Thứ Bảy, 5 tháng 2, 2022

Những người anh hùng Lương Sơn Bạc

 

Mình đọc Thủy hử vào hồi lớp 6, sau này có xem thêm phim. Lâu quá, không nhớ hết chi tiết nhưng vẫn rất ấn tượng bởi lối dẫn dắt câu chuyện hấp dẫn, ly kỳ, nhiều cảm xúc cũng như tầm tư tưởng của bộ tiểu thuyết kinh điển.
Mở đầu, bộ truyện viết về Cao Cầu, một hạng người bản chất lưu manh nhưng đã len lỏi vào các nấc thang quan lại, lên đến chức Thái úy. Trong một xã hội nhiễu nhương, quan chức nhũng nhiễu dân chúng, các hảo hán như Lâm Xung, Võ Tòng, Dương Chí đã ra tay cứu giúp dân chúng và trở thành người phạm tội với triều đình.
Người được coi là khởi xướng ra phong trào nổi dậy tại Lương Sơn Bạc là Tiều Cái. Tuy nhiên sau khi Tiều Cái bị tử nạn trong một trận chiến thì Tổng Giang lên thay.
Thanh thế Lương Sơn Bạc ngày càng rộng lớn, anh hùng hào kiệt khắp nơi gia nhập vào nhóm với nhiều tài năng, tính cách đặc biệt, thậm chí kỳ lạ nữa. Khả năng chiến đấu của họ cũng đa dạng, nhiều thể loại, giỏi kỵ mã như Quan Thắng, Lâm Xung, Hồ Diên Chước, Tấn Minh, Đổng Bình, giỏi đánh bộ có Lý Quỳ, Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm, các quân sự tài ba là Ngô Dụng, Chu Vũ...
Trong số 108 vị anh hùng được vinh danh, đặc biệt có 3 phụ nữ: Cố Đại Tẩu, Hổ Tam Nương và Tôn Nhị Nương.
Tác giả Thi Nại Am (1296 – 1370) xuất thân quan lại, nhưng thấy triều chính thối nát đã về nghỉ. Từ câu chuyện có thật, ông hư cấu thêm “bẩy, tám phần” để hoàn thành Bộ sách 70 gồm thiên vào giai đoạn cuối nhà Nguyên. Bộ sách đã được mọi người yêu thích vì nó phản ánh cuộc sống sinh động của xã hội đương thời cũng như sự phản kháng chống áp bức.
Khoảng năm 1368, Minh Thế tổ mới lên ngôi đã đọc sách, nổi giận và ra lệnh tống giam Thi Nại Am. Lúc đó, người ta cho rằng La Quán Trung, học trò của Thi Nại Am, tác giả Tam quốc chí sau này đã giúp thầy viết Hậu Thủy Hử. Hậu Thủy Hử viết xong trong 1 năm, theo đó cuộc khởi nghĩa Lương Sơn Bạc đã bị triều đình đánh bại, Thi Nại Am được thả.
Sinh thời, Mao Trạch Đông coi Thủy hử như một tấm gương của cuộc đấu tranh giai cấp, của giai cấp bị trị chống lại giai cấp thống trị, rất phù hợp với giai đoạn “phản đế đả phong” khi ĐCS mới lên cầm quyền.
Ngày nay, các chính phủ đã có nhiều phương tiện tân tiến để khống chế, kiểm soát người dân nhưng không thể nói cuộc đấu tranh của các tầng lớp dưới không còn nữa hay yếu đi. Thử nhìn sang các nước Somalia, Lybia, Mali, Sudan...mỗi nước đều có nhiều “Lương Sơn Bạc” theo đó là những căn cứ của các cánh quân nổi dậy chống chính phủ trung ương.
Mình thích tính cách và quan niệm sống trọng nghĩa kinh tài, chẳng cần biết trên đầu có ai của các anh hùng trong Thủy hử. Khi nào có thời gian, mình sẽ tranh thủ xem lại trọn bộ phim hiện đã có trên youtube.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét