Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2022

Nền kinh tế Trung Quốc đang giãy chết


 

Trung Quốc vừa đưa ra một gói cứu trợ lớn “chưa từng thấy” bao gồm 16 nhóm giải pháp nhằm cứu thị trường bất động sản của nước này đang bị phát triển chậm kỷ lục cùng tính thanh khoản giảm sâu.
Bất động sản từng là cứu cánh và động lực để phát triển kinh tế Trung Quốc thì nay lại là “tử huyệt” có nguy cơ làm hủy hoại những thành tích kinh tế được gây dựng trong nhiều thập kỷ qua.
Trong một nền kinh tế tiên tiến, khu vực có xu hướng mở rộng về số tuyệt đối cũng như số tương đối không phải là sản xuất mà chính là dịch vụ, như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, hi-tech...thì đối với Trung Quốc, một sự bất thường đã xảy ra khi lĩnh vực xây dựng chiếm đến 30% của GDP, do sự đầu tư công quá mức.
Một nền kinh tế mà để đầu tư công chi phối quá nặng nề, trong khi các quy luật kinh tế không còn giữ vai trò điều tiết trong thị trường thì rõ ràng sẽ tiềm ẩn những nguy cơ lớn về quan hệ cung cầu, về sản xuất dịch vụ với tiêu dùng và nguy cơ về vỡ nợ công.
“Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, như tiêu đề bài viết mình mạnh dạn phán đoán rằng gói cứu trợ của Trung Quốc đối với bất động sản sẽ thất bại. Được học hành chút ít về kinh tế vĩ mô, mình không muốn trù ẻo Tàu cộng cho bõ ghét mà muốn đi tìm những lập luận có căn cứ cho nhân định đó.
Sự vận động kinh tế cũng như tạo hóa xoay vần đều có tính chu kỳ, có thăng và có trầm. Kết quả bao giờ cũng do nhiều nguyên nhân, bao gồm chủ quan và khách quan, bên trong và bên ngoài.
Nhìn lại quá trình phát triển thần kỳ của Trung Quốc trong trên 40 năm qua, động lực lớn nhất chính là việc gia tăng mạnh mẽ về xuất khẩu hàng hóa. Điều này không có gì lạ, các nước Nhật, NICs (Hàn, Hongkong, Đài Loan, Singapore), kể cả Thái Lan, Malaysia và Việt Nam cũng đi lên từ con đường này.
Đáng chú ý, để mở rộng xuất khẩu các nước này để dùng giá cả như một chìa khóa vạn năng, các nước đi sau thì giá cả càng rẻ hơn nữa. Trung Quốc đã đi “đúng quy trình” với nguồn nhân công dồi dào, hàng hóa rẻ của Trung Quốc đã lan rộng ra khắp thế giới.
Đến khoảng năm 2008-2009, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra, việc xuất khẩu bắt đầu bị chững lại. Để duy trì tốc độ tăng trưởng, Trung Quốc vào thời gian ông Hồ Cẩm Đào làm Tổng Bí thư đã đi một con đường “màu sắc độc đáo” là đẩy mạnh lĩnh vực xây dựng cơ bản, xây lên những tòa nhà chọc trời và hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ trên khắp lãnh thổ đất nước.
Khi ông Tập Cận Bình lên ngôi vào năm 2012, nhận thấy việc đầu tư trong nước đã đến ngưỡng dừng lại, khi mà một loạt các thành phố ma và tuyến đường bỏ hoang, ông đã đưa ra sáng kiến “Vành đai, con đường” nhằm hướng việc xây dựng ra nước ngoài, mở hai con đường tơ lụa trên bộ và trên biển.
Tuy nhiên bối cảnh quốc tế không thuận lợi cho việc thực hiện siêu dự án. Trung Quốc không đạt được sự ủng hộ về chính trị và ngoại giao của các nước nên không thể có được sự hợp tác về vốn và kỹ thuật, đặc biệt từ Mỹ và Phương Tây.
Mười năm trôi qua, đến nay đã có thể kết luận siêu dự án “Vành đai con đường” đã thất bại trên thực tế. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ phát triển của kinh tế Trung Quốc, khi tăng trưởng GDP chỉ còn khoảng bình quân 5-6%/năm, bằng phân nửa so với thời kỳ trước đó.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đối mặt với một số nguy cơ khác cũng ngiêm trọng không kém về môi trường, về căng thẳng xã hội do chênh lệch giàu nghèo và tỉ lệ dân số già hóa, hậu quả của chính sách một con.
Đại hội đảng CS Trung Quốc bế mạc vào tháng trước đã xác nhận ông Tập để tiếp tục ngồi thêm nhiệm kỳ 3 với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất. Việc phá lệ này có thể có nhiều nguyên nhân nhưng không thiếu lý do họ Tập cẩm thấy bất an khi rời quyền lực.
Mọi người còn nhớ, với chiêu bài “đả hồ diệt ruồi”, ông Tập đã bỏ tù hai đối thủ chính trị nặng ký là Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang. Lúc đó Bạc là đương kim UV Bộ Chính Trị, con trai công thần Bạc Nhất Ba, một ngôi sao đang lên và đầy tham vọng. Bạc được Chu chống lưng, trong khi Chu vốn là UV Thường vụ BCT phụ trách an ninh, đồng thời là cháu rể của “thái thượng” Giang Trạch Dân.
Thế lực họ Giang, Chu, Bạc vẫn còn rất mạnh trong đảng. Nếu Tập ra đi, không loại trừ khả năng ông sẽ bị các đồng chí của mình “hỏi thăm” về trách nhiệm đối với các thất bại của “Vành đai, con đường” và sự trì trệ trong phát triển kinh tế.
Tin tức cho hay đã có rất nhiều cuộc biểu tình, tuy quy mô nhỏ nhưng rộng khắp từ trong nước đến hải ngoại để phản đối ông Tập tham quyền cố vị. Vì thế sự kéo dài này không hề thể hiện sự “ổn định” mà ngược lại chính là sự bất thường, bất mãn và bất ổn trong nội bộ Trung Quốc.
Sau một giai đoạn phát triển viên mãn, thế giới đang đi vào một giai đoạn khó khăn. Hãng tin Bloombers đưa ra dự đoán 98% kinh tế thế giới sẽ rơi vào khủng hoảng. Dịch bệnh Covid chưa hết, hành tinh này còn có chiến tranh. Việc Putin không đi dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia cũng làm tắt ngấm tia hy vọng nhỏ nhoi về một viễn cảnh hòa bình ở Ukraine.
Cho dù chưa thể tiên đoán cụ thể hơn cuộc khủng hoảng sẽ nổ ra vào khi nào và mức độ tàn phá của nó đến đâu nhưng rõ ràng đây không phải thời điểm “âm phù dương trợ” đối với gói cứu trợ lớn lao cho ngành bất động sản và nền kinh tế Trung Quốc.
Nếu kinh tế Trung Quốc có mệnh hệ gì thì hai nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất chính là Việt Nam và Úc.
Ảnh: Hoa kiều chăng biểu ngữ chống Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bell Park, Hurstville

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét