Thứ Tư, 18 tháng 12, 2024

Thử tìm tín hiệu từ câu chuyện tinh gọn bộ máy

 


Chủ trương tinh gọn bộ máy nhà nước đang gây sôi nổi ồn ào, đụng chạm đến quyền lợi của đông đảo tầng lớp cán bộ. Tinh gọn đúng là phải là việc làm thường xuyên, nhưng thời gian dài vừa qua nó chỉ là khẩu hiệu chứ chưa đi vào thực tế.
Quy mô và mức độ sâu sắc của đợt tinh gọn lần này không thấp hơn đợt giảm biên chế vào thời gian đổi mới 1987-1989. Về riêng tư, mình đã chứng kiến chuyện này ngay trong gia đình. Hồi đó bố mình được “cắt cu”, từ Quyền cục trưởng thành cục trưởng nhưng phải chuyển sang đơn vị công tác khác, đúng vào thời gian có chỉ thị về giảm biên chế. Tâm lý sếp mới luôn thích thú với việc gạt bỏ những người cũ nên mình thấy bố có vẻ nhiệt tình với yêu cầu của trên.
Hồi đó các cô chú trong cục đến nhà mình nhiều và câu chuyện đi hay ở dường như quyết định ngay tại nhà riêng của thủ trưởng. Mẹ mình bận cơm nước không quan tâm, hai em của mình còn bé, chỉ có mình chẳng lo học hành bài vở mà chỉ rình mò hóng hớt chuyện của bố.
Cục của bố giải thể (từ thời thượng là “kết thúc hoạt động”) ngay hai viện nghiên cứu vô thưởng vô phạt, cho ra ngoài đường được cỡ 200 người. Mình đoán mọi người tìm ra được 300-400 người nữa thì đủ chỉ tiêu 30% tinh giảm của cả cục.
Sau 35 năm, biên chế nhà nước ngày càng phình to như bác Hợp (trong ảnh) đã nói, 10 người nuôi 1 cán bộ trong khi bên Mỹ là 400 người, Nhật 700 người...Mình không có điều kiện kiểm chứng các số liệu này nhưng do đã sống ở nước ngoài nhiều năm thì dám khẳng định người ăn lương ngân sách của Việt Nam là khủng khiếp so với mặt bằng chung của thế giới.
Nhưng đây là thực tế phũ phàng đã trở nên thường tình từ hàng chục năm, tại sao lại “kiếm chuyện” vào lúc này, hay có tín hiệu gì lạ hay không?
Nhà văn Dương Thu Hương từng nói, chủ nghĩa duy nhất ở Việt Nam là chủ nghĩa đồng tiền. Nói ngang nói dọc, nói đông nói tây, rồng bay phương múa...rồi cũng chỉ vì tiền. Không nói thì là “ngậm miệng ăn tiền” cũng không chạy khỏi cái mục đích đó.
Nếu cuộc đời toàn chuyện xấu xa thì sao cây táo lại nở hoa? Vấn đề tinh giảm chắc chắn phải là quyết định của người cao nhất, anh “To Lắm”, tức tân TBT. Nếu TBT mới không làm cũng không sao, anh vẫn sẽ trở thành “trường hợp đặc biệt” ngồi quá 2 nhiệm đến khi chết như người tiền nhiệm. Chọn con đường khó khăn, gian khổ, thành thật mà nói, mình thấy cái tâm của anh mà lịch sử sẽ đánh giá và ghi nhận.
Mình là fan của Hiếu Người buôn gió. Cậu ấy là người nghĩa khí, thông minh, mà nay dường như đã thay đổi thái độ (mình không nghĩ vì lý do thăm mẹ riêng tư). Trước đây Hiếu gió thường viết về “chú Trọng” và các nhân vật khác với giọng chế giễu, mỉa mai thì nay đối với nhà lãnh đạo Tô Lâm thì đã thể hiện sự tôn trọng rõ rệt.
Theo “phương án” được công bố thì đợt tinh giảm lần này thực sự mạnh mẽ và toàn diện. Không chỉ giảm biên chế mà còn là giảm đầu mối và giảm “khâu trung gian” như các tổng cục, tức là giảm rất nhiều các ghế chức vụ. Đa phần những người tìm cách chui vào làm nhà nước ngoài việc có mục đích “bú sữa” còn là ủ mưu chiếm ghế nào đó để tham ô, nếu ghế ít thì động lực chạy chọt sẽ bớt.
Một điều đáng chú ý, 6 tập đoàn và 13 Tcty quốc doanh sẽ trở về với các bộ chủ quản, thể hiện tình cảnh chó tha đi mèo tha lại của các “quả đấm sắt”. Trước đây chúng trực thuộc Chính phủ, trên thực tế là do Văn phòng chính phủ cai quản, thấy không ổn vì VP Chính phủ tuy là nơi nắm nhân sự bổ nhiệm, bãi nhiệm nhưng không có chuyên môn để chỉ đạo công việc; đẻ ra ủy ban quản lý vốn, nhưng rồi cũng không xong. Bây giờ quá sớm để nói đến chuyện giải tư đám này nhưng đây là hệ quả khó tránh khỏi sau khi tinh giảm.
Để phục vụ tinh giảm thì phải đình chỉ việc tuyển dụng mới. Trong tương lai, để hạn chế quan liêu, cửa quyền, mình nghĩ nên đặt điều kiện tuyển dụng công chức mới là phải có kinh nghiệm làm việc ngoài quốc doanh chứ không nên lấy người mới ra trường chưa có hiểu biết gì về cuộc sống thực tế.
Tinh gọn bộ máy là vấn để lớn, sẽ phát sinh nhiều hệ lụy khôn lường nhưng nếu chúng ta có tấm lòng hướng về những điều tốt đẹp cho đất nước thì đây là điều phải làm và làm càng sớm càng tốt.

Kỷ nguyên mới của Syria và Trung Đông

 

Vào những ngày cuối năm 2024, một biến cố đã bùng nổ tại Syria kết thức 54 năm cầm quyền của cha con Al-Assad, đồng thời có thể coi là xóa bỏ tàn dư cuối cùng của nước Nga trong vùng Trung Đông.
Trung Đông (Middle East) là một thuật ngữ quốc tế chỉ các nước Tây Á và Bắc Phi, một vùng rộng lớn, giàu tài nguyên, đông dân có vị trí địa lý vào chỗ “khúc giữa” của tam giác Âu- Á-Phi. Trong thời kỳ “hai phe, bốn mâu thuẫn”, đây là khu vực tranh giành ảnh hưởng địa chính trị quyết liệt giữa hai phe Tự do và Cộng sản.
Thực ra nước Nga đã có móc nối với Trung Đông trước chiến tranh lạnh. Khi nhà nước Saudi Arabia được thành lập năm 1932 thì Nga là một trong những nước đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao. Lúc đó Nga chỉ muốn phá thế cô lập vì sau cách mạng tháng 10 nước này chẳng giống ai và cũng chẳng chơi được với ai; trong khi Saudi còn non trẻ muốn tìm một chỗ đứng và cũng muốn tìm một thế lực để đối trọng và không bị phụ thuộc quá nhiều vào Anh quốc.
Tuy nhiên thời gian mặn nồng không kéo dài lâu mà quan hệ sớm tan tành mây khói, hai bên rút đại sứ về và đoạn tuyệt. Lý do có nhiều, về sâu xa có thể hiểu do những điều mà tôn giáo và lý luận Mác Lê không dung hòa được với nhau.
Sau năm 1945, với việc hệ thống các nước XHCN ra đời, thế và lực của ba dòng thác cách mạng dâng trào, cuốn đến nhiều nước Trung Đông. Điều ít người để ý rằng Liên Xô là nước nhiệt tình nhất trong việc vận động thành lập nhà nước Do Thái với tính toán rằng nước Israel mới với đa số người từ Liên Xô và Đông Âu hồi hương sẽ là một nước thân cộng. Tuy nhiên điều này đã không xảy ra.
Năm 1952, Nasser làm đảo chính lật đổ vua Fabroud. Vì Ai Cập là nước đông dân nhất Trung Đông, có bề dày lịch sử, văn hóa nên Liên Xô đã tìm cách ve vãn bằng viện trợ khủng, kết quả nước này đã trở thành một nước “cảm tình” với phe XHCN.
Những sự kiện tiếp sau cũng rất thuận lợi đối với Liên xô và XHCN. Ở Iraq 1958, vua Faisal và thái tử bị giết trong cuộc đảo chính quân sự, phe thân XHCN lên cầm quyền. Sau Cách mạng 1962, Algeria trở thành một nước có xu hướng XHCN. Rồi 1967 CHDCND Yemen ra đời, chính thức trở thành một nước XHCN. Năm 1969, Gadaffi lên cầm quyền, đưa Lybia trở thành một tiền đồn chống Mỹ trong khu vực. Sau đó, cách mạng hồi giáo tại Iran 1978 đã biến nước này từ chỗ thân Mỹ trở nên kém thân thiện với phương Tây cho tới nay.
Trong thời gian này có một điều thú vị là việc thành lập Liên bang Ai Cập và Syria vào năm 1958 mặc dù hai nước không có chung biên giới, môt nước “châu Phi” và nước kia “châu Á”, nhưng Syria đã nhanh chóng ly khai vào năm 1961. Có thể Ai Cập muốn bắc chước mô hình Liên bang Xô viết để quy tụ các nước Ả Rập nhưng mộng đã không thành.
Ai đã đọc bộ “Ngàn một đêm lẻ” thì biết đây bộ tiểu thuyết vẽ lên cuộc sống và xã hội phồn thịnh ở các nước Iran, Iraq, Syria, Ai Cập trong khoảng thời gian chủ yếu vào thế kỷ 10-11. Đó là những câu chuyện hết sức ly kỳ, vô cùng diễm tình với những phụ nữ “đẹp tuyệt trần”.
Mình từng sống ở Dubai khá lâu, do công việc đã quen biết khá nhiều giới doanh nhân, bao gồm cả Ấn Độ và Ả Rập. Hai nhóm này “kỵ” nhau và nhiều lần mình nghe các bác Ấn nói rằng bọn Ả Rập không tin được, đặc biệt tụi Syria rất lươn lẹo.
Hằng năm Lễ hội bán hàng ở Dubai kéo dài đến 2 tháng. Khoảng năm 2003, có một nữ doanh nhân người Việt từ Nga sang. Chị kể chuyên bán đồng hồ bên Nga, nguồn hàng nhập từ Trong Quốc. Vào thời gian tranh tối tranh sáng, dân Nga đói hàng nên “ăn" đồng hồ kinh khủng, mỗi “công” hàng chục ngàn chiếc đồng hồ mà hết bay. Nhưng rồi cuộc vui cũng đến lúc tàn, chị bị đọng hàng nên mới mang sang Dubai bán.
Trong hội chợ bán lẻ mỗi ngày bán được khoảng 10 cái thì báo giờ mới hết công. Lúc đó có anh Syria đẹp trai đến, nói sẽ mua sỉ và mua hết. Chị tôi đã nhẹ dạ đưa hết cho nó, sau mới thấy chót dại và nói với mình, nhưng chuyện đã rồi, “thả gà ra đuổi” thì khó lắm. Nhưng qua đây mình mới được kiểm chứng về “người Syria” như tụi Ấn nói.
Việc chế độ Al-Assat sụp đổ là một bước ngoặt. Iran không còn trạm trung chuyển để đưa vũ khí, tài chính, huấn luyện cho các nhóm Hamas và Hezbollah. Mà thiếu hai thùng thuốc nổ sát nách Israel, Iran sẽ bị rơi vào thế lộ hàng cho các mục tiêu quân sự của Do Thái.
Nga còn đau hơn khi mất hai căn cứ quân sự trên đất Syria, trên thực tế đã bị vô hiệu hóa, đánh dấu việc xóa sổ sự hiện diện quân sự tại Trung Đông, đồng nghĩa việc nước này không còn ảnh hưởng gì về quân sự, chính trị trong khu vực sau hơn 70 năm. Giang sơn thu về một mối, Trung Đông cũng như khối dầu lửa của nó sẽ trở thành sân sau của Châu Âu và Mẽo.

Nội các kỳ lạ của ông Trump

 

TT đắc cử Donald Trump đang ở trong giai đoạn chọn lựa nhân sự cho Nội các mới. Với việc đảng Cộng hòa giành đa số trong lưỡng viện quốc hội thì việc phê chuẩn các ghế Bộ trưởng xem ra không có gì trở ngại cho lắm.
Trong Nội các, nhân vật quan trọng nhất là “ông Ngoại” tức Ngoại trưởng, một chức vụ có thực quyền hơn cả Phó Tổng thống. Ông Trump đã chọn mặt gửi vàng cho Marco Rubio, 53 tuổi, một nhân vật quen thuộc trong chính giới Hoa Kỳ.
Rubio là một “Cu kiều” xuất thân trong một gia đình tỵ nạn cộng sản Cuba. Năm 2016, ông ra tranh cử tổng thống Mỹ và về đích thứ nhì trong đảng Cộng hòa, chỉ sau Trump. Sau đó ông yêu cầu những người ủng hộ mình dồn phiếu cho Trump, góp phần giúp đối thủ cũ giành ghế tổng thống.
Trong sự kiện bạo loạn trong tòa nhà quốc hội 6/1/2021, nhiều nhân vật cộm cán trong đảng quay lưng với Trump nhưng Rubio là một trong những tiếng nói có trọng lượng đã lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ Trump.
Với trọng trách ngoại trưởng, Rubio sẽ là người hoạch định chính sách ngoại giao thời Trump 2.0. Gốc Cuba, Rubio rất am hiểu hòn đảo láng giềng nói riêng và Mỹ Latinh nói chung, nhiều khả năng sẽ có những biện pháp mạnh tay hơn với các nước này. Rubio nổi tiếng có lập trường bảo thủ cứng rắn, có thể dự báo quan hệ với Trung Quốc sẽ trở nên căng thẳng, cũng không khoan nhượng với Nga. Riêng với Việt Nam, người viết chưa tìm được câu nói nào của Rubio về đất nước Rồng bay.
Một nhân vật còn nổi tiếng hơn cả Rubio sẽ tham gia nội các là Robert Kennedy Jr, thuộc gia tộc Kennedy danh giá, con trai cựu Tổng trưởng lý và cựu UCV tổng thống Robert Kennedy và cháu trai cố tổng thống John Kennedy. Nay ông đã sang tuổi 70, không còn nhiều thời gian để làm một điều gì đó.
Đáng chú ý, một người chống vac xin thì nay sẽ giữ chức Bộ trưởng Y tế. Nhưng có thể thấy quan điểm của Kennedy về Covid 19 khá giống với Trump. Sau 4 năm, những quan niệm từng bị coi là sai thì nay mọi người mới thấy họ là những người nhìn xa trông rộng, đi trước thời đại.
Ngoại trừ hai tên tuổi nói trên, phần lớn những người được đề cử vào nội các đều rất trẻ, đa phần mới ngoại tứ tuần và chưa có kinh nghiệm chính trị. Điều kỳ lạ có đến 4 “nhà báo” đang làm việc cho đài truyền hình đã được đề cử cho 4 ghế bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng quốc phòng.
Có người sẽ hỏi tiêu chuẩn nào cho các ghế Bộ trưởng Mỹ? Chắc chắn các tiêu chí rất khác với xứ thiên đường, nơi coi trọng bằng cấp phù phiếm hay lý luận cao cấp, mà đơn giản chỉ là “năng lực”, khả năng giải quyết vấn đề (problem solving).
Bản chất của kinh tế thị trường là “tiền nào của nấy”, người giỏi thì lương cao, dốt thì lương thấp chứ không thể có chuyện ngược đời. Đối với mình, mấy anh chị có mức lương vài trăm ngàn/năm chưa đáng phục, nhưng đạt đến 1 triệu Mỹ trở lên thì có thể coi là anh hùng rồi. Còn đẳng cấp chục triệu hay trăm triệu/năm không phải thần thánh, họ vẫn là người, chỉ có điều chỉ số IQ và EQ của họ cao lắm.
Tài năng, ngoài yếu tố bẩm sinh còn là quá trình hun đúc, rèn luyện qua thực tế. Để có mức lương trăm triệu Mỹ/năm thì họ đã phải trải qua mức lương vài chục ngàn/năm, rồi trăm ngàn...chứ không phải bỗng dưng có ngay được.
Có ông tướng tên Cương cứng bình loạn rằng nước Mỹ rất giàu mạnh về kinh tế, quân sự nhưng lại tự vả vào mồm mình khi nói rằng các chiến lược gia của Mẽo "bình thường", "tầm thường". Nó phản logic vì những người như vậy thì làm sao xây dựng được một đất nước siêu cường vĩ đại!
Để ý một chút, những người được TT Trump đề cử đều có việc làm lương rất cao, chứng tỏ họ đã có nhiều thử thách và đã chứng minh được khả năng trong công việc, do đó có thể gánh vác những trọng trách khi cần thiết. Ít tuổi, những họ đã có những thành tích đáng nể phục. Như Phó TT DJ Vance, mới sang tuổi 40 những đã là tác giả của những quyển sách bán chạy hàng đầu.
Một điểm đặc biệt nữa, trong Nội các lần này có đến 4 tỉ phú, bao gồm chính ông Trump, hai tỉ phú Musk và Ramaswamy điều hành ủy ban Hiệu suất (DOGE) mới được thành lập. Có thể hiểu hai ông này chỉ làm việc bán thời gian. Tuy nhiên Tỉ phú Scott Bessent sẽ là Bộ trưởng tài chính toàn thời.
Vì lý do công việc, ông Trump không ngại tình riêng mà rất sẵn sàng thay đổi nhân sự cấp cao. Còn nhớ nhiệm kỳ cũ, nhiều ghế Bộ trưởng đã bị làm mới đến vài lần. Trong nhiệm kỳ tới, không loại trừ khả năng nhiều nhân sự sẽ bị thay thế theo đòi hỏi của hoàn cảnh mới hoặc xảy ra những va chạm trong việc thực thi hành pháp.
Theo Hiến pháp, Trump sẽ thôi chức tổng thống sau 4 năm. Câu hỏi đặt ra bây giờ là quá sớm về người kế thừa di sản của Trump. Lúc này mình đoán Rubio, thay vì Vance và 4 năm nữa sẽ biết đúng hay không?