Thứ Ba, 28 tháng 6, 2022

Các đảo quốc Thái bình dương khước từ sự “Thịnh vượng” kiểu Trung Quốc

 

Theo mô hình thượng đỉnh Mỹ + 10 nước ASEAN, một cuộc họp Trung Quốc + 10 đảo quốc Thái Bình dương nhưng ở cấp Ngoại trưởng mới đây đã diễn ra tại Suva, thủ đô Fiji. Theo ông Vương Nghị, ngoại trưởng Trung Quốc, các nước Thái bình dương “đừng quá lo lắng và cũng đừng quá căng thẳng, bởi vì sự phát triển và thịnh vượng chung của Trung Quốc cũng như tất cả các nước đang phát triển đồng nghĩa với sự hòa hợp, công bằng hơn và tiến bộ hơn”.
Mười đảo quốc phó hội lần này bao gồm Fiji, PNG, Samoa, Tonga, Kiribati, Micronesia, Vanuatu, Solomon, Cook Islands và Niue. Nhìn vào thành phần này chúng ta thấy thiếu vắng New Caledonia, tức Tân Đảo, một nước có gần 300,000 dân nhưng lại thuộc Pháp, và 4 nước khác có quan hệ Ngoại giao chính thức với Đài Loan và không có quan hệ với Bắc Kinh.
Trong khi đó, cuộc họp có mặt Cook Islands và Niue, hai tiểu quốc nhỏ bé và không phải là thành viên Liên hợp quốc. Cook Islands có chưa đầy 20,000 người, bằng dân số xã, còn Niue xấp xỉ 2,000 như một thôn, đã tách ra từ New Zealand từ các năm 1992 và 1994, tuy nhiên NZ vẫn bảo hộ hai nước về quân sự cũng như dùng chung tiền tệ.
Một thông cáo chung với nhiều “offer” béo bở theo một kế hoạch 5 năm của phía Trung Cộng đã không được ký kết. Thủ tướng Samoa, cô Fiame đã giải thích một cách xã giao rằng, các nước Pacific không có đủ thời gian để nghiên cứu đề nghị của Trung Quốc.
Nhìn dưới góc độ khác, sau khi đạt được thỏa thuận với Quần đảo Solomon về An ninh và Hợp tác, có lẽ Trung Quốc cho rằng họ đã đặt được một chân vào trong vùng và có bàn đạp để đi xa hơn. Thực tế cho thấy tính toán của Trung Quốc đã sai lầm và các đảo quốc không nhìn nhận Solomon như một tấm gương cần noi theo, mà thậm chí coi nước này như một tên phản bội nằm vùng trong gia đình Pacific.
Để có kết quả này, không thể thiếu các hoạt động mạnh mẽ và kịp thời của Úc và NZ. Mọi người đều biết Úc mới có Bầu cử và ngày sau khi tuyên thệ, tân Thủ tướng Albanese dù chưa lập được chính phủ đã vội vã cử “tạm” 4 Bộ trưởng, trong đó có Ngoại trưởng, cô Wong. Ngay trong những ngày làm việc đầu tiên, Wong đã bay sang Fiji để gặp gỡ các nhà lãnh đạo trong vùng, trấn an họ về những cam kết lâu dài của Úc đối với các đảo quốc trong vùng.
Sở dĩ cô Wong có thể nhanh chóng bắt tay vào việc vì Úc theo thể chế dân chủ, các thông tin được công khai minh bạch, một người ngoài chính phủ vẫn có thể được chia sẻ các bí mật về an ninh, quốc phòng và đối ngoại.
Cũng vào dịp này, Thủ tướng NZ, cô Ardern đã sang thăm Mỹ trong 10 ngày, trong khi Thủ tướng Úc gặp Tổng thống Mỹ tại Nhật. Sau đó hai vị Thủ tướng đã có dịp hội ngộ tại Canbera, và với việc cả hai đảng Lao động ở hai nước cùng giành được chính quyền thì “tình chị em” theo truyền thống của họ sẽ dễ gắn bó với nhau hơn.
Trong “gia đình Thái Bình dương” nếu Úc là “chị cả” thì NZ là “chị hai” và hai liền chị đã và đang hỗ trợ giúp đỡ rất nhiều cho các đảo quốc Châu Đại dương.
Những động thái của Trung Cộng trong vùng đã làm cho Úc và NZ lo ngại và họ thấy cần phải hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ để bảo đảm an ninh, nói cách khác là giữ gìn hòa bình “kiểu Mỹ”.
Tự thấy sự “nhiệt tình” có phần quá lố, Ngoại trưởng Vương Nghị nói thêm rằng Trung Quốc mong muốn giúp các nước Thái bình dương như đã từng giúp các nước Châu Phi và Châu Á khác, nhưng không nói rõ nước nào và trong đó có Việt Nam không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét