Thứ Năm, 17 tháng 6, 2021
Chúng ta có nên sinh con hay không?
Nếu không có con, hai vợ chồng son sẽ tung tẩy đi chơi vòng quanh thế giới. Chúng ta có thời gian và tiền bạc để thỏa mãn những sở thích, đam mê và tận hưởng.
Vậy có con để làm gì, thực sự không thể lý giải được. Con người quả là kỳ quặc khi lao vào làm những điều hoàn toàn vô lý.
Nhiều người đã giàu có rồi, biết là chết chẳng mang đi được, vậy mà vẫn tham lam, thậm chí còn tìm cách lừa gạt, làm hại người để cướp thêm tiền.
Có người lại thích sưu tầm bằng cấp, vơ một đống giấy lộn mà không làm được cái gì có ích cho đời.
Trong nhiều trường hợp, con cái mang đến biết bao điều phiền muội, đau khổ khi chúng không ngoan, không khỏe, thậm chí chỉ vì trí óc chậm phát triển.
Ừa, nhưng nếu tất cả mọi người đều không sinh con thì sao? Loài người sẽ tuyệt chủng, tất nhiên là như vậy.
Chẳng cần tất cả, một quốc gia như Trung Quốc thi hành chính sách một con duy ý chí, phản tự nhiên đã dẫn đến hậu quả nước này đang có tỉ lệ lão hóa cao nhất thế giới.
Điều đang làm lão Tập đau đầu nhất không phải là nguy cơ thế giới tẩy chay do làm phát tán Covid, cũng không phải vì đấu đá nội bộ trong Cộng đảng, mà sợ nhất là thiếu hụt người trong độ tuổi lao động, nguồn gốc để duy trì quyền lực.
Mỹ hay Úc là những nước có di dân, họ không lo dân số già. Nếu cần, chỉ cần thay đổi chính sách thì sẽ di nhập được người trẻ dễ dàng.
Chính vì thế, sau khi từ bỏ chính sách một con vào năm 2016 mà vẫn chưa ổn, ngày 31/5 vừa qua TW đảng Trung Cộng đã ra nghị quyết yêu cầu mỗi gia đình sinh ba con!
Bỏ chuyện vĩ mô đi, các cặp vợ chồng chúng ta có nên sinh con không? Nói thật, mình thích đi du lịch là do có các con đi cùng, nếu không, mình không còn hứng thú để đi đâu hết.
Mình chỉ nghĩ đơn giản, sinh con đẻ cái là bản năng, điều tạo hóa ban cho con người. Đó là niềm vui và hạnh phúc, là động lực trong cuộc sống.
Thỏa thuận FTA lịch sử Úc – Anh
Cuối cùng, kể từ năm 1788, khi đoàn tàu đi định cư đầu tiên rời nước Anh và cập bến Sydney Cove vào 26/1/1789 thì giữa hai nước có chung nguồn gốc mới đạt được một thỏa thuận thương mại tự do “lịch sử”. Hai Thủ tướng ScoMo (Scott Morison) và BoJo (Boris Johnson) đã cùng nhau công bố thỏa thuận FTA trong một không khí trang trọng nhưng thân mật khi hai ông liên tục gọi nhau bằng tên riêng.
Thực ra, Úc đã có FTA song phương với nhiều nước, bao gồm New Zealand, Mỹ, Canada, Chile, Peru, Nhật, Hàn, Trung Quốc, Hongkong, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái và một số nhóm nước (như ASEAN). Bây giờ mới có với Anh thì quả là chậm trễ, lý do chính là trước đây Anh nằm trong khối EU và chỉ khi Brexit tách ra thì hai nước mới có thể đàm phán để ký kết.
Để bù lại, tốc độ thực thi thỏa thuận FTA của Úc với Anh lại nhanh đến chóng mặt, chi có 5 năm đối với 99% các loại hàng. Thế mạnh của Anh để có thể xuất khẩu sang Úc lớn nhất là xe hơi, còn từ phía Úc, đó là các sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh hàng hóa là các thỏa thuận liên quan đến Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Môi trường, tài chính, viễn thông...
Đáng chú ý là working holiday visa sẽ tăng từ 1 năm lên 3 năm với độ tuổi đến 35, tạo điều kiện cho công dân hai nước qua lại làm việc. Song song với việc này là việc công nhận bằng cấp hành nghề qua lại cho các anh chị em.
Đối với dân nghiền Scott Whisky như mình thì không thể vui hơn và chờ đợi lâu hơi cho những chai Macallan hay Ông già chống gậy từ “mẫu quốc”.
Sheikh Sultan của Sharjah - Quốc vương trị vì lâu năm nhất thế giới
Sharjah là tiểu vương quốc lớn thứ ba trong 7 tiểu vương quốc của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), chung biên giới với Dubai về phía Bắc. Trung tâm hai thành phố Sharjah và Dubai, cùng tên với tiểu vương quốc cách nhau 25km, gần như không có gianh giới và nối với nhau bởi một con đường dài hơn 10 cây số. Đây là con đường trên 10 làn xe chạy, được coi là nhộn nhịp nhất của UAE vì từ Dubai muốn đi lên các Tiểu vương quốc phía Bắc (Northern Emirates) như Ajman, Umm Al Quwain, Ras Al Khaimah, Furairah đều phải đi qua đây. Vào giờ đi làm, con đường này thường xuyên kẹt vì nhưng người làm việc ở Dubai sống ở Sharjah khá đông, lý do chỉ vì nhà thuê ở Sharjah rất rẻ.
Sau khi vua Qaboos (ở ngôi 1970-2020) của Oman chết năm ngoái thì Sheikh Sultan, 81 tuổi của Sharjah trở thành vị vua cầm quyền lâu năm nhất thế giới, từ năm 1972 tới nay, trước quốc vương Fujairah, Sheikh Hamad từ 1974. So sánh với Nữ hoàng Elizabeth II từ 1952 thì chưa ăn thua, nhưng nữ hoàng Anh không có thực quyền, còn các quốc vương này vẫn trực tiếp điều hành công việc của tiểu vương quốc.
Gia tộc Qasimi của Sultan mạnh về thủy quân nên đã chiếm lĩnh vùng bờ biển ở Vịnh Ba Tư từ thế kỷ 18-19. Ngay trong nội bộ nhà Qasimi cũng có bất đồng, dẫn đến việc vùng đất ảnh hưởng bị chia đôi, trở thành Sharjah và Ras Al Khaimah. Năm 1853, một Hiệp định đình chiến được ký kết với người Anh, theo đó các tiểu vương quốc phía Bắc bán đảo Ả Rập trở thành xứ bảo hộ của Anh. Năm 1968, Anh bất ngờ tuyên bố chấm dứt vai trò bảo hộ vào năm 1971, mở đường cho việc thành lập nhà nước UAE.
Việc lên ngôi của Sultan xảy ra sau một loạt các biến động cung đình ở Sharjah. Năm 1965, quốc vương Saqr bị phế truất vì bất đồng với người Anh, ngôi báu thuộc về Khalid, anh trai của Sultan. Năm 1972, sau khi người Anh rút đi, Saqr từ Ai Cập trở về để tiến hành một cuộc binh biến giết chết Khalid. Tuy nhiên quân đội liên bang UAE đã kịp thời can thiệp, Saqr đầu hàng không điều kiện. Sultan, lúc đó 32 tuổi, đương kim bộ trưởng Giáo dục UAE được đưa về làm vua.
Sultan là một vị vua trí thức thực sự, ông vốn là giáo viên toán, tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp rồi lấy bằng Tiến sĩ về Lịch sử của ĐH Exeter, Anh Quốc. Ngay trong thời gian làm vua, ông vẫn tiếp tục làm giáo sư thỉnh giảng cho các trưởng ĐH trong khu vực Ả Rập và nước Anh.
Khi Sultan lên ngôi, Sharjah mới có 37,000 dân còn bây giờ là 1,7 triệu, gấp 46 lần. Sharjah được coi là tiểu vương quốc có tốc độ gia tăng dân số nhanh nhất trong UAE, gia tăng hằng năm khoảng trên 10%, tuy nhiên riêng trong năm vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid thì dân số Sharjah hầu như không tăng nữa.
Sự trị vì của Sultan có một lần bị gián đoạn năm 1987 khi bị anh trai Abdulaziz cướp ngôi 6 ngày trong thời gian ông đi ngoại quốc. Một cuộc họp khẩn cấp giữa các nhà lãnh đạo cao nhất UAE đã diễn ra, theo đó ý tưởng của Abu Dhabi, tiểu vương quốc lớn nhất là phế truất cả hai, lập người mới. Tuy nhiên nhờ vào sự bảo vệ của vua Dubai lúc đó là Rashid, Sultan giữ được quyền lực nhưng phải chia sẻ với Abdulaziz, theo đó ông anh hơn 2 tuổi này được bổ nhiệm làm Phó vương kiêm Thái tử. Năm 1990, Sultan cách chức Abdulziz để đưa con trai của mình là Mohamed làm Thái tử. Tuy nhiên, 8 năm sau Mohamed chết đột tử ở tuổi 24.
Người con trai thứ hai của Sultan là Khalid đã được đôn lên nhưng cũng đột ngột qua đời năm 2019 ở tuổi 39. Khác với các vua xứ Ả Rập thường có nhiều con trai, Sultan chỉ có hai mà đều vắn số. Chính vì thế vấn đề kế vị quốc vương đã qua tuổi bát tuần của Sharjah đang là câu hỏi chưa có lời giải.
Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2021
Giấc mơ Úc: thích thì nhích thôi
Cháu gọi mình bằng bác đang đứng trước một lựa chọn khó khăn: có đi Úc du học trong thời kỳ Covid này?
Chắc phải đưa lên cân tiểu li để cân đong, cái hay cái dở, cái được cái mất.
Vấn đề khó ở chỗ bây giờ bàn cân có thể nghiêng bên này bên kia nhưng dăm ba năm nữa hoặc lâu hơn thì sao?
Trong thế giới Covid, từ năm ngoái đến năm nay đã có biết bao thay đổi, làm sao tính được những chuyện dài hơi.
Nếu ai biết trước thế nào là khôn, thế nào là dại thì đó không phải là người, mà là thánh mất rồi.
Là người, bên cạnh lý trí còn có cảm tính. Trên thực tế, con người thường quyết định mọi việc dựa trên ý thích nhiều hơn là logic.
Bạn muốn mua gì để ăn, tìm quần áo, mua xe, mua nhà, chơi chứng khoán, chọn vợ, chọn chồng, vv. là những ví dụ.
Điều bác có thể nói với cháu rằng cháu đã đến tuổi trưởng thành và phải là decision maker, không ai làm thay được, dù là bố mẹ cháu. Nhưng nếu thực sự yêu thương thì mọi người sẽ hết lòng ủng hộ cháu, kể cả những việc cháu quyết định sai.
Cuộc sống sẽ có muôn vàn bất trắc, cần rất nhiều sức mạnh để vượt qua. Để có đủ năng lượng thì tỉnh táo là chưa đủ mà cần có đam mê, những yêu ghét cảm tính và điên rồ.
Hồi xưa bác qua Úc du học, làm sao ngờ được chuyển trường 4-5 lần, chuyển thành phố, làm hàng chục loại jobs khác nhau. Nếu không "điên" thì bỏ cuộc lâu rồi.
Nói không ngoa, 99% những người định cư ở nước ngoài là những người có máu phiêu lưu, nếu sợ và không dám liều thì chẳng bao giờ đạt mục đích.
Cháu thử đặt giả thiết nếu gặp những trở ngại không như ý muốn thì liệu có đủ yêu nước Úc để vượt qua tất cả? Chẳng ai có thể hiểu điều đó ngoài bản thân cháu.
Ả Rập vùng Vịnh: Xứ sở của những vụ Thái tử cướp ngôi Vua
Vùng Vịnh bao gồm 6 nước, đều theo chế độ quân chủ, ít nhất 4 nước trong số đó đã có chuyện. Khác với quân chủ theo kiểu Phương Đông, Thái tử không được tham dự triều chính thì ở Ả Rập, Thái tử lại có tập quán can dự vào công việc, trong nhiều trường hợp giữ chức Thủ tướng, hoặc Phó Thủ tướng khi Vua kiêm nhiệm Thủ tướng.
Năm 1902, Abdulaziz, một hậu duệ của tù trưởng bộ lạc đã từ Kuwait hồi hương và đánh chiếm được thành phố Riyadh. Lúc đó Abdulaziz mới có hai con trai, con trai cả Turki và Saud, lúc đó còn ẵm ngửa.
Trải qua 30 năm ròng rã, Adbulaziz và các con trai đã chiếm được phần lớn bán đảo Ả Rập, lập nên nhà nước Saudi Arabia. Lúc này Thái tử Turki đã chết, người con trai thứ tư là Muhamut có tính khí không phù hợp, các con khác còn nhỏ tuổi, Abdulaziz trao nhiều quyền hành cho người con trai thứ hai và thứ ba. Theo đó Saud giữ chức Thủ tướng, còn Falsal, vốn thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp làm PTT kiêm Bộ trưởng Ngoại giao.
Năm 1953, Abdulaziz “đi xa”, Saud lên ngôi và Falsal trở thành Thái tử, rồi sau này kiêm thêm Thủ tướng. Mâu thuẫn giữa hai anh em ngày càng trở nên gay gắt. Năm 1964, Faisal chính thức phế truất Saud để lên ngôi. Tuy nhiên hậu vận của Faisal cũng không tốt đẹp gì, năm 1975, ông bị một người cháu ruột bắn chết với lý do không được tiết lộ.
Qatar, nước đăng cai World cup 2022 chỉ là một nước nhỏ nhưng cũng lắm chuyện. Năm 1972, Khalifa, lúc đó là Phó vương kiêm Thủ tướng đã lật đổ người anh họ Ahmad để chiếm quyền. Khi lên ngôi năm 1960, Ahmed đã tỏ ra không quan tâm đến triều chính mà chỉ ham chơi, điều đó cho phép Khalifa ngày càng thâu tóm quyền lực để chờ đến khi “ông anh” vắng mặt khi ra nước ngoài thì hành động. Năm 1977, Ahmed qua đời vì ung thư, thi hài được đưa về nước để làm lễ quốc tang.
Đến năm 1995, chính Khalifa khi đi nghỉ mát ở Châu Âu lại bị con trai Thái tử Hamad lật đổ. Năm 2004, ông hồi hương và mất vào năm 2016 khi đã 84 tuổi. Trước đó, Hamad đã thoái vị để nhường ngôi cho con trai thứ tư là Tamin, nhưng người ra cho rằng dù không làm Vua thì Hamad vẫn là người có quyền lực tối cao. Tuy nhiên mấy năm gần đây ông ít xuất hiện trước công chúng vì lý do sức khỏe.
Tại Oman, năm 1970, Thái tử Qaboos đã làm cuộc đảo chính không đổ máu lật đổ vua cha Taimur. Qaboos cầm quyền trong thời gian kỷ lục 50 năm, mới mất năm ngoái. Ông là người đồng tính, không có con nên một người cháu đã lên thay.
Cuộc “kháng chiến” 1990-1991 chống Iraq xâm lược gắn liền với tên tuổi của ba anh em Jaber III (SN 1926) là Vua, Saad (SN 1930) là Thái tử kiêm Thủ tướng và Sabah (SN 1929) giữ chức Phó TT thứ nhất kiêm ngoại trưởng. Năm 2003, Saad nhường chức Thủ tướng cho Sabah.
Câu chuyện xảy ra khi Jaber III qua đời năm 2006, theo quy trình Saad sẽ lên ngôi và Sabah trở thành Thái tử. Tuy nhiên, viện dẫn lý do sức khỏe, Saad đã bị buộc phải thái vị để Sabah, lúc đó đã 77 tuổi lên thay. Sabah thọ đến 91 tuổi mới chết khi đang điều trị tại Mỹ vào năm ngoái 2020.
Tại Bahrain, vua Hamad đã 71 tuổi nên công việc đang chuyển dần sang Thái tử kiêm Thủ tướng Salman, người chỉ kém cha 19 tuổi. Salman được coi là người có tư tưởng cải cách và ông đang biến những ý tưởng của mình thành hiện thực.
Trong UAE, Vua Abu Dhabi là tiểu vương quốc hùng mạnh nhất giữ chức tổng thống liên bang. Tuy nhiên vua Khalifa, 73 tuổi từ lâu đã không điều hành vì lý do sức khỏe mà người cầm quyền trên thực tế là Thái tử Mahamed, em trai ông.
Trong lịch sử Việt Nam và Trung Quốc chưa có trường hợp nào Thái tử cướp ngôi Vua, ngoại trừ trường hợp Sở Mục vương được coi là đã ép cha Sở Thành vương phải tự tử để lên ngôi. Một chi tiết được thêu dệt là trước khi chết Thành vương xin được ăn nốt bát chân gấu hầm nhưng không được. Tuy nhiên về độ xác thực của câu chuyện này không đảm bảo vì việc cướp ngôi này (nếu có) thì đã xảy ra quá lâu 2,700 năm và không có bằng chứng tư liệu nào.
Sở dĩ có khác biệt này là từ xưa, văn hóa phương Đông đề cao tuyệt đối uy quyền của vua, người nhà của Vua, kể cả Thái tử cũng không được tham chính.
Ngày hội của cựu sinh viên Úc (tường trình)
Vào một ngày cuối thu 2021, tiết trời đã trở nên lạnh giá, buổi kỷ niệm tròn một năm thành lập Hội cựu sinh viên VAA đã được tổ chức vui tươi, an toàn tại Sydney.
Ở Liberty palace, Bankstown ngày chủ nhật luôn khó đậu xe, huống chi hôm nay lại có thêm sự kiện 130 người. Ban đầu, BTC dự tính tổ chức 100 người, nhưng rồi cứ thêm và thêm mà căn phòng thường dùng cho tiệc cưới sức chứa có hạn.
Không khí náo nhiệt ngay từ lúc bắt đầu đón khách 11.30. Tưởng ai, toàn người quen cũ, đôi khi 5-10-15 năm mới gặp lại mừng mừng tủi tủi, nghĩ lại thời ôn nghèo kể khổ.
Thời sinh viên ai cũng giống ai, tiền nong không có nhưng vui, bây giờ thì súng sính quần áo đẹp nhưng cũng không thiếu nếp nhăn trên mỗi khuôn mặt.
Mình đi cùng cô hàng xóm (ngủ chung giường), vì đăng ký riêng nên BTC xếp ngồi hai bàn khác nhau. Cổ ngồi với bạn cổ, mình ngồi với bạn mình, cũng hợp lý.
Chương trình bắt đầu với phần giới thiệu và chào mừng của MC Hien Bui. Thay mặt VAA, PCT Giang M Ho đã giới thiệu về Hội cựu sinh viên. Tới nay Hội đã có bốn ngàn mấy thành viên, từ 36 nước, đông nhất là tại Úc, kế đến là Việt Nam. Hội đã đăng ký chính thức với chính quyền tiểu bang VIC, nơi đặt địa chỉ chính, do Nguyen Thanh (Hải) làm Chủ tịch.
Mọi người đều biết hiện nay Melbourne đang lockdown nên mặc dù thành viên của Melbourne đông hơn Sydney nhưng không thể tổ chức được sự kiện nào cả.
Tiếp theo cô Kim, đại diện Blue Dragon, một tổ chức từ thiện cho trẻ em Việt Nam đã phát biểu, cám ơn sự ủng hộ của các thành viên VAA đối với Rồng Xanh.
Phần đấu giá hai bức tranh, một bức phong cảnh hoa sen và một bức chân dung do cô Queenie Lee Quyên phụ trách. Mức giá gay cấn, được nâng lên chóng mặt, kết quả hai người thắng là hai nữ doanh nhân thành đạt, cô Vu Cam La Huong trả $1000 cho Tranh sen và cô Julie Nguyen (Hằng) với $700 cho tranh chân dung, tuy nhiên Julie donate thêm $300 cho "gọn sổ sách".
Theo tính toán chưa đầy đủ, số tiền quyên góp trong buổi gặp mặt lên tới trên $5,000.
Trong khi mọi người thưởng thức bữa ăn trưa, các MC đã đi từng bàn để phỏng vấn, trò chuyện, hiểu thêm về hoàn cảnh, tâm tư của các thành viên đến tham dự.
Tiết mục quay sổ số diễn ra hào hứng do cô Phuong Phan chủ trì với 1 giải nhất, 1 giải nhì, ba giải ba và bốn giải khuyến khích.
Trong bối cảnh giải cứu vải thiều trong nước, anh Hòa đại diện thương mại đã thông tin về tình hình xuất khẩu vải sang Úc. Đây cũng là điều bà con bên Úc rất mong chờ để được thưởng thức hương vị quê hương.
Lễ cắt bánh đã diễn ra một cách long trọng, trước khi kết thúc buổi gặp mặt bằng những ca khúc bolero.
Xem kẽ trong chương trình là các tiết mục trình diễn của ban nhạc Trúc Xinh do Nghệ sĩ Minh Ha Patmore chỉ đạo nghệ thuật. Các cháu nghệ sĩ nhí đã được BTC cũng là Ban công tác xã hội của Hội động viên bằng giấy khen và các món quà.
Một điều cũng nên nhắc lại, VAA là tổ chức phi chính trị, bất vụ lợi, có thể ví như một ngôi nhà sinh hoạt về các mối quan tâm chung cho các cựu sinh viên Úc. Các sinh viên không du học Úc nhưng đã tham dự các khóa học của Úc hoặc cựu sinh viên trong tương lai cũng được hoan nghênh gia nhập hội.
Chúng ta mong muốn được hẹn gặp lại vào thời gian này sang năm.
Chung kết CL: Chiến thắng của những tính toán hợp lý
Mùa giải “Covid 19” đã khép lại với trận chung kết Champion League giữa hai đấu thủ đều thuộc Premier League, điều lặp lại lần thứ hai trong vòng ba năm qua, khi Liverpool đã vượt qua Tottenham để đoạt cup, và lần này là trận Chelsea đụng Manchester city. Rất may, tình hình Covid đã tạm lắng xuống ở Châu Âu, cho phép người hâm mộ có dịp trở lại với các sân vận động trong mấy vòng đấu cuối cùng.
Mùa giải năm nay, Man city đã tỏ ra vượt trội ở giải quốc nội, về đích trước ba vòng đấu. Do đó đội hoàn toàn có quyền thư thái đi tìm điểm rơi phong độ cho trận đấu cuối cùng, cũng là một dịp may hiếm có vì đây là lần đầu tiên Man city lọt vào trận chung kết danh giá nhất của Châu lục.
Về phía Chelsea, HLV mới Tuchel là người thua trong trận chung kết năm ngoái cùng PSG cũng nóng lòng muốn phục thù. Dường như ông đã buông cuộc đua top 4 cho suất CL để chuẩn bị cho trận đánh lớn. Trong trận đấu cuối cùng cách đây một tuần, Tuchel đã để thủ môn chính Mendy và tiền vệ Kante, người xuất sắc nhất trong trận đấu hôm nay nghỉ ngơi hoàn toàn.
Hai đội áo xanh, chỉ khác nhạt đậm, vào chung kết với hai hình ảnh trái ngược nhau, Chelsea tỏ ra có chuẩn bị tốt, lột xác so với trận vừa thua Anston Villa, đội xếp nửa cuối bảng xếp hạng PL; còn Man city lại lúng túng sau khi hạ đẹp Eveton 5-0. Vấn đề là ở cái đầu hói của Pep Guadiola đã trở nên khá phức tạp.
Một lần nữa Pep đã làm mọi người kinh ngạc về cách sắp xếp đội hình khi ông chơi số 9 “ảo”, tức dùng tiền vệ De Bruyne như một trung phong lùi, đồng thời không có một tiền vệ phòng ngự nào. Sau trận, Pep biện hộ rằng Gundogan, người đá thấp nhất ở hàng tiền vệ đã chơi tốt, nhưng thật ra thế trận của Man city chỉ trở nên vững vàng khi tiền vệ phòng ngự “chuyên nghiệp” Fernandinho vào sân và đeo băng đội trưởng ở phút 64.
HLV Mourinho đã từng nói, tỉ lệ cầm bóng không quan trọng, thắng hay thua là do cơ hội. Quả thật Man city cầm bóng đến 65% thời gian nhưng số cơ hội tạo ra ít hơn hẳn so với Chelsea. Nếu Werner không bỏ lỡ hai cơ hội ngon ăn ở các phút thứ 10 và 14 thì Chelsea đã vượt lên từ rất sớm. Phút 38, Chelsea gặp bất lợi khi trung vệ Silva bị đau và khóc rời sân, rất may người thay thế Christensen cũng là một cầu thủ có kinh nghiệm và đã chơi không tồi.
Việc thay người chưa lâu thì bom tấn 80 triệu Euro Havertz đã băng xuống từ một đường chuyền chọc khe của Mount, lừa qua thủ môn Ederson để ghi bàn thắng duy nhất ở phút 42. Nếu bàn thắng không được ghi thì đây sẽ là quả phạt trực tiếp vì Ederson đã để bóng chạm tay ngoài vòng cấm địa, nhưng không phải thẻ đỏ vì lỗi vô tình.
Sang hiệp 2, Man city miệt mài tấn công để tìm bàn gỡ. Lại thêm một va chạm mạnh khiến De Bruyne sưng vù mắt và khóc nức nở rời sân và rất may cho “hung thủ” Rudiger chỉ bị thẻ vàng. Cả trận đấu, cơ hội ngon ăn nhất của Man city chỉ là cú sút vọt ngay trên vạch 16.50 của cầu thủ người Algieria Mahrez vọt sà trong gang tấc ở phút 90+7, cũng là phút cuối cùng của trận đấu.
Chiến thắng này cho thấy Tuchel là khắc tinh của Pep khi giành phần thắng “ba keo mèo mở mắt” chỉ trong vòng 6 tuần trên cả ba đầu trường gồm FA cup, PL và nay là CL.
Mình không phải fan của Man city hay Chelsea, nhưng có chú em rể định cư ở London là fan của Chelsea, nên cũng mong Chelsea thắng. Tuy nhiên, sang hiệp 2 lại muốn Man city gỡ hòa để được xem thêm hiệp phụ. Rất tiếc lối đá bế tắc của Man xanh không có “cửa” và Chelsea đã phòng ngự rất chặt chế và thắng lợi một cách xứng đáng.
Vạn sự khởi đầu nan
Ngày mai 25/5 đánh dấu 10 năm mình và gia đình định cư tại Úc. Đây là lần thứ hai mình cập bến Úc, lần đầu vào năm 1994 là đi du học. So sánh thì thấy lần thứ hai này gian nan hơn rất nhiều bởi vì trách nhiệm với hai đứa con còn nhỏ, cháu lớn 5,5 tuổi, cháu bé 4 tuổi.
Có một người bạn ví von thế này: một cái cây bị đánh bật gốc để mang đi trồng tại một nơi mới, liệu nó có sống nổi không? Có hai cú sốc: cây đang ra trái để ăn đều đều, bây giờ không ra thu nhập; thứ hai là vấn đề thời gian, khi có hai con nhỏ, không có osin hay bất kỳ ai đỡ đần thì trong hai vợ chồng sẽ mất một nhân lực để đưa đón và chăm sóc con.
Một quy luật đương nhiên: muốn hái quả thì phải trồng cây và giai đoạn trồng cây không nhanh được, phải mất khoảng 3-5 năm, đó là trường hợp nhà mình, cũng có người nhanh hơn hoặc chậm hơn. “Trồng cây” là làm cái gì? Theo mình đó là việc học hỏi (learn).
Có cách nào không cần learn không? Có hai trường hợp: hoặc là bạn đã quá giàu, không cần kiếm tiền vẫn sống được; hoặc bạn quá tài năng, đã có kinh nghiệm trong tập đoàn lớn (recognized), bạn không cần đi xin việc mà người ta tìm và mời bạn ra làm việc.
Learn bằng cách nào? Theo kinh nghiệm cá nhân, bạn phải có việc làm và biết kết bạn. Hai việc này cũng liên quan đến nhau, học qua công việc mới bổ ích và những người đồng nghiệp thường đưa ra những lời khuyên có trách nhiệm và xác đáng nhất.
Điều mà mình tự cảm thấy phục mình là mình rất có ý thức về việc học hỏi, không bao giờ chê bai, việc gì cũng làm, làm nhiệt tình và chăm chỉ. Rất may, khi cháu út nhà mình học đến lớp 5, mình được giải phòng khỏi việc đưa đón con thì cũng là lúc có nhiều mối quan hệ, nhiều việc làm để có thể “bung lụa”, và có thể coi kết thúc giai đoạn khởi đầu nan.
Bây giờ dù già rồi, mình vẫn làm khoảng 45-48 giờ mỗi tuần được trả tiền, không kể việc không lương. Lúc nào mình cũng có 2-3 jobs trở lên. Bà xã mình cũng làm fulltime. Tụi mình còn làm một điều có ích cho xã hội và tương lai nước Úc nữa là nuôi dạy hai đứa con học tốt, phát triển toàn diện.
Nhiều bạn bè còn lưỡng lự xem có nên sang Úc định cư không? Câu trả lời là các bạn sẽ phải trả giá, sẽ vất vả trong vài năm đầu, còn sau đó sẽ ổn. Có người so sánh con chim trong lồng, được ăn uống đầy đủ với cánh chim tự do nhưng bữa no bữa đói. Mình thấy so sánh như thế chưa sát lắm vì chim trong lồng vẫn có thể đói và chim tự do vẫn kiếm được nhiều thức ăn.
Đúng hơn là hình ảnh cá chép hóa rồng. Mục đích chúng ta là một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ, do đó sống ở đâu, làm gì cũng nhắm vào cái đích này thôi. Có điều quan niệm có thể thay đổi, hạnh phúc của cá chép và hạnh phúc của rồng cũng rất khác nhau!
Kết thúc cuộc phiêu lưu của Roy Hodgson
Chỉ còn hơn hai tháng nữa, Roy Hodgson bước vào tuổi 74 và sự nghiệp cầu thủ và HLV dài lâu 59 năm của ông sắp đi đến hồi kết.
Điều lý thú là trong gần 60 năm, Roy mở đầu và chia tay tình yêu với trái bóng tròn cùng ở đội Cung điện Thủy tinh (Crystal Palace). Đây chỉ là một đội bóng nhỏ của London, sức chứa sân vận động chỉ có trên 20,000 người. Crystal Palace thành lập năm 1905, tức là khá “ngắn” so với các đội nhà nghề Anh quốc.
Trong lịch sử, Palace thường chơi ở hạng 2 hoặc hạng 3 trong 4 hạng nhà nghề của bóng đá Anh. Vậy mà Roy chưa từng được thi đấu bất kỳ trận nào cho đội mà chỉ được xếp vào đội trẻ hoặc đội hình dự bị. Năm 1966, khi 21 tuổi, Roy chuyển sang các đội bóng thấp cấp hơn rồi giải nghệ sớm ở tuổi 29.
Năm 2002, mình đi đón khách ở sân bay Dubai thì tình cờ trông thấy Roy, lúc đó là HLV trưởng đội tuyển UAE đang đi cùng với đội. Mình bỏ khách chạy ra chào và nói chuyện với ông. Nếu ở Úc, mình sẽ nói “Hello Roy” nhưng vì bên UAE “nịch sự” hơn nên mình gọi ông là “Mr. Hodgson”.
Lúc đó Hodgson khoảng bằng tuổi mình bây giờ. Luống cuống quá, không biết nói gì mới hỏi ông đi đâu đấy. Ông bảo đưa đội đi tập huấn ở châu Âu, ờ, lúc đó đang mùa hè thì Dubai rất nóng. Mình đưa cardvisit cho Hodgson và định xin card thì ông bye bye rồi đi luôn, nói phải đi ngay với đội!
Nước Anh là quê hương bóng đá và giải Ngoại hạng Anh cũng là giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh. Có lẽ đó là lý do rất ít cầu thủ hoặc HLV Anh ra nước ngoài. Nhưng Roy Hodgson là ngoại lệ, ông lê la khắp nơi và cuộc đời HLV của ông cũng có nhiều bước thăng trầm. Ông có biệt tài biết nhiều ngôn ngữ, thông thạo tiếng Thụy Điển, Ý, Na uy, chút ít tiếng Đức, Đan Mạch, Pháp và Phần Lan.
Nếu như quãng thời gian gần 2 năm (2002-2004) nắm đội UAE có thể coi là thất bại thì ông lại thành công với đội tuyển Thụy Sĩ khi đưa đội này vào vòng 16 tại World cup 1994. Roy vinh dự được dìu dắt đội tuyển Anh trong bốn năm 2012-2016.
Phần lớn thời gian Roy làm công tác huấn luyện với các câu lạc bộ Thụy Điển, Anh Quốc, Thụy Sĩ, Ý. Đội bóng nổi tiếng nhất mà ông kinh qua chính là Liverpool, nhưng lại là một kỷ niệm buồn khi bị cách chức chỉ sau 6 tháng.
Gừng càng già càng cay, dường như những năm về sau, sự nghiệp cầm quân ngày càng trở nên thành công. Trong 4 năm qua, đó là Crystal Palace và đó cũng là thời kỳ được coi là hoàng kim của đội bóng này. Từ một đội bóng luôn bị đe dọa xuống hạng, Palace thời Hodgson đứng vào khoảng lưng chừng ở bảng xếp hạng Ngoại hạng Anh.
Trước vòng đấu cuối cùng đêm nay, Palace xếp thứ 13, tuy nhiên vì đối mặt Liverpool hùng mạnh và đang khát điểm, nhiều khả năng trong trận cầm quân cuối cùng của Roy sẽ là một trận thua và đội có thể rớt xuống thứ 14, thậm chí 15 chung cuộc. Dù sao, Crystal Palace đã có một mùa giải tốt với một HLV lão thành, yêu nghề và tài năng.
Nghề HLV không chỉ là nói hay viết mà còn phải thể hiện các động tác trực quan khi hướng dẫn cầu thủ. Vì thế, tuổi tác là một rào cản và tới nay chỉ có 4 HLV từng trụ được tại Premier League ở tuổi ngoài 70, đó là Robson, Ferguson, Warnock, trong đó Hodgson giữ kỷ lục già nhất.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)