Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2025

Ngày mai bắt đầu từ hôm nay

 

Lâu nay mình hay chém gió về thế sự xa xôi mà ít viết về Việt Nam. Nhiều người cho rằng khi đi xa lâu ngày thì “không biết gì” nữa, nhưng cứ thử xem.
Thú thật mỗi khi nghĩ đến quê hương chỉ thấy một nỗi buồn mênh mang bởi sự tụt hậu quá xa so với thế giới và khu vực. Nhưng con tim đã vui trở lại bởi những diễn biến gần đây khi mà đất nước đang tiến hành chấn chỉnh lại bộ máy một cách sâu rộng.
Sau khi giảm đầu mối Bộ ngành thì nay lại tiếp tục với việc giảm đầu mối tỉnh, một bước thực sự đột phá là bỏ hẳn cấp huyện, để đưa chuyển chính quyền 4 cấp sang chính quyền 3 cấp như hầu hết các nước.
Những diễn biến kinh khủng ắt hẳn phải có lý do khủng khiếp? Mình không tin đây chỉ là chuyện đấu đá nội bộ mà phải là phản ánh của quy luật khách quan nào đó.
Nhân tiện kể chuyện vui về một hài kịch của Nguyễn Ngọc Ngạn với chủ đề ăn mày và ăn cướp. Dù sao ăn cướp cũng có dũng khí “có gan ăn cắp có gan chịu đòn”, còn ăn mày thì chẳng chịu mất gì. Một kẻ lừa tình còn xấu xa hơn kẻ hiếp dâm vì hiếp dâm sẽ có nguy cơ bị pháp luật trừng trị còn trộm tình thì không.
Trên bình diện toàn cầu, chiến tranh lạnh, khi mà hai siêu cường đầu sỏ phải tìm cách tung tiền lôi kéo đồng minh, đã qua từ lâu nhưng tư duy hai phe bốn mâu thuẫn vẫn còn. Hậu quả là Mỹ vẫn phải cáng đáng 70% ngân sách NATO và nuôi hàng loạt các tổ chức quốc tế. Donald Trump đã lớn tiếng phê phán quan hệ thương mại ngu ngốc, theo đó quốc gia của ông phải chịu đựng phần thâm thủng mậu dịch khổng lồ.
Ở đây, không phải lỗi chỉ thuộc về “kẻ ăn xin” mà “bên cho” cũng có tội bởi vì làm gì có chuyện tình cho không biếu không, mục đích không phải là trói buộc thì cũng là thao túng, đè nén và làm mất tự do. Suy ngẫm ra, cơ chế xin cho là rất tồi tệ, nó hủy hoại khát vọng và tiềm năng của con người. Ví dụ các nước Châu Phi đã không thể tiến bộ vì thường xuyên nhận viện trợ từ bên ngoài.
Donald Trump sẽ đi vào lịch sử nếu gỡ bỏ được thói bao cấp trên phạm vi toàn cầu. Chưa rõ liệu có thành công hay không, song những bước đi đầu tiên đã được thực hiện, trước hết là những đòn thuế nhằm lấy lại cân bằng thương mại.
Thế giới đã thay đổi và Việt Nam cũng không thể như trước. Phải chăng kỷ nguyên mới chính là việc “đứng trên đôi chân của chính mình”. Sau thời kỳ “Các Chú Cứ Phá” (CCCP) làm ông anh Liên Xô phải sập tiệm thì đến thời kỳ thặng dư kim ngạch mỗi năm trên một trăm tỉ USD tiền tươi với Mỹ cùng nguồn vốn FDI, ODA rào rạt.
Theo như một số phương án “dự thảo” đang lan truyền trên mạng thì thấy có những tỉnh rất ít dân, chỉ hơn nửa triệu, ngược lại, có tỉnh thành đến hơn 10 triệu người, tương tự các xã cũng chênh lệnh rất nhiều. Có vô lý không?
Xin thưa không. Như bên Úc có “cao xồ” trên một triệu dân, nhưng nhiều council chỉ có vài ngàn. Mục đích ở đây là làm sao thuận tiện cho thủ tục hành chính và sự đi lại của người dân. Vì thế căn cứ diện tích địa lý và giao thông mới là quan trọng nhất chứ không phải số dân.
Mọi người cũng bàn tán tại sao lại sáp nhập chỗ nọ với chỗ kia chứ không phải tê với ni? Mình thì nghĩ đợt này làm một cách cơ bản thôi, nếu cần sẽ điều chỉnh thêm sau.
Giảm đầu mối tất yếu sẽ phải giảm biên chế mà đây mới là điều cấp bách. Khi mà đầu mối tỉnh giảm 50%, xã giảm 60—70%, bỏ hẳn cấp huyện thì số người giảm ít nhất cũng phải 30%. Theo ý kiến cá nhân, nên giảm 90%. Kể cả 90% thì biên chế Việt Nam vẫn nặng hơn Úc nhiều.
Như anh Tô Lâm đã nói, với 70% ngân sách để trả lương và chi thường xuyên cho bộ máy quan liêu khổng lồ thì làm sao có phát triển. Chúng ta cần trưởng thành, cần lớn lên chứ không thể chờ đợi mãi được.
Thực sự mình không tự hào nếu nước mình hùng mạnh, lo chuyện bao đồng thiên hạ, giống như Trump đã chán ngấy việc Mỹ phải chi viện quốc tế và chịu đựng bất bình đẳng thương mại quá nhiều và quá lâu dài.
Mình thích làm công dân một nước nhỏ, ít dân nơi chính quyền có thể dễ dàng gần gũi chăm sóc cho các nguyện vọng của người dân. Thử tưởng tượng khi ngân sách phúc lợi được phân bổ từ trên xuống, đi qua bao tầng tham nhũng TW, tỉnh, huyện, xã, thôn thì đến người dân có còn gì không?
Tốt hơn là một cơ chế tự trị, tự quản về tài chính mà không cần can thiệp của “bên trên”. Làm được hay không lại là yếu tố con người, cụ thể là một đội ngũ lãnh đạo có đủ tài năng. Việc đưa hàng loạt các tỉ phú, những người xuất sắc về quản trị tư sang lĩnh vực quản trị công như bên Mỹ hiện nay là một thử nghiệm thú vị.
Điều nên đặt ra là sau đợt chấn chỉnh tinh gọn sẽ bước tiếp ra sao và cái đích cuối cùng là gì? Mọi người thử đoán coi, có thể dăm mười năm nữa mới vỡ òa. Một thể chế pháp quyền minh bạch là cách tốt nhất để bảo vệ an toàn và sở hữu tài sản cá nhân cho những người “có điều kiện” và gia đình họ.
Mình tin công cuộc tinh gọn bộ máy không phải vì lý do đấu đá nội bộ hay củng cố quyền lực mà chắc chắn vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng của đất nước. Ánh sáng hy vọng đã được thắp lên!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét