Sang Nhật tám ngày mà đến ngày cuối tôi mới vào một quán ăn của người Việt mang tên “Gia đình” ở Osaka, thành phố lớn thứ ba của Nhật Bản. Quả là một Việt Nam thu nhỏ ở đây rồi, cách bài trí toàn hình ảnh Việt và hầu hết cũng là thực khách Việt.
Bình là công nhân xây dựng, mới qua Nhật được một năm nhưng đã ra vẻ là khách hàng thường xuyên của quán này. Cậu bảo, công nhận đồ ăn Nhật ngon, sạch nhưng vẫn thích các món Việt hơn. Em còn cho biết, người Nhật rất tốt, nhưng họ cứ kỳ kỳ thế nào ý.
Đối với người qua Nhật lâu hơn, đi lại vẫn là một trở ngại. Cháu gái Nhâm qua được ba năm mà chưa bao giờ đi thăm thủ đô Tokyo. Tôi hỏi tại sao thì cháu bảo cháu không có tiền, vé xe lửa tốc hành đắt lắm. Ở Nhật có đến hai loại xe lửa, một metro, một tốc hành và xe buýt cũng tính là một loại phương tiện công cộng nữa. Người Việt là cộng đồng có tỉ lệ tội phạm cao nhất, nhưng cũng tội nghiệp, các loại phạm pháp phổ biến cũng chỉ là ăn cắp vặt và “đá tàu”, tức đi tàu mà trốn vé. Nhâm là con gái nên không thể chạy nhanh để mà trốn vé được.
Người Việt là cộng đồng đông đứng hàng thứ ba, sau người Hoa và người Hàn. Xếp tiếp sau có thể kể đến người Indonesia, Philippin và Brazil. Tổng số người Việt ở Nhật Bản lên đến 350,000 chưa kể khách du lịch và người sang chữa bệnh.
Khi được hỏi: “Bạn từ đâu đến ?”, tôi cứ quen miệng: “Việt Nam” làm con gái cứ nhắc: “Bố phải nói từ Australia chứ”. Như vậy người Việt ở Nhật còn đông hơn cả Úc, đó là một bất ngờ với tôi trong chuyến đi này.
Do gần gũi về địa lý và văn hóa, người Việt và người Nhật đã có những giao lưu từ lâu đời. Đầu thế kỷ 20, phong trào Đông du dưới sự lãnh đạo của Phan Bội Châu và hoàng thân Cường Để đã lôi kéo hàng trăm thanh niên trí thức sang đất nước Mặt Trời mọc. Phong trào Đông du thất bại, nhưng họ là những người Việt Nam đầu tiên định cư tại nước Nhật.
Tiếp theo, làn sóng thuyền nhân tị nạn vào thập niên 80 thế kỷ trước đã đưa hàng chục ngàn người sang Nhật, trong số đó hàng ngàn người Việt đã được cấp quốc tịch Nhật Bản. Tuy nhiên, giờ đây nhóm nguồn gốc “tị nạn” đã trở thành thiểu số vì nhóm “thực tập sinh” mới là đông nhất, chiếm khoảng một nửa trong tổng số người Việt tại Nhật. Bên cạnh đó, còn có nhóm “du học” và “lao động xuất khẩu”. Số người sống bất hợp pháp tại quần đảo của Bắc Á khá lớn, lên đến xấp xỉ hai triệu người, nhưng không có thống kê bao nhiêu số lượng của người Việt.
Xưa kia, nước Nhật không có gì được coi là văn minh và giàu có hơn Việt Nam. Nhưng cuộc cải cách của Thiên hoàng Minh Trị vào cuối thế kỷ 19 đã mau chóng đưa họ trở thành một cường quốc. Là nước nhỏ, Nhật đã dám gây chiến và đánh thắng Nga, Trung Quốc và Mỹ, xâm chiếm Triều Tiên, Việt Nam, Philippin, Indonesia và Miến Điện. Từ đống tro tàn sau Đại chiến thế giới lần thứ hai, một lần nữa nước Nhật lại trỗi dậy, trở thành nước có nền kinh tế và công nghệ hàng đầu thế giới.
Vào đầu thập niên 90, Nhật là nước ủng hộ Việt Nam thoát khỏi cấm vận và đi đầu trong thương mại và đầu tư. Anh Sơn, một Việt kiều Nhật mà tôi được quen biết trước đây đã kể rằng các anh đã mang các mẫu mã hàng sơn mài Nhật về Việt Nam. Từ đó, sơn mài trở thành một trong những chủ lực hàng xuất khẩu của Việt Nam trong hoàn cảnh còn đang khan hiếm ngoại tệ mạnh.
Sự phát triển thần tốc của Nhật Bản có lúc đạt đến trên 20% tăng trưởng GDP cũng đến lúc đi đến giới hạn. Chục năm qua được mô tả là “thập kỷ bị đánh mất” khi nước Nhật hầu như không có tăng trưởng kinh tế. Một trong những trở ngại là vấn đề lão hóa dân số dẫn đến việc thiếu hụt nhân công. Nhưng rất may, Nhật Bản đã kịp là nước giàu có, mức lương cao, môi trường tốt và cuộc sống quyến rũ để dễ dàng thu hút lao động có tay nghề từ các nước, trong đó có Việt Nam. Với chính sách mới, Nhật Bản không còn là một đất nước “thuần chủng” mà từng bước trở thành một mảnh đất của di dân.
Thực tế cho thấy, người Việt Nam, với các loại hình khác nhau đã sang Nhật sinh sống và làm việc một cách đột biến trong những năm gần đây. Đối với giới khá giả, du lịch Nhật đang lên cơn sốt, cùng với nó là làn sóng đi chữa bệnh tại Nhật Bản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét