Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2021

Có thể nào sống chung với Covid?


Đây là câu hỏi từ lâu, nhưng bây giờ nước Úc chậm tiến mới có câu trả lời. Theo tin tức mới nhất, Sydney sẽ dỡ bỏ phong tỏa từ 11/10 tới, theo đó các nhà hàng, quán xá sẽ được đón khách đã tiêm chủng trở lại thay vì phải “mang đi xa” như hiện nay.
Ở Việt Nam năm ngoái, ai đòi mở cửa từng bị coi là “phản động” mặc dù cùng lúc Châu Âu và Mỹ vẫn chỉ lockdown cục bộ trong ngắn hạn, làm số người chết lên đến 5% ca nhiễm như ở Ý. Nhưng rồi Việt Nam cũng thay đổi, các bước chuẩn bị cho việc “sổ lồng” đang được ráo riết tiến hành.
Lý do nào của việc “tự diễn biến” như vậy? Đơn giản thôi: Tiền!
Ở Mỹ, vật giá tăng mạnh, một dấu hiệu hiển nhiên của lạm phát. Nếu Mỹ thắt chặt chi tiêu sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nước đang xuất khẩu vào Mỹ. Trong bối cảnh Thái Lan đã dỡ bỏ phong tỏa, Việt Nam không muốn chậm chân, nếu không sẽ đối mặt với nguy cơ bị mất các đơn hàng vào tay các đối thủ trong khu vực.
Một chi tiết thú vị, đội Manchester United đã bán được 60 triệu USD tiền bán áo số 7 của Ronaldo nhưng cực chẳng đã, phải xin khất ngày giao hàng vì nhà máy sản xuất Adidas tại Việt Nam đang tạm thời phải đóng cửa.
Tại Trung Quốc đang dấy lên tin đồn về Đại gia bất động sản Evergrande sắp vỡ nợ. Bất động sản Trung Quốc đã phát triển nóng từ nhiều năm nay với hàng loạt thành phố ma, các tuyến đường sắt bỏ hoang kiểu như Cát Linh ở Hà Nội nhưng không đáng sợ vì đã có Chính phủ bảo kê. Nhưng với việc Covid xuất hiện thì người cho rằng Chính quyền sẽ bất lực nếu thị trường có diễn biến chẳng lành.
“Tin đồn” nói trên đã làm giá quặng sắt sụt giảm chỉ còn phân nửa so với cao điểm tháng 5 năm nay và dự đoán sẽ tiếp tục đi xuống. ĐIều này dĩ nhiên là giáng đòn mạnh vào nguồn thu của ngân sách chính phủ Úc.
Với việc dỡ bỏ lockdown, chương trình trợ cấp dịch bệnh (disaster payment) sẽ chấm dứt, chính phủ cắt giảm được một khoản chi đáng kể.
Đến nay có tất cả 5 biến thể coronavirus, trong đó Delta là nguy hiểm nhất. Không ai biết liệu có còn biến thể nào nữa không, nếu có thì nó mạnh hơn hay yếu hơn những cái đã có? Riêng cuộc chiến đối với Delta cũng phải tính ít nhất 6 tháng nữa, không loại trừ mất vài năm.
Khi số ca nhiễm vẫn đang ở mức hàng ngàn ca mỗi ngày, bỏ phong tỏa sẽ dẫn đến ba tình huống: số ca tăng, số ca giảm, số ca đi ngang và chưa nhìn thấy khả năng số ca về zero như cùng thời gian này năm ngoái. Nghĩa là mọi người sẽ phải thực sự sống chung với Covid một cách lâu dài.
- Các hạn chế được nới lỏng nhưng có thể vẫn duy trì một số quy tắc như 4m2/ đầu người, hoặc 2m2/ đầu người.
- Mọi người trở lại văn phòng làm việc, nhưng việc làm việc tại nhà sẽ trở nên phổ biến hơn.
- Lễ lạc sự kiện, giải trí du lịch giảm bớt, kèm theo là sự suy yếu kỹ nghệ may mặc, thời trang
- Phi đô thị hóa hoặc chí ít là ngưng lại quá trình đô thị hóa. Có thể đồ đoán Châu Phi ít ca Covid hơn vì tỉ lệ dân chúng sống ở nông thôn còn rất cao, mật độ dân khá thưa.
- Khẩu trang tiếp tục là vật bất ly thân. Điều này hơi buồn. Già cả rồi, chẳng có ham hố làm ăn gì, chỉ mong ra đường để ngắm gái thì niềm vui này cũng không còn nữa!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét