Thế giới Ả Rập đang ở vào tháng chay tịnh Ranmadan. Đây là khoảng thời gian con người ta hướng thiện, tránh gian tà, bạo lực. Ấy vậy mà một sự kiện đã nổ ra khi một loạt nước tuyên bố cắt đứt quan hệ với Qatar, một quốc gia nhỏ 2,6 triệu dân ở vùng Vịnh, phong tỏa mọi đường tiếp vận lương thực thực phẩm bằng hàng không lẫn đường bộ. Số quốc gia nghỉ chơi với Qatar tiếp tục lên đến con số 8, trong đó có 7 nước Ả Rập hồi giáo.
Mình đã 3 lần đến với Qatar vào các năm 2001, 2005 và 2007. Chuyến đi 2001 vào lúc mới xảy ra vụ khủng bố 11/9 được hơn một tháng. Không khí căng thẳng như thời chiến bao trùm từ sân bay tới khách sạn và khắp mọi nơi tại thủ đô Doha. Doha rất thiếu taxi, để đi lại phải dựa nhiều vào taxi "cỏ" tức là xe cá nhân kiếm thêm mà không có đăng ký. Tuy nhiên vì mới qua nên mình không biết loại taxi này. Cũng may Doha hồi đó nhỏ quá, nếu cần lội bộ một lúc cũng hết thành phố.
Vào năm 2001, dân số Qatar vào khoảng 600.000, trong đó "qatari", tức người có quốc tịch Qatar chiếm khoảng 1/3. Dân số bây giờ đến 2,6 triệu, vậy người ở đâu ra ? Ờ, đó là sự gia tăng dân số cơ học, dân từ các nước tràn vào. Dân qatari giờ chỉ chiếm khoảng 10% dân số, còn lại là người ngoại quốc. Một trong những công trình lớn nhất mà nước này đang gấp rút tiến hành là việc chuẩn bị đăng cai World cup 2022.
Sau khi nổ ra khủng hoảng, ngoại trưởng Qatar đã tỏ ra "ương bướng" khi cho rằng động thái cô lập Qatar là do sự thành công và tiến bộ của nước ông, nói nôm na là do ghen ăn tức ở. Riêng khoản bé xíu mà dám qua mặt các ông anh để đăng cai World cup đã là một cái tội.
Qatar là thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), một tổ chức thành lập năm 1981 gồm 6 nước vùng Vịnh. GCC có lẽ là tổ chức liên minh duy nhất trên thế giới mà các quốc gia thành viên có sự hợp tác toàn diện, không chỉ kinh tế thương mại mà còn chính trị và quân sự. Sở dĩ làm được điều này là do GCC có sự "đoàn kết".
Đúng ra trong GCC cũng có một sự hiềm khích nhỏ do tranh chấp mấy hòn đảo giữa Qatar và Bahrain. Khối GCC giải quyết bằng cách giữ nguyên hiện trạng, điều này Bahrain có lợi, còn Qatar hơi ấm ức.
Mỗi nước cũng có những vấn đề riêng về nội bộ. Năm 1995, emir (tạm coi là tiểu vương) của Qatar là Khalifa bị đảo chính không đổ máu bởi con trai ông, Hamad. Lý do mà Hamad đưa ra vào lúc đó là Khalifa, ở tuổi ngoài 70 đã già yếu. Có lẽ cũng chung lý do, khi mới bước qua tuổi 60 vào năm 2013, Hamad đã khá nhanh nhảu nhường ngôi con con trai là Tamin, tiểu vương đương nhiệm.. Nhờ vào nguồn tài nguyên dầu lửa, quan trọng hơn là Qatar rất nhiều khí đốt, Qatar trở nên giàu có, hiện là nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới.
Nhiều tiền, Qatar đã lao vào những việc dại dột làm mất lòng những người anh em của mình. Qatar bơm cho đài truyền hình Al Jazeera trở thành một hãng truyền thông lớn nhất trong khu vực, đặc biệt lại có những luận điệu "khách quan", không cần kiêng dè ai cả. Mâu thuẫn với Saudi có thể coi là mới nhưng Qatar đã bất đồng nghiêm trọng với Ai Cập từ lâu. Mà Ai Cập là ai? Là cường quốc được nể vì nhất trong khu vực. Đến khi phe quân sự của tổng thống Ai Cập hiện nay là Sisi lật đổ chính phủ phe Anh em hồi giáo (Muslim brotherhoods) mà Qatar lại dám cả gan công khai phản đối.
Trong chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài, Tổng thống Trump đã ghé Saudi và trong hội nghị với 55 nhà lãnh đạo thế giới Hồi giáo, ông Trump đã nêu đích danh Qatar tài trợ cho khủng bố. Đến đây, Qatar không thể thoát xử trảm bởi chính những người anh em hồi giáo. Sự căng thẳng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, và do đó khó đoán trước điều gì sẽ xảy ra.
Hiện tại quân động Qatar được đặt trong tình trạng báo động cao nhất vì họ biết rằng, về mặt quân sự, Ai Cập hoặc Saudi có thể mang quân giải phóng Qatar bất kỳ lúc nào, như Iraq đã làm với Kuwait vào năm 1990.
Thực ra xác xuất của một hành động quân sự như vậy là nhỏ, nhưng đối với một biến cố khác thì khả năng xảy ra cao hơn nhiều, có thể coi như là chắc chắn. Đó là việc chuyển World cup 2022 ra khỏi Qatar như một quan chức Liên đoàn bóng đá FIFA đã nói, World cup không thể tổ chức ở quốc gia tài trợ khủng bố.
Nếu vậy, ai sẽ chịu hứng đây, vì moi người đều biết, đăng cai World cup hay Olympic chỉ có tiếng mà không có miếng, các quốc gia đăng cai đều bị lỗ nặng. Theo quy định của FIFA, World cup được luân phiên giữa các châu lục. Năm 2022 là của châu Á Thái bình dương. Trong khu vực này, Nhật và Hàn đã từng tổ chức nên không dự tranh quyền tổ chức, trong khi Saudi, Trung Quốc và Úc thì bị thua phiếu Qatar. Có thể đoán rằng Saudi và Trung Quốc không muốn đăng cai vì lý do chính trị và ngoại giao. Vậy chỉ còn Úc?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét