Vào giữa tháng, vụ thảm sát ở nhà thờ Hồi giáo, thuộc thành phố Christchurch, trên đất nước chị em New Zealand, lấy đi 50 mạng sống đã làm tất cả bàng hoàng, sửng sốt.
Là người có nhiều kỷ niệm với người Hồi giáo, cảm giác của mình là vừa thương vừa giận và thực sự đau xót. Mình sống ở xứ Hồi giáo xấp xỉ mười năm (tháng 2/2001 đến tháng 1/2011) và đã đi lại trên 10 nước trong khu vực. Thành phố Dubai là mảnh đất chôn nhau cắt rốn của hai cháu nhà mình.
Chưa hết, bởi đó vẫn chưa phải là quá khứ. Căn hộ hiện nay của gia đình mình cũng nằm tại Lakemba, thủ phủ lâu đời dân Úc gốc Hồi giáo, có Nhà thờ lớn nổi tiếng nằm trên phố Wengee. Với một hành trang hàng chục năm như thế, mình tự coi là một người có sự cảm thông gần gũi với các anh em râu rậm mắt sâu.
Trong số một tỉ rưỡi của con số tín đồ đông nhất trong các tôn giáo được trải rộng ở trên 50 quốc gia, người Hồi mang nhiều bộ mặt, sắc thái khác nhau. Họ có thể là những kẻ tử vì đạo để được lên Thiên đường với Thánh Allah.
Đến giờ, mình vẫn không thể quên được hình ảnh trên trang nhất báo Al Khalees đã đăng một bức ảnh màu, khổ to là cái đầu lâu một thiếu nữ 18 tuổi người Palestin xinh đẹp, trước khi ôm bom cảm tử nhắm vào căn cứ Israel, vẫn còn trang điểm son phấn khá cầu kỳ.
Trước đó, theo Hiệp định hòa bình Oslo vào năm 1995, Chủ tịch Arafat đã cam kết từ bỏ “đấu tranh vũ trang”, thực chất là các hoạt động khủng bố. Tuy vậy, ngay trong nội bộ Palestin, phái Fatah của Abbas, nay là tổng thống Palestin, đồng ý như vậy thì vẫn còn phái Hamas vẫn không chịu từ bỏ vũ khí. Các phe nhóm chủ trương bạo lực không chỉ có Hamas mà còn là Hebollah ở Li Băng, Al Qadah và IS.
Thuở niên thiếu, một trong những bộ truyện làm mình say mê nhất là “Một ngàn một đêm lẻ”. Đây là một bộ sưu tập những câu chuyện dân gian, miêu tả cuộc sống thường nhật của những người bình thường trong thế giới Ả Rập. Tất cả những nhân vật nữ trong “Một ngàn một đêm lẻ” đều xinh đẹp và lẳng lơ. Vì không thể tin vào phụ nữ mà ông vua trong chuyện đã phải ra lệnh mỗi đêm chặt đầu một cô.
Đến khi được sống cuộc đời thực ở xứ Ả Rập, điều không thể tránh khỏi là mình luôn so sánh giữa xã hội hiện đại với những điều trong sách. Xã hội Ả Rập vẫn chỉ là một sự tương phản giữa cổ kính và hiện đại, giữa định kiến và phát minh, khôn ngoan và khờ dại.
Riêng Các tiểu vương quốc Ả Rập (UAE) có 7 ông vua, cộng với 7 ông của các nước khác là cả thảy 14 ông. Một thần dân nói với mình về ông vua của anh ta là “rất thương dân”. Mình hỏi tại sao lại biết như vậy thì anh kể, khi đi thăm dân, thấy chúng sinh khổ quá thì “Người” đã khóc. Mình cả cười, vậy sao ông ta sống trong lâu đài nguy nga với các bà vợ làm chi.
Quả thật, ở Ả Rập là nơi có khoảng cách giàu nghèo vô cùng sâu sắc. Nhưng bảo nó là bất công thì không hẳn đúng, theo một khía cạnh nào đó. Trong lịch sử, vùng đất Tây Á và Bắc Phi được coi là cằn cỗi, trên là Trời, dưới là cát. Những bộ lạc đầu tiên định cư đã có công xây dựng những cơ ngơi thành quách và những “lâu đài” trên cát. Người đứng đầu mỗi bộ lạc hay gia tộc như vậy được coi là vua, mặc dù họ chỉ tự nhận những danh xưng khiêm tốn hơn rất nhiều như Emir, Sultan hay Ruler, kể cả bây giờ mới có 4/14 ông dùng chữ “king”.
Khi có phát kiến về dầu lửa vào đầu thể kỷ 20, ông chủ của những mảnh đất khoan được “vàng đen” trở nên giàu có. Họ có vốn để phát triển, mở mang xây dựng, dẫn đến một dòng người di cư đổ về đây. Những người nghèo chính là những người đến sau. Sự giàu có của tầng lớp thượng lưu là do tài nguyên mang lại chứ các ông vua hay hoàng tộc không hề ăn cướp hay bóc lột những thành quả lao động của dân chúng.
Trong thời gian sáu năm rưỡi sống ở Dubai, mình có quen biết Hamdan, một anh “local”. Theo số liệu chính thức, người bản xứ chiếm 20% dân số, nhưng thực tế có lẽ chỉ trên 10% vì phải tính cả nhưng người không thường trú bằng visa du lịch hay du học. Dubai là một trong những thành phố đa văn hóa và nhiều quốc tịch nhất thế giới. Bởi vậy những người như Hamdan khá hiếm và mình có vinh dự kết bạn được vì có điểm chung đã từng đi du học ở phương Tây và vẫn độc thân.
“Tao đã ở Mỹ 16 năm, từ lúc là một cậu bé”. “Mày nói điều này mấy lần rồi”. Hamdan làm công chức chính phủ, giờ làm việc ở đây khá ngắn, chỉ từ 8 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Từ 2 giờ chiều đến 12 giờ đêm, vị trí của anh chủ yếu ở quán nước. Hamdan tiếp tục điệp khúc: “tao phải quay trở lại Mỹ thôi”. Nhưng bên Mỹ làm gì có shisha mà hút. Mình nói đùa như vậy mà Hamdan vẫn không cười, hắn làm bộ mặt rất chi là rầu rĩ.
Lương công chức của UAE khá cao, cộng thêm các thu nhập về cho thuê bất động sản. Thêm nữa, những người quốc tịch UAE còn được làm “sponsor” cho các doanh nghiệp nước ngoài. Làm bảo lãnh nghĩa là chẳng làm gì, chỉ cần mỗi năm ký vào đơn gia hạn giấy phép kinh doanh và bỏ túi khoảng $10k cho mỗi chữ ký. Nói như thế để thấy Hamdan không bao giờ tiêu hết tiền.
Một thời gian, Hamdan mất hút con mẹ hàng lươn, hỏi ra thì người ta bảo anh đã đi, cũng chẳng một lời chào bạn bè. Người giàu mà còn máu đi Mỹ như vậy, còn người nghèo thì sao ? Dù mồm vẫn chửi Mỹ nhưng hầu hết người dân Ả Rập không dấu mong muốn được đi Mỹ. Khác nhau chăng là những giấc mơ không bao giờ thành hiện thực...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét