Thứ Ba, 28 tháng 6, 2022

Một cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đang tới?

 

Tuần qua có thể coi là một tuần mất mát và thảm họa của thị trường thế giới khi mà sàn chứng khoán toàn cầu đã đồng loạt nhuộm một màu đỏ.
Nguyên nhân chính ở đây là tình trạng lạm phát và tâm lý bi quan về triển vọng kinh tế. Lạm phát tại Mỹ đã vọt lên con số kỷ lục 8.4% và Ngân hàng dự trữ liên bang đã phải phản ứng tương ứng bằng mức nâng lãi suất cũng kỷ lục là 75 điểm (0.75%).
Tại Úc, mặc dù lạm phát không bằng Mỹ và một số nước khác nhưng chứng khoán cũng rớt mạnh. Để bù vào việc trượt giá, mức lương tối thiểu của người lao động đã được quyết định tăng thêm 5.2%, có hiệu lực từ 1/7 tới.
Do lãi suất Mỹ tăng mạnh, đồng đô Úc đã yếu đi nhiều so với đô Mỹ và để lấy lại cân bằng, lãi suất tại Úc sẽ tiếp tục tăng.
Với cuộc chạy đua về lãi suất, hệ lụy sẽ là suy thoái kinh tế và thất nghiệp. Người ta đã nói đến một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Cuộc khủng hoảng gần đây nhất là dạo 2008-2009, nhưng nó không đến nỗi tàn phá như từng lo ngại. Khách quan mà nói, khi mà kinh tế Mỹ, Nhật, EU gần như về zero thì việc Trung Quốc duy trì được đà tăng trưởng đã trở thành đầu tàu kéo lại cả thế giới.
Vũ khí của Trung Quốc lúc đó chỉ là đầu tư công thật mạnh tay, dù đã tạo ra những thành phố ma và những con đường hoang vắng không bóng người. Và bây giờ là lúc Trung Quốc đang phải chịu hậu quả của bong bóng xây dựng nhà đất và cơ sở hạ tầng.
Nếu khủng hoảng hậu Covid xảy ra thì nguy vì chưa nhìn thấy "đầu tàu" nào khác.
Có khả năng nào tránh được cuộc khủng hoảng đã được báo trước này?
Lạm phát tại Mỹ và các nước do nhiều nguyên nhân, trước hết là do giá năng lượng và giá hàng hóa gia tăng.
Dường như bây giờ là lúc thế giới ngấm đòn với con Covid khi nguồn cung hàng hóa trở nên khan hiếm. Trung Quốc vốn là “công xưởng của thế giới” nhưng sản xuất tại nước này đã chậm hẳn lại. Đợt phong tỏa dài ngày và quy mô lớn tại Bắc Kinh và Thượng Hải làm đình trệ sản xuất và lưu thông hàng hóa.
Mọi người không hiểu tại sao đến nay mà Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách mệnh lệnh hành chính về Covid một cách lỗi thời và phản khoa học như vậy. Chỉ có thể lý giải nó vì lý do chính trị nội bộ khi mà Đại hội Đảng CS đang tới gần, vào tháng 10 tới đây.
Bên cạnh đó, đòn trừng phạt bằng thuế từ thời Trump cũng là một yếu tố góp phần làm cho giá hàng hóa tăng phi mã.
Thực tế cho thấy mặt hàng tăng đột biến nhất chính là giá xăng dầu. Không phải chỉ vì chiến tranh ở Ukraine, trước cuộc chiến thì giá dầu khí đã tăng gấp đôi so với trước thời điểm ông Biden lên cầm quyền. Tất nhiên, ông Putin đã “tát nước theo mưa” làm cho cơn bão giá thêm phần long trọng chút xíu!
Trong khi đó, ông Biden đã tự giam mình vào lời hứa bảo vệ môi trường bằng cách hạn chế sản xuất dầu phiến đá ở Mỹ. Nếu ông nuốt lời hứa vào lúc này thì các đồng chí trong đảng Dân chủ của ông sẽ gặp hạn trong cuộc bầu cử quốc hội vào đầu tháng 11 tới.
Đồng thời, ông sẽ một đi một lượng fan kha khá và như vậy hy vọng tái cử tổng thống sẽ sẽ không còn. Với màn trình diễn nghèo nàn trong 18 tháng qua, ngay lúc này đã có thể đánh giá rằng một nhiệm kỳ nữa là quá xa vời đối với Biden.
Bởi vậy, đằng nào cũng không tái cử, có thể dự đoán một khả năng là Biden sẽ cho phép khai thác dầu phiến đá trở lại, chậm nhất từ tháng 11. Một mũi tên sẽ bắn được hai đích, làm dịu đi lạm phát đồng thời mở ra phương tiện để cấm vận dầu lửa đối với Putin.
Như vậy, việc lật đổ Trump sẽ trở nên vô nghĩa khi mà lại áp dụng lại chính sách cũ của ông ta, và đây là cơ hội để cho Trump trở lại? Không, dù vẫn có một lực lượng trung thành lớn nhưng cũng không nên quá lo cho việc cựu tổng thống màu mè sẽ một lần nữa lên ngôi.
Cuối tháng này, Biden sẽ đi Châu Âu họp hai hội nghị thượng đỉnh của G7 và NATO. Đối ngoại là điểm mạnh của Biden nhưng trong thời điểm hiện nay, sự đoàn kết giữa các đồng minh chưa chắc đã giúp gì được cho nền kinh tế thế giới đang sa sút.
Dầu phiến đá Mỹ có cứu được kinh tế thế giới? Đó chỉ là đoán già đoán non của mình, hãy chịu khó chờ đến tháng 11 thì biết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét