Trước đây, con đường huyết mạch nối giữa phương đông và phương tây do người Hoa lập ra là “con đường tơ lụa” trên bộ xuyên lục địa Á Âu.
Đến khi có nghề đi biển, con người nhận ra rằng giao lưu bằng đường biển nhanh chóng và hiệu quả hơn. Cùng với kênh đào Suez, kênh đào Panama là hai kênh đào quan trọng nhất, giúp cho việc giao thương hàng hải trên thế giới trở nên dễ dàng.
Nếu như người Anh xây dựng kênh Suez thì người Mỹ xây dựng kênh Panama vào đầu thế kỷ 20 và đây là lý do chính để Panama trở thành một quốc gia độc lập, tách khỏi Colombia vào năm 1903. Lúc đó Panama chỉ là một xứ “vùng sâu vùng xa” về phía tây bắc Colombia với dân số khoảng 40 ngàn người, so với hiện nay là khoảng 4 triệu.
Trong lịch sử, mảnh đất Panama là nơi sinh sống của người da đỏ, nay thì người lai đỏ và trắng chiếm đại đa số. Điều thú vị, người dân xưa kia ở đây đã từng giao lưu với người Nam đảo của Châu Đại dương với bằng chứng về những trái dừa đã được du nhập khẩu từ vùng đất rất xa.
Mới đây, trong một tuyên bố gây sốc, tổng thống Trump đòi “lấy lại” kênh đào Panama vốn dã được trả lại cho Panama theo một Hiệp định song phương vào năm 1977, dưới trào tổng thống Carter. Với việc làm này, chính quyền mới của Mỹ ngụ ý trao trả kênh đào cho Panama là một sai lầm và thiếu tầm nhìn xa.
Tuy nhiên, chúng ta nên nhìn lại thập niên 1970s, khi mà nước Mỹ bị suy thoái kinh tế, phong trào chống Mỹ nổi lên khắp nơi. Tại Việt Nam, đồng minh VNCH sụp đổ, cùng với diễn biến tương tự tại Lào và Campuchia. Bên Trung Đông, Saudi tỏ ra cứng đầu khi đẩy giá dầu lửa lên cao, trong khi cách mạng Hồi giáo bùng nổ ở Iran. Ngay tại “sân sau” Mỹ latin, Cuba chính thức trở thành nước cộng sản, cùng với phong trào cánh tả trở nên rất mạnh tại Nicaragoa và Venezuela.
Với “hoàn cảnh” như vậy, Carter đã buộc phải làm gì đó nhân nhượng khi trao lại kênh đào Panama cho nước sở tại. “Hành động đẹp” không hẳn không được gì, Panama đã và đang là một đồng minh gần gũi tin cậy với Mỹ.
Cho dù có một sự cố vào cuối năm 1989-đầu 1990, khi quân đội Mỹ đã tấn công nước này để bắt giữ tổng thống Noriega và đưa về Mỹ xét xử tội buôn lậu ma túy. Sau đó trật tự được vãn hồi, Mỹ vẫn trả lại hoàn toàn kênh đào cho Panama vào năm 1999 theo đúng lộ trình.
Để ý rằng, Panama đã từng là một trong số ít các nước duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, tức Trung Quốc Cộng hòa (Republic of China) trong một thời gian dài.
Trung Cộng đã phải nỗ lực rất nhiều, nói đúng ra là tốn tiền rất nhiều để mua chuộc Panama cắt quan hệ với Đài Loan vào năm 2017.
Đến nay, khi bị ông Trump đích thân nhắc nhở, Panama tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận “Một vành đai, một con đường” với Trung Quốc. Thực ra dự án Đai và Đường này đã chết trên thực tế, lý do đơn giản là Trung Quốc hết tiền khi mà nền kinh tế đã chững lại một cách rõ ràng.
Thực sự, mọi người vẫn chưa hiểu việc ông Trump nói muốn thu hồi kênh Panama là thiệt hay giỡn, hay nhằm mục đích gì. Nếu nói là lý do an ninh quốc phòng thì cũng chưa hẳn đúng vì dường như Trung Quốc chưa hề tỏ tham vọng gì về quân sự ở bên kia bán cầu.
Không chỉ vẫn đề Panama, các động thái manh mẽ liên quan đến thuế đánh vào Trung Quốc, Canada, Mexico; ngừng tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ (USAID), tái thiết Gaza...nghe có vẻ rất vô lý nhưng đều phản ánh một điều: thời cuộc đã thay đổi.
Sự độc tôn của Mỹ ngày càng được khẳng định khi Trung Quốc thiếu động lực phát triển; Nga sa lầy ở Ukrain, bị cô lập và bế tắc. Kinh tế Nhật Bản tiếp tục “mất mát” còn liên minh thị trường châu Âu chưa thoát khỏi suy thoái.
Dường như các bộ não ở Wasington DC cho rằng nay là lúc cần vẽ lại bản đồ lợi ích để Mẽo có thể chốt lời càng nhiều càng tốt. Với cách nhìn nhận như vậy, vấn đề kênh đào Panama sẽ có những diễn biến bất ngờ.
Ảnh: nữ cổ động viên Panama tại World cup bóng đá 2018 Russia khi tiểu quốc kênh đào vinh dự dành vé đi dự ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét