Thứ Bảy, 5 tháng 2, 2022

Đi tìm thời kỳ dựng nước trong lịch sử nước ta

 

Mọi người thường nói nước ta có lịch sử trên 4,000 năm hoặc 5,000 năm. Tuy nhiên trong một cuộc hội thảo khoa học vào năm 2019, các diễn giả đã đưa ra các luận chứng rằng Việt Nam có lịch sử 2,700 năm với việc hình thành nhà nước Văn Lang.
Cách đây 2,700 các cường quốc trên thế giới như Anh, Pháp, Đức, Nga, Nhật, Mỹ đều chưa có, các nước Mỹ La tinh và Châu Phi cũng chưa. Lúc đó đang ở giải đoạn cuối của Ai Cập cổ đại, một nhà nước đã bị diệt vong và người Ai Cập hiện nay không phải là hậu duệ vì người Ai Cập cổ đại đã tuyệt chủng.
Trung Quốc cũng cho rằng họ có lịch sử 5,000 năm, trong khi người Thổ dân Úc cho rằng họ đã lập nghiệp tại lục địa Úc từ 50,000 năm về trước. Thật ra các triều đại Hạ, Thương và Tây Chu chỉ làm chủ một lãnh địa cực kỳ nhỏ bé so với nước Trung Quốc hiện nay. Những “bằng chứng” của các triều đại này chủ yếu qua truyền thuyết, kiểu như truyện mẹ Âu Cơ đẻ trăm trứng của Việt Nam, với yếu tố là hoang đường là chính.
Từ nhà Đông Chu trở đi, tức từ thời Xuân Thu Chiến Quốc thì mới bắt đầu có các tài liệu lịch sử như Sử ký Tư Mã Thiên hay nổi tiếng hơn là bộ sách Đông Chu liệt quốc.
Thời gian đầu của Xuân Thu có khoảng vài chục “nước”, trong đó nhà Chu mang tiếng là “thiên tử” nhưng không còn thực quyền, quyền lực được luân chuyển sang một số nước “xưng bá” như Tề, Tấn và Sở. Có thể so sánh hơi khập khiễng: vào năm 1945 Liên Hợp quốc chỉ có 51 thành viên, dần dần phát triển thành 193 nước như hiện nay.
Trong khoảng 200-300 năm, các bộ lạc phát triển dần lên thành bộ tộc rồi tiến lên một nhà nước phong kiến. Dần dà có khoảng 170 nước như vậy, trong đó có thể coi người Hoa Hạ chủ yếu sống quanh lưu vực sông Hoàng Hà còn người Bách Việt ở vùng sông Trường Giang.
Các nước này nói ngôn ngữ khác nhau, mỗi nước có vua riêng theo chế độ cha truyền con nổi. Họ thường xuyên có chiến tranh đồng thời cũng có sự giao lưu, liên kết với nhau.
Phải chăng Nhà nước Văn Lang ra đời trong thời kỳ này, mặc dù lãnh thổ của nó chưa được hoàn toàn xác định, rất có thể nằm ở phía Nam nước Sở. Có thể tin rằng Hùng vương đã thống nhất được 15 bộ tộc Lạc Việt để lập ra nhà nước đầu tiên. Nước Văn Lang chú trọng nghề làm lúa nước, nhà vua sống khá dân dã, còn đích thân đi cày trong lễ Tịch điền. Di tích trống đồng Đông Sơn cũng là một bằng chứng cho thấy trình độ kỹ xảo khá cao của người Việt.
Đáng chú ý, vua nước Sở cũng họ Hùng như vua nước Văn Lang. Điều này không có gì mâu thuẫn, vua nhà Lỗ cùng họ với vua nhà Chu, còn ngày nay vua của tiểu vương quốc Ras Al Khaimah và vua Shajah đều cùng họ Al Qasimi.
Như đã nói ở trên, vì với hàng trăm nước nên trong Đông Chu liệt quốc không nhắc đến Văn Lang. Trong truyện có một số nước thuộc Bách Việt có thể kể đến như Sở, Ngô, Việt (tức Mân Việt)...
Mọi người đều biết, trong các tác phẩm của Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Ngô Sĩ Liên...cũng như các nhà văn hóa người Việt đều rất “hồn nhiên” trích dẫn các điển tích từ Đông Chu liệt quốc. Điều đó cho thấy từ lâu người Việt đã coi các giá trị của thời Xuân Thu Chiến Quốc là tài sản chung của người Hoa và người Việt.
Cùng thời gian với Xuân Thu, bên phương Tây là xã hội Hy Lạp cổ đại khá cởi mở, các sáng tác, phát minh về tư tưởng và kỹ thuật được nở rộ. Xã hội phương Đông thời Xuân Thu cũng được coi là thái bình khi có những Mạnh Thường Quân hào phóng chiêu hiền đãi sĩ, sẵn sàng bỏ tài sản nuôi nhiều người.
Con người thời đó còn có thú ngao du, đi tìm bạn tâm giao trong thiên hạ. Những buổi đàm đạo có thể kéo dài nhiều ngày, nảy nở ra nhiều sáng kiến về triết lý cuộc sống, xã hội.
Trong các triết gia lớn, nổi lên Khổng Khâu, tức Khổng tử, người nước Lỗ thuộc Bách Việt. Sau khi ông qua đời khoảng 200 năm, Nho giáo do ông chủ trương mới được coi là đi vào thực tiễn bởi Tần Thủy Hoàng. Theo đó sự tập quyền lớn lao được tập trung vào ngôi hoàng đế và Tần Thủy Hoàng là người đầu tiên thống nhất được một vùng lãnh thổ rộng lớn, gần bằng ngày nay.
Nhà Tần chỉ tồn tại được một thời gian ngắn, tiếp theo là giai đoạn Hán - Sở tranh hùng, theo đó Hạng Võ đã thua Lưu Bang. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự lùi bước của người Bách Việt trước người Hoa Hạ, từ lúc đó có tên gọi mới là người Hán. Nhà Hán lên, Nho giáo ngày càng được củng cố và tăng cường, trở thành nên tảng luân lý trong xã hội.
Sự tập quyền theo Nho giáo có xu hướng cực đoan, quá đặt nặng vấn đề phục tùng, tôn ti trật tự khiến cho xã hội phong kiến Á Đông chìm vào đêm trường lạc hậu hàng ngàn năm, chỉ vì không có sự cởi mở, phát huy trí lực của mọi người để phát triển như bên Phương Tây.
Bài viết nhỏ này không có nhiều tham vọng nhưng chỉ muốn gợi mở một điều, nếu xã hội chúng ta trở về như thời kỳ lịch sử lập nước của giai đoạn Xuân Thu, khi mà chưa có nhiều sự tập quyền, xã hội sẽ có nhiều hạnh phúc và tiến bộ hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét