Một lần nữa, cái chết của Thiếu tướng Al Fagham, cận vệ riêng của Vua Salman, lại làm dư luận xôn xao về những điều bí ẩn của Vương quốc Saudi Arabia. Theo thông báo chính thức, Al Fagham bị bắn chết cùng hai người bị thương khác là do tranh cãi cá nhân với một người tên là Al Ali. Có điều, Al Ali đã bị cảnh sát bắn chết nên khó có thể tìm hiểu được những nguyên nhân sâu sắc hơn.
Báo chí Saudi đã đăng tải những lời có cánh dành cho vị cận vệ của Vua trong 15 năm qua, nhưng sự thật đầy đủ về cái chết của ông có thể còn rất lâu, hoặc không bao giờ được công bố. Liệu có thể tin một nhân vật đầy quyền lực của hoàng gia, mang đến lon tướng mà ai đó dám bắn hạ, chỉ vì "cãi nhau"?
Mới năm ngoái, cái chết của nhà báo Khashoggi tại Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn đó như một món nợ với công luận bởi sự thiếu vắng thông tin. Đến nay vẫn còn những mờ ám về việc vì sao, thế nào và đặc biệt, ai là người đã ra lệnh giết hại cây bút đối lập này.
Hai vụ chết người này làm mọi người nhớ lại một vụ ám sát kinh hoàng hơn, đã giết chết Vua Faisal vào năm 1975.
Theo tin chính thống, Faisal bị cháu ruột ông, người cùng tên Faisal bắn hai phát súng, một vào cằm và phát kia qua lỗ tai. Tuy nhiên, vì sao cháu lại bắn chú thì quả là khó có thể thuyết phục được mọi người.
Vua Faisal lên ngôi sau khi phế truất anh trai là Vua Saud vào năm 1964. Những người được coi là hậu thuẫn cho Faisal trong cuộc đảo chính không đổ máu này chính là nhóm "seven Sudairi", bẩy anh em cùng mẹ Sudairi.
Hassa Al Sudairi là người vợ có tới 7 con trai chung và là nhiều nhất với Abdulaziz, Nhà sáng lập ra Saudi Arabia vào năm 1932. Mối tình của hai người khá đặc biệt. Hassa lấy Abdulaziz khi cô mới 13 tuổi, những chỉ một thời gian ngắn thì li dị. Sau đó, cô lấy em cùng cha khác mẹ của Abdulaziz và sinh được một con trai. Nhưng Abdulaziz lại ép em trai li hôn để “trả” Hassa lại. Về sau, em gái của Hassa lấy Faisal, con trai của Abdulaziz với một trong các vợ trước. Như vậy là hai bố con kết hôn hai chị em, điều được coi là loạn luân ở châu Á nhưng lại bình thường ở xứ Ả Rập.
Sau cái chết của, Khalid lên ngôi đã bị coi là một ông vua không có thực quyền. Fahd, người anh cả trong nhóm “Bẩy anh em” (seven Sudairi) làm Thái tử kiêm Thủ tướng, các em ruột của ông giữ các chức vụ trọng yếu như Bộ trưởng Quốc phòng, Nội vụ, đánh dấu giai đoạn nhóm Sudairi chiếm giữ quyền lực tại đất nước từ đó tới nay. "Đương kim hoàng thượng" Salman lúc đó còn nhỏ tuổi nhưng đã nắm Thống đốc thủ đô Riyadh.
Sự tranh giành quyền lực diễn ra ở tất cả các nước, nhưng ở Vương quốc Saudi Arabia, nó được ví như những đợt sóng ngầm đầy bí ẩn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét