Tam quốc diễn nghĩa trở nên sống động bởi tác giả La Quán Trung rất giỏi trong việc “đánh lừa” độc giả. Truyện mô tả Tào Tháo như một người gian ác nhưng nếu luận kỹ, cái ác của Tháo trong nhiều trường hợp như một điều bắt buộc. Như vụ giết cả nhà Lã Bá Sa, đó là phương án tốt nhất để Ngụy vương tương lai thoát khỏi nguy hiểm và mưu đồ việc lớn sau này, vì vậy Tháo không hề đáng ghét.
Về Lưu Thiện luôn bị coi là ngu
si đần độn, ngay các nhà làm phim Tam Quốc cũng chọn một thằng béo phì đóng vai hậu chủ. Nhưng nếu đọc kỹ Tam Quốc thì không hẳn như vậy, những việc làm của Lưu Thiện đều có lý của nó, theo kiểu “thời thế thế thời phải thế”.
Lưu Bị hiếm hoi, 47 tuổi mới sinh được Lưu Thiện, hồi nhỏ gọi là A Đẩu. Trước đó, do sợ không có người thừa kế, Lưu Bị đã nhận Lưu Phong làm con nuôi và như thế, dù là con ruột Thiện không được coi là ngưới sẽ làm vua cho đến khi Phong bị bức tử chết chỉ vài năm trước khi Lưu Bị qua đời.
Trong Tam Quốc, nhưng ghi chép về Lưu Thiện không nhiều như các nhân vật chính. Tích đầu tiên là việc Triệu Vân đại náo trong trăm vạn quân Tào để cứu A Đẩu. Khi được Triệu Tử Long trao lại ấu chúa, Lưu Bị ném phịch xuống đất và nói: vì mày mà tao suýt nữa mất một hổ tướng!
Về sau Lưu Bị lấy em gái Tôn Quyền nhằm thắt chặt giao hảo giữa hai nhà Thục và Ngô. Nhưng hai nước vẫn tranh chấp mảnh đất Kinh Châu. Tôn Quyền muốn khởi binh nhưng lại vướng em gái nên cho người đến nói dối với Tôn phu nhân là mẹ ốm, phải về gấp. Lúc này Tôn thị mới về nhà chồng được khoảng 2 năm, được giao chăm sóc A Đẩu 5 tuổi vì mẹ ruột của cậu là Cam phu nhân đã mất.
Đang đêm, phu nhân cho người dong thuyền về đất Ngô, mang cả theo A Đẩu. Một lần nữa, Triệu Vân lại được lệnh đuổi theo để giành lại A Đẩu. Khi hai nước hòa hiếu trở lại, Tôn phu nhân quay về và sinh cho Lưu Bị hai người con.
Lưu Thiện lên ngôi khi mới 17 tuổi, Khổng Minh tiếp tục làm thừa tướng. Một điển tích thú vị ghi lại chuyện Khổng Minh mắng Hậu chủ vì ham chơi, bỏ bê việc nước. Điều kỳ lạ vua không bật lại mà nhận lỗi.
Trước đó, Khổng Minh là người phản đối việc Lưu Phong nối ngôi, chắc hẳn ông đã tính được trước là làm việc với Lưu Thiện dễ dàng hơn. Bị Thừa tướng mắng, Thiện đã biết lẽ phải để phục thiện, điều không phải ai ở tuổi teen cũng làm được.
Khổng Minh sáu lần ra Kỳ Sơn, hao binh tổn tướng rất nhiều và bản thân ông cũng suy sụp sức khỏe rồi qua đời. Hậu chủ từng cho rằng Bắc phạt sẽ không nên công trạng gì nhưng không ngăn cản. Có lẽ vì ông không muốn đi ngược ý nguyện của cha là muốn diệt Ngụy để khôi phục nhà Hán.
Sau khi Khổng Minh chết, Hậu chủ bãi bỏ danh hiệu Thừa tướng mà chia công việc thành hai chức Đại Tư mã và Đại tướng quân. Điều này thể hiện sự tôn trọng đối với Khổng Minh đồng thời tránh việc bị thao túng khi quyền hành Thừa tướng quá lớn, bao trùm cả chính trị lẫn quân sự.
Mọi người chê Lưu Thiện ưu ái hoạn quan nhưng thật ra đây là một góc nhìn thành kiến. Tất cả các nhân vật hoạn quan trong sử tàu đều bị coi là phản diện. Trong khi việc Hậu chủ dùng Hoàng Hạo không phải là lý do làm mất nước Thục mà do sai lầm tai hại về quân sự của Khương Duy.
Thời Tào mạt vận, quyền bính tập trung trong tay Tư Mã Chiêu. Chiêu có hai tướng tài là Chung Hội và Đặng Ngải. Lợi dụng việc Khương Duy đang mải đánh nhau với Chung Hội, Đặng Ngải đi tắt theo con đường núi Âm Bình, tiến thẳng về Thành Đô.
Lúc này Hậu Chủ Lưu Thiện đã không chọn chiến đấu đến cùng mà nhanh chóng đầu hàng. Mọi người có quyền phán xét, nhưng với hoàn cảnh Thành Đô quân ít, không có tướng giỏi đủ sức đương đầu với Đặng Ngải thì đây là giải pháp hợp lý, giữ có kinh thành không bị tàn phá, hoàng gia và các quan đều được bảo toàn.
Lưu Thiện và các quan bị giải sang đất Ngụy. Tư Mã Chiêu cho mở tiệc chiêu đãi, đến tuồng theo điệu múa hát của người Thục thì các quan tướng đều cảm thấy cảm động rưng rưng. Bất thình lình, Tư Mã Chiêu hỏi Lưu Thiện: ông có nhớ nước Thục không? Thiện đáp: ở đây vui lắm, tôi không nhớ nước Thục nữa! Câu nói “giả ngu” từng bị nhiều người chê trách nhưng thực tế đã là cách Hậu chủ giữ được tính mạng.
Trong khi đó, Khương Duy đã lợi dụng sự hiềm khích giữa Chung Hội và Đặng Ngải, giả bộ đứng về phe Chung Hội để xúi Hội làm phản với mưu đồ khôi phục nước Thục. Lưu Thiện có vẻ không quan tâm và không muốn dính vô, chỉ tội Thái tử Lưu Tuyền “ngựa non háu đá” nên đã chết theo Khương Duy khi vụ việc vỡ lở và thất bại.
Cần phải thấy rằng Tư Mã Chiêu gian hùng không kém gì Tào Tháo, sẽ không bao giờ tin Chung Hội và Đặng Ngải. Chắc chắn Chiêu có nhiều chiêu để hóa giải hai đại tướng tài cao và nhiều tham vọng này.
Khương Duy không hiểu rằng việc chống Tư Mã Chiêu lúc này là bất khả thi, trong khi Lưu Thiện chủ trương nhẫn nhục để chờ thời. Tiếc rằng Trời không chiều lòng người, Hậu chủ đành chịu chết già trên đất Ngụy.
“Con của hổ thì không đến nỗi chó”. So sánh ba nhà lập tam quốc thì thấy con Tào Tháo là Tào Phi tàn bạo, làm mất lòng người, hậu quả nhãn tiền là triều Tào bị họ Tư Mã thâu tóm quyền bính rồi mất ngôi. Các con của Tôn Quyền tranh giành ngôi báu làm nhà Ngô suy yếu rồi cũng bị nhà Tấn, sau khi cướp ngôi Ngụy thôn tính.
Lưu Thiện, con Lưu Bị làm vua 41 năm một cách bền vững, không có lỗi khi để mất nước, rõ ràng không phải là một người tầm thường.