Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

“TÔI LÀM CHÍNH TRỊ”



Tuần qua, mọi người đã chứng kiến một phen sôi động trên chính trường nước Úc thì ở quốc nội, cựu Đại sứ Nguyễn Trung cho ra mắt bạn đọc cuốn hồi ký mang tên “Tôi làm chính trị”. Điều thú vị là cựu Phó Tổng thống, Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ đã từng nói “tôi không làm chính trị” thì nay lại có người nói ngược lại! Cho thấy từ “chính trị” trong tiếng Việt quả là khó hiểu và đa nghĩa.

Ông Turnbull là một chính khách dễ mến, dù đảng của ông 38 lần thua trong các cuộc trưng cầu dư luận thì cá nhân ông vẫn luôn vượt hơn so với thủ lãnh đối lập. Turnbull vốn một doanh nhân thành đạt, đến 50 tuổi mới bắt đầu ra làm chính trị. Việc ông ra đi sớm, chỉ sau 2 năm ngồi trên ghế Thủ tướng, dẫn đến việc nước Úc có đến 7 lần thay đổi Thủ tướng trong vòng 11 năm qua. Có người cho như thế là “bất ổn” và thay đổi hơi nhiều. Vậy thì trong 11 năm trước đó chỉ có một Thủ tướng là ông Howard thì sao? Và dường như có những người rất giỏi làm chính trị, còn những người khác thì không?

Bàn rằng, lãnh tụ phải là người có bộ óc siêu phàm, nghĩ ra được tất cả mọi thứ hay ho, từ đó ra lệnh và bắt mọi người phải làm theo. Mình cho rằng quan niệm như vậy rất sai lầm.

Trong Tam quốc chí, một bộ sách lịch sử chính trị xuất sắc, hai nhân vật điển hình nhất là Tào Tháo và Lưu Bị. Tào Tháo là người văn võ song toàn, ngẩng đầu thông thiên văn, cúi xuống tường địa lý. Trong khi đó, Lưu Bị ít học, võ nghệ cũng kém cỏi. Cả hai đều tay không làm nên cơ nghiệp, cho thấy, giỏi hay dốt đều có thể làm được lãnh tụ.

Cái nổi bật của Tào và Lưu là sự bao dung, độ lượng và năng lực quan sát lắng nghe. Về binh pháp, ngoại trừ Tư Mã Ý, không ai bằng Tào Tháo, nhưng bất luận việc gì Tào cũng hỏi ý kiến mưu sĩ và thường làm theo lời khuyên của họ. Tương tự, Lưu Bị thường xuyên làm theo Khổng Minh và những người khác. Mỗi khi có chuyện, tướng sĩ đều hăng say hiến kế để chủ tướng của mình có nhiều phương án lựa chọn. Có lẽ tiêu chí để đánh giá một người lãnh đạo giỏi hay không là mức độ sử dụng nhiều các sáng kiến của người khác chứ không phải ý tưởng của mình. “Ông cứ làm theo ý của ông thì cần chúng tôi để làm gì và ông đi mà tự làm lấy”.

Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cách đây năm rưới , Hilary Clinton là một đối thủ vô cùng chuyên nghiệp, ngược lại Donald Trump hết sức nghiệp dư. Chiến thắng thuộc về, không thể nói khác, người thấu hiểu nguyện vọng của cử tri hơn.

Bản thân mình đã từng tham gia vài ba hội doanh nghiệp và hiện tiếp tục ở trong hội Children’s Festival. Trong hàng chục, nếu không muốn nói là hàng trăm Hội đoàn của người Việt thì có những Hội đoàn hoạt động rất tốt, duy trì trong ba bốn chục năm; ngược lại, có những hội chỉ được ba bẩy hai mốt ngày. Sự khác biệt do nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề phong cách lãnh đạo.

Một số người cho rằng, tôi không thích chính trị, hoặc không làm chính trị. Mình nghĩ chính trị là một khái niệm rộng, thay đổi theo thời gian. Trước đây, phải làm vua, làm quan thì mới là làm chính trị, bởi vì nếu không phải vua quan thì nói không ai nghe, bá tính chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là vâng lời và làm theo. Ngày nay, nếu bạn không muốn đảm nhiệm các chức vụ công quyền hoặc dân cử, đó là sự lựa chọn của bạn, nhưng bạn phải được bày tỏ ý kiến của mình đối với mọi vấn đề thiết thực trong cuộc sống.

Con cái bị bạn học chung bắt nạt, không lẽ bạn làm ngơ mà không đấu tranh với tệ nạn bully trong trường học. Hàng xóm nhà bạn xả rác bừa bãi, làm ồn ào, bạn phải cất tiếng nói để chống lại những hành vi sai trái. Bạn đấu tranh với những gì bạn cho là không đúng, là bất công, đó chỉ là chính trị mà thôi.

Để cuộc đấu tranh của bạn không đơn độc và có kết quả hơn, bạn cần có sự đồng hành của tập thể, của cộng đồng. Bạn phải ủng hộ ai đó để họ có được một địa vị lãnh đạo cho cả nhóm người, hoặc tự đứng ra nhận lãnh trách nhiệm chỉ huy, vì một mục tiêu giống nhau. Vậy là bè phái, phe đảng rồi.

Trong sở làm, bạn có người quản lý mới. Lẽ đương nhiên, ông hay bà đó sẽ chọn lựa những người cùng cánh để họ có thể cộng tác được với nhau một cách chặt chẽ và hiệu quả, không bị lo sợ tình trạng người làm kẻ phá. Liệu bạn có nằm trong e kíp mới hay sẽ phải ra đi. Hoặc bạn có muốn thăng chức để có tiếng nói lớn hơn, có vai trò quan trọng hơn và chế độ đãi ngộ cao hơn? Những chuyện đó đều là chính trị.

Một vấn đề nữa là “tư tưởng chính trị”. Nhớ lại những cuộc tranh luận hồi còn ở Việt Nam, đa số cho rằng độc tài tốt hơn dân chủ vì nó “ổn định”. Thời gian gần đây, mình khá ngạc nhiên khi “nghe lỏm” những bàn luận của những vị khách du lịch từ trong nước sang, họ đến từ những vùng nông thôn nhưng chính kiến của họ về tự do dân chủ không khác gì những người đã sống ở nước ngoài vài chục năm. Thì ra, trong thời đại internet bùng nổ, với thông tin đa chiều, nhận thức con người đã thay đổi nhanh chóng.

Làm chính trị hay không làm chính trị chỉ là hai cách nói. Trên thực tế, con người ta đã tham gia vào các hoạt động xã hội, đã được thể hiện nguyện vọng và quan điểm và đó chính là đã làm chính trị từ lúc nào không hay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét