tranh ủy nhiệm, chỉ bơm tiền và phương tiện chứ không trực tiếp tác chiến.
Chiến tranh ủy nhiệm cũng là cách "địa phương hóa", hai bên ủng hộ hai phe tranh giành quyền lực, gây ra nhiều cuộc nội chiến, bao lực tang thương và hận thù đã reo rắc khắp mọi nơi.
Liên xô và Trung Quốc đã ủng hộ tích cực “ba dòng thác cách mạng” là các phong trào giải phóng dân tộc, tiến hành các hoạt động lật đổ chủ yếu ở các nước Á Phi. Ở chiều ngược lại, Mỹ và phương Tây lại thành công ở Châu Âu với việc các nước Nam Âu (Hy Lạp, Nam tư) và Đông Âu được dân chủ hóa, kéo theo sự sụp đổ của Liên xô.
Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, hình thức chiến tranh ủy nhiệm vẫn tiếp tục được ưa chuộng. Một trường hợp điển hình là Iran đã sử dụng các nhóm phiến quân Hesbollah, Hamas, Houthi cho các mục đích của mình.
Trong cuộc đụng độ trực tiếp với Israel vừa qua, Iran chỉ bắn 300 quả tên lửa, bị chặn 99%, không gây thương vong nhưng trước đó 6 tháng, Hamas đã làm chiến tranh bùng nổ khi nã 5000 quả, giết hại hàng ngàn người Do Thái. Điều này cho thấy “cánh tay nối dài” còn hung hăng hơn và là nơi đứng mũi chịu sào thay cho quan thầy.
Đáng chú ý, có 3 nước Ả Rập hồi giáo lại tham gia giúp Irael đánh chặn tên lửa và drone của Iran, đó là Jordan, UAE và Saudi. Jordan từ lâu là nước Ả Rập có quan hệ hữu hảo với Israel nhất, họ đánh chặn vì tên lửa và drone bay qua lãnh thổ nên là điều dễ hiểu. UAE vẫn thù địch với Iran do việc tranh chấp lãnh thổ 3 hòn đảo. Riêng phần Saudi, nước mới bình thường hóa với Iran thì sao lại giúp Israel? Có lẽ không lý do gì khác hơn là một hành động “nịnh” Mỹ mà thôi.
Điều khôi hài là phe Trump tố cáo chính quyền Biden “tài trợ” cho Iran khi trả lại 8 tỉ USD cho nước này. Chả lại theo hiệp định mà Iran ký với nhóm 5+1 về việc giải trừ vũ khí đã được nước này tuân thủ và vì thế họ được thưởng “củ cà rốt” là khoản tiền đã bị Mỹ đóng băng.
Tại Tây Phi, Nga đã ngấm ngầm ủng hộ các cuộc đảo chính quân sự tại Burkina Faso và Nigie, những thuộc địa cũ của Pháp, làm tổn hại ảnh hưởng của Pháp tại khu vực. Có lẽ đây là lý do làm Tổng thống Macron nổi giận, đòi đưa quân vào Ukraine để đánh Nga.
Một vòng xoáy ủy nhiệm mới dường như đang hình thành sau cuộc họp ba bên Mỹ, Nhật và Philippines. Phi là thuộc địa cũ và nước có mối quan hệ gắn bó truyền thống với Mỹ nhưng dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte lại tìm một lối đi khác khi xích gần với Trung Quốc. Quan điểm này không được chính giới nước này chấp nhận, kể cả con gái ông, Sara Duterte, nay là phó tổng thống.
Để xây dựng Phi trở thành một tiền đồn chống các tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông, chắc chắn Mỹ sẽ dành nhiều ưu ái cho đồng minh này và như vậy các nước trong vùng khác, trong đó có Việt Nam có nguy cơ bị giảm thiểu các ưu tiên về thương mại và đầu tư.
Nhân chuyện khoản viện trợ 95 tỉ, mình chợt nghĩ lịch sử có thể khác đi nếu hồi 1975, Mỹ rót cho nam Việt Nam khoản viện trợ quân sự bằng một phần tư hay phần năm số tiền này. Điều đó cũng có nghĩa lúc đó Việt Nam CH không còn được Mỹ ủy nhiệm để đánh Liên xô, đánh Trung Quốc nữa, sau cú bắt tay Mỹ - Trung 1972.Chiến tranh ủy nhiệm
Quốc hội Mỹ vừa thông qua khoản viện trợ trị giá 95 tỉ USD, trong đó Ukraine được ưu ái chiếm gần 2/3, với 61 tỉ USD, ngoài ra dành cho Israel, Đài Loan, cứu trợ Haza.
Điều này có nghĩa Nga chưa thể “giải phóng” Ukraine và còn nguồn nuôi dưỡng, chiến tranh sẽ còn tiếp diễn. Vì Nga có tham vọng về lãnh thổ nên xem đây là một cuộc chiến vệ quốc chống xâm lược, tuy nhiên nó còn mang yếu tố của một cuộc “chiến tranh ủy nhiệm”, theo đó Ukraine cầm tiền để đánh Nga hộ Mỹ và phương Tây.
Khái niệm chiến tranh ủy nhiệm (proxy war) là khái niệm có từ thời trung cổ, nhưng đã trở nên phổ biến sau Thế chiến II, khi mà hàng chục nước sở hữu vũ khí nguyên tử, nếu đụng độ sẽ dẫn đến thảm họa hạt nhân.
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, hai cường quốc đầu sỏ không bao giờ đụng độ nhau nhưng họ lại đưa quân chinh phạt các xứ sở khác. Đó là quân Liên xô vào Hungaria năm 1956, vào Tiệp 1968, vào Afganistan 1978...quân Mỹ nổi tiếng với chiến tranh Việt Nam và sau này là cuộc chiến tại Iraq. Chỉ có một ngoại lệ là cuộc đụng độ khốc liệt giữa Liên xô và Trung Quốc vào tháng 3/1969 tại khu vực trung Á, gây thương vong hàng chục ngàn cho đến hàng trăm ngàn lính, chủ yếu của Trung Quốc.
Trong hầu hết các trường hợp, các cường quốc dùng chiến tranh ủy nhiệm, chỉ bơm tiền và phương tiện chứ không trực tiếp tác chiến.
Chiến tranh ủy nhiệm cũng là cách "địa phương hóa", hai bên ủng hộ hai phe tranh giành quyền lực, gây ra nhiều cuộc nội chiến, bao lực tang thương và hận thù đã reo rắc khắp mọi nơi.
Liên xô và Trung Quốc đã ủng hộ tích cực “ba dòng thác cách mạng” là các phong trào giải phóng dân tộc, tiến hành các hoạt động lật đổ chủ yếu ở các nước Á Phi. Ở chiều ngược lại, Mỹ và phương Tây lại thành công ở Châu Âu với việc các nước Nam Âu (Hy Lạp, Nam tư) và Đông Âu được dân chủ hóa, kéo theo sự sụp đổ của Liên xô.
Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, hình thức chiến tranh ủy nhiệm vẫn tiếp tục được ưa chuộng. Một trường hợp điển hình là Iran đã sử dụng các nhóm phiến quân Hesbollah, Hamas, Houthi cho các mục đích của mình.
Trong cuộc đụng độ trực tiếp với Israel vừa qua, Iran chỉ bắn 300 quả tên lửa, bị chặn 99%, không gây thương vong nhưng trước đó 6 tháng, Hamas đã làm chiến tranh bùng nổ khi nã 5000 quả, giết hại hàng ngàn người Do Thái. Điều này cho thấy “cánh tay nối dài” còn hung hăng hơn và là nơi đứng mũi chịu sào thay cho quan thầy.
Đáng chú ý, có 3 nước Ả Rập hồi giáo lại tham gia giúp Irael đánh chặn tên lửa và drone của Iran, đó là Jordan, UAE và Saudi. Jordan từ lâu là nước Ả Rập có quan hệ hữu hảo với Israel nhất, họ đánh chặn vì tên lửa và drone bay qua lãnh thổ nên là điều dễ hiểu. UAE vẫn thù địch với Iran do việc tranh chấp lãnh thổ 3 hòn đảo. Riêng phần Saudi, nước mới bình thường hóa với Iran thì sao lại giúp Israel? Có lẽ không lý do gì khác hơn là một hành động “nịnh” Mỹ mà thôi.
Điều khôi hài là phe Trump tố cáo chính quyền Biden “tài trợ” cho Iran khi trả lại 8 tỉ USD cho nước này. Chả lại theo hiệp định mà Iran ký với nhóm 5+1 về việc giải trừ vũ khí đã được nước này tuân thủ và vì thế họ được thưởng “củ cà rốt” là khoản tiền đã bị Mỹ đóng băng.
Tại Tây Phi, Nga đã ngấm ngầm ủng hộ các cuộc đảo chính quân sự tại Burkina Faso và Nigie, những thuộc địa cũ của Pháp, làm tổn hại ảnh hưởng của Pháp tại khu vực. Có lẽ đây là lý do làm Tổng thống Macron nổi giận, đòi đưa quân vào Ukraine để đánh Nga.
Một vòng xoáy ủy nhiệm mới dường như đang hình thành sau cuộc họp ba bên Mỹ, Nhật và Philippines. Phi là thuộc địa cũ và nước có mối quan hệ gắn bó truyền thống với Mỹ nhưng dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte lại tìm một lối đi khác khi xích gần với Trung Quốc. Quan điểm này không được chính giới nước này chấp nhận, kể cả con gái ông, Sara Duterte, nay là phó tổng thống.
Để xây dựng Phi trở thành một tiền đồn chống các tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông, chắc chắn Mỹ sẽ dành nhiều ưu ái cho đồng minh này và như vậy các nước trong vùng khác, trong đó có Việt Nam có nguy cơ bị giảm thiểu các ưu tiên về thương mại và đầu tư.
Nhân chuyện khoản viện trợ 95 tỉ, mình chợt nghĩ lịch sử có thể khác đi nếu hồi 1975, Mỹ rót cho nam Việt Nam khoản viện trợ quân sự bằng một phần tư hay phần năm số tiền này. Điều đó cũng có nghĩa lúc đó Việt Nam CH không còn được Mỹ ủy nhiệm để đánh Liên xô, đánh Trung Quốc nữa, sau cú bắt tay Mỹ - Trung 1972.