Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2024

Chống lãng phí bằng cách nhất thể hóa

 

Nhất thể hóa là vấn đề đã được nêu ra ở Việt Nam từ khá lâu nhưng chưa thể thực hiện. Thực trạng hiện nay, với cả 5 cấp từ trên xuống dưới Trung ương, tỉnh, huyện, xã, thôn đều duy trì hai bộ máy song trùng Chính quyền và Đảng đoàn. Ở các nước, các đảng, đoàn, hội không được ăn tiền ngân sách nhưng ở Việt Nam, tiền thuế của dân phải nuôi cả hai bộ máy.
Chính vì thế, TBT Tô Lâm cho biết 70% ngân sách để trả lương và chi thường xuyên, cao hơn nhiều so với các nước chỉ rơi vào khoảng 40%. Ông cho hay chống lãng phí cũng quan trọng như chống tham nhũng và vấn đề giảm biên chế đã trở nên cấp bách.
Có người nhầm tưởng sát nhập chức TBT với Chủ tịch nước là nhất thể hóa. Ở các nước dân chủ, thủ lĩnh đảng cầm quyền đương nhiên đứng đầu cơ quan hành pháp (thủ tướng), đó mới là nhất thể. Với cơ chế tam quyền phân lập, người đúng đầu đảng và chính phủ bị kiểm soát bởi cơ quan lập pháp và tư pháp nên không sợ bị lộng quyền.
Ở Mỹ không có chức Thủ tướng, Tổng thống là người điều hành chính phủ. Những nước như Anh, Úc, Canada, Ấn Độ, Thái Lan thì vua, toàn quyền hay tổng thống chỉ giữ vai trò nghi lễ, thực quyền nằm trong tay Thủ tướng.
Một số nước như Indonesia, Philippines không có chức Thủ tướng nhưng có một ghế Phó Tổng thống, khác với Mỹ, các vị phó này đảm nhiệm công việc giống như Thủ tướng. Đối với Đài Loan, Hàn Quốc, Pháp lại không có chức Phó Tổng thống, trong khi Thủ tướng bổ nhiệm chỉ là người phụ tá cho Tổng thống trong việc điều hành chính phủ.
Bộ máy song trùng ở nước ta bắt nguồn từ...Liên Xô. Nhưng ngay tại Liên Xô thì thời gian đầu cũng nhất thể hóa với ba đời lãnh tụ đầu tiên từ 1917 đến 1964 (47 năm, chiếm quá nửa thời gian tồn tại Liên Xô) như Lenin, Stalin và Khrushchev vừa đứng đầu đảng vừa là Chủ tịch Dân ủy hoặc chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (tương đương Thủ tướng).
Năm 1964, Suslov tiến hành cuộc đảo chính cung đình lật đổ Khrushchev, ông không lên ngôi mà chia chức vụ của Khrushchev cho hai thành viên trẻ tuổi trong BCT là Breznhev giữ chức Bí thư thứ nhất (TBT) và Kosygin làm Chủ tịch HĐBT. Nhằm níu kéo quyền lực, cộng đảng do Suslov thao túng còn ra nghị quyết cấm việc kiêm nhiệm hai chức vụ này với lý do tránh tập trung quyền lực vào một cá nhân, từ đó mới phát sinh hệ thống song trùng của Liên Xô cũng như các nước cộng sản khác.
Hiện nay ở Trung Quốc, Lào, Cuba đã có thể coi là nhất thể hóa. Ở cấp tỉnh và huyện, người đứng đầu đảng kiêm luôn tỉnh trưởng, huyện trưởng, tức cơ quan hành pháp của tỉnh huyện. Riêng ở Trung ương, ông Tập Cận Bình không phải Thủ tướng nhưng chức Thủ tướng ở nước này rất mờ nhạt, ông Lý Cường vốn là thư ký riêng của ông Tập.
Thời Hồ Chí Minh đã có chủ trương đảng không can thiệp công việc của chính quyền. Nhiều Bộ trưởng không phải UV TW, thậm chí không đảng viên nhưng vẫn không bị lấn quyền bởi một một thứ trưởng phụ trách đảng và tổ chức. Đây là tình trạng giống Iran ngày nay, giáo hội dù quyền lực tối cao vẫn chỉ nắm phần “hồn” con người mà không tham gia công việc chính phủ, nơi quản lý phần “xác”.
Về sau, đảng không can thiệp việc chính quyền thì cơ quan đảng không có “màu” và chẳng ai muốn làm công tác đảng cả. Có thể vì thế đến nay ở các cơ quan ban ngành thì thủ trưởng cơ quan đã nắm luôn chức vụ đảng.
Nếu chúng ta mạnh dạn mở rộng mô hình nhất thế hóa ở tất cả các cấp các địa phương thì mục tiêu giảm biên chế 30% là dễ dàng. Đồng thời chính là việc chống lãng phí và làm tăng tính hiệu quả của bộ máy nhà nước.
Tổng thống đắc cử Trump đã giao cho hai tỉ phú Musk và Ramaswamy phụ trách Ủy ban Hiệu suất (DOGE) của chính phủ với nhiệm vụ giảm biên chế và tăng hiệu suất. Nước Mỹ hùng mạnh vì người Mỹ luôn tìm cách tự hoàn thiện thể chế thường xuyên và không khoan nhượng.
Khi tiếp quản hệ thống Twitter, Musk đã cắt giảm 80% nhân lực và toàn bộ ban lãnh đạo mà Twitter vẫn hoạt động tốt, thậm chí tốt hơn trước. Tỉ phú trẻ (39 tuổi) gốc Ấn Ramaswamy từng ra ứng cử tổng thống là người rất tâm huyết với việc tinh giản bộ máy quan liêu cồng kềnh.
Không thể nói nước Mỹ kém hiệu quả hoặc bộ máy quá trì trệ mà họ còn phải có những bước đi như vậy. Tân TBT Tô Lâm không nói nhiều đến nhất thể hóa và giảm biên chế, ông chọn đề tài “chống lãng phí” đã rất trúng và rõ ràng cần làm ngay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét