Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

MƠ ƯỚC TRỞ THÀNH NHÀ VĂN


Nhờ có facebook mà thỉnh thoảng mình lại khai quật được một người bạn từ ngày xửa ngày xưa. Mấy chục năm mà nó còn chọc mình, hồi trước mày mặc quần thủng đít, sao bây giờ nhà văn rồi à. Ờ, bây giờ vẫn thủng đít thì sao, bực bội rồi đấy.

Quả là mình có viết chữ “writer” trong phần giới thiệu trên facebook. Nhưng ngôn ngữ đâu phải chỉ phản ánh hiện thực mà còn phản ánh ước mơ. Sự thực là, không chỉ tự hào về những cái đã có mà vẫn có thể hãnh diện về những cái đang mơ, có ai cấm đâu.

Trong cuộc sống, đôi khi thực và mơ ngược nghĩa với nhau. Ví dụ, khi hô “chúng ta đoàn kết”, tức là chúng ta đang có chuyện, đấm đá nhau, âm mưu giết nhau...chứ đoàn kết rồi thì cần gì khẩu hiệu nữa. Người mong muốn trở thành nhà văn không có nghĩa là giỏi văn, mà có thể rất dốt.

Mày ơi, chat với mày rất vui nhưng mày không cần nói toạc ra đâu. Tao không đến nỗi quá ngu, chỉ ngu vừa vừa nên đã hiểu mày định nói gì, mày bảo tao viết như con c. í mà đòi tự nhận là nhà văn. Ngần này tuổi đầu, tao không hoang tưởng, hơn nữa tao đã biết khả năng viết lách của tao từ rất lâu.

Năm 1990, mình tình cờ quen biết Chu Lai, tác giả “Nắng Đồng bằng”, “Ăn mày dĩ vãng”, “Vòng tròn bội bạc”, “Phố Nhà binh”...cũng là lúc mình bắt đầu viết truyện ngắn. Chu Lai nói một ý mà mình nhớ mãi, nếu em bê nguyên xi chuyện ngoài đời vào sách thì người đọc sẽ không tin, cho đó là bịa; ngược lại nếu là bịa đặt hoàn toàn thì người ta lại dễ tin là có thật. Mình coi đó là một cẩm nang quan trọng cho những người cầm bút, bởi vì chuyện thật thường có những chi tiết ngẫu nhiên không thể tin được; còn chuyện bịa thì người viết có thể chủ động dàn dựng sao cho câu chuyện thật “logic”.

Mỗi lần viết, mình đưa cho Chu Lai xem, ông chỉ cười. Truyện ngắn đầu tiên mình viết 16 lần, đến lần thứ 16 thì Chu Lai không cười mà bảo, em không nên viết nữa. Làm nhà văn khổ lắm chứ không sung sướng gì đâu.

Từ hồi đó mình đã hiểu, nếu trở thành nhà văn, mình chỉ thuộc loại hạng bét. Nhưng cuộc đời rất đẹp, không chỉ có một lối đi mà có rất nhiều con đường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét