Trong lịch sử ngoại giao vẫn lưu truyền một câu nói “sốc” của Ngoại trưởng Trung Quốc thể hiện quan điểm trịch thượng của nước này.
Vào tháng 7/2010 tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) diễn ra ở Hà Nội thì Ngoại trưởng Dương Khiết Trì đã nói “Trung Quốc là nước lớn và các nước khác là nước nhỏ, đó là một thực tế”.
Trong 27 năm làm lãnh tụ Trung Quốc (1949-1976), Mao Trạch Đông không hề đi thăm nước nào ngoại trừ đi Liên Xô hai lần vào tháng 12/1949 và tháng 10/1957. Ở chiều ngược lại, không có lãnh tụ nào của Liên Xô thời ấy thèm đi Trung Quốc.
Dĩ nhiên, Mao có nhiều điều kiện để đi thăm các nước nhưng ông không đi, kể cả Việt Nam là một nước láng giềng thân thiết, trong khi Hồ Chí Minh được biết là sang Trung Quốc hằng năm.
Tháng 1/1979, Đặng Tiểu Bình sang thăm Mỹ và có những hành động được tỏ ra “khúm núm” trước Carter là tổng thống Mỹ lúc bấy giờ. Chuyến đi này nhằm mục đích nhờ vả Mỹ giúp đỡ cho “bốn hiện đại”, đồng thời cũng phục vụ đối nội để chứng tỏ trước quốc dân rằng Đặng đã giành phần thắng trong cuộc đấu đá quyền lực với Hoa Quốc Phong.
Đó có thể coi là hoạt động đối ngoại nổi bật và duy nhất của Đặng, sau này ông cũng không đi thăm nước nào khác vì lý do tuổi tác và cũng không giữ chức vụ chính thức trong bộ máy đảng và nhà nước.
Thời Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào là giai đoạn khá cởi mở, họ đi thăm nhiều nước, riêng Giang là người còn nói được tiếng Anh. Tuy nhiên, vẫn có thể thấy các chuyến công du của Giang và Hồ ít hơn hẳn so với việc các nguyên thủ viếng sang Trung Quốc.
Cho đến tháng 9 năm nay, Tập Cận Bình đã có 970 ngày không hề đi ra nước ngoài với lý do Covid, nhưng thật ra ngay trong thời gian đại dịch thì tổng thống Mỹ và lãnh đạo các nước phương Tây vẫn thăm viếng nhau bình thường.
Nhớ lại vào các dịp Obama và Trump mới lên làm tổng thống thì ngay lập tức, họ Tập đã bay sang Mỹ để yết kiến ông chủ mới của Nhà trắng. Nhưng khi Biden lên thì ông Tập đã không sang gặp mặt, Covid chỉ là một phần mà nguyên nhân khác là mối quan hệ Trung – Mỹ đã xuống rất thấp chứ không còn mặn mòi như trước.
Xa xưa, vào thời Xuân Thu Chiến quốc, các nước có tục lệ gửi Thế tử cho nhau để làm tin. Đây cũng là cơ hội để người sẽ giữ trọng trách quan sát, tìm hiểu học hỏi về thế giới bên ngoài để sau này vận dụng cho đất nước mình.
Nhưng đến khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc thì người Tàu lại dường như trở nên khép kín và tự đắc nhiều hơn. Họ gọi các nước lân bang là “Bắc địch, Nam man, Đông hồ, Tây khương”, trong đó địch, man, hồ, khương là các từ Hán cổ để chỉ các giống súc vật.
Tuy nhiên họ vẫn bị ngoại bang như Mổng Cổ, Mãn Thanh đánh bại rồi sau này bị các nước phương Tây như Anh, Bồ Đào Nha, Pháp o ép, phải cắt đất cầu hòa.
Những diễn biến gần đây cho thấy mỗi khi va chạm với Mỹ thì Trung Quốc lại lùi bước hoặc trả đũa chiếu lệ, điển hình như trong các đòn tấn công về thương mại thời ông Trump hay gần hơn là chuyến thăm của Chủ tịch hạ viện Pelosi đến Đài Loan.
Các hành xử của lãnh đạo phương Tây rất khác, họ rất năng động, thường xuyên chủ động trong các mối giao tiếp. Tổng thống Biden mặc dù tuổi cao vẫn liên tục xuất ngoại, trong tháng này ông sang cả Campuchia, Thái Lan và Indonesia.
Mỗi cuộc giao lưu như vậy, các vấn đề vướng mắc được đưa lên bàn thương lượng để mà cả, đối chác và đi đến thỏa thuận với nhau, làm cho các mối quan hệ giữa các nước có sự thông hiểu, trơn tru và các bên đều hưởng lợi. Bằng không, rất có thể sự bất đồng và bế tắc sẽ buộc phải giải quyết bằng chiến tranh, hoặc sẽ bị quốc tế cô lập.
Xem ra sự trịch thượng không hẳn là “khôn” mà là “dại” trong giao bang quốc tế đương thời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét