Tính đến hết vòng đấu thứ 7 Ngoại Hạng Anh, một tình huống chưa từng gặp trong những năm gần đây đã xảy ra: một nửa số đội thuộc big 6 đã bị bật ra khỏi top 4. Tệ nhất chính là đội giàu thành tích nhất của kỷ nguyên Premier League: Manchester United, xếp hạng 10. Đội "đỗ vớt" Arsenal đứng thứ tư cũng chỉ bằng điểm với đội West Ham kế tiếp.
Cũng nên nhắc lại, Premier League bắt đầu từ mùa giải 1992-1993. Tuy nhiên đến mùa giải 1994-1995 thì số lượng đội bóng mới rút từ 22 xuống 20 đội như hiện nay.
Premier League ra đời trong bối cảnh bóng đá Anh đang trải qua giai đoạn suy thoái nặng nề vì bị kỷ luật cấm thi đấu ở ba cup Châu Âu.
Trong trận tranh cup vô địch châu Âu giữa Liverpool và Juventus 1985, cổ động viên Anh đã gây bạo loạn tại sân vận động Heysel, Bỉ, làm hàng chục người chết. Liên đoàn bóng đá châu Âu ra lệnh cấm 5 năm đối với bóng đá Anh.
Trong một chiều hướng trái ngược, vào thập niên 80 và đầu 90, Ý mới là quốc gia ngự trị châu Âu. Các danh thủ đương thời đổ dồn về nước Ý, có thể kể đến Rummenigge, Gascoigne, Platini, Zico, Maradona... Cùng lúc là các đội Juventus, AC Milan, Inter Milan, Napoli làm mưa làm gió trên đấu trường châu Âu.
Về cuộc đua bên phía đội tuyển quốc gia, danh thủ Lineker đã có một câu nói để đời: "bóng đá là trò chơi do người Anh nghĩ ra nhưng người Đức thường dành phần thắng".
Premier League là một cuộc cách mạng về thể chế, nó cho phép các câu lạc bộ có quyển lợi và trách nhiệm như một cổ đông. Chính vì thế, các câu lạc bộ có điều kiện huy động những nguồn vốn khổng lồ không chỉ của nước Anh mà còn bên ngoài. Các câu lạc bộ Anh cũng đi tiên phong trong việc thu nhận những tài năng từ ngoại quốc. Không có gì lạ khi Ngoại Hạng Anh trở thành giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh.
Khi Wenger về nắm Arsenal, Ngoại Hạng Anh ngay lập tức, là một cuộc đua song mã giữa Manchester United và Arsenal cũng như cặp già gân Ferguson với Wenger. Năm 2004, tỉ phú Abranovich mua Chelsea, một cục diện mới mà người ta thường gọi là big 4, với ba đội vừa kể, cộng thêm đội bóng giàu truyền thống Liverpool.
Tiếp theo, khi Manchester City rơi là tay hoàng thân Mansour, từ mùa 2009-2010 đội này đã thay da đổi thịt và trở thành một thế lực lớn. Cũng từ lúc này, Tottenham cũng cạnh tranh khá thành công một vị trí thuộc top 4, hình thành cục diện big 6.
Mùa bóng 2018-2019, sáu đội chiếu trên của Anh đã tỏ ra hùng mạnh hơn bao giờ hết, tất cả đều lọt vào tứ kết hai Cup châu Âu, trong đó bốn đội lọt vào hai trận chung kết để rồi Liverpool và Chelsea ẵm hai giải. Theo quy luật quả lắc, có lẽ nay là lúc các đội big 6 sau khi lên đỉnh thì nay tỏ ra mỏi mệt, ít nhất là một nửa trong số họ. Chúng ta thử chiêm nghiệm điều đó trong các trận đấu cuối tuần, nhất là khi ba đội Tottenham, Chelsea, Manchester đều phải đá trên sân khách.