Thứ Hai, 23 tháng 7, 2018

CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI ĐI ĐẾN ĐÂU


Với hai “phát súng” chỉ cách nhau vài ngày nhắm vào hai gói hàng hóa trị giá 50 tỉ USD và 200 tỉ USD, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở thành một thực tế, giai đoạn hòa bình, hòa hoãn đã trôi qua. Mục đích của Mỹ, như TT Trump đã từng nói là “gây tổn thương tối đa cho Trung Quốc và tối thiểu cho người tiêu dùng Mỹ”.

Câu hỏi đặt ra ở đây là cuộc chiến này chỉ dành cho Trung Quốc hay là chống lại cả thế giới ? Dễ thấy, Mỹ đang là con bò để vắt sữa, “người ta lợi dụng Mỹ để làm giàu”. Ai cũng biết rằng Mỹ đang nhập siêu nhiều nhất, trong khi cân bằng thương mại mới là sự công bằng trong mối quan hệ mậu dịch. Nhìn góc độ khác, với tư cách là ông anh cả hùng mạnh nhất, tại sao bỗng dưng “ông anh” lại so đo thiệt hơn với em út làm chi ?

Sau một thời gian được vỗ béo về kinh tế, Trung Quốc đã xuất hiện các tham vọng về chính trị, quân sự. Kế hoạch “một vành đai, một con đường” rõ ràng là mưu đồ thống trị thế giới, đe dọa địa vị của Mỹ. Để hóa giải sự bành trướng của Trung Quốc, ông Trump đã từng nói đến chuyện Mỹ có thể ủng hộ Nhật Bản phát triển vũ khí hạt nhân. Nếu Nhật có vũ khí hạt nhân sẽ tạo ra tiền lệ chạy đua vũ trang khó lường bởi Hàn Quốc hay Đài Loan cũng sẽ đi theo. Đương nhiên, Trung Quốc rất sợ viễn cảnh này nên đã ép Kim Jong Un giải trừ hạt nhân, nhằm xóa cái cớ đe dọa hạt nhân trong khu vực Đông Bắc Á.

KInh tế luôn liên quan chặt chẽ đến chính trị. Việc làm của Tập về việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ của chức Chủ tịch đã tạo ra một hình ảnh nước Trung Hoa phản cảm. Ngay đến Putin tìm mọi cách níu kéo danh vọng nhưng người ta tin ông không cống hiến đến hơi thở cuối cùng, sẽ có lúc ông về hưu. Quyền lực mà thiếu kiểm soát chắc chắn dẫn đến tha hóa. Thử hỏi, khi nắm trọn quyền lực tột đỉnh, Hitler liệu có còn đặt quyền lợi nước Đức cao hơn những tham vọng cá nhân ngông cuồng của hắn ? Ở đây, họ Tập sẽ áp dụng phương cách “xanh vỏ đỏ lòng”, ra vẻ chống Mỹ nhưng thực chất là sẵn sàng nhượng bộ để đổi lại, Mỹ sẽ chiếu cố cho ông ta mãi mãi ngồi trên ngai vàng nước Tàu.

Nếu cho rằng mặc nhiên Mỹ phải là cái ô che chở, trả tiền quân sự, rồi mua hàng cho các nước thì đó là tư duy của thời “hai phe, bốn mâu thuẫn”. Cứ như vậy mãi thì sẽ có ngày Mỹ không còn đủ sức mạnh để bao sân cho các hoạt động cao cả vì mục đích tự do và nhân quyền trên toàn thế giới. Và bây giờ là lúc Mỹ xóa bỏ những điều vô lý bấy lâu và đặt quyền lợi của nó lên trên hết.

Một danh sách “nóng” gồm 16 nước, bao gồm Nhật, Đức, Canada... cũng như Trung Quốc, Mexico, Vietnam...xuất siêu hàng vào Mỹ đã được công bố. Tuy nhiên, chính quyền Trump nhấn mạnh hành động của Mỹ đối với từng nước là khác nhau, thông qua các đàm phán song phương. Khác nhau bởi vì giữa những nước tiên tiến đồng minh sẽ có nhiều thứ để trao đổi và hợp tác; trong khi đó, các nước xuất cảng hàng thứ cấp chỉ biết cạnh tranh bằng giá rẻ và thao túng, định hướng tiền tệ, tất phải hứng chịu những đòn trừng phạt về thuế.

Cuộc chiến chống Trung Quốc lần này không chỉ có ý nghĩa về kinh tế tài chính mà khía cạnh kỹ thuật cũng quan trọng không kém. Trong quan hệ làm ăn với Mỹ, Trung Quốc đã và đang mua nhiều máy móc thiết bị, phát minh, sáng chế kỹ thuật để phát triển công nghiệp 4.0 đầy triển vọng. Đây chính là điều phía Mỹ cần ngăn chặn một cách khẩn cấp.

Trong bối cảnh thế giới đang dư thừa các loại hàng hóa rẻ tiền, hàm lượng chất xám thấp thì vai trò “công xưởng” của Trung Quốc không còn có ý nghĩa như trước. Nếu không có hàng Trung Quốc, nguồn cung vẫn còn rất dồi dào. Mặt khác, một khi nền sản xuất công nghiệp nói chung của thế giới chững lại, các nhà máy đóng cửa hoặc giảm công suất, giảm thiểu việc việc sử dụng nguyên nhiên liệu và phế thải lại là điều tốt lành cho việc bảo vệ môi trường.

Trong mỗi sản phẩm hàng hóa dịch vụ, thương mại là đầu ra, còn đầu tư là đầu vào. Cùng với giải pháp đánh vào hàng nhập khẩu, Ngân hàng FED tăng lãi suất liên tiếp và nhiều hơn dự kiến cũng là những đợt pháo kích làm các nước mất nguồn vốn đầu tư, dòng tiền đang chạy trở về Mỹ.

Người ta đưa ra nhiều dự báo về diễn biến của cuộc chiến. Cứ nhìn vào màu đỏ bao trùm của thị trường chứng khoán Trung Quốc thì mọi người hiểu triển vọng của “nước láng giềng” là rất xấu. Nếu bạn ra các trung tâm thương mại mà thấy nhiều shop đóng cửa thì nghĩa là sức mua của người tiêu dùng đã sụp giảm.

Thị trường không chỉ quyết định bởi quan hệ cung cầu mà yếu tố tâm lý xã hội còn quan trọng hơn. Ông Trump chính là người ưu thích hơn ai hết trò chơi hư hư thực thực này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét