Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2024

Không nỡ cắn, dù chỉ một miếng


 

Những con hổ Bengal sẽ trỗi dậy

 

Khu vực Lakemba – Willey Park là khu vực đông di dân. Mọi người nghĩ rằng người Trung Đông hay Li Băng chiếm đa số, nhưng không phải, Bangladeshi mới có tỉ lệ đông nhất với 17%. Hàng xóm nhà mình cũng Bangladeshi không à.
Người Băng (cho nó gọn), tên tiếng Anh là người Bengali, chiếm 99% dân số Bangladesh, bản tính rất hiền lành, đặc biệt hiếu học và học giỏi. Nhìn bề ngoài giống Ấn Độ vì cũng có nước da đen nhưng thật ra họ không cao như người Ấn mà lại lùn như ...người Việt.
Tại Úc chỉ có khoảng 52000 người Băng còn bên Trung Đông lên đến vài triệu. Hồi mình sang Dubai sống năm 2001 mình thấy làm lạ là ở chợ có bán nhiều rau muống, sau còn thấy nhiều loại rau “nhà quê” khác như rau bí, rau rền, mồng tơi, rồi su hào, khoai sọ, các loại trái cây mít, xoài, nhãn, vải...Người Băng cũng khoái ăn rau và các loại rau quả rất giống chúng ta.
Lịch sử cận đại cho thấy Bangladesh chịu ảnh hưởng nhiều của Ấn Độ, nhưng về chủng tộc, người ta cho rằng người Băng gần gũi với Sri Lanca và Châu Á hơn. Trong quá khứ, các tiểu quốc trong vùng gồm Bangladesh, Nepal, Bhutan và Sikkim đều theo Phật giáo và Hindu, chỉ có Bangladesh chuyển sang Hồi giáo.
Bangladesh được trời phú cho một đồng bằng hình tam giác mang tên Bengal rộng lớn nhất thế giới, với thủ đô Dhaka nằm chính giữa. Một phong tục lâu đời ở đây là nạn tảo hôn giống như Ấn Độ và các nước láng giềng kể trên, thậm chí còn nổi tiếng hơn. Cô dâu tảo hôn ở Bangladesh rất trẻ vì quan niệm rằng càng trẻ thì của hồi môn càng thấp nên các gia đình nghèo đành phải tranh thủ gả bán con gái càng sớm càng tốt.
Với diện tích lãnh thổ tương đương như Nepal, chỉ bằng khoảng một nửa Việt Nam mà dân số người Băng lên đến 170 triệu người, nên đây là một trong những quốc gia có mật độ cao nhất thế giới. Buồn cho Sikkim vốn là nơi tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã bị Ấn Độ thôn tính, sáp nhập thành tiểu bang thứ 22 vào năm 1975, đến năm 2003 thì Trung Quốc mới chịu công nhận thực tế như chuyện đã rồi.
Sau khi người Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ và Pakistan vào năm 1947 thì Bangladesh là xứ tự trị thuộc Pakistan, gọi là Đông Lào, ý quên, Đông Pakistan. Một cuộc chiến đẫm máu vào năm 1971 đã dẫn đến việc Đông Pakistan tuyên bố độc lập với tên gọi Bangladesh. Cuộc chiến này làm hơn 1 triệu người chết, chỉ thua kém chiến tranh Việt Nam, nhưng ở Việt Nam diễn ra trong vài chục niên, còn số thương vong này chỉ trong 8 tháng.
Cách đây hai tháng, Bangladesh xảy ra một cuộc chính biến khi người dân đã đồng loạt nổi dậy chống nhà nữ độc tài Sheikh Hasina, 77 tuổi, người đã thao túng chính trường nước này trong suốt 15 năm qua, sau đó quân đội giao cho người đoạt giải Noel Hòa bình là ông Muhammed Yunus tạm thời điều hành chính phủ.
Đàn bà dễ có mấy tay, Hasina chính là con gái của “cha già dân tộc” Sheikh Mujibur Rahman. Sheikh Mụibur Rahman vốn là người gốc Iraq, người đã lãnh đạo cuộc nổi dậy chống chính quyền Pakistan và đã thành công, ông trở thành tổng thống rồi thủ tướng Bangladesh nhưng đã bị ám sát chết không lâu sau đó vào năm 1975. “Con dại cái mang”, vì căm ghét con gái mà người dân Bangladesh đã giật đổ hàng loạt tượng của “cha” Rahman mà rõ ràng ông không đáng bị đối xử như vậy.
Công bằng mà nói, thời gian qua Bangladesh cũng đã đạt được một số thành tựu kinh tế, chẳng hạn đã trở thành một “công xưởng” mới của thế giới về may mặc. Thu nhập bình quân đầu người từ chỗ thấp hơn đã vượt lên trên Ấn Độ và Pakistan. Với việc hòa bình vãn hồi, công cuộc dân chủ hóa được đẩy mạnh, đất nước "những con hổ Bengal" chắc chắn sẽ trỗi dậy.

Nỗi lòng người xa Hà Nội

 

Mặc dù trong giấy khai sinh ghi sinh ở Hà Tây, nơi mẹ mình dạy học nhưng sự thật là mình sinh ở Bệnh viện C, phố Tràng Thi, Hà Nội. Tuổi ấu thơ của mình có thời gian sống ở Hà Tây nhưng chủ yếu là lớn lên ở Hà Nội.
Mình hay được dắt ra vườn hoa Canh Nông , gần nhà ông bà ngoại ở ngõ Thanh Miến, nơi có một cái cầu tuột rất nhẵn. Bây giờ vườn hoa này cũng tên Tây, dựng tượng một ông họ Lê tên Nin nào đó.
Khi bố mình về nước lúc mình gần 4 tuổi, bố mẹ và mình về sống ở phố Châu Long, có chợ Châu Long nổi tiếng với thịt chó và cháo lòng tiết canh lợn, nằm bên hồ Trúc Bạch.
Nói đến Hà Nội thì phải nói đến hồ Hoàn Kiếm mang dấu tích của câu chuyện truyền thuyết. Có lẽ rất nhiều người bị “nghiện” giống mình, tuần nào mà không đạp xe đến bờ hồ thì chịu không nổi.
Mình xa Hà Nội đến nay tròn 30 năm, cũng là lúc Bờ Hồ đã thay đổi, không còn như xưa. Tháp Rùa và Thủy Tạ đều bị biến dạng, cái tên nhà hàng Bô Đê Ga (bò dê gà) biến mất. Kem Tràng Tiền vẫn còn nhưng bánh mỳ Baguette thì không. Mẹ mình kể thời Pháp bánh mỳ ở đây cực ngon, mình không tưởng tưởng nổi cho đến khi sang Paris được ăn bánh mỳ thì mới hiểu, quá đặc sắc luôn.
Còn nhớ cái Bách hóa Tổng hợp do Pháp xây, mùa hè vào bên trong là mát rượi, không hiểu sao cũng bị đập đi. Trước đó là Bưu điện Bờ Hồ cũng bị dỡ đi làm lại, nơi mình có những kỷ niệm đi cùng mẹ đến để gửi thư cho bố.
Hà Nội còn có nhiều biệt thự thời Pháp rất đẹp nhưng không được gìn giữ chu đáo. Có lẽ do mỗi biệt thực đều có nhiều hộ gia đình sinh sống, cha chung không ai khóc nên xuống cấp nhanh. Hà Nội vốn nhiều cây cổ thụ mang bề dày lịch sử nay cũng bị thay thế bằng những cái cây non mới trồng, có thể có người thích còn mình thì không.
Khu vực Minh Khai nhà ông bà ngoại các cháu trước đây toàn nhà một tầng thì nay là dầy đặc những tòa nhà chọc trời vài chục tầng, vậy làm sao thở nổi. Không ô nhiễm, tắc đường và lụt lội thì mới lạ.
Khi xa Hà Nội bạn có nhớ và yêu...”Hà Lội” không?... Có chứ sao Không?
Mình nhớ đến lời một bài hát, đại khái không đâu đẹp bằng Sài Gòn hôm qua và Sài Gòn mai sau. Hà Nội cũng vậy, Hà Nội cũng sẽ rất đẹp, đẹp vô cùng!

Đi tìm diễn viên đóng thế

 

Sau hai mùa hè chi đậm kỳ chuyển nhượng thì mùa hè năm nay Pháo thủ Arsenal đã nghỉ xả hơi, phần chi cho cầu thủ mới gần như ngang bằng với phần thu như kỷ nguyên Wenger trước đây. Gần trăm triệu bảng đã được đút túi cho bộ ba TM Ramsdale, Smith Row và Nketiah, chưa kể một loạt cho mượn cũng có tiền.
Đây là ba ngôi sao từng khoác áo đội tuyển Anh nhưng họ đều thất vọng khi không thể tìm được chỗ đứng trong đội hình Arsenal, cụ thể Rambo mất vị trí trong khung gỗ trước một Raya quá xuất sắc, mới được kích hoạt điều khoản mua đứt; số 10 Smith Row không thể vượt qua cái bóng của đội trưởng Odegaard, trong khi trung phong Nkeniah không đọ nổi “hươu cao cổ” Havertz, người đang hưởng lương cao nhất đội.
Người đi thì phải có kẻ ở, có bốn tân binh, nhưng chỉ có hai chuyển nhượng, còn hai cầu thủ kỳ cựu được đến theo điều khoản cho muọn. TM 35 tuổi Neto dầy dạn kinh nghiệm trong Premier League đủ sức làm đôi găng dự bị. Danh thủ Sterling đã lê la chính chiến qua đủ các màu áo đại gia Liverpool, Man city, Chelsiea nay lại đến với Arsenal, đương nhiên là cái tên đáng chú ý nhất trong các tân binh.
Lối chơi của Arsenal rất chú trọng hai biên. Bên trái, hai tài năng Martinelli và Trossard có năng lực khá đồng đều trong khi cánh phải thì Saka vượt trội so với Nelson nên Saka gánh thời lượng thi đấu quá tải. Đáng chú ý, sự nghiệp của Sterling thăng hoa nhất trong thời gian cộng tác với HLV Arteta khi ông còn là nhân vật số 2 trong Ban huấn luyện Man city. Nếu cầu thủ sắp bước sang tuổi 30 này hồi sinh trở lại với ông thầy cũ thì cuộc cạnh tranh bên cánh phải sẽ rất hào hứng, nhưng triển vọng của anh vào đội hình XI vẫn nhỏ.
Gia nhập đoàn quân Pháo thủ với giá 35 triệu bảng, có lẽ Calafiori chỉ để làm diễn viên đóng thế. Ở vị trí sở trường trung vệ lệch trái, Arsenal đã có đội phó Gabriel bất khả xâm phạm. Chân hậu vệ trái còn chật chội hơn, như trong hai trận mở màn và trận đấu tối nay đụng Brighton, cầu thủ người Ý chỉ là lựa chọn thứ ba, sau Zinchenko và Timber, chưa kể Kivior và Tierney vẫn còn đó. Arsenal có “truyền thống” hay chấn thương ở vị trí biên trái (như Monreal, Gibbs, Tierney...) nên đã “sưu tầm” khá đông nhân lực ở đây.
Với giá 29 triệu bảng, Merino cũng không thể qua mặt các danh thủ Party hay Jorginho trong vai trò tiền vệ phòng ngự, còn ở vị trí tiền vệ con thoi lại vướng “bom tấn” Rice. Vì thế chưa nhìn thấy vị trí xuất phát trong đội hình của anh chàng này.
Tin rằng các tân binh đều là những cầu thủ có chất lượng, mang lại một luồng sinh khí mới, ý tưởng mới mát mẻ cho cả đội. Với tài năng phong phú của họ, HLV Arteta có quyền sáng tạo ra những miếng đánh chiến thuật mới, rất có thể tìm ra những phẩm chất mới trong từng cầu thủ để họ phát huy vươn lên đỉnh cao sự nghiệp.
Nhưng danh vọng cá nhân chẳng có ý nghĩa gì nếu nó không đóng góp cho cái chung của cả đội bóng.