Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2021

Hồi ký Arsene Wenger: My life in Red and White

 

Sau 4 ngày làm con mọt sách, mình đã đọc xong cuốn hồi ký của HLV Arsene Wenger. Thư viện đóng cửa trong mùa Covid nên không có gì để đọc, mình phải đặt sách từ bên Anh quốc, mất 3 tuần sách mới về.
Hồi ký là thể loại mình chưa bao giờ đọc hết trọn vẹn cả quyển, kể cả tiếng Việt hay tiếng Anh, nhưng đối với Arsene thì đó là ngoại lệ. Đối với mình, nếu có một đại sảnh danh vọng Premier League như các cầu thủ thì Wenger là HLV vĩ đại nhất, thứ nhì mới là Sir Alex Ferguson, tiếp theo Mourinho, Guardiola, Klopp, Ancerlotti, Conte...
Nếu coi bóng đá là một tôn giáo thì thực sự Wenger là một trong nhưng môn đồ cuồng tín nhất. Cả cuộc đời ông không có một thú vui nào ngoài bóng đá. Ông kết hôn muộn với một phụ nữ đã có một đời chồng và hai con riêng và đến năm 48 tuổi mới có một đứa con gái duy nhất. Tuy nhiên cuộc hôn nhân được coi là khá ngắn ngủi cho đến khi li dị, do đó hầu hết cuộc đời ông sống độc thân, chỉ ăn ngủ và dành trọn thời gian cho bóng đá.
Cuốn hồi ký của một HLV bóng đá nhưng không chỉ gói gọn những chuyện bóng đá mà có rất nhiều triết lý về cuộc sống. Với biệt danh “Giáo sư” Wenger có kiến thức uyên thâm về nhiều lĩnh vực, nhiều ý tưởng sắc sảo, táo bạo để cách tân môn bóng đá.
Mình thích câu ngạn ngữ “không đem chuyện thành bại để luận anh hùng”. Lưu Bị, Quan Vũ, Khổng Minh có thể không thành công, không đạt được những ước nguyện nhưng vẫn được người đời sau tôn thờ, hơn hẳn nhưng nhân vật công thành danh toại khác.
Nếu nói riêng về bề dày thành tích, ông không bằng Sir Alex, nhưng nếu biết rằng trong 16 năm đối đầu, ngân sách của đội Arsenal chỉ bằng phân nửa hoặc ít hơn so với đội Manchester United thì sẽ thấy tính hiệu quả của Wenger cao hơn.
Chính Wenger đã phát biểu rằng nếu chạy theo tiền lương cao, các danh hiệu thì ông không ở Arsenal lâu như thế vì ông được mời chào bởi nhiều CLB danh tiếng như Real Madrid, Bayern Muchen, PSG...Ông coi trọng đam mê và lòng trung thành hơn.
Wenger là HLV kỳ tài nhưng sự nghiệp cầu thủ của ông thì lại khá bình thường. Arsene từng chơi cho đội bóng quê nhà FC Strasbourg vô địch nước Pháp 1978-1979, nhưng chính mùa bóng đó anh chỉ được ra sân 2 lần còn chủ yếu khoác áo dự bị. Cũng chính vì thế Arsene giải nghệ khá sớm, ở tuổi 30 đã bắt đầu làm HLV kiêm cầu thủ và do đó số lần ra sân càng ít ỏi.
Arsene Wenger sinh ra và lớn lên tại năm 1949 tại ngôi làng Duttlenheim, gần thành phố Strasbourg trong một gia đình trung lưu, cha mẹ làm doanh nghiệp nhỏ. Năm ông sinh ra cũng là năm thành lập nước CHLB Đức, tức Tây Đức sau đại chiến và vùng quê nói tiếng Đức chính thức bị cắt sang lãnh thổ nước Pháp.
Trước khi xuất bản cuốn hồi ký này vài tháng là lúc anh trai hơn 5 tuổi của Arsene qua đời. Anh của Arsene cũng là một cầu thủ chuyên nghiệp, thuở nhỏ hai anh em đá bóng với nhau và nảy nở tình yêu với trái bóng từ một làng quê Duttlenheim hẻo lánh.
Khi lên thành phố Strasbourg, được tuyển chọn vào đội bóng chuyện nghiệp, Wenger vẫn tiếp tục sự nghiệp học hành lấy được bằng cử nhân về kinh tế, rồi lấy bằng HLV khá sớm. Nhận thức tiếng Anh là quan trọng nên Arsene đã sang Anh để theo học một khóa tiếng Anh ngắn hạn, điều này giúp ích cho anh rất nhiều sau này khi trở thành HLV của Arsenal. Wenger được coi là thông thạo tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Anh, biết chút tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý và tiếng Nhật.
Wenger chính thức trở thành HLV trưởng của đội Nancy khi mới 34 tuổi. Trong ba mùa bóng ông đã làm đội này xuống hạng nhưng mọi người hiểu không phải do lỗi của ông, vì thế Wenger được đội Monaco mời về. Không phụ lòng tin, Wenger đưa Monaco đến chức vô địch nước Pháp năm 1988, cup quốc gia 1991.
Trong giải bóng 1991-1992 có một sự cố mà sau nhiều năm mới được hóa giải. Đó là bê bối dàn xếp tỉ số của đội Marseille để đội này vượt lên Monaco và giành chức vô địch. Khi sự việc bị phát giác, Marseille bị buộc phải xuống hạng nhưng đã quá muộn, Wenger đã quyết định từ bỏ bóng đá Pháp để sang hành nghề ở Nhật.
Chỉ với 18 tháng, Wenger đã đưa đội Nagoya giành chức vô địch, cup quốc gia và siêu cup của Nhật Bản. Việc này không được đánh giá cao vì bóng đá Nhật vẫn được coi là một “chú lùn’ của thế giới nhưng cũng đủ để ban lãnh đạo Arsenal thấy sự kỳ lạ của Wenger và mời ông gia nhập đội.
Trong triều đại 22 năm tại Arsenal, ông đã biến một đội bóng đang gặp khủng khoảng trở thành nhà vô địch nước Anh, cup FA, vào chúng kết CL...tổng cộng 17 danh hiệu. Để làm cuộc cách mạng ở đây, Wenger đã đưa các thành tựu về tâm lý học và dinh dưỡng học vào bóng đá.
Triết lý bóng đá của ông cũng khác lạ, đó là bóng đá cống hiến, dệt gấm thêu hoa làm say lòng khán giả. Arsenal luôn là đội bóng bán vé đắt nhất, kể cả đến nay mà sân vẫn kín. Nhưng khi Arsenal đầu tư xây dựng sân vận động mới lớn hơn, vô hình chung đã làm yếu đi khả năng tài chính của đội trên thị trường chuyển nhượng.
Với con mắt tin đời, Wenger đã từng tiếp cận Ronaldo, Suarez, Y. Toure, Mbappe... nhưng không đủ tiền để thu nạp. Không những thế, Arsenal còn mất đi nhiều cầu thủ hàng đầu như Henry, Fabregas, Adebayer, van Persie...
Cho dù thiếu vắng cầu thủ giỏi, đội bóng của Wenger vẫn có thể chơi một thứ bóng đá quyến rũ, có thể thắng bất kỳ đội bóng vào và luôn ghi được nhiều bàn thắng. Wenger thừa nhận chưa sẵn sàng ra đi và rất buồn khi mất việc, nhưng ông đã ở đội quá lâu rồi, đã đến lúc phải có sự thay đổi.
Cho dù các HLV Emery và Arteta không thiếu tài năng, di sản của ông đã bị phá tan tành, thành tích của Arsenal tiếp tục đi xuống, đứng hạng 8 hai mùa bóng liền và hiện nay còn thấp hơn. Mình đã tính thôi không làm fan của Arsenal nữa thì đọc được dòng chữ:
“If you love Arsenal one, you love it for ever”. Arsene vẫn còn yêu Arsenal và mình cũng vậy!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét