Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2024

University of New South Wales

 


Premier League: Cuộc đua tam mã hào hứng

 

Vào cuối tháng ba hằng năm, cuộc đua danh hiệu Premier League sẽ có hai tình huống phổ biến: cuộc đua song mã, hoặc tình cảnh một mình một ngựa của một đội bóng nào đó. Nhìn sang các giải vô địch khác năm nay, cuộc đua Ý thì Inter Milan dẫn đầu với 16 điểm cách biệt; giải Tây Ban Nha là Real Madrid với 7 điểm; giải Pháp, Đức, Hà Lan thì các đội PSG, Bayer Leverkusen và PSV Eindhoven lần lượt cùng vượt lên 10 điểm chẵn.
Riêng PL, Arsenal chỉ dẫn trước với hiệu số bàn thắng trước Liverpool, không có điểm cách biệt; “con ngựa” thứ ba Man city tiếp sau có 1 điểm.
Cuộc đua tam mã gần nhất tại PL có lẽ là mùa giải 2004-2005 giữa đương kim vô địch Arsenal, Man utd và anh nhà giàu mới nổi Chelsea mới được tỉ phú Abramovic dốc hầu bao. Trước đó là cuộc đua trong 8 năm giữa hai huyền thoại Sir Alex và Wenger trong đó Quỷ đỏ vô địch 5 lần còn Pháo thủ 3 lần.
Khi chưa có luật công bằng tài chính thì các đội lắm tiền như Chelsea dễ dàng thống trị cuộc đua, vài năm sau thêm “anh hàng xóm ồn ào” Man city. Mấy năm gần đây lại là cuộc đua tay đôi diễn ra giữa hai ông thầy Pep và Klopp của Man city và Liverpool, ngoại trừ mùa giải năm ngoái, Lữ hành đỏ sa sút còn Pháo thủ bất ngờ vọt lên nên vẫn là đua song mã.
Năm nay, đã có cả thảy 5 đội thay nhau dẫn đầu PL, ngoài ba đội kể trên còn có Tottenham và Newscatle, chưa kể Aston Villa cũng có lúc suýt nếm mùi đỉnh. Các đội đại gia khác như Man utd hay Chelsea tất nhiên cũng muốn bon chen nhưng đến nay có thể nói tất cả đã tắt điện, chỉ còn lại ba chú ngựa Arsenal, Liverpool và Man city.
Trong giai đoạn nước rút, biết tin ai ngoài nhà cái, theo đó Man city được cá độ thắng giải 5/4 (44%), Liverpool 11/5 (31%) và Arsenal 11/4 (27%). Rất sát sao và để phán đoán con ngựa nào về đích, chỉ có thể căn cứ vào phong độ và lịch thi đấu.
Nếu nhìn vào phong độ hiện thời thì Arsenal tốt nhất, bằng chứng là họ đã đánh chiếm ngôi đầu bảng với 8 trận thắng liên tiếp với các tỉ số hủy diệt. Khi Arsenal hụt hơi trong mùa giải năm ngoái, mọi người sẽ đều cho rằng họ nhát gan hay yếu bóng vía mà không để ý rằng đội đã mất mấy vị trí chủ lực ở hàng phòng ngự vì chấn thương, còn mùa này vẫn ổn.
Liverpool đã tỏ ra lấn lướt Man city trong trận đối đầu gần nhất, đã không may khi chỉ nhận kết quả hòa. Tuy nhiên diễn biến phong độ thời gian tới mới quan trọng, nhưng lại khó đoán định.
Về lịch thi đấu trong 10 trận PL cuối, Arsenal nặng nhất, Man city dễ thở nhất. Nhưng đó không phải bức tranh toàn cảnh vì Man city đang căng sức trên 3 mặt trận để tái lập cú ăn ba; hai đội kia vẫn còn chinh chiến ở các cup Châu Âu.
Cơ hội vô địch của Liverpool chỉ chiếm 31% nhưng cơ hội ở EL thì lớn hơn nhiều vì ở đó không có nhiều đội mạnh. Để kiếm quà chia tay HLV Klopp thì rõ ràng Liverpool nên ưu tiên EL, muốn vậy phải chơi tốt trong cả 5 trận cuối của cup.
Về phần Man city, nếu chỉ đoạt mỗi PL thì có lẽ chưa được coi là mỹ mãn, nhiều khả năng họ sẽ tập trung CL danh giá hơn, trong đó vòng đấu tứ kết sắp đến sẽ phải đụng Real Madird được coi là trận chung kết sớm. Ngay FA cup cũng không hề dễ dàng vì ở đó còn hai đối thủ mạnh là Man utd và Chelsea, hai đội đang rất muốn dùng FA cup để bù đắp cho những lỗi lầm ở PL và giữ ghế cho hai ông HLV. Nếu vào đến chung kết, Man city phải đấu tổng cộng 17 trận.
Tóm lại, phong độ thì khó đoán, về lịch thi đấu không ai lợi hơn ai!
Nhưng tỉ lệ cá độ vẫn khác nhau có lẽ vì trận đối đầu trực tiếp giữa Man city và Arsenal, trong đó Man city có lợi thế vì được chơi trên sân nhà, nếu hòa thì Liverpool là đội được hưởng lợi.
Trận đấu một mất một còn này diễn ra ngày sau kỳ thi đấu quốc tế, trong đó ba đội hàng đầu đều góp danh sách trên dưới 15 tuyển thủ. Theo tin tức đã loan, nhiều ngôi sao đã viện cớ này cớ khác từ chối khéo để giữ sức cho đấu đấu cũng như giai đoạn quyết định cả mùa giải.
Trong các cuộc họp báo trước trận, các ông bầu Arteta và Pep đều tìm cách giấu bài khi úp mở về khả năng ra sân của các trụ cột như Saka, Martinelli, Gabrriel, De Buyer, Haaland, TM Ederson. Ở vị trí hậu vệ trái của Arsenal, hai cầu thủ Kiwwior và Zinchenko đã khá nhọc sức để giúp cho các đội tuyển Ba Lan và Ukraine lọt vào vòng chung kết EURO 2024, rất may Tomiyasu đã kịp thời hồi phục để sẵn sàng xung trận.
Quá nóng Man city vs Arsenal, không thể chờ được đến đêm mai!

Bạo lực vẫn còn tràn lan trên thế giới

 

Vụ tấn công khủng bố tại Moscow làm ít nhất 133 người chết, hàng trăm người khác bị thương là một tấn thảm kịch mới nhất trên thế giới. Sơ khởi, nhóm IS miền đông có đại bản doanh tại Afghanistan đã nhận trách nhiệm, cho biết các chiến binh đã về nơi “an toàn”. Tuy nhiên phía Nga đã bắt được 4 nghi phạm trực tiếp nổ súng và cho rằng các nghi phạm của vụ tấn công có ý định chạy trốn sang Ukraine.
Câu hỏi đặt ra tại sao IS lại tấn công Nga? IS coi tất cả kẻ ngoại đạo đều là kẻ thù, vì thế Nga cũng là một trong số các kẻ thù của IS. Có thể IS tấn công vào “mắt xích yếu nhất” (theo cách nói của Lenin). Nga là cường quốc, Putin là nhà lãnh đạo luôn tỏ ra mạnh mẽ và cứng rắn, không lẽ lại là mắt xích như vậy?
IS không thể tấn công Mỹ khi tình báo nước này đã biết trước. Ngày 8/3, Đại sứ quán Mỹ tại Moscow ra thông báo về cuộc tấn công khủng bố, yêu cầu tránh xa chỗ đông người. Có thể Nga đã phớt lờ lời cảnh báo, hoặc đã chú trọng nhưng không làm được gì hơn.
Tổng thống Ukraine Zelenski cho rằng việc Nga chiêu mộ lính đánh thuê nước ngoài đã cho phép các phần tử khủng bố trà trộn vào lãnh thổ. Ông nói thêm, Nga muốn đánh Ukraine bằng mọi giá thì đây là một cái giá phải trả.
Khi phát động cuộc chiến vào Ukraine, không rõ lãnh đạo Nga đã tính đến việc đổ máu ngày trên lãnh thổ Nga chưa, nhưng nay đã là thực tế ngay tại thủ đô Moscow, cùng với bán đảo Crimea, một ví trí quan trọng về quân sự và hải quân trong khu vực.
Cách không xa Nga và Ukraine, bạo lực vẫn tiếp diễn tại Dải Gaza và Biển Đỏ. Chiến thuật vừa đánh, vừa đàm cho việc thả con tin đã làm chiến tranh tại Gaza kéo dài. Phía Mỹ không muốn mất thêm nhiều sinh mạng nên đã gây sức ép với chính quyền Do Thái để không leo thang bạo lực, nhưng chính vì điều này vấn đề Hamas không thể giải quyết dứt điểm.
Trong khi đó nhóm Houthi từ Yemen với sứ mệnh chia lửa với Hamas, đã liên tục tấn công vào tàu bè đi qua Hồng Hải, gây mất an ninh hàng hải và tăng chi phí vận tải biển. Một số thủy thủ đã mất mạng sau các vụ tấn công, trong đó có thủy thủ người Việt.
Yemen là đất nước đang rơi vào tình trạng nội chiến từ hơn 10 năm nay với hàng chục nhóm vũ trang cát cứ chiếm giữ các vùng lãnh thổ. Đất nước cực nam bán đảo Ả Rập cũng phức tạp về tôn giáo với hai nhánh chính của hồi giáo là Sunni và Shia chia theo tỉ lệ lục tứ gần như ngang nhau. Nhóm Houthi thuộc Shia, được Iran hậu thuẫn nên khá mạnh.
Hai điểm nóng nữa đến từ vùng biển nổi tiếng với câu chuyện cổ “Những tên cướp biển Caribbe”, đó là Haiti và Cuba. Hai địa danh này chỉ cách nhau trăm cây số trên biển nhưng khá trái ngược nhau, một bên có chính quyền mạnh và bên kia là tình trạng vô chính phủ, vẫn có mẫu số chung là bạo loạn và bạo lực.
Do khủng hoảng năng lượng và lương thực, hàng triệu người dân Cuba đã xuống đường biểu tình. Họ đã có một số đụng độ với cảnh sát nhưng không rõ những thông tin về số người chết và bị thương. Với một quốc gia chỉ có chục triệu dân thì “hàng triệu” này tương được với “chục triệu” bên Việt Nam.
Sau vụ ám sát tổng thống Moise vào năm 2021, Haiti đã rơi vào tình trạng vô chính phủ khi chính quyền của quyền tổng thống Henry không thể kiểm soát được đất nước cựu thuộc địa Pháp bởi 200 băng đảng xã hội đen đang xâu xé nhau. Vừa qua, khi ông Henry công du Kenya với mục đích mượn quân đội nước này dẹp loạn thì Liên minh các băng đảng lớn đã ra tối hậu thư yêu cầu Henry từ chức.
Các thủ lãnh băng đảng muốn hợp thức hóa tổ chức xã hội đen đồng thời cá nhân họ được ân xá cho các tội ác trong quá khứ. Có vẻ một yêu sách như thế sẽ không được chấp nhận. Tin cho hay mặc dù quyền tổng thống Henry chấp nhận từ chức nhưng thỏa thuận với Kenya sẽ vẫn có hiệu lực để thực thi trong thời gian tới.
Đáng buồn là, đến lúc này, tất cả các điểm nóng kể trên chưa cho thấy những tín hiệu nguội mát trong tương lai gần.

Nhớ nhiều Fujairah

 

Vào mỗi dịp Ramadan hằng năm, mình lại nhớ về vùng đất Trung Đông nóng như đổ lửa, nơi mình đã từng sống khá lâu.
Mình bằng đầu cuộc sống bên Dubai với một nhà một xe, con xe Honda CRV màu vàng, đời 2001. Nó đã cùng mình phi khắp 7 tiểu vương quốc của UAE. Abu Dhabi và Sharjah là hai nơi đi nhiều nhất, nhưng lại nhớ nhiều hơn đến Fujairah.
Tháng 10/2002 Fujairah cho miễn phí một gian hàng hội chợ. Nhưng ở nơi khỉ ho cò gáy nên mãi mới tìm được người cùng tham gia. Hằng ngày tụi mình từ Dubai chạy đi và chạy về đến Fujairah, sức trai chưa vợ, có đoạn mình phóng 180km/giờ, đèn chụp tốc độ bắn thía lia. Kỳ lạ, chẳng bao giờ nhận được giấy phạt.
Lúc đó đang làm đường mới cho chặng Dubai – Fujairah, dài 120km, đường cũ phải đi vòng qua Sharjah và Ajman mất 140km. Có lúc mình đi đường mới, đụng chỗ chưa làm xong lại quặt sang đường cũ. Hội chợ 10 tối mới tan, lò mò trên quãng đường phần lớn đen thui vì không có đèn thì về đến nhà đều phải sau 12 giờ đêm.
Tiểu vương quốc Fujairah bây giờ có 200,000 dân, lúc đó chỉ là 100,000, riêng thành phố thủ phủ cùng tên lối 50,000. 6 thành phố thủ phủ của UAE nằm ở “bờ tây”, thuộc “Vùng Vịnh”, tức Vịnh Ba Tư; chỉ mỗi Fujairah nằm bên bờ đông, thuộc vịnh Oman.
Trong quá khứ, đất Fujairah thuộc Oman, vốn là một quốc gia hùng mạnh trong vùng. Giữa thế kỳ 19, Ral Al Khaimah tách ra khỏi Sharjah thì sau ít lâu Fujairah nhập vào Sharjah. Thời gian 1900-1920, hai tiểu vương quốc kia tạm thời tái thống nhất thì năm 1901, Fujairah tuyên bố ly khai và độc lập từ đó đến nay.
Lãnh thổ Fujairah có ba mảnh, đan xem với các vùng đất của Sharjah và Oman. Đặc biệt mảnh đất lịch sử mang tên Dibba thì cả ba bên đều nhận của mình. Dibba ghi nhận chiến thắng của quân hồi giáo vào năm 663, đánh dấu việc toàn thắng trên bán đảo Ả rập.
Để khỏi mất lòng nhau, Dibba được chia ba, gọi là Dibba Muhallab, Dibba Hisn và Dibba Bayah cho ba bên liên quan.
Do địa hình cao, khí hậu Fujairah đỡ nóng hơn các thành phố bên phía Tây một chút. Để đi đến các thủ phủ “bên kia” Fujairah phải vượt qua một rặng núi, trong khi đường đến Sohar, cố đô và một thành phố lớn của Oman thì chỉ cần dọc theo bờ biển, gần hơn nên giao lưu dễ dàng hơn.
Nhà thờ Hồi giáo Al Bidya là nhà thời hồi giáo lâu đời nhất của UAE vẫn còn hoạt động, theo kiến trúc giống như các nhà thờ của Oman và Yemen, và do đó khác biệt với các nhà thờ khác của UAE. Do xây bằng bùn và đá, không dùng gỗ nên không thể xác định niên đại theo phương pháp phóng xạ, Trung tâm khảo cổ Fujairah đã cộng tác với Đại học Sydney và Đại học này của Úc đã xác định Nhà thờ xây vào khoảng năm 1446.
Năm nay cũng là năm Fujairah kỷ niệm 50 năm quốc vương Kheikh Hamad lên ngôi, người mình đã gặp khi khai mạc Hội chợ 2002. Ông lên ngôi năm 1974 khi mới 25 tuổi khi cha ông, Kheikh Mohammed, một trong những người sáng lập nhà nước UAE vào năm 1971 qua đời.
Như vậy Kheikh Hamad ở ngôi lâu thứ nhì hiện nay, sau Kheikh Sultan của Sharjah, với 52 năm không chỉ trong UAE mà tính luôn các nước Ả Rập Hồi giáo.
Một điều đáng ghi nhớ của du khách là giá cả sinh hoạt ở Fujairah rất thấp và thấp nhất so với mặt bằng UAE, khoảng bằng phân nửa so với Dubai và ngang ngửa với giá bên Oman, quốc gia có mức sống thấp hơn.

Các đội bóng Anh chiếm ưu thế tại ba cup Châu Âu

 

Có cả thảy 5 đội bóng Ngoại hạng Anh lọt vào Tứ kết ba cup Châu Âu, gồm Champion League (CL), Europa League (EL) và Europa Conference League (ECL). Ý cũng có nhiều đội lọt sâu là 4 đội, trong khi các quốc gia khác chỉ có 3 đội trở xuống.
Ngoài số lượng, các đội bóng Anh còn được ưa thích ở các giải đấu. Trong C1, Man city là đương kim vô địch cũng là ứng viên nặng ký nhất, bất kể vòng đấu tới đụng Real Madrid, có thể coi là trận chung kết sớm. Đây là lần thứ ba liên tiếp hai đội bóng này gặp nhau, lần đầu Real thắng, lần sau là Man city còn lần này chưa biết thế nào.
Nếu vượt qua Man city thì Real Madrid nhiều khả năng chạm trán một đội bóng Anh khác đang lên chân là Arsenal với giả thiết đội thắng Bayern Munich. Sau nhiều lần chết dưới tay Bayern Munich thì lần này Pháo thủ có cơ may khi Hùm xám đang sa cơ, lại bị phạt vì cổ động viên quậy nên không được dự khán ở sân khách.
Nhánh bên kia có phần yếu hơn với PSG có nhiều khả năng chiếm suất vào trận chung kết danh giá.
Ở C2, ứng cử viên số 1 chắc chắn phải là Liverpool, kế đến là đội đang chơi rất hay trong mùa giải năm nay là Bayer Leverkusen, hiện đang dẫn đầu giải vô địch nước Đức. Đây là hai đội được coi là mạnh nhất, nhưng họ sẽ phải cạnh tranh với 3 đội bóng của Ý, trong đó nổi bật là AS Roma.
Aston Villa dưới sự dìu dắt của HLV Emery, người rất có duyên với giải Cup, là ứng viên hàng đầu trong C3 khi mà ở đây không có nhiều đội mạnh.
Năm nay, ngoài ý nghĩa danh hiệu cho các CLB thì còn là một cuộc chạy đua, theo đó 2 quốc gia có điểm số cao nhất sẽ được “thưởng” một suất dự CL. Hiện 5 quốc gia trên thực tế còn đua tranh, theo thứ tự xếp hạng tạm thời là Ý, Đức, Anh, Pháp và Tây Ban Nha.
Mọi năm Anh dễ dàng vượt lên nhưng vì Man Uted và Newscatle bị loại sớm từ vòng bảng nên tụt xuống thứ ba. Cũng không sao, vì có 5 đội mạnh ở 3 cup để tiếp tục ghi thêm điểm nên dự báo Anh Quốc sẽ có thêm một suất, trong khi bóng đá Ý có 4 đội, lại đang dẫn đầu về điểm số nên khả năng cũng được thêm một suất.
Bóng đá đầy dẫy chuyện bất ngờ, nhất là khi ở Tứ kết có hai cặp đấu của các quốc gia tranh tranh trực tiếp. Nếu các đội bóng của Anh và Ý thua các đối thủ từ Đức, Pháp và Tây Ban Nha thì mọi chuyện có thể bát nháo chưa biết đường nào mà lần.
Bốn đội của Ý đều không gặp đội nào từ ba quốc gia đối thủ, nhưng họ vẫn cần thắng để ghi điểm. Về các đội bóng Anh, đó là các cặp đấu Man city – Real Madrid, Arsenal – Bayern Munich và Westham – Bayer Levekusen.
Nếu cả ba cặp này các đội bóng Anh đều thua nhưng Liverpoll và Aston Villa đều thắng ở hai vòng tứ kết và bán kết để lọt vô chung kết thì thì bóng đá Anh nhiều khả năng vẫn đủ điểm để nhận thưởng.
Với tình hình ở Ngoại hạng Anh hiện nay, với việc có suất thứ năm, hai đội Tottenham và Aston Villa có thể không cần phải tranh nhau vào top 4.
Bình thường ra, Ngoại Hạng Anh có 7 suất dự ba cup Châu Âu, nhưng vì West Ham vô địch ECL nên được thêm một suất là 8. Năm nay mà được thưởng 1 suất thì sang năm Anh sẽ vẫn có 8 đội dự ba cup.
Nếu ba đội bóng Anh đoạt ba cup sẽ được thưởng ba suất nếu cả ba đội này đều nằm ngoài top 8. Tuy nhiên tổng số không phải 11 mà chỉ là 10 vì ở cup C1 đã có giới hạn 5 đội cho mỗi quốc gia, như vậy đội thứ 5 bị đẩy xuống chơi C2.
Nhưng trong 5 đội Anh quốc, chỉ có West Ham là nhiều khả năng đứng ngoài top 8, vì thế chỉ nếu West Ham vô địch thì bóng đá Anh mới có thêm suất thứ 9.

Mangaia – hòn đảo phóng đãng trên đại dương

 

Thái bình đại dương bao la có muôn vàn những điều kỳ bí chưa được khám phá, trong đó đảo Mangaia làm tất cả phải kinh ngạc về cuộc sống phóng đãng không thể tưởng tượng nổi của dân đảo.
Mangaia là 1 trong 15 đảo thuộc quần đảo Cook. Cook Islands là một tiểu quốc chỉ có 15,000 người, vốn được bảo trợ bởi New Zealand, được Liên hợp quốc công nhận độc lập từ năm 1992.
Trong quần đảo, Rarotonga là đảo lớn nhất, chiếm 75% dân số cả nước, tức khoảng 13,000 người, trong khi Mangaia có diện tích lớn thứ nhì nhưng chỉ có khoảng 500 cư dân.
Hãy tưởng tượng một hòn đảo có diện tích 52 km2, gấp ba lần diện tích đảo Phú Quý (với 21,000 dân) mà chỉ có 500 người thì đó là một đảo hoang, hoặc quá thưa thớt. Hơn nữa, đến nay cũng rất ít chuyến bay từ Rarotonga tới Gangaia mà phương tiện giao thông chính giữa hai đảo vẫn là tàu và thuyền.
Quần đảo được đặt tên theo Thuyền trưởng Cook, nhà thám hiểm phát hiện ra quần đảo này cũng như New Zealand và bờ đông của Úc. Không rõ Cook đã đặt chân đến Mangaia chưa nhưng những người nối tiếp bước chân của ông đã thực sự sửng sốt khi khám phá về cuộc sống của người dân trên đảo.
Nhà nhân chủng học Donald Marshall cho rằng người Mangaia là giống người có hoạt động tình dục mạnh nhất của nhân loại. Đàn ông ở độ tuổi trên dưới 20, tuổi sung mãn nhất có thể làm 21 nháy mỗi tuần, tức trung bình mỗi ngày 3.
Trẻ trai ở Mangaia được giáo huấn về tình dục từ khi còn rất nhỏ tuổi bởi các anh, các chú đi trước. Đến khi dậy thì, tức sau 13 tuổi thì phần lý thuyết kết thúc, bắt đầu chuyển sang phần thực hành với các chị, các cô đã có kinh nghiệm. Các khóa huấn luyện lên bờ xuống ruộng này được được dài khoảng 2 tuần.
Người Mangaia có tục rạch bao quy đầu, và sau thủ tục này thì bạn đã trở thành một người đàn ông thực thụ, được khuyến khích đi làm tình với càng nhiều bạn gái càng tốt. Về phần chị em, kể cả khi có chồng mà quan hệ với người khác cũng được phong tục địa phương coi là điều bình thường.
Người Mangaia thuộc chủng tộc Polynesia (còn gọi là người đa đảo), một trong bốn chủng tộc hải đảo trong khu vực châu Đại dương. Có bằng chứng khoa học cho rằng, người hải đảo có khả năng sinh lý phi thường, thể hiện ở tốc độ tái sinh “nòng nọc” của đàn ông. Điều này cũng dễ hiểu, cuộc sống tận hưởng khí hậu lý tưởng, chan hòa với thiên nhiên theo nhịp sóng vỗ, không khỏe thì mới lạ.
Trong khi đó, các nhà khoa học cũng cảnh báo, đàn ông ở các xứ văn minh đang sa sút nghiêm trọng về hoạt động giường chiếu (ai cũng có thể cảm nhận điều này) do môi trường ô nhiễm và căng thẳng trong cuộc chiến đấu vì đồng tiền. Nếu xu hướng này tiếp diễn thì không chừng 50 năm hay 100 năm nữa, đa số đàn ông không còn khả năng duy trì nòi giống.
Lúc đó, đàn ông hải đảo sẽ lên ngôi, văn võ song toàn, vừa có thể lực của mãnh thú, vừa có kỹ thuật gia truyền được huấn luyện từ nhỏ.
Tất nhiên đó chỉ là một giả thiết trong tương lai, còn thực tế tại Mangaia lại có hiện tượng người dân bỏ “thiên đường” mà đi. Dân số lúc cao nhất của đảo lên đến 2000-3000 mà nay chỉ còn 500 thì đã thấy một tỉ lệ không nhỏ đã ra đi.
Đây không phải điều cá biệt, rất nhiều đảo khác trong Thái Bình Dương cũng có hiện tượng sút giảm dân số nghiêm trọng do sự di cư sang các xứ sở khác có điều kiện kinh tế và tiện nghi khấm khá hơn.
Hiện nay có khoảng 80,000 người Cook Islands di cư sang sinh sống ở New Zealand và khoảng 30,000 người khác sang Úc. Ở chiều ngược lại, dân số đảo chính Rarotonga của quần đảo Cook chỉ có khoảng 13,000 người mà hằng năm phải đón tiếp đến gần 200,000 du khách.
Mình có ý định khi về hưu, có thời gian sẽ lang thang về các đảo Thái Bình dương để tìm hiểu và học hỏi thêm các điều thú vị.
- Ông giề rồi thì học làm mẹ gì nữa!
Phải học chớ, cái gì không học thì thôi, nhưng những cái hay của đảo Mangaia thì không thể không học!

Thứ Hai, 11 tháng 3, 2024

Người Ấn

 


Dân chủ phải từ dưới lên

 

Vừa rồi mình viết bài “Những Thái thú tân thời” nhưng mọi người không comment về chủ đề chính là Thái thú mà lại thích còm về dân chủ. Có bạn cho rằng “Philippines còn dân chủ hơn cả Mỹ”, thật chẳng biết đường nào mà lần.
Mình không được học hành gì về dân chủ, nhưng có lẽ cũng chẳng cần, những cảm nhận về cuộc sống, gọi nôm na là “trường đời” còn quý giá hơn.
Hồi trước, các cháu còn nhỏ mình phải đi đón ở trường học. Vào lúc mùa bầu cử địa phương, có một cậu ứng viên đích thân ra đứng ở cổng trường để phát tờ rơi vận động. Thấy mình loay hoay mãi mới đậu tìm được chỗ đậu xe, cậu ấy đưa tờ rơi và nói một câu “tôi sẽ làm địa phương ta có nhiều chỗ đậu xe hơn, hãy bầu cho tôi”.
Khi quan chức biết được người dân đang cần gì để đáp ứng, như thế là dân chủ thôi.
Việc ông Putin cầm quyền 25 năm mà cho rằng nước Nga không có dân chủ thì chưa chắc đã đúng vì dân chủ nằm ở bên dưới là chính, từ những chuyện dường như nhỏ nhặt. Nếu nguyện vọng người dân được lắng nghe và quan tâm, thể hiện qua tự do ngôn luận, có bầu cử công bằng để chọn được người hiểu nguyện vọng của dân...là dân chủ.
Thời phong quyền tập quyền và toàn trị nhưng vẫn có câu “phép vua thua lệ làng”. Thực tế, các già làng già bản, những người được dân chúng ngưỡng mộ và tôn trọng, có khá nhiều quyền lực. Đó cũng là dân chủ.
Thời nhà trần có hội nghị Diên Hồng với sự tham gia của đông đảo các bô lão để bàn việc quốc gia đại sự. Vua Gia Long đã từng tổ chức ít nhất hai hội nghị với các quan tướng để công khai bàn chọn người nối ngôi. Đó đều là những biểu hiện của dân chủ.
Cho rằng dân chủ rất cao siêu, phải có dân trí rất cao mới đạt được là suy nghĩ sai lầm. Dân chủ đơn giản là việc người dân có tiếng nói cho nguyện vọng của mình, không cần một cá nhân hay một nhóm người nào "thượng lưu” nghĩ hộ, nói hộ.
Dân mình có câu “quan xa, nha gần”, thật ra ai làm tổng thống hay thủ tướng cũng không ảnh hưởng gì lắm đến người dân bình thường. Khi gặp những trở ngại trong cuộc sống, ví dụ nhà mất điện, mất nước hoặc vướng mắc thủ tục hành chánh, làm sao bạn có thể kêu lên thiên đàng mà chỉ có thể nhờ cậy các viên chức cấp thấp trong địa phương.
Khi người dân có tiếng nói, có quyền lực thì cũng sẽ có quyền lợi. Ngân sách dù có nguồn gốc từ thuế hay từ tài nguyên cũng đều là của dân, chứ không phải của lãnh tụ. Vì thế nó phải được chi cho phúc lợi như y tế, giáo dục, công chính, môi trường...phần phục vụ bộ máy quan liêu, quân đội, công an thì càng giảm thiểu càng tốt. Mặt khác, tiền thu tô thuế đưa lên ngân sách trung ương càng ít càng tốt, phần chủ yếu phải được địa phương, cơ sở được giữ lại để chi tiêu tại chỗ.
Tỉ trọng ngân sách chi bao nhiêu cho "bên dưới" và bao nhiêu cho "bên trên"có lẽ là thước đo tin cậy cho dân chủ.

Quan hệ Hợp tác Úc – Việt vươn lên tầm cao mới?

 

Mười nhà lãnh đạo ASEAN vừa tề tựu dự Hội nghị Thượng đỉnh Úc – ASEAN trong 2 ngày làm việc ở Melbourne. Mặc dù thiếu vắng lãnh đạo Myanmar do bị đình chỉ tư cách sau vụ đảo chính quân sự thì Úc lại mời đại diện của Timor Leste, một quốc gia trong vùng Đông Nam Á chưa phải thành viên ASEAN, đó là ông Gusmao.
Gusmao, 78 tuổi, vốn là nhà đấu tranh giải phóng, tổng thống đầu tiên của Đông Timor khi nước này giành độc lập năm 2002, sau một thời gian vắng bóng trên chính trường thì nay mới trở lại ghế Thủ tướng từ tháng 7/2023.
Một mối lo sợ của nước Úc bấy lâu nay là Úc cô độc lẻ loi chẳng giống ai do vị trí địa lý cách biệt. Với trên 80% dân số da trắng, Úc gần gũi phương Tây về các giá trị dân chủ tự do, về quan hệ chính trị và an ninh nhưng lại trao đổi thương mại với châu Á nhiều hơn.
Úc là “anh lớn” trong biển cả gồm các đảo quốc Thái Bình dương trong một khái niệm gọi là “Châu Đại dương”. Hiện nay Úc đã cắt hết các khoản viện trợ không hoàn lại cho các nước nhưng vẫn duy trì với các nước láng giềng, lớn nhất có thể kể đến PNG, Fiji, Tonga, Vanuatu (tức tân đảo)...
Úc tham gia liên minh quân sự tam giác AUKUS với Mỹ và Anh và hiện đang có một dự án khổng lồ đóng tàu ngầm hạt nhân ở Nam Úc. Úc cũng là thành viên của nhóm Bộ tứ QUAD cùng Mỹ, Nhật và Ấn Độ trong một liên minh chính trị xuyên hai đại dương là Thái Bình dương và Ấn Độ dương. Trong liên minh tình báo ngũ nhãn Five Eyes gồm các nước nói tiếng Anh với Mỹ, Anh, Canada, New Zealand cũng không thiếu Úc.
Các bạn hàng mậu dịch lớn nhất của Úc không phải các nước kể trên mà lại là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Quan hệ đầu tư thương mại của Úc với ASEAN “còn nhiều tiềm năng để phát triển”, một cách nói an ủi khi nó chưa chịu lớn như kỳ vọng.
Tuy nhiên dân nhập cư từ các nước Đông Nam Á vào Úc thì khá đông, lên đến hơn một triệu người sinh ra hoặc có cha mẹ sinh ở các nước này. Đáng chú ý, người Việt chiếm hơn phân nửa trong tổng số dân Đông Nam Á nhưng kim ngạch thương mại hai chiều Úc – Việt lại thấp hơn so với Indonesia, Thái Lan hay Malaysia, chỉ đạt 13,9 tỉ USD/năm trong khi với ASEAN là 101 tỉ/năm. Tất nhiên, kiều bào là “cầu nối” trong mối quan hệ thương mại, đảm bảo rằng không có một mặt hàng nào có thể vênh giá đáng kể trong thị trường mà không bị phát hiện ra, để có những động thái chuyển hàng, dù mậu dịch hay phi mậu dịch.
Trong bối cảnh mối quan hệ Úc – Việt đã được nâng lên tầm cao mới là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, liệu đây chỉ là hình thức hay có điều gì thiết thực hay không?
Về an ninh quốc phòng có lẽ chưa có nhiều chuyển biến. Như nói ở trên, Úc đã có những mối quan hệ tin cậy, truyền thống với Anh, Mỹ, Nhật. Đối với Việt Nam, nguồn vũ khí chính vẫn là Nga, mặc dù đang có hướng chuyển sang dùng vũ khí của Israel, Hàn Quốc hay Hoa Kỳ nhưng cần có thời gian vì hệ thống của hai loại vũ khí này khác nhau.
Cũng như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Úc không phải là nước có đầu tư lớn vào Việt Nam, điều này cũng không dễ thay đổi trong bối cảnh năm 2024 là năm đầu tiên áp dụng mức thuế tổi thiểu đối với các nhà đầu tư trên toàn cầu, sẽ làm mất đi lợi thế cạnh tranh ở các nước có nguồn nhân công rẻ như Việt Nam.
Đươc biết trong chuyến công du, đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính dẫn đầu đã “bàn” với Úc về các lĩnh vực hợp tác, một vấn đề mới là việc khai thác đất hiếm là lĩnh vực Úc có nhiều kinh nghiệm.
Trong vòng sáu tháng qua, Việt Nam nâng cấp mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Nhật và nay là Úc. Chúng ta hãy chờ xem có những chuyển biến gì có thể xảy ra, nhưng có thể hiểu nếu chỉ trong lĩnh vực đầu tư và thương mại thì những điều làm được thì đã làm, như kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đã cán mốc 100 tỉ USD/năm từ nhiều năm, hay Nhật đã luôn luôn là nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam.
Dù sao cũng có một tin vui bất ngờ, Úc chịu cấp 1000 visa nông nghiệp cho Việt Nam. Quay đi quay lại, vi da vi vào vẫn là cái thiết thực nhất, đáng quan tâm nhất của bà con người Việt.
Sau covid, Úc thiếu nhân công trầm trọng, đặc biệt là khu vực nông nghiệp nên đã cấp ồ ạt visa du lịch với số lượng lớn hơn con số 1000 rất nhiều. Có điều, khi người Việt đi làm farm đã làm các chủ farm "phát hoảng" vì họ không chịu theo hướng dẫn kỹ thuật, đã hủy hoại cây trồng, có chủ farm phá sản.
Nên chăng đây là điều cần lưu ý để có thể giữ được quota nông nghiệp cho nhiều năm tiếp sau.

Thuyết âm mưu: Những Thái thú tân thời

 

Thời trung cổ, Thái thú là một chức vụ do “Thiên triều” bổ nhiệm nhằm cai quản một thuộc quốc. Nhiệm vụ của Thái thú là thu tô thuế, của cải trong vùng đất phụ trách để đưa về cho Thiên tử.
Đối với các nước chư hầu, không gọi tên thái thú, vua chịu sắc phong thì quyền độc lập tự chủ cao hơn nhưng cũng không tránh được việc triều cống, bao gồm vàng bạc châu báu và các đặc sản trong xứ sở.
Vào khoảng thế kỳ 17, các tàu buôn phương Tây vào Phố Hiến (Hưng Yên ngày nay) đã “quà cáp” cho vua Lê mấy cô gái mắt xanh mũi lõ. Vua không chia cho ai mà giữ hết các “dâu ngô” để dùng một mình.
Bên phương Tây, các đế quốc Hy Lạp, La Mã cũng có nhiều các lãnh chúa chịu ảnh hưởng và các ông vua con này cũng có tục lệ cống nạp. Về sau, các đế quốc Anh, Pháp và các đế quốc khác có nhiều thuộc địa khắp nơi trên thế giới. Toàn quyền là người đứng đầu các vùng thuộc địa, họ cũng có trách nhiệm bóc lột tài nguyên, sản vật để đưa về mẫu quốc.
Nói một cách hình ảnh, các loại thái thú, vua chư hầu, lãnh chúa và toàn quyền là những tên chăn vịt, chăn cừu cho các ông chủ đế quốc, thiên triều. Thói đời đội thượng đạp hạ, họ “ngoan ngoãn” như vậy trong hàng chục thế kỷ vì cũng chẳng mất gì, bóc chỗ này, dâng chỗ khác mà thôi.
Ngày nay, không còn phương trời riêng theo từng khu vực địa lý, thời kỳ “hai phe, bốn mâu thuẫn” cũng đã chấm dứt. Sau khi Liên Xô và hệ thống CHXH sụp đổ thì nước Mỹ đang chi phối thế giới về mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ, việc gì cũng nhúng mũi vào và do đó có thể coi Mẽo là “thiên triều”.
Mẽo có tiền, tổ chức, phương tiện, nhân lực giỏi để sẵn sàng tiếp tay cho các "thế lực thù địch" khi cần. Sự sụp đổ của các nhà độc tài ở Mỹ Latin, ở Đông Âu XHCN, cách mạng màu ở các nước CIS (Liên Xô cũ), mùa xuẩn Ả Rập... là quá nhiều các tấm gương.
Mình từng sống trong môi trường dân chủ từ năm 1994, đủ lâu để hiểu một ông hay bà thị trường địa phương không việc gì phải sợ Thủ hiến tiểu bang hay Thủ tướng liên bang vì Thủ tướng, Thủ hiến không có quyền bổ nhiệm họ. Họ có job là do được cử tri bầu lên. Suy rộng ra, các chính khách ở các quốc gia dân chủ không có lý do gì phải sợ Mỹ, họ chỉ sợ ai cho họ việc làm. Nhưng họ lại là “cùng hội cùng thuyền” với lãnh đạo Mỹ vì cùng do dân bầu lên.
Đến đây, mọi người sẽ bảo mình là cuồng hay ngáo. Mình biết dân chủ chỉ có tính tương đối, nhưng về cơ bản, bầu cử là cách nặn ra các chính khách ở thế giới tự do.
Nếu còn “thiên triều” ắt sẽ có thái thú, những kẻ rắp tâm làm tay sai cho ngoại bang, bán rẻ lợi ích đất nước, nhưng chúng vô cùng tinh vi lắt léo và không dễ nhận ra. Để nhận diện những Thái thú tân thời, mình tạm quy ước hai “định luật”:
Thứ nhất, đừng nghe những gì lãnh tụ nói mà hãy căn cứ vào hành động, vì trong nhiều trường hợp lời nói không đi đôi với việc làm. Thứ hai, không phải lúc nào ý kiến của đa số cũng đúng bởi vì trong nhiều hoàn cảnh đa số không có đủ thông tin.
Các lãnh tụ độc tài rất khoái nói đến hai chữ “dân tộc” hay tổ cuốc tổ cò gì đó nhưng chính họ lại gây phương hại cho đất nước nhiều nhất. Mọi người có thể ném đá nếu mình lấy ví dụ đích danh Putin và Tập Cận Bình, nhưng hãy từ từ hãy ném để xem có phải từ khi hai vị này lên cầm quyền thì nước Nga và nước Tàu có tốt lên hay không?
Putin chính thức nắm chức tổng thống vào cuối năm 1999, nhưng trước đó đã là Thủ tướng trong bối cảnh Elsin già yếu thì có thể coi ông cầm quyền trong 25 năm qua. Đó là khoảng thời gian khối NATO mở rộng từ 16 lên 31 nước, sắp tới có thêm Thụy Điển sẽ là nước thứ 32. Đáng chú ý, dưới trào Gorbachev và Elsin không có thành viên mới, trong khi thời Breznev chỉ có 1.
NATO là một tổ chức chính trị, quân sự do Mỹ cầm đầu, việc mở rộng NATO chính là việc làm tăng cường ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây, làm suy yếu nước Nga với tư cách là một đối thủ cạnh tranh.
Tương tự, khối kinh tế EU cũng được mở rộng từ 15 lên 28 thành viên, đó cũng là một lý do làm kinh tế Nga bị mất khả năng cạnh tranh trên thương trường do thiếu nguồn đầu tư và thị trường xuất khẩu.
Điều Putin làm vừa lòng Mỹ nhất là việc quan hệ của Nga và các nước châu Âu, đặc biệt là Pháp, Đức, Anh xấu đi. Như vậy, Châu Âu đã phải quỵ lụy Mỹ cho cái ô bảo vệ an ninh mà không còn ở vị thế ganh đua với với Mỹ.
Mọi người sẽ khó hiểu khi Nga hơn hẳn Ukraine về quân số và vũ khí nhưng vẫn không thể hạ gục nước láng giềng bé nhỏ hơn nhiều lần. Chắc là “đồng chí Putin tính hết rồi” và hệ lụy là nước Nga hùng mạnh trước đây giờ chỉ đồng vai phải lứa khi đánh nhau với một nước Ukraine thì làm sao có thể làm nước Mỹ rụng cọng lông chân nào?
Tương tự, Tập Cập Bình xóa bỏ chính sách “ẩn mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình để hùng hùng hổ hổ, một cách tự tay bóp dái, mất đi nguồn vốn đầu tư FDI, sụt giảm xuất khẩu. GDP của Trung Quốc đã mất đà tăng trưởng vũ bão và sẽ rơi vào trạng thái không chịu lớn giống như kinh tế Nhật cách đây 20 năm.
Trung Quốc của Tập đã tự biến mình trở thành kẻ thù của Nhật Bản, rõ ràng đây là điều mà Mỹ hằng mơ ước. Nhật Bản đã từng là nền kinh tế số 2 thế giới, từng tỏ ra ương ngạnh trong các cuộc chiến thương mại thì bây giờ bỗng trở thành đồng minh thân thiết như anh em ruột thịt với Mẽo.
Thử tưởng tượng với sự gần gũi về chủng tộc và văn hóa, Trung Quốc liên kết với Nhật, Nga hội nhập với Châu Âu để chung sức chống Mỹ thì dám Mẽo sẽ bung và toang thôi. Kịch bản này không xảy ra, công đầu dành cho Pu và Tập.
Tại sao mình chọn hai vị này, vì họ có chung chí hướng muốn làm lãnh tụ suốt đời. Theo thuyết âm mưu, dù không còn chuyện triều cống thì "quà cáp” vẫn không ai từ chối. Trong cuộc đổi chác chân giò chai rượu, Pu và Tập đã và đang được toại nguyện danh vọng cá nhân, chỉ tội nghiệp cho người dân của họ.