Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2025

The Oaks


 

Ngày mai bắt đầu từ hôm nay

 

Lâu nay mình hay chém gió về thế sự xa xôi mà ít viết về Việt Nam. Nhiều người cho rằng khi đi xa lâu ngày thì “không biết gì” nữa, nhưng cứ thử xem.
Thú thật mỗi khi nghĩ đến quê hương chỉ thấy một nỗi buồn mênh mang bởi sự tụt hậu quá xa so với thế giới và khu vực. Nhưng con tim đã vui trở lại bởi những diễn biến gần đây khi mà đất nước đang tiến hành chấn chỉnh lại bộ máy một cách sâu rộng.
Sau khi giảm đầu mối Bộ ngành thì nay lại tiếp tục với việc giảm đầu mối tỉnh, một bước thực sự đột phá là bỏ hẳn cấp huyện, để đưa chuyển chính quyền 4 cấp sang chính quyền 3 cấp như hầu hết các nước.
Những diễn biến kinh khủng ắt hẳn phải có lý do khủng khiếp? Mình không tin đây chỉ là chuyện đấu đá nội bộ mà phải là phản ánh của quy luật khách quan nào đó.
Nhân tiện kể chuyện vui về một hài kịch của Nguyễn Ngọc Ngạn với chủ đề ăn mày và ăn cướp. Dù sao ăn cướp cũng có dũng khí “có gan ăn cắp có gan chịu đòn”, còn ăn mày thì chẳng chịu mất gì. Một kẻ lừa tình còn xấu xa hơn kẻ hiếp dâm vì hiếp dâm sẽ có nguy cơ bị pháp luật trừng trị còn trộm tình thì không.
Trên bình diện toàn cầu, chiến tranh lạnh, khi mà hai siêu cường đầu sỏ phải tìm cách tung tiền lôi kéo đồng minh, đã qua từ lâu nhưng tư duy hai phe bốn mâu thuẫn vẫn còn. Hậu quả là Mỹ vẫn phải cáng đáng 70% ngân sách NATO và nuôi hàng loạt các tổ chức quốc tế. Donald Trump đã lớn tiếng phê phán quan hệ thương mại ngu ngốc, theo đó quốc gia của ông phải chịu đựng phần thâm thủng mậu dịch khổng lồ.
Ở đây, không phải lỗi chỉ thuộc về “kẻ ăn xin” mà “bên cho” cũng có tội bởi vì làm gì có chuyện tình cho không biếu không, mục đích không phải là trói buộc thì cũng là thao túng, đè nén và làm mất tự do. Suy ngẫm ra, cơ chế xin cho là rất tồi tệ, nó hủy hoại khát vọng và tiềm năng của con người. Ví dụ các nước Châu Phi đã không thể tiến bộ vì thường xuyên nhận viện trợ từ bên ngoài.
Donald Trump sẽ đi vào lịch sử nếu gỡ bỏ được thói bao cấp trên phạm vi toàn cầu. Chưa rõ liệu có thành công hay không, song những bước đi đầu tiên đã được thực hiện, trước hết là những đòn thuế nhằm lấy lại cân bằng thương mại.
Thế giới đã thay đổi và Việt Nam cũng không thể như trước. Phải chăng kỷ nguyên mới chính là việc “đứng trên đôi chân của chính mình”. Sau thời kỳ “Các Chú Cứ Phá” (CCCP) làm ông anh Liên Xô phải sập tiệm thì đến thời kỳ thặng dư kim ngạch mỗi năm trên một trăm tỉ USD tiền tươi với Mỹ cùng nguồn vốn FDI, ODA rào rạt.
Theo như một số phương án “dự thảo” đang lan truyền trên mạng thì thấy có những tỉnh rất ít dân, chỉ hơn nửa triệu, ngược lại, có tỉnh thành đến hơn 10 triệu người, tương tự các xã cũng chênh lệnh rất nhiều. Có vô lý không?
Xin thưa không. Như bên Úc có “cao xồ” trên một triệu dân, nhưng nhiều council chỉ có vài ngàn. Mục đích ở đây là làm sao thuận tiện cho thủ tục hành chính và sự đi lại của người dân. Vì thế căn cứ diện tích địa lý và giao thông mới là quan trọng nhất chứ không phải số dân.
Mọi người cũng bàn tán tại sao lại sáp nhập chỗ nọ với chỗ kia chứ không phải tê với ni? Mình thì nghĩ đợt này làm một cách cơ bản thôi, nếu cần sẽ điều chỉnh thêm sau.
Giảm đầu mối tất yếu sẽ phải giảm biên chế mà đây mới là điều cấp bách. Khi mà đầu mối tỉnh giảm 50%, xã giảm 60—70%, bỏ hẳn cấp huyện thì số người giảm ít nhất cũng phải 30%. Theo ý kiến cá nhân, nên giảm 90%. Kể cả 90% thì biên chế Việt Nam vẫn nặng hơn Úc nhiều.
Như anh Tô Lâm đã nói, với 70% ngân sách để trả lương và chi thường xuyên cho bộ máy quan liêu khổng lồ thì làm sao có phát triển. Chúng ta cần trưởng thành, cần lớn lên chứ không thể chờ đợi mãi được.
Thực sự mình không tự hào nếu nước mình hùng mạnh, lo chuyện bao đồng thiên hạ, giống như Trump đã chán ngấy việc Mỹ phải chi viện quốc tế và chịu đựng bất bình đẳng thương mại quá nhiều và quá lâu dài.
Mình thích làm công dân một nước nhỏ, ít dân nơi chính quyền có thể dễ dàng gần gũi chăm sóc cho các nguyện vọng của người dân. Thử tưởng tượng khi ngân sách phúc lợi được phân bổ từ trên xuống, đi qua bao tầng tham nhũng TW, tỉnh, huyện, xã, thôn thì đến người dân có còn gì không?
Tốt hơn là một cơ chế tự trị, tự quản về tài chính mà không cần can thiệp của “bên trên”. Làm được hay không lại là yếu tố con người, cụ thể là một đội ngũ lãnh đạo có đủ tài năng. Việc đưa hàng loạt các tỉ phú, những người xuất sắc về quản trị tư sang lĩnh vực quản trị công như bên Mỹ hiện nay là một thử nghiệm thú vị.
Điều nên đặt ra là sau đợt chấn chỉnh tinh gọn sẽ bước tiếp ra sao và cái đích cuối cùng là gì? Mọi người thử đoán coi, có thể dăm mười năm nữa mới vỡ òa. Một thể chế pháp quyền minh bạch là cách tốt nhất để bảo vệ an toàn và sở hữu tài sản cá nhân cho những người “có điều kiện” và gia đình họ.
Mình tin công cuộc tinh gọn bộ máy không phải vì lý do đấu đá nội bộ hay củng cố quyền lực mà chắc chắn vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng của đất nước. Ánh sáng hy vọng đã được thắp lên!

Thuyết âm mưu: Đằng sau việc thu hồi Kênh đào Panama

 

Trước đây, con đường huyết mạch nối giữa phương đông và phương tây do người Hoa lập ra là “con đường tơ lụa” trên bộ xuyên lục địa Á Âu.
Đến khi có nghề đi biển, con người nhận ra rằng giao lưu bằng đường biển nhanh chóng và hiệu quả hơn. Cùng với kênh đào Suez, kênh đào Panama là hai kênh đào quan trọng nhất, giúp cho việc giao thương hàng hải trên thế giới trở nên dễ dàng.
Nếu như người Anh xây dựng kênh Suez thì người Mỹ xây dựng kênh Panama vào đầu thế kỷ 20 và đây là lý do chính để Panama trở thành một quốc gia độc lập, tách khỏi Colombia vào năm 1903. Lúc đó Panama chỉ là một xứ “vùng sâu vùng xa” về phía tây bắc Colombia với dân số khoảng 40 ngàn người, so với hiện nay là khoảng 4 triệu.
Trong lịch sử, mảnh đất Panama là nơi sinh sống của người da đỏ, nay thì người lai đỏ và trắng chiếm đại đa số. Điều thú vị, người dân xưa kia ở đây đã từng giao lưu với người Nam đảo của Châu Đại dương với bằng chứng về những trái dừa đã được du nhập khẩu từ vùng đất rất xa.
Mới đây, trong một tuyên bố gây sốc, tổng thống Trump đòi “lấy lại” kênh đào Panama vốn dã được trả lại cho Panama theo một Hiệp định song phương vào năm 1977, dưới trào tổng thống Carter. Với việc làm này, chính quyền mới của Mỹ ngụ ý trao trả kênh đào cho Panama là một sai lầm và thiếu tầm nhìn xa.
Tuy nhiên, chúng ta nên nhìn lại thập niên 1970s, khi mà nước Mỹ bị suy thoái kinh tế, phong trào chống Mỹ nổi lên khắp nơi. Tại Việt Nam, đồng minh VNCH sụp đổ, cùng với diễn biến tương tự tại Lào và Campuchia. Bên Trung Đông, Saudi tỏ ra cứng đầu khi đẩy giá dầu lửa lên cao, trong khi cách mạng Hồi giáo bùng nổ ở Iran. Ngay tại “sân sau” Mỹ latin, Cuba chính thức trở thành nước cộng sản, cùng với phong trào cánh tả trở nên rất mạnh tại Nicaragoa và Venezuela.
Với “hoàn cảnh” như vậy, Carter đã buộc phải làm gì đó nhân nhượng khi trao lại kênh đào Panama cho nước sở tại. “Hành động đẹp” không hẳn không được gì, Panama đã và đang là một đồng minh gần gũi tin cậy với Mỹ.
Cho dù có một sự cố vào cuối năm 1989-đầu 1990, khi quân đội Mỹ đã tấn công nước này để bắt giữ tổng thống Noriega và đưa về Mỹ xét xử tội buôn lậu ma túy. Sau đó trật tự được vãn hồi, Mỹ vẫn trả lại hoàn toàn kênh đào cho Panama vào năm 1999 theo đúng lộ trình.
Để ý rằng, Panama đã từng là một trong số ít các nước duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, tức Trung Quốc Cộng hòa (Republic of China) trong một thời gian dài.
Trung Cộng đã phải nỗ lực rất nhiều, nói đúng ra là tốn tiền rất nhiều để mua chuộc Panama cắt quan hệ với Đài Loan vào năm 2017.
Đến nay, khi bị ông Trump đích thân nhắc nhở, Panama tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận “Một vành đai, một con đường” với Trung Quốc. Thực ra dự án Đai và Đường này đã chết trên thực tế, lý do đơn giản là Trung Quốc hết tiền khi mà nền kinh tế đã chững lại một cách rõ ràng.
Thực sự, mọi người vẫn chưa hiểu việc ông Trump nói muốn thu hồi kênh Panama là thiệt hay giỡn, hay nhằm mục đích gì. Nếu nói là lý do an ninh quốc phòng thì cũng chưa hẳn đúng vì dường như Trung Quốc chưa hề tỏ tham vọng gì về quân sự ở bên kia bán cầu.
Không chỉ vẫn đề Panama, các động thái manh mẽ liên quan đến thuế đánh vào Trung Quốc, Canada, Mexico; ngừng tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ (USAID), tái thiết Gaza...nghe có vẻ rất vô lý nhưng đều phản ánh một điều: thời cuộc đã thay đổi.
Sự độc tôn của Mỹ ngày càng được khẳng định khi Trung Quốc thiếu động lực phát triển; Nga sa lầy ở Ukrain, bị cô lập và bế tắc. Kinh tế Nhật Bản tiếp tục “mất mát” còn liên minh thị trường châu Âu chưa thoát khỏi suy thoái.
Dường như các bộ não ở Wasington DC cho rằng nay là lúc cần vẽ lại bản đồ lợi ích để Mẽo có thể chốt lời càng nhiều càng tốt. Với cách nhìn nhận như vậy, vấn đề kênh đào Panama sẽ có những diễn biến bất ngờ.
Ảnh: nữ cổ động viên Panama tại World cup bóng đá 2018 Russia khi tiểu quốc kênh đào vinh dự dành vé đi dự ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh.