Vùng Vịnh bao gồm 6 nước, đều theo chế độ quân chủ, ít nhất 4 nước trong số đó đã có chuyện. Khác với quân chủ theo kiểu Phương Đông, Thái tử không được tham dự triều chính thì ở Ả Rập, Thái tử lại có tập quán can dự vào công việc, trong nhiều trường hợp giữ chức Thủ tướng, hoặc Phó Thủ tướng khi Vua kiêm nhiệm Thủ tướng.
Năm 1902, Abdulaziz, một hậu duệ của tù trưởng bộ lạc đã từ Kuwait hồi hương và đánh chiếm được thành phố Riyadh. Lúc đó Abdulaziz mới có hai con trai, con trai cả Turki và Saud, lúc đó còn ẵm ngửa.
Trải qua 30 năm ròng rã, Adbulaziz và các con trai đã chiếm được phần lớn bán đảo Ả Rập, lập nên nhà nước Saudi Arabia. Lúc này Thái tử Turki đã chết, người con trai thứ tư là Muhamut có tính khí không phù hợp, các con khác còn nhỏ tuổi, Abdulaziz trao nhiều quyền hành cho người con trai thứ hai và thứ ba. Theo đó Saud giữ chức Thủ tướng, còn Falsal, vốn thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp làm PTT kiêm Bộ trưởng Ngoại giao.
Năm 1953, Abdulaziz “đi xa”, Saud lên ngôi và Falsal trở thành Thái tử, rồi sau này kiêm thêm Thủ tướng. Mâu thuẫn giữa hai anh em ngày càng trở nên gay gắt. Năm 1964, Faisal chính thức phế truất Saud để lên ngôi. Tuy nhiên hậu vận của Faisal cũng không tốt đẹp gì, năm 1975, ông bị một người cháu ruột bắn chết với lý do không được tiết lộ.
Qatar, nước đăng cai World cup 2022 chỉ là một nước nhỏ nhưng cũng lắm chuyện. Năm 1972, Khalifa, lúc đó là Phó vương kiêm Thủ tướng đã lật đổ người anh họ Ahmad để chiếm quyền. Khi lên ngôi năm 1960, Ahmed đã tỏ ra không quan tâm đến triều chính mà chỉ ham chơi, điều đó cho phép Khalifa ngày càng thâu tóm quyền lực để chờ đến khi “ông anh” vắng mặt khi ra nước ngoài thì hành động. Năm 1977, Ahmed qua đời vì ung thư, thi hài được đưa về nước để làm lễ quốc tang.
Đến năm 1995, chính Khalifa khi đi nghỉ mát ở Châu Âu lại bị con trai Thái tử Hamad lật đổ. Năm 2004, ông hồi hương và mất vào năm 2016 khi đã 84 tuổi. Trước đó, Hamad đã thoái vị để nhường ngôi cho con trai thứ tư là Tamin, nhưng người ra cho rằng dù không làm Vua thì Hamad vẫn là người có quyền lực tối cao. Tuy nhiên mấy năm gần đây ông ít xuất hiện trước công chúng vì lý do sức khỏe.
Tại Oman, năm 1970, Thái tử Qaboos đã làm cuộc đảo chính không đổ máu lật đổ vua cha Taimur. Qaboos cầm quyền trong thời gian kỷ lục 50 năm, mới mất năm ngoái. Ông là người đồng tính, không có con nên một người cháu đã lên thay.
Cuộc “kháng chiến” 1990-1991 chống Iraq xâm lược gắn liền với tên tuổi của ba anh em Jaber III (SN 1926) là Vua, Saad (SN 1930) là Thái tử kiêm Thủ tướng và Sabah (SN 1929) giữ chức Phó TT thứ nhất kiêm ngoại trưởng. Năm 2003, Saad nhường chức Thủ tướng cho Sabah.
Câu chuyện xảy ra khi Jaber III qua đời năm 2006, theo quy trình Saad sẽ lên ngôi và Sabah trở thành Thái tử. Tuy nhiên, viện dẫn lý do sức khỏe, Saad đã bị buộc phải thái vị để Sabah, lúc đó đã 77 tuổi lên thay. Sabah thọ đến 91 tuổi mới chết khi đang điều trị tại Mỹ vào năm ngoái 2020.
Tại Bahrain, vua Hamad đã 71 tuổi nên công việc đang chuyển dần sang Thái tử kiêm Thủ tướng Salman, người chỉ kém cha 19 tuổi. Salman được coi là người có tư tưởng cải cách và ông đang biến những ý tưởng của mình thành hiện thực.
Trong UAE, Vua Abu Dhabi là tiểu vương quốc hùng mạnh nhất giữ chức tổng thống liên bang. Tuy nhiên vua Khalifa, 73 tuổi từ lâu đã không điều hành vì lý do sức khỏe mà người cầm quyền trên thực tế là Thái tử Mahamed, em trai ông.
Trong lịch sử Việt Nam và Trung Quốc chưa có trường hợp nào Thái tử cướp ngôi Vua, ngoại trừ trường hợp Sở Mục vương được coi là đã ép cha Sở Thành vương phải tự tử để lên ngôi. Một chi tiết được thêu dệt là trước khi chết Thành vương xin được ăn nốt bát chân gấu hầm nhưng không được. Tuy nhiên về độ xác thực của câu chuyện này không đảm bảo vì việc cướp ngôi này (nếu có) thì đã xảy ra quá lâu 2,700 năm và không có bằng chứng tư liệu nào.
Sở dĩ có khác biệt này là từ xưa, văn hóa phương Đông đề cao tuyệt đối uy quyền của vua, người nhà của Vua, kể cả Thái tử cũng không được tham chính.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét