Thứ Ba, 28 tháng 6, 2022

Châu Phi – Một Châu lục bị thế giới bỏ rơi



Hai Cơ quan Lương thực của Liên hợp quốc là Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Lương nông (FAO) đã vừa cùng lên tiếng cảnh báo về một nạn đói ở Châu Phi.
Ông David Beasley, Tổng Giám đốc WFP cho hay có 48 nước chịu bị rung chuyển bởi những bất ổn, trong đó phần lớn thuộc các nước Châu Phi, rằng “tình hình hiện nay tồi tệ hơn nhiều so với thời kỳ Mùa xuân Ả Rập 2011 và cuộc khủng hoảng kinh tế 2008-2009”.
Nguyên nhân của tình trạng này, mọi người đều biết là do Covid, hạn hán và cuộc chiến tại Ukraine. Trong số 20 triệu tấn lùa mỳ và 30 triệu tấn ngô bị ách tắc không thể xuất khẩu được do chiến tranh thì điểm đến chủ yếu là của Châu Phi.
Tiếng súng vang lên ở Ukraine đã thu hút sự chú ý của cả Châu Âu và thế giới nhưng mọi người không để ý rằng tiếng súng chưa bao giờ im ở Châu Phi kể từ sau làn sóng trao trả độc lập của các đế quốc lớn, bắt đầu từ thập niên 1960s.
Hầu hết trong số 55 quốc gia thành viên của Liên minh Châu Phi (AU) được thành lập trong vòng 60 năm qua. Đó cũng là khoảng thời gian chiến tranh, nội chiến và đảo chính liên miên, hết nước này sang nước khác. Cho đến hiện nay, thực trạng các lực lượng phiến quân có vũ trang cát cứ và chống lại chính phủ trung ương vẫn còn khá phổ biến, nghiêm trọng như tại Somalia, Mali, Sudan, Ethiopia, Congo...
Mình có một người bạn đã nói một ý tưởng khá thú vị. Theo đó, cô cho rằng quê hương của cô là trái đất này (chứ không phải sao Kim, sao Hỏa), do vậy dù sống ở Mỹ hay Úc, Hà Nội hay Mường Tè thì đó vẫn là quê hương của cổ.
Tuy nhiên, rất nhiều người Việt có giấc mơ Trời Tây chứ hình như rất ít người mơ ước nhận Châu Phi là quê hương của mình.
Cá nhân mình và gia đình đã từng sống hơn 3 năm tại Châu Phi và mỗi khi nhớ lại thì những kỷ niệm đẹp lại ùa về, những trải nghiệm vô cùng quý giá. Nếu sinh sống vài năm ở Châu Phi, chắc hẳn quý bạn cũng sẽ mến yêu mảnh đất này.
Về khía cạnh chủng tộc và ngôn ngữ có thể chia Châu Phi làm hai phần chính, đó là người Ả Rập ở phía Bắc và “Châu Phi da đen” ở hạ Sahara.
Khi người da trắng đến Châu Phi thì mảnh đất rộng 28 triệu km2 còn hết sức hoang vu, đa số người dân ở đây còn sống theo kiểu bộ lạc, mà chưa có nhà nước phong kiến, ngoại trừ Ai Cập, Ethiopia và Morocco. Họ đã có công khai phá mảnh đất này, mang đến ánh sáng văn minh nhưng đồng thời để lại một vết nhơ không thể gột rửa là những chuyến tàu viên dương đưa nô lệ da đen sang Châu Mỹ. Để công bằng, cũng cần nói thêm rằng, phong tục bắt và buôn bán nô lệ đã có từ trước khi người Châu Âu đến Châu Phi chứ không phải do người da trắng khơi mào.
Theo trào lưu của thời đại, các đế quốc Anh, Pháp, Ý, Bồ Đào Nha...lần lượt rút đi và trao trả độc lập cho người bản xứ. Điều họ để lại không chỉ là nhà cửa, đường xá, cơ sở hạ tầng mà còn là thể chế chính trị đa nguyên. Các nước Châu Phi đều đã có đa đảng nhưng con đường đi đến dân chủ còn chưa đồng đều.
Thước đo dân chủ thể hiện ở đâu? Thời phong kiến, khoảng 70% ngân sách nhà nước phục vụ cho ý chí chủ quan của ông vua, đó là chiến tranh lãnh thổ, xây lăng tẩm, ban phát cho thuộc hạ. Ngày nay, có thể thấy vẫn còn nhiều nước mà ngân sách dành đến 50% cho quân đội, công an, đảng đoàn...mà người dân chỉ được hưởng khoảng 50%. Đối với các nước dân chủ tiên tiến, 80% ngân sách hoặc hơn được dùng cho y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, phúc lợi công cộng. Như vậy, nền dân chủ ở Châu Phi còn yếu khi mà chi phí cho quân đội vẫn còn quá lớn.
Ngoài thuế và bán tài nguyên, viện trợ từ nước ngoài là một nguồn thu quan trọng của ngân sách các nước Châu Phi, đặc biệt là thời chiến tranh lạnh, hai phe Liên Xô và Mỹ đều vung tiền ra mua chuộc ủng hộ chính trị từ các nước. Châu Phi có nguy cơ đi vào bần cùng hóa khi mà tiền viện trợ ngày càng bị cắt giảm, trong khi tài nguyên thô cũng có xu hướng mai một.
Nền kinh tế hùng mạnh nhất Châu Phi có thể kể đến Nam Phi mà lý do mà chúng ta có thể nhìn nhận là năng lực trình độ khá cao về quản trị. Ví dụ nước này cho thấy, người Châu Phi có khả năng và nên từng bước đứng trên đôi chân của chính mình.
Dự án Liên bang Đông Phi, học theo mô hình EU đã được khởi động và có kế hoạch công bố một quốc gia mới vào năm 2023, với thủ đô là thành phố nhỏ Arusha nằm giữa biên giới Tanzania và Kenia, với ngôn ngữ chung là tiếng Anh, tiếng Pháp. Hiện tại có 6 nước tham gia gồm Kenia, Tanzania, Uganda, Rwuanda, Burundi và Nam Sudan và đây là các nước có kinh tế phát triển vào loại ổn định nhất Châu Phi. Riêng Nam Sudan mới được tách ra từ Sudan từ năm 2011 còn nghèo khó nhưng nay đã có hòa bình và sở hữu nguồn tài nguyên dồi dào.
Hy vọng sẽ còn nhiều dự án tương tự cho một Châu Phi tốt đẹp hơn nhưng trước mắt, cuộc chiến ở Ukaine chưa có dấu hiệu kết thúc trong tương lai gần, do đó vấn đề lương thực của Châu Phi sẽ trở nên gay cấn nếu họ tiếp tục bị thế giới bỏ rơi.

Ảnh: Với việc gia nhập của Congo, bản đồ EAF sẽ thay đổi đáng kể.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét