Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2024
Lần đầu ở Úc: Hàng thực phẩm châu Á nay đã có bán online tại HOMIE
Đầu năm nay, mình sang Mỹ chơi. Khi đến hai khu chợ người Việt đông nhất ở San Jose và Little Saigon của quận Cam thì thấy các trung tâm thương mại của bà con ta khang trang, rộng rãi hơn Sydney rất nhiều. Có điều khách hàng lại vắng vẻ!
Khi hỏi thì được biết từ một vài năm trở lại đây người Việt ở Mỹ đã có thói quen mua hàng thực phẩm trên mạng và vì thế không cần mất nhiều thời gian đến chợ nữa. Mình chợt nghĩ tại sao người Việt ở Úc chúng ta không bán hàng thực phẩm online cho tiện lợi, tiết kiệm thời gian và tiết kiệm chi phí thuê mướn mặt bằng?
Nghĩ không có gì khó, làm được mới là giỏi. Thật không ngờ, HOMIE, trang mạng bán hàng thực phẩm Á châu trên mạng đã ra đời thật đúng lúc!
Nói đến thực phẩm Á châu thì các đồ sau không thể thiếu: gạo mỳ miến, nước chấm, gia vị, đồ nhắm rượu, đố ăn chay, đồ uống.
Đáng chú ý, HOMIE có nhiều đặc sản Việt Nam mà ở shop cũng không có, đó là mấy hàng hot hot của giới trẻ như muối chấm chú Hải, Lạp xưởng Vissan, táo "hằng du mục", nước uống boncha “anh trai say hi”.
Mỗi loại hàng lại có nhiều lựa chọn khách nhau cho khách hàng. Ví dụ, mặt hàng nước mắm, món “quốc hồn quốc túy” có rất nhiều nhãn hiệu khác nhau.
Nhân chuyện nước mắm, trong số các nước châu Á dùng đũa thì Nhật, Hàn và Trung Quốc không dùng nước mắm, chỉ có người Việt. Tuy nhiên, ở một nơi xa xôi và xa xưa, người La Mã cổ đại cũng ăn nước mắm như chúng ta. Ngày nay, một số vùng bên Ý và Morocco thuộc La Mã trước đây vẫn còn tập tục sản xuất và sử dụng nước mắm.
Nguồn hàng của HOMIE không chỉ có từ Việt Nam mà còn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Trong bối cảnh vẫn còn một số mặt hàng trôi nổi, không được phép lưu hành trên thị trường Úc vẫn được bày bán ở các cửa hàng thực phẩm Việt Nam thì hàng HOMIE đều có nhà nhập khẩu hợp pháp với các mặt hàng đã qua kiểm dịch và bảo đảm an toàn thực phẩm.
Điều đặc biệt giá cả của MOMIE khá cạnh tranh do tiết kiệm được chi phí bán hàng. Khi quý vị vào trang homiemart.com.au để xem giá thì có thể dễ hàng nhận ra hầu hết các mặt hàng thấp hơn giá ngoài chợ khoảng 10%. Ngoài ra mọi người còn được nhận thêm 10% giảm nữa cho lần mua hàng đầu tiên.
Trước lạ sau quen, mua hàng thực phẩm trên mạng sẽ là một thói quen mới của người Việt. Giới trẻ chắc hẳn sẽ ưa thích loại hình online này hơn so với người có tuổi. Hiện nay người gốc Việt sinh tại Úc vào khoảng 100,000, ít hơn khá nhiều so với bên Mỹ là 800,000 người. Nhưng không sao, có đi rồi sẽ có đến.
Người Tây ngày càng có xu hướng ưa thích đồ thực phẩm Á Châu hơn, và đây là lực lượng khách hàng rất tiểm năng. Trong tương lai, hy vọng HOMIE sẽ đầu tư xe lạnh giao hàng để làm luôn cả những đồ tươi sống như bên Mỹ.
Mình và bà xã đang chuẩn bị đặt chuyến hàng thứ hai. Có điều hàng cũ dùng chưa hết mà phải mua đủ $100 thì mới được free tiền vận chuyển. Quý bạn nào góp chung với tụi mình thì tốt quá.
Chống lãng phí bằng cách nhất thể hóa
Nhất thể hóa là vấn đề đã được nêu ra ở Việt Nam từ khá lâu nhưng chưa thể thực hiện. Thực trạng hiện nay, với cả 5 cấp từ trên xuống dưới Trung ương, tỉnh, huyện, xã, thôn đều duy trì hai bộ máy song trùng Chính quyền và Đảng đoàn. Ở các nước, các đảng, đoàn, hội không được ăn tiền ngân sách nhưng ở Việt Nam, tiền thuế của dân phải nuôi cả hai bộ máy.
Có người nhầm tưởng sát nhập chức TBT với Chủ tịch nước là nhất thể hóa. Ở các nước dân chủ, thủ lĩnh đảng cầm quyền đương nhiên đứng đầu cơ quan hành pháp (thủ tướng), đó mới là nhất thể. Với cơ chế tam quyền phân lập, người đúng đầu đảng và chính phủ bị kiểm soát bởi cơ quan lập pháp và tư pháp nên không sợ bị lộng quyền.
Ở Mỹ không có chức Thủ tướng, Tổng thống là người điều hành chính phủ. Những nước như Anh, Úc, Canada, Ấn Độ, Thái Lan thì vua, toàn quyền hay tổng thống chỉ giữ vai trò nghi lễ, thực quyền nằm trong tay Thủ tướng.
Một số nước như Indonesia, Philippines không có chức Thủ tướng nhưng có một ghế Phó Tổng thống, khác với Mỹ, các vị phó này đảm nhiệm công việc giống như Thủ tướng. Đối với Đài Loan, Hàn Quốc, Pháp lại không có chức Phó Tổng thống, trong khi Thủ tướng bổ nhiệm chỉ là người phụ tá cho Tổng thống trong việc điều hành chính phủ.
Bộ máy song trùng ở nước ta bắt nguồn từ...Liên Xô. Nhưng ngay tại Liên Xô thì thời gian đầu cũng nhất thể hóa với ba đời lãnh tụ đầu tiên từ 1917 đến 1964 (47 năm, chiếm quá nửa thời gian tồn tại Liên Xô) như Lenin, Stalin và Khrushchev vừa đứng đầu đảng vừa là Chủ tịch Dân ủy hoặc chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (tương đương Thủ tướng).
Năm 1964, Suslov tiến hành cuộc đảo chính cung đình lật đổ Khrushchev, ông không lên ngôi mà chia chức vụ của Khrushchev cho hai thành viên trẻ tuổi trong BCT là Breznhev giữ chức Bí thư thứ nhất (TBT) và Kosygin làm Chủ tịch HĐBT. Nhằm níu kéo quyền lực, cộng đảng do Suslov thao túng còn ra nghị quyết cấm việc kiêm nhiệm hai chức vụ này với lý do tránh tập trung quyền lực vào một cá nhân, từ đó mới phát sinh hệ thống song trùng của Liên Xô cũng như các nước cộng sản khác.
Hiện nay ở Trung Quốc, Lào, Cuba đã có thể coi là nhất thể hóa. Ở cấp tỉnh và huyện, người đứng đầu đảng kiêm luôn tỉnh trưởng, huyện trưởng, tức cơ quan hành pháp của tỉnh huyện. Riêng ở Trung ương, ông Tập Cận Bình không phải Thủ tướng nhưng chức Thủ tướng ở nước này rất mờ nhạt, ông Lý Cường vốn là thư ký riêng của ông Tập.
Thời Hồ Chí Minh đã có chủ trương đảng không can thiệp công việc của chính quyền. Nhiều Bộ trưởng không phải UV TW, thậm chí không đảng viên nhưng vẫn không bị lấn quyền bởi một một thứ trưởng phụ trách đảng và tổ chức. Đây là tình trạng giống Iran ngày nay, giáo hội dù quyền lực tối cao vẫn chỉ nắm phần “hồn” con người mà không tham gia công việc chính phủ, nơi quản lý phần “xác”.
Về sau, đảng không can thiệp việc chính quyền thì cơ quan đảng không có “màu” và chẳng ai muốn làm công tác đảng cả. Có thể vì thế đến nay ở các cơ quan ban ngành thì thủ trưởng cơ quan đã nắm luôn chức vụ đảng.
Nếu chúng ta mạnh dạn mở rộng mô hình nhất thế hóa ở tất cả các cấp các địa phương thì mục tiêu giảm biên chế 30% là dễ dàng. Đồng thời chính là việc chống lãng phí và làm tăng tính hiệu quả của bộ máy nhà nước.
Tổng thống đắc cử Trump đã giao cho hai tỉ phú Musk và Ramaswamy phụ trách Ủy ban Hiệu suất (DOGE) của chính phủ với nhiệm vụ giảm biên chế và tăng hiệu suất. Nước Mỹ hùng mạnh vì người Mỹ luôn tìm cách tự hoàn thiện thể chế thường xuyên và không khoan nhượng.
Khi tiếp quản hệ thống Twitter, Musk đã cắt giảm 80% nhân lực và toàn bộ ban lãnh đạo mà Twitter vẫn hoạt động tốt, thậm chí tốt hơn trước. Tỉ phú trẻ (39 tuổi) gốc Ấn Ramaswamy từng ra ứng cử tổng thống là người rất tâm huyết với việc tinh giản bộ máy quan liêu cồng kềnh.
Không thể nói nước Mỹ kém hiệu quả hoặc bộ máy quá trì trệ mà họ còn phải có những bước đi như vậy. Tân TBT Tô Lâm không nói nhiều đến nhất thể hóa và giảm biên chế, ông chọn đề tài “chống lãng phí” đã rất trúng và rõ ràng cần làm ngay.
Trời sinh voi, trời sinh cỏ
Mình có bạn mới lấy được quốc tịch Nhật nói chuyện rằng nhà vùng nông thôn bên đó rẻ quá, có nên lấy một căn? Nhà ở quê thì không thể ở, mua chẳng qua để chờ tăng giá thôi.
Suy nghĩ thật của mình là dân số Nhật đang có xu hướng giảm và lão hóa. Thanh niên ra thành thị, ông bà già ở lại rồi dần dần chết, dẫn đến tình trạng rất nhiều ngôi nhà bỏ hoang.
Địa ốc Nhật không thể cất cánh trở lại vì dân số giảm. Nhật đang nhận dân nhập cư từ các nước. Hiện nay Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc để trở thành sắc dân ngoại đông nhất tại Nhật, đồng thời cũng về nhất về tỉ lệ tội phạm.
Ai đã sang xứ anh đào thì đều thấy đây là một xã hội rất nề nếp, vì thế dù thiếu nhân công, họ vẫn không thể để di dân ào ào như sôi quá hoại xã hội tốt đẹp đó, đồng thời chấp nhận một nền kinh tế "đi ngang", không có tăng trưởng.
Bên cạnh Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng bị sụt giảm dân số và đó là lý do chính làm cho thị trường địa ốc các nước này rớt theo.
"Chỉ có người sinh sôi ngày càng đông, chứ nhà đất có đẻ ra được đâu!". Câu này không còn đúng, thậm chí ngược lại, có nơi người giảm, nhà đất tiếp tục ra giàn.
Thật ra tỉ lệ giảm dân số bên Đông Âu còn mạnh hơn Đông Á. Các nước cộng sản cũ như Hung, Bun, Ru, Nam tư cũng có tỉ suất sinh cực thấp. Thêm vào đó, từ khi gia nhập khối EU, người dân các nước này đã ồ ạt chạy sang Tây Âu làm việc và ở lại đó luôn.
Các nước Tây Âu, Bắc Mỹ và Úc cũng có tỉ suất sinh thấp nhưng là các quốc gia thâu nhận di dân nên dân số vẫn tăng đều đều.
Dân số tăng nhanh nhất là các nước vùng Vịnh như Saudi, UEA, Qatar vì vừa đẻ nhiều vừa nhận di dân. Vì thế họ xây dựng nhiều mà thị trường bất động sản vẫn tốt.
Tại sao giá nhà đất Trung Quốc giảm mà Việt Nam thì không? Đơn giản, dân số Trung Quốc đã đi xuống, còn Việt Nam thì chưa.
Còn Úc thì sao? Dân số Úc đang tăng và sẽ tăng nên thị trường của miền đất hứa là "bền vững"
Bầu cử Mỹ: Ván đã đóng thuyền sớm thế sao?
Sau giai đoạn giằng co, kèo vào Nhà trắng của ông Trump đã vượt hẳn lên so với bà Harris. Nếu không có gì thật bất ngờ trong hai tuần cuối, ông già tỉ phú sẽ trở thành tổng thống Mỹ kế tiếp.
Diễn biến mấy ngày qua người ta cho rằng Trump đã vận động khá hiệu quả ở các tiểu bang chiến trường, trong khi Harris đã bộc lộ những điểm yếu kém không thể biện minh.
Thật ra khi liều lĩnh ra tranh cử tổng thống trong kỳ bầu cử trước, Harris bị loại ngay từ “vòng gửi xe” khi chỉ thu được khoảng 2% tỉ lệ ủng hộ. Nhưng Harris lại được Biden vớt làm phó vì hội tụ được ba yếu tố cần thiết: là phụ nữ để hốt phiếu ủng hộ Hilary; da màu để hứng những fan của Obama và trẻ tuổi để nâng đỡ cho sự già nua của Biden.
Nếu lần này Trump trúng cử thì trách nhiệm trước hết ông tổng thống già nua nhất lịch sử Mỹ khi ông rút lui quá muộn làm cho các gương mặt sáng giá trong đảng Dân chủ lỡ cơ hội khi đã không muốn tranh chấp với đương kim tổng thống cùng đảng. Còn nếu Biden tính nhường cho Harris thì đơn giản là một lựa chọn nhầm người.
Rõ ràng truyền thông đã thiên vị một cách trắng trợn bằng cách luôn đặt những câu hỏi hóc búa với Trump còn rất “êm ái” với Harris, vậy mà bà này trả lời vẫn không đâu vào đâu, không thể hiện rõ nét những chính sách của mình, đến nỗi đài CBS phải "tỉa" bớt phần trả lời để giữ thể diện cho nữ phó tổng thống.
Đối với Trump thì luôn cụ thể, rõ ràng và mạnh mẽ: siết chặt nhập cư và bảo hộ sản xuất trong nước bằng chính sách thuế. Hai lá bài này xem ra đánh đánh trúng hai vấn đề mà cử tri đang quan tâm: di dân bất hợp pháp tràn ngập lên đến cả chục triệu người và nền kinh tế còn trì trệ do lãi suất cao.
Thời đại truyền thông ngày nay cho phép các nhân vật nổi tiếng dễ dàng can thiệp vào cuộc đua. Có hai nhân vật ngoài luồng đáng kể nhất là Taylor Swift ủng hộ Harris và Elon Musk ủng hộ Trump. Dự đoán hai quý vị này rất quan tâm và có tham vọng chính trị trong tương lai.
Vào lúc này Taylor mới 34 tuổi dù có rất đông fan những chưa thể mang lại nhiều lợi ích như những điều Elon làm cho Trump.
Hoa Kỳ có gần một ngàn tỉ phú nhưng chỉ có hơn 100 tỉ phú công khai bày tỏ thái độ ủng hộ ai. Việc người giàu nhất thế giới là Musk đứng về phía Trump, trên thực tế đã làm thay đổi cục diện cuộc chạy đua.
Trước đây mình ủng hộ Trump, những bây giờ đã “quay xe” vì hai lý do. Thứ nhất Trump đã quá già. Ở tuổi 78 thì để làm công việc nào đó nhẹ nhàng hơn như tổ tưởng dân phố hay trưởng làng già bản thì được chứ để đứng mũi chịu sào cả một siêu cường có vị thế đặc biệt trên hành tinh thì e rằng quá sức.
Thứ hai ông cứ mang tiền nong ra so đo cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của người Ukraine. Mà có nhiều nhặn gì đâu, mỗi năm Mỹ làm ra GDP gần 30 000 tỉ đô mà trong ba năm qua chỉ viện trợ cho đất nước tội nghiệp này có 200 tỉ đô.
Nhưng mọi người cũng không nên ảo tưởng, dù có viện trợ nhiều hơn thì Ukraine cũng không thể thắng được đội quân xâm lăng hùng mạnh hơn họ nhiều lần. Và có bớt tiền thì không không dễ gì Nga thôn tính được đất nước Ukraine anh dũng. Chủ nghĩa thực dụng phần nào có lý ở đây, có điều những lời Trump nói gây khó chịu cho nhiều người.
Thật sự, ai làm tổng thống Mẽo hay Chủ tịt mới của Việt Nam không quan hệ gì tới mình. May ra ông chủ tịt phường... ý quên, ông thủ tướng Úc còn mảy may liên quan chút ít.
21/10/2024
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)