Thứ Hai, 2 tháng 7, 2018
KHÁT VỌNG TỰ DO
Mình tin rằng trong tâm khảm mỗi người trong chúng ta đều có một ước mơ nào đó nhưng lại không dễ có cơ hội để bộc bạch những điều thầm kín của mình. Ước mơ đó không hình thành một chốc một lát mà có một quá trình dài lâu, từ khi còn tấm bé.
Bố mình đi nước ngoài từ khi mình chưa ra đời, bên ông bà ngoại cũng có tài sản, cho nên từ khi lọt lòng, mình đã có một cuộc sống vật chật đầy đủ hơn so với những đứa trẻ cùng lứa. Vào thời bọn trẻ còn ăn cơm độn nhá với cà muối thì mình đã uống sữa ngoại. Bạn học cùng lớp mình vẫn đi dép lê không tất vào mùa đông thì mình đi giầy. Mặc dù vậy, mình không thích ăn mặc khác người mà chỉ mong được giống mọi người. Vào những năm 70-71, khi em gái mình ra đời thì nhà mình đã có người giúp việc.
Có người làm trong nhà nhưng mình được giáo dục tính độc lập cao độ. Từ khi 4-5 tuổi, đã tự rót nước uống. Vì hậu đậu và vụng về, đánh vỡ rất nhiều cốc nên được thửa riêng cốc nhựa. Tự đi học từ năm học lớp 1, quãng đường từ phố Châu Long đến trường Chu Văn An dài 1300m, độ dài mà người lớn đi cũng phải mỏi chân. Năm 13 tuổi, vào thời xe đạp vẫn phải đăng ký giấy phép, đã được bố mẹ một cái xe đạp với biển số trùng với ngày sinh. Năm 17 tuổi, đi buôn kiếm được tiền, mình mở sổ tiết kệm để cất giữ. Số tiền tiết kiệm được gần đủ mua được cả cái xe đạp, một cơ nghiệp thời đó. Khi chính thức đi làm từ năm 21 tuổi, dù vẫn được mẹ nấu cơm, nhưng đã tự trả tiền ăn.
Dường như có một sự khác biệt rõ ràng giữa những người sống bằng khả năng của mình với những người sống bằng xin xỏ, nhờ vả. Người quen bú mớm thường tham lam, tìm mọi cách cướp phá, thực chất là nô lệ cho đồng tiền và những thứ vật chất tầm thường. Họ không thể cảm nhận được những giá trị khác đáng yêu, đáng quý của cuộc sống. Chỉ khi tự làm chủ được về tài chính thì mới có thể sống chậm, ngẩng cao đầu ngó nghiêng, hướng tới một điều hết sức cao cả, đó là sự tự do.
Khó giải thích về hai chữ “Tự do” lắm. Trai, gái nằm trên hay nằm dưới sẽ mang lại nhiều khoái cảm hơn, không thể là chủ đề bàn tán của những đứa trẻ con, bạn chỉ có thể hiểu được nó khi bạn đã là người lớn. Nếu bạn chưa từng được sống trên một đất nước tự do như nước Úc thì cảm nhận về các giá trị dân chủ, nhân quyền không thể đầy đủ. Nói vậy không hẳn bạn bắt buộc phải sống ở Úc hay các nước tiên tiến, dù sao để có được tự do về tư tưởng cần thời gian và những đột phá về tư duy. Không làm full time cũng là cách mình cảm thấy không bị lệ thuộc vào một công ty hay tổ chức nào cả. Mình không còn viết cho bất kỳ tờ báo nào, bởi để lấy mấy đồng nhuận bút và để được đăng bài, ít nhiều phải uốn éo ngòi bút theo ý của người duyệt bài. Đến tận bây giờ, khi đã có tuổi, mình mới cảm nhận được tự do là điều quý giá nhất, không gì so sánh được.
Tuy vậy, tự do không có nghĩa là không có ràng buộc. Bạn không thể phủ nhận sự giáo dục của cha mẹ và cũng không thể thoái thác trách nhiệm với con cái. Trong xã hội phương Tây, có thể coi cả ba môi trường giáo dục là xã hội, trường học và gia đình đều quan trọng, nhưng đối với văn hóa phương Đông, sự dậy dỗ của gia đình là chủ yếu. Tinh cha huyết mẹ sinh thành, được nuôi ăn, mặc là chuyện đương nhiên, cái mà những người con nên cám ơn cha mẹ là những rèn dũa cho các tính cách quý báu để vào đời. Đối với mình, điều luôn luôn ghi nhớ là suy nghĩ độc lập, tính kiên trì và sự tự tin.
Một số bạn bè từng thắc mắc rằng, mình chức bé mà sao dám giao du với một số người chức to ? Chẳng biết nói sao. Khi nghĩ lại thì thấy chuyện đó cũng giống như một đứa lên bốn phải tự rót nước uống, một việc làm quá sức vào lúc đấy. Dù có đổ vỡ, nhưng nó không cảm thấy sợ phải tự phục vụ khi khát và tự làm những điều muốn làm.
Thành công không phải con đường duy nhất hoặc quan trọng nhất để mang lại hạnh phúc, bởi càng tham vọng càng dễ chuốc lấy khổ đau và những trói buộc. Tư do mới là cái mang lại hạnh phúc.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét