Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

Hãy giữ lửa cho Children’s Festival

Mùa đông đến thật rồi. Đông năm nay dường như lạnh hơn, rặng Katoomba đã lấm tấm phủ tuyết rơi. Những lúc lạnh lẽo thế này làm mình nhớ đến cảm giác ngồi bên đống lửa bập bùng vào thời chưa có lò sưởi điện.
Children"s Festival là một tổ chức thiện nguyện với các hoạt động rộng rãi và mạnh mẽ dành cho trẻ em các sắc dân tại Úc. Xuân thu nhị kỳ, Children’s Festival làm hai sự kiện lớn vào tháng 3 và tháng 9 hằng năm tại hai địa điểm tại trung tâm Sydney và vùng ngoại ô Bankstown.
Để thấy được tầm vóc của các sự kiện này, mình chỉ đưa ra mấy con số: số lượng thiện nguyện viên lên đến trăm người, thu hút hàng trăm người trình diễn và hàng chục ngàn lượt khán giả. Mỗi sự kiện đều có sự tham dự của nhiều bộ trưởng chính phủ, bộ trưởng đối lập, nhiều nghị sĩ, dân biểu, nhiều hội đoàn của các sắc dân Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, NHật, Thái Lan, Thổ dân, Scott, Macedonia, Bulgaria, Ukrane, v.v...Thủ hiến NSW và Thủ lãnh đối lập NSW nếu không đến dự được đều có thư chào mừng.
Người sáng lập và là hạt nhân lãnh đạo của Children’s Festival là chú Thuất Nguyễn, một người di dân gốc Việt. Dưới sự hướng dẫn của chú, ban quản trị và các thiện nguyện viên với nòng cốt là người Việt, Children"s Festival đã duy trì được tròn hai mươi năm. Trong thời gian đó, đương nhiên có nhiều tổ chức khác cũng có những ý tưởng và cách làm tương tự nhưng phải nói rằng, chưa có tổ chức nào giành được nhiều thương yêu và đạt tầm vóc lớn lao như Children’s Festival.
Lễ hội của Children’s Festival thường kéo dài cả ngày với các trò chơi dân tộc đa dạng, phong phú, hoạt động của các gian hàng quảng bá cho các tổ chức và doanh nghiệp, trong khi đó một sân khấu trang hoàng để trình diễn ca múa, kịch nghệ với các nội dung đa văn hóa. Phần trọng tâm của mỗi sự kiện là diễu hành của đông đảo các hội đoàn, tiêu biểu cho hàng trăm sắc dân sống trên nước Úc. Các đoàn thể người Việt đông đảo nhất nhưng không dẫn đầu mà là đoàn của Thổ dân, với sự tôn trọng truyền thống lâu đời của nước Úc. Đoàn múa lân Việt Nam đặc sắc luôn gây sự chú ý của quan khách và đông đảo khán giả.
Một cựu du học sinh Việt Nam nói với mình: "đó là bọn cờ vàng". Nghe mà vừa buồn cười và vừa buồn... rầu. Lại một luận điệu sai trái nữa: "người Việt sang đây chẳng đóng góp được gì cho xã hội Úc" (!?).
Theo mình hiểu, có hai thứ mà người di dân nói chung và người di dân Việt Nam nói riêng có thể mang lại cho nước Úc, đó là lao động chăm chỉ và tài năng. Người Việt các thế hệ đã và đang làm Việt hết sức chăm chỉ trong mọi lĩnh vực, với sự so sánh tương đối với các sắc tộc khác. Người Việt không nề hà bất kỳ việc gì, kể cả những việc "không ngon" mọi người chê thì người Việt cũng làm. Gần đây còn có làm sóng di cư của theo diện đầu tư và kinh doanh, nhiều người Việt còn mang tiền bạc vào nước Úc. Ngoại trừ những đồng tiền tham nhũng bẩn thỉu thì đây có thể coi là thành quả của "lao động quá khứ", điều cũng hết sức đáng trân trọng và cũng là cái nước Úc cần.
Tài năng Việt cũng đã và đang được khẳng định trên khắp các tiểu bang và vùng lãnh thổ nước Úc. Đến nay đã có vô số những người gốc Việt thuộc thế hệ thứ hai trở thành Luật sư, Bác sĩ, những ngành học tuyển sinh cực kỳ khó và chỉ dành cho những học sinh xuất sắc. Bên cạnh đó, nhiều người gốc Việt đã trở thành những doanh nhân tài ba, những người làm trades, là những ông chủ bà chủ của những bất động sản và cơ sở thương nghiệp lớn.
Nhưng không phải cái gì cũng "quy ra thóc". Nhiều loại đóng góp cho xã hội không thể tính bằng tiền nhưng nó còn quý giá hơn thế. Đó là những hoạt động từ thiện xã hội dân sự, những hoạt động giúp người, làm phong phú nền văn hóa và các giá trị Úc.
Thử hỏi có chương trình nào, tổ chức rộng rãi nào mà người Việt giữ vai trò chủ chốt, điều khiển các sắc dân khác không ? Có, đó là Children’s Festival.
Chú Thuất đã ở độ tuổi ngoài bẩy mươi. Chú tâm sự, theo thời gian, chú không thể làm mãi được. Tìm một người thay thế cho chú không dễ vì ngoài thời gian và nhiệt tình còn là vấn đề năng lực tổ chức. Không hiểu sao chú có thể nhớ hết hàng trăm đầu việc, nhớ đến từng người thiện nguyện viện như mình. Làm sao chú có thể có quan hệ với các cơ quan chính phủ với các nhân vật chóp bu của chính quyền. Ai đã từng làm quản trị thì biết, trả lương rồi mà sai khiến nhân viên còn khó, đằng này hàng trăm con người làm việc răm rắp không lương dưới quyền chú. Bởi vì chú đã biết tỏa sáng để mọi người hiểu được ý nghĩa cao cả việc mình làm. Chiếc huân chương OAM là phần thưởng xứng đáng cho những đóng góp không mệt mỏi của chú Thuất Nguyễn (huân chương không phải phải thứ ban phát dễ dàng ở Úc nên đây là một vinh dự lớn).
Úc là một rong những quốc gia mà việc làm thiện nguyên phổ biến nhất thế giới. Người dân Úc khoan dung và bác ái đã say sưa với thiện nguyện để tỏ tình yêu và trách nhiệm với đất nước. Ngọc lửa Children’s Festival là nơi cộng đồng Việt Nam có những đóng góp cụ thể và nổi bật cho xã hội đa văn hóa Úc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét