Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2022

Qatar: Từ bán đảo hoang đến nơi hội tụ cho ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh

 

Nhìn vào bản đồ bán đảo Ả Rập, chúng ta thấy có 7 nước, trong đó Yemen nằm tách biệt sau rặng núi phía Đông Nam, còn lại 6 nước thường được gọi là các nước vùng Vịnh. Mặc dù diện tích nhỏ nhưng dân số Yemen còn lớn hơn tổng dân số có quốc tịch 6 nước cộng lại khi không tính ngoại kiều.
Qatar là một bán đảo nhỏ trong bán đảo lớn nói trên, diện tích chỉ vỏn vẹn 12,000km2 nhưng có nhiều thứ nhất thế giới. Đó là tốc độ tăng dân số nhanh nhất, vào gian đoạn 2006-2008 mỗi năm tăng 20%, chủ yếu tăng cơ học; tốc độ tăng GDP cao nhất khoảng 30% trong cùng thời gian nhờ khí đốt hóa lỏng và là một trong những nước thu nhập bình quân đầu người khủng nhất.
Trong lịch sử, mảnh đất Qatar ngày nay gần như bỏ hoang. Điều kỳ lạ, các du khách phương Tây đến khu vực hầu như không nhắc gì đến Qatar cho đến đầu thế kỷ 18. Lúc này, Qatar vẫn được coi là một phần của Bahrain mặc dù “mẫu quốc” chỉ có diện tích bằng 1/7.
Khoảng giữa thế kỷ 18, gia tộc Al Thani, nay là hoàng tộc của Qatar thuộc bộ lạc du mục Tamim di cư từ trung tâm bán đảo Ả Rập đến đây. Dần dần họ phát triển nghề đánh cá và mò ngọc trai giống như một số vùng biển khác trong vùng Vịnh.
Gia tộc Al Thani đã xung đột với gia tộc Al Khalifa cầm quyền ở Bahrain và đến tận năm 1937 mới chiếm được Zubarah phía tây bắc, hoàn thành việc thu phục bán đảo, nhưng đảo Hawar nằm sát phía tây Qatar đến nay vẫn thuộc về Bahrain.
Qatar, Bahrain và Các tiểu vương quốc UAE đều thuộc xứ bảo hộ của Anh và đều được trao trả độc lập vào năm 1971.
Mình được chứng kiến sự thay đổi chóng mặt của Qatar khi đến xứ này ba lần vào các năm 2001, 2006 và 2007. Để giải thích sự gia tăng dân số đến 20%/năm là do tính chung cả ngoại kiều, chủ yếu từ Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh. Họ có thẻ cư trú (resident) nhưng không bao giờ được vào quốc tịch. Người có quốc tịch Qatar chỉ chiếm khoảng 10% tổng dân số.
Visa cư trú được gia hạn mỗi ba năm một cách khá dễ dàng, chỉ cần lấy giấy xác nhận có việc làm từ một công ty nào đó, không cần bằng chứng về trả lương. Trong nhiều trường hợp, các công ty ma lập ra, không hoạt động mà chỉ bán lậu giấy làm visa mà thôi.
Qatar may mắn có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới. Khi kỹ thuật khí hóa lỏng (LNG) trở nên phổ biến, Qatar đã thu được bội tiền xuất khẩu, cho phép họ mở ra những dự án đầy tham vọng, đồng thời thu nhận ồ ạt lao động nhập cư.
Năm 1995, Thái tử Hamad (sn 1952) lật đổ vua cha Khalifa trong một cuộc chính biến không đổ máu. Điều này không có gì đặc biệt trong khu vực vì trước đó Thái tử Faisal của Saudi cũng lật đổ hoàng huynh Saud năm 1964 và Thái tử Qaboos của Oman chiếm ngôi của phụ hoàng Said năm 1970.
Năm 2013 Hamad nhường ngôi cho con trai thứ tư là Tamim (sn 1980) để trở thành Thái thượng hoàng, mà người ta cho rằng vẫn giữ quyền lực tối thượng sau hậu trường.
Năm 2001 khi mình được dự hội nghị WTO do Qatar đăng cai, vua Hamad vẫn còn trị vì, ông giao tiếp tốt bằng tiếng Anh nhưng khi phát biểu tại hội nghị lại bằng tiếng Ả Rập.
Hamad giữ vai trò quan trọng trong việc vận động để Qatar giành quyền đăng cai World cup 2022. Lúc đó mọi người đều nghĩ Qatar chỉ là nước nhỏ nên ắt phải chia sẻ quyền tổ chức các trận đấu cho các nước láng giềng Saudi hay UAE giống như Úc nhường tổ chứ mấy bảng đấu cho “cô em” New Zealand trong World cup nữ 2023.
Điều bất ngờ đã xảy ra vào năm 2017, các nước Saudi, UAE và Bahrain đã đồng loạt tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với Qatar, đồng thời phong tỏa các tuyến đường bộ, đường hàng không đến nước này.
Tất cả các nước trong khu vực đều là đồng minh của Mỹ, luôn hòa nhịp trong lập trường chống Iraq trước đây cũng như trong chiến tranh Ukraine hiện nay. Qatar bị tẩy chay nhưng vẫn giữ vững quan hệ với Mỹ. Chưa biết chừng, chính điều này lại làm chú Sam hài lòng vì khi các nước Ả Rập bất hòa mọi người mới thấy vai trò hòa giải nổi bật của “ông anh cả”.
Mới đây quan hệ của Qatar với các nước láng giềng đã được nối lại, nhưng đã quá muộn để sắp xếp lịch thi đấu ra ngoài Qatar. Người thiệt thòi chính là khán giả, bởi để tránh quá tải, chỉ một lượng du khách có vé mới được nhập cảnh Qatar, trong khi các sân vận động, hầu hết mới xây đều có dung lượng chỗ ngồi khá nhỏ, không quá 40,000 chỗ.
Hoàng gia Qatar chính là chủ nhân của đội bóng Paris Saint Germain với dải ngân hà Messi, Neymar, Mbappe, Ramos và sắp tới rất có thể cả Ronaldo.
Dù cố gắng, Qatar chưa bao giờ giành vé đi dự World cup bóng đá, trong khi các nước Ả Rập khác đã nhiều hoặc một lần làm chuyện đó như Saudi, Ai Cập, Morocco, Algeria, Tuynidia, Kuwait và UAE.
Sau World cup kỳ này, Qatar còn đăng cai một sự kiện lớn thể thao khác là Đại hội thể thao Châu Á ASIAD vào năm 2030.
Chỉ với 3 triệu dân, Qatar đã gia tăng dân số chóng mặt gấp 10 lần trong 40 năm để từ một bán đảo hoang mà trở thành một điểm đến danh tiếng như ngày nay.

Nền kinh tế Trung Quốc đang giãy chết


 

Trung Quốc vừa đưa ra một gói cứu trợ lớn “chưa từng thấy” bao gồm 16 nhóm giải pháp nhằm cứu thị trường bất động sản của nước này đang bị phát triển chậm kỷ lục cùng tính thanh khoản giảm sâu.
Bất động sản từng là cứu cánh và động lực để phát triển kinh tế Trung Quốc thì nay lại là “tử huyệt” có nguy cơ làm hủy hoại những thành tích kinh tế được gây dựng trong nhiều thập kỷ qua.
Trong một nền kinh tế tiên tiến, khu vực có xu hướng mở rộng về số tuyệt đối cũng như số tương đối không phải là sản xuất mà chính là dịch vụ, như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, hi-tech...thì đối với Trung Quốc, một sự bất thường đã xảy ra khi lĩnh vực xây dựng chiếm đến 30% của GDP, do sự đầu tư công quá mức.
Một nền kinh tế mà để đầu tư công chi phối quá nặng nề, trong khi các quy luật kinh tế không còn giữ vai trò điều tiết trong thị trường thì rõ ràng sẽ tiềm ẩn những nguy cơ lớn về quan hệ cung cầu, về sản xuất dịch vụ với tiêu dùng và nguy cơ về vỡ nợ công.
“Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, như tiêu đề bài viết mình mạnh dạn phán đoán rằng gói cứu trợ của Trung Quốc đối với bất động sản sẽ thất bại. Được học hành chút ít về kinh tế vĩ mô, mình không muốn trù ẻo Tàu cộng cho bõ ghét mà muốn đi tìm những lập luận có căn cứ cho nhân định đó.
Sự vận động kinh tế cũng như tạo hóa xoay vần đều có tính chu kỳ, có thăng và có trầm. Kết quả bao giờ cũng do nhiều nguyên nhân, bao gồm chủ quan và khách quan, bên trong và bên ngoài.
Nhìn lại quá trình phát triển thần kỳ của Trung Quốc trong trên 40 năm qua, động lực lớn nhất chính là việc gia tăng mạnh mẽ về xuất khẩu hàng hóa. Điều này không có gì lạ, các nước Nhật, NICs (Hàn, Hongkong, Đài Loan, Singapore), kể cả Thái Lan, Malaysia và Việt Nam cũng đi lên từ con đường này.
Đáng chú ý, để mở rộng xuất khẩu các nước này để dùng giá cả như một chìa khóa vạn năng, các nước đi sau thì giá cả càng rẻ hơn nữa. Trung Quốc đã đi “đúng quy trình” với nguồn nhân công dồi dào, hàng hóa rẻ của Trung Quốc đã lan rộng ra khắp thế giới.
Đến khoảng năm 2008-2009, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra, việc xuất khẩu bắt đầu bị chững lại. Để duy trì tốc độ tăng trưởng, Trung Quốc vào thời gian ông Hồ Cẩm Đào làm Tổng Bí thư đã đi một con đường “màu sắc độc đáo” là đẩy mạnh lĩnh vực xây dựng cơ bản, xây lên những tòa nhà chọc trời và hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ trên khắp lãnh thổ đất nước.
Khi ông Tập Cận Bình lên ngôi vào năm 2012, nhận thấy việc đầu tư trong nước đã đến ngưỡng dừng lại, khi mà một loạt các thành phố ma và tuyến đường bỏ hoang, ông đã đưa ra sáng kiến “Vành đai, con đường” nhằm hướng việc xây dựng ra nước ngoài, mở hai con đường tơ lụa trên bộ và trên biển.
Tuy nhiên bối cảnh quốc tế không thuận lợi cho việc thực hiện siêu dự án. Trung Quốc không đạt được sự ủng hộ về chính trị và ngoại giao của các nước nên không thể có được sự hợp tác về vốn và kỹ thuật, đặc biệt từ Mỹ và Phương Tây.
Mười năm trôi qua, đến nay đã có thể kết luận siêu dự án “Vành đai con đường” đã thất bại trên thực tế. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ phát triển của kinh tế Trung Quốc, khi tăng trưởng GDP chỉ còn khoảng bình quân 5-6%/năm, bằng phân nửa so với thời kỳ trước đó.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đối mặt với một số nguy cơ khác cũng ngiêm trọng không kém về môi trường, về căng thẳng xã hội do chênh lệch giàu nghèo và tỉ lệ dân số già hóa, hậu quả của chính sách một con.
Đại hội đảng CS Trung Quốc bế mạc vào tháng trước đã xác nhận ông Tập để tiếp tục ngồi thêm nhiệm kỳ 3 với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất. Việc phá lệ này có thể có nhiều nguyên nhân nhưng không thiếu lý do họ Tập cẩm thấy bất an khi rời quyền lực.
Mọi người còn nhớ, với chiêu bài “đả hồ diệt ruồi”, ông Tập đã bỏ tù hai đối thủ chính trị nặng ký là Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang. Lúc đó Bạc là đương kim UV Bộ Chính Trị, con trai công thần Bạc Nhất Ba, một ngôi sao đang lên và đầy tham vọng. Bạc được Chu chống lưng, trong khi Chu vốn là UV Thường vụ BCT phụ trách an ninh, đồng thời là cháu rể của “thái thượng” Giang Trạch Dân.
Thế lực họ Giang, Chu, Bạc vẫn còn rất mạnh trong đảng. Nếu Tập ra đi, không loại trừ khả năng ông sẽ bị các đồng chí của mình “hỏi thăm” về trách nhiệm đối với các thất bại của “Vành đai, con đường” và sự trì trệ trong phát triển kinh tế.
Tin tức cho hay đã có rất nhiều cuộc biểu tình, tuy quy mô nhỏ nhưng rộng khắp từ trong nước đến hải ngoại để phản đối ông Tập tham quyền cố vị. Vì thế sự kéo dài này không hề thể hiện sự “ổn định” mà ngược lại chính là sự bất thường, bất mãn và bất ổn trong nội bộ Trung Quốc.
Sau một giai đoạn phát triển viên mãn, thế giới đang đi vào một giai đoạn khó khăn. Hãng tin Bloombers đưa ra dự đoán 98% kinh tế thế giới sẽ rơi vào khủng hoảng. Dịch bệnh Covid chưa hết, hành tinh này còn có chiến tranh. Việc Putin không đi dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia cũng làm tắt ngấm tia hy vọng nhỏ nhoi về một viễn cảnh hòa bình ở Ukraine.
Cho dù chưa thể tiên đoán cụ thể hơn cuộc khủng hoảng sẽ nổ ra vào khi nào và mức độ tàn phá của nó đến đâu nhưng rõ ràng đây không phải thời điểm “âm phù dương trợ” đối với gói cứu trợ lớn lao cho ngành bất động sản và nền kinh tế Trung Quốc.
Nếu kinh tế Trung Quốc có mệnh hệ gì thì hai nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất chính là Việt Nam và Úc.
Ảnh: Hoa kiều chăng biểu ngữ chống Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bell Park, Hurstville

Một Cầu thủ đang thay đổi số phận của Arsenal

 

Hãy khoan nói đến cầu thủ đó là ai mà xem số phận Arsenal đã thay đổi như thế nào. Sau sáu mùa bóng liên tiếp bị bật ra khỏi top 4 thì nay Arsenal được coi là đang trở lại, ngự trị trên đỉnh bảng xếp hạng.
Đáng nói thêm, trong nhóm big 6, chẳng có đội nào bật ra khỏi top 4 lâu như Arsenal và đây là lúc phải xem xét lại tư cách “ông lớn” của đội. Nếu đội không thay đổi có thể phải “đề cử” một đội khác như Newscatle đang chuyển mình thay cho địa vị của Pháo thủ hiện nay.
Một thống kê làm nức lòng những ai yêu mến pháo thủ là hầu hết những đội đạt 31 điểm trở lên sau 12 vòng đấu đều trở thành vô địch vào cuối giải, ngoại trừ một lần vào mùa bóng 1995-1996 của Newscatle vào thời Alan Shearer.
Cho dù không vô địch mà vào top 4 cũng được coi là thành công đối với Arsenal, đội sẽ trở lại đấu trường Champion Leage danh giá, nơi đội đã có mặt 22 năm liền trước đó.
Cũng tạm quên đi số điểm mà Arsenal đã giành được vì mùa bóng còn dài, mọi điều đều có thể xảy ra, cái đáng quan tâm là Arsenal đã thực sự thay đổi về “chất” hay chưa.
Điều khác biệt của mùa bóng năm nay là tinh thần quyết thắng. Đơn cử như trận đấu với Man Utd, Ars bị dẫn bàn ở hiệp 1 đã vùng lên gỡ hòa ở hiệp 2. Lúc này đội chơi chậm lại để kiếm một trận hòa trên sân khách trước một đội mạnh cũng không quá tệ, nhưng Arsenal không muốn vậy, đội vẫn tiếp tục dâng lên để rồi nhận cái thua, cũng là trận thua duy nhất từ đầu giải.
Nhưng nhờ bản lãnh đó mà đội mới có đến 10 trận thắng, trong đó có những trận rất thuyết phục trước Liverpool và Tottenham.
Nguyên nhân của kết quả này là khả năng ghi bàn của đội đã được cải thiện rõ rệt. Cả mùa bóng năm ngoái, đội chỉ ghi được 61 bàn, tỉ lệ 1.6 bàn/trận thì mùa bóng này đã có 30 bàn trong 12 trận, đạt 2.5 bàn/trận.
Dưới thời Wenger, Arsenal luôn là đội bóng thiên về tấn công và ghi được nhiều bàn thắng. Nhưng hai năm cuối trào giáo sư thì đội bị văng ra khỏi top 4 không phải vì ghi bàn ít đi và chủ yếu do thủng lưới quá nhiều.
Để ghi nhiều bàn thắng, bí quyết của Wenger không có gì lạ, chẳng qua là tăng cường tối đa hỏa lực cho tuyến trên, cắt bớt nhân sự phòng thủ, bằng cách chỉ chơi 1 tiền vệ phòng ngự duy nhất.
Để đạt thành tích 3 lần vô địch, 5 lần về nhì, 7 FA cup thì hàng phòng ngự của đội không thể yếu. Tiền vệ phòng ngự của Arsenal từng là các tên tuổi như Vieira, Silva, Song...và chính HLV ngày nay Arteta.
Khi Arteta gia nhập Arsenal vào năm 2011, ông vốn là tiền vệ thiên về tấn công, vậy và khi được giao nhiệm vụ mới, Arteta đã chơi xuất sắc và còn được vinh dự trao băng đội trưởng.
Nhằm thay thế cho Arteta giải nghệ vào năm 2016, Arsenal mua về Xhaka với giá 34 triệu bẳng là giá khá cao đối với một tiền vệ. Wenger bổn cũ soạn lại ép Xhaka từ tiền vệ tấn công xuống chơi phòng ngự. Nhìn vẻ bề ngoài thì Xhaka có tấm thân hộ pháp to cao hơn hẳn Arteta, chơi phòng ngự dễ hợp lý hơn.
Thế nhưng não trạng của Xhaka không tập trung cho bên dưới nên đã liên tục mắc lỗi và nổi tiếng như một cầu thủ lĩnh nhiều thẻ đỏ và thẻ vàng. Sự thất bại của Xhaka cũng là thất bại của Arsenal và kéo theo sự ra đi của Wenger.
Dưới trào Emery, hệ thống phòng thủ được gia cố với hai tiền vệ phòng ngự, trong đó Xhaka là một nhưng đội vẫn thủng lưới nhiều, trong khi bàn thắng lại khô hạn.
Thời gian đầu với Arteta, mọt thứ vẫn chưa có gì thay đổi cho đến mùa bóng năm nay, Xhaka chính thức nhận “visa” để tiến lên phía trước chơi như một tiền vệ box to box công thủ toàn diện, phó mặc chức năng phòng ngự cho Party hoặc Elneny với vai trò “mỏ neo” duy nhất.
Như cá được trở về với nước, Xhaka chơi cực hay, đến nay đã có 4 bàn thắng và 3 kiến tạo. Anh vừa được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất của Arsenal trong tháng 9 và là cầu thủ hay nhất của đội tính từ đầu mùa giải.
Như vậy, Arsenal đã trở thành đội bóng thiên về tấn công chủ động và đây là một bộ mặt và số phận hoàn toàn mới của đội.

Góc nhìn: Ngoại giao trịch thượng kiểu Trung Quốc

 

Trong lịch sử ngoại giao vẫn lưu truyền một câu nói “sốc” của Ngoại trưởng Trung Quốc thể hiện quan điểm trịch thượng của nước này.
Vào tháng 7/2010 tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) diễn ra ở Hà Nội thì Ngoại trưởng Dương Khiết Trì đã nói “Trung Quốc là nước lớn và các nước khác là nước nhỏ, đó là một thực tế”.
Tuy nhiên, còn một thực tế khác, cho dù “đạp hạ” được rất nhiều nước nhỏ thì Trung Quốc vẫn chưa phải là nước lớn nhất mà vẫn phải “đội thượng” ít nhất 1 nước khác.
Trong 27 năm làm lãnh tụ Trung Quốc (1949-1976), Mao Trạch Đông không hề đi thăm nước nào ngoại trừ đi Liên Xô hai lần vào tháng 12/1949 và tháng 10/1957. Ở chiều ngược lại, không có lãnh tụ nào của Liên Xô thời ấy thèm đi Trung Quốc.
Dĩ nhiên, Mao có nhiều điều kiện để đi thăm các nước nhưng ông không đi, kể cả Việt Nam là một nước láng giềng thân thiết, trong khi Hồ Chí Minh được biết là sang Trung Quốc hằng năm.
Tháng 1/1979, Đặng Tiểu Bình sang thăm Mỹ và có những hành động được tỏ ra “khúm núm” trước Carter là tổng thống Mỹ lúc bấy giờ. Chuyến đi này nhằm mục đích nhờ vả Mỹ giúp đỡ cho “bốn hiện đại”, đồng thời cũng phục vụ đối nội để chứng tỏ trước quốc dân rằng Đặng đã giành phần thắng trong cuộc đấu đá quyền lực với Hoa Quốc Phong.
Đó có thể coi là hoạt động đối ngoại nổi bật và duy nhất của Đặng, sau này ông cũng không đi thăm nước nào khác vì lý do tuổi tác và cũng không giữ chức vụ chính thức trong bộ máy đảng và nhà nước.
Thời Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào là giai đoạn khá cởi mở, họ đi thăm nhiều nước, riêng Giang là người còn nói được tiếng Anh. Tuy nhiên, vẫn có thể thấy các chuyến công du của Giang và Hồ ít hơn hẳn so với việc các nguyên thủ viếng sang Trung Quốc.
Cho đến tháng 9 năm nay, Tập Cận Bình đã có 970 ngày không hề đi ra nước ngoài với lý do Covid, nhưng thật ra ngay trong thời gian đại dịch thì tổng thống Mỹ và lãnh đạo các nước phương Tây vẫn thăm viếng nhau bình thường.
Nhớ lại vào các dịp Obama và Trump mới lên làm tổng thống thì ngay lập tức, họ Tập đã bay sang Mỹ để yết kiến ông chủ mới của Nhà trắng. Nhưng khi Biden lên thì ông Tập đã không sang gặp mặt, Covid chỉ là một phần mà nguyên nhân khác là mối quan hệ Trung – Mỹ đã xuống rất thấp chứ không còn mặn mòi như trước.
Xa xưa, vào thời Xuân Thu Chiến quốc, các nước có tục lệ gửi Thế tử cho nhau để làm tin. Đây cũng là cơ hội để người sẽ giữ trọng trách quan sát, tìm hiểu học hỏi về thế giới bên ngoài để sau này vận dụng cho đất nước mình.
Nhưng đến khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc thì người Tàu lại dường như trở nên khép kín và tự đắc nhiều hơn. Họ gọi các nước lân bang là “Bắc địch, Nam man, Đông hồ, Tây khương”, trong đó địch, man, hồ, khương là các từ Hán cổ để chỉ các giống súc vật.
Tuy nhiên họ vẫn bị ngoại bang như Mổng Cổ, Mãn Thanh đánh bại rồi sau này bị các nước phương Tây như Anh, Bồ Đào Nha, Pháp o ép, phải cắt đất cầu hòa.
Những diễn biến gần đây cho thấy mỗi khi va chạm với Mỹ thì Trung Quốc lại lùi bước hoặc trả đũa chiếu lệ, điển hình như trong các đòn tấn công về thương mại thời ông Trump hay gần hơn là chuyến thăm của Chủ tịch hạ viện Pelosi đến Đài Loan.
Các hành xử của lãnh đạo phương Tây rất khác, họ rất năng động, thường xuyên chủ động trong các mối giao tiếp. Tổng thống Biden mặc dù tuổi cao vẫn liên tục xuất ngoại, trong tháng này ông sang cả Campuchia, Thái Lan và Indonesia.
Mỗi cuộc giao lưu như vậy, các vấn đề vướng mắc được đưa lên bàn thương lượng để mà cả, đối chác và đi đến thỏa thuận với nhau, làm cho các mối quan hệ giữa các nước có sự thông hiểu, trơn tru và các bên đều hưởng lợi. Bằng không, rất có thể sự bất đồng và bế tắc sẽ buộc phải giải quyết bằng chiến tranh, hoặc sẽ bị quốc tế cô lập.
Xem ra sự trịch thượng không hẳn là “khôn” mà là “dại” trong giao bang quốc tế đương thời.

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2022

 


XTurismo, ô tô bay đầu tiên trên thế giới

 

Hãng Aerwins technologies của Nhật Bản vừa trình làng trong môt triển lãm tại Mỹ loại mô tô bay đầu tiên trên thế giới, lấy tên là XTurismo.
Xturismo có thể bay cao 300 mét, đạt vận tốc 100km/ giờ, giá thành rơi vào $770,000. Giá này tương đương với một chiếc xe hạng sang và chưa thể đến với người tiêu dùng một cách đại trà, tuy nhiên nhà sản xuất hứa sẽ nhanh chóng giảm giá trong vài năm tới.
Ô tô bay cũng đã được sản xuất từ lâu và đang tiếp tục hoàn thiện để có thể đưa vào sử dụng trong thời gian sau này.
Phải nói rằng xe không người lái (dưới mặt đất) mới là cách thuận tiện và rẻ tiền nhất. Người ta đã tính, bằng cách phổ biến xe không người lái có thể giảm thiểu 90% xe cá nhân. Nhưng kẹt nỗi đây sẽ là miếng mồi ngon cho tụi khủng bố khủng mẹ mà chưa thể có phương án hóa giải.
Chính vì thế, xe bay xem ra mới là tương lai cho sự di chuyển của con người.

Giá xăng ở Việt Nam không hề thấp nhất thế giới

 

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diễn đã nói tại Quốc Hội rằng giá xăng của Việt Nam "thấp nhất thế giới".
Theo số liệu cập nhật của World Petro Prices thì điều đó không hề đúng sự thật. Với số liệu khảo sát từ 160 nước, giá xăng của Việt Nam cao hơn đến 29 nước. Nơi có giá xăng thấp nhấp là Venezuela, cũng dễ hiểu vì của nhà "trồng được" trong khi nước này bị cấm vận. Ngay ở khu vực Đông Nam châu Á, giá xăng Maylaysia và Indonesia cũng thấp hơn Việt Nam.
Những nước giá xăng cao hơn Việt Nam thì hầu hết có thu nhập bình quân đầu người cao hơn Việt Nam nhiều, do đó về số tương đối cũng không cao hơn.
Cá nhân mình đã sống ở Trung Đông lâu năm thì thấy giá xăng ở đây rất rẻ. Rẻ đến nỗi dân chúng đổ xăng chạy xe lòng vòng, gây nên nạn kẹt xe.
Giá xăng không thấp nhất thế giới thì lời nói của ông Diên mới là dối trá trắng trợn nhất.

Thêm một lần vinh danh Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn

 

Một đại nhạc hội Thúy Nga Paris đã vừa diễn ra “hoành tráng” tại Bangkok, thủ đô Thái Lan với chủ đề “Nguyễn Ngọc Ngạn – Lời cám ơn”. Với show diễn này, Nguyễn Ngọc Ngạn giã từ ba mươi năm đứng trên sân khấu với vai trò MC để trở về với nghề cũ là Nhà văn.
Một câu hỏi “cắc cớ” là tại sao người Việt lại mang tiền sang Bangkok để tiêu, làm giàu cho nước bạn, và câu trả lời cũng “ngô nghê” không kém, nếu làm tại Việt Nam thì lại bị cup điện như show Khánh Ly thì sao? Buồn cho nước Việt, người Việt không bảo được nhau!
Với Nguyễn Ngọc Ngạn, nghề MC làm ông trở nên nổi tiếng hơn bất cứ nhà văn nào, nhưng phải nói văn mới là nghiệp của ông. Điều làm nên tầm vóc của một nhà văn chính là “tư tưởng”, cụ thể là những nguyên lý, quan niệm về cuộc sống cuộc đời.
Ở tuổi 77, Nguyên Ngọc Ngạn thuộc thế hệ cũ, nhưng nhờ óc quan sát nhạy bén, sự trăn trở động não mà ông có góc nhìn rất mới của những người hiện đại. Ông ghét mê tín dị đoan, các lề thói cổ hủ lạc hậu, bảo vệ nữ quyền và là một từ điển sống về kho tàng văn hóa đông tây kim cổ.
Chúng ta hãy điểm qua những câu nói, câu viết “bất hủ” của Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn.
“Cách hay nhất để làm dịu căng thẳng là nói chuyện vui, tốt hơn nhiều những lời xin lỗi trang nghiêm có tính thủ tục”.
“Viết thấp thì người cao cũng hiểu, nhưng viết cao là cố tình loại bỏ những độc giả đơn giản mà khối độc giả này lại luôn chiếm đa số”.
“Câu ‘xướng ca vô loài’ là nói đến tập thể nghệ sĩ sinh hoạt ca diễn trong chế độ phong kiến. Không dính dáng gì đến tân nhạc cả”.
“Trên sân khấu, không có gì bằng tự nhiên”.
“Trong cộng đồng, có những người không chịu nổi sự thành công của người khác. Bởi vì họ cứ coi sự thành công của người khác là thất bại của mình”.
“Mỗi người Việt là một thi sĩ!”.
“Chú Ngạn” tâm sự rằng, ông rất muốn về thăm lại quê hương Sơn Tây, nơi ông sinh ra và sống những năm ấu thơ đầu đời cho đến khi di cư vào Nam, nhưng ông không về vì lý do không phải “100% là chính trị”. Không phải 100% nghĩa là 99% hay bao nhiêu thì ông không nói.
Chắc chắn người Việt chúng ta sẽ mãi nhớ đến một MC kỳ lạ, với phong cách của một “ông giáo làng” đã đứng nói mà không cần máy nhắc hay giấy soạn trong suốt 115 cuốn băng video.
Sẽ thiếu sót khi nói đến thành công trên sân khấu của Nguyễn Ngọc Ngạn mà không nhắc đến bạn diễn, Luật sư MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên. Kỳ Duyên ứng xử chững chạc, đôn hậu đặc biệt giỏi cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, cũng gây dấu ấn mạnh mẽ.
Nếu coi Nguyễn Ngọc Ngạn là niềm tự hào của tất cả người Việt chúng ta thì vẫn có nhiều người không chịu vì vẫn thành kiến coi ông là một “nhà văn ngụy”.

Trao đổi: Bao bọc hay làm ngơ?


Hôm rồi, mình nghe đài SBS với tiết mục "mái ấm gia đình". Xướng ngôn viên đã đưa ra tình huống hai thái cực trong việc dạy con. Có quý vị phụ huynh rất "tự hào" khi không bao giờ để ý đến bài vở của con cái, ngược lại một số quý vị khác lại lo từ a đến z, kèm cặp con từng ly từng tí.
Chúng ta có thể hiểu, trong một tổ ấm gia đình rất cần sự vui vẻ thoải mái, lúc nào cha mẹ với con cái cũng mặt nặng mày nhẹ thì để làm gì? Giỏi hay dốt thì cũng thế thôi, mà o ép con cái thì chắc gì chúng đã tiến bộ hơn.
Nhưng nếu cuộc sống buông tả, thiếu mục đích cũng không được. Hậu quả sẽ đi đến đâu nếu cha mẹ nuông chiều những thói quen xấu của chúng. Tuổi niên thiếu là lúc chuẩn bị hành trang vào đời, trong đó học vấn là một trong những hành trang quan trọng nhất.
Chọn bên nào cũng khó, hay là bỏ "phiếu trắng"? Một phụ huynh khi được nhà đài SBS hỏi đã cho hay bà chọn giải pháp trung dung, không nghiêng hẳn về thái cực nào.
Mình cũng là phụ huynh, nhưng không được SBS phỏng vấn và mình lại nghĩ khác. Nói xuôi nói ngược thế nào đều có cái lý của nó và kể cả đứng giữa cũng đúng luôn... về lý thuyết.
Còn trong đời thường, tính nết và khả năng mỗi đứa trẻ một khác. Đối với cháu bản tính thích tự do mà cha mẹ áp đặt quá thì chúng sẽ phản ứng khốc liệt và tiêu cực. Cũng có nhiều cháu là dễ nghe lời và thích gần gũi cha mẹ.
Có cháu tính rất ganh đua, muốn vượt lên hơn người và các cháu khác lại bất cần đời.
Thực tế, mặc dù thiểu số nhưng vẫn có cháu chăm học và rất tự giác nên không cần thiết cha mẹ phải đôn đốc, đặt chiếc roi cạnh bàn học. Ngược lại có đứa mải chơi và chỉ quan tâm đến các thú vui của chúng.
Qua thời gian, các cháu dần dần khôn lớn và có trách nhiệm hơn, không loại trừ khả năng trở nên bất trị.
Mình cho rằng cháu nào lười học và không muốn học thì không nên ép. Thông thường chỉ những ai tìm ra được ít nhiều niềm vui trong học tập thì mới có thể học tốt.
Học mà phải chịu đựng quá thì khó tiến bộ và nên tìm con đường khác vì ở Úc luôn có nhiều cơ hội để thành công, trở thành người có ích cho xã hội theo những cách khác nhau.
Một trong những "ưu việt" ở các trường bên Úc là sĩ số các lớp học thấp, trường công chỉ cs 25-30 cháu/ lớp, trường tư còn ít nữa, chỉ có phân nửa. Điều đó cho phép "tailoring" uốn nắn cho từng cá nhân các cháu.
Nghiêm khắc hay không chỉ có thể phát huy tác dụng nếu nó phù hợp với từng đứa trẻ. Điều chúng ta phải chăng suy tính tâm niệm là làm sao xây dựng hứng thú cho học tập và cuộc sống, giúp các con tự tin, tự giác và tự chủ.