Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2023

Đôi điều nhân ngày Quốc khánh Úc lần thứ 235

 

Ngày này năm 1788, đoàn thuyền 11 chiếc đã cập cảng Sydney, dẫn đầu bởi Thuyền trưởng Phillip với tư cách là Toàn quyền đầu tiên của NSW, khu vực định cư ban đầu ở Úc. NSW thưở đó bao gồm toàn bộ lãnh thổ đông bộ Úc châu, sau này tách ra thành NSW, Tasmania, Victoria và Queensland.
Hiện đang có một luồng ý kiến đòi hủy bỏ ngày 26/1 như ngày Quốc khánh vì nó gợi lại ký ức đau buồn đối với người thổ dân, ngày mở đầu cho thời kỳ họ bị cướp đất và giết hại. Các đời Thủ tướng Úc đã hơn một lần chính thức xin lỗi thổ dân, những chủ nhân đầu tiên của Châu lục. Không chỉ nói suông, các chính sách của Chính phủ đã và đang có nhiều biệt đãi đối với thổ dân, cũng là một cách bù đắp cho nỗi đau trong quá khứ.
Cùng thời gian, nước ta đang ở trong một cuộc chiến khốc liệt giữa Đàng trong, Đàng ngoài và phong trào Tây Sơn mới nổi lên. Trước đó, còn có những cuộc thảm sát đối với người Chàm, vốn sinh sống tại trung phần lãnh thổ Việt Nam. Các chính phủ Việt Nam chưa bao giờ có ý định xin lỗi người Chàm, nay chỉ còn là một dân tộc thiểu số, hoặc có chính sách gì ưu tiên cho họ.
Trong lịch sử thế giới, không chỉ có người Chàm bất hạnh mà còn là vô số các dân tộc khác, cũng bị mất lãnh thổ, bị giết hại có hệ thống đến mức tuyệt chủng. Như người Kurk có khoảng 30 triệu người với ngôn ngữ và văn hóa riêng vẫn đang là một dân tộc vô tổ quốc, thường xuyên bị các chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Syria đàn áp.
Nói như vậy không có nghĩa người thổ dân Úc quá may mắn, nhưng dù sao họ và các dân tộc khác máu tanh lòng đang là một bộ phận của nước Úc đa văn hóa mà “I still call Australia home”, như tên một bài hát.
Mình và gia đình sang Úc sinh sống không phải vì lý do kinh tế vì nếu còn ở Việt nam tụi còn có lẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Thành thật, mình đến với nước Úc vì những giá trị Tự Do Dân chủ cũng như Bình Đẳng và Khoan Dung.
Phóng tác “Cái tát của mẹ” của Xuân Bắc là một vì dụ tiêu biểu của quan niệm thiếu bình quyền. Một người có địa vị như Bắc mà đầu óc vẫn sặc mùi xin cho, bề trên bề dưới!
Trong quan hệ xã hội, giữa Người mua và Người bán thì ai mang ơn ai? Không, họ hoàn toàn không nợ nần gì, thuận mua vừa bán, ơn huệ ở đây chỉ là chuyện xã giao.
Mấy chính trị gia dân túy thường đề cao người dân, theo kiểu mị dân, nhưng có đúng là họ nghĩ và làm như lời nói? Theo chủ thuyết Tự do, tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, quan hay dân cũng đều như nhau thôi.
Con gái mình có lần hỏi tại sao cháu phải nghe lời cha mẹ. Mình trả lời “by the laws”, theo quy định của pháp luật thôi. Nhưng khi cháu đủ tuổi 18 trưởng thành, trách nhiệm hết nhưng tình thương vẫn còn, mình vẫn sẽ khuyên răn nhưng có nghe hay không là chuyện của cháu, cha mẹ không có quyền nữa.
Con cái kính trọng cha mẹ, cha mẹ tôn trọng con, dù cách nói khác nhau nhưng vẫn là mối quan hệ qua lại. Cha mẹ có công sinh ra và nuôi dưỡng cũng giống như ông bà làm như thế với cha mẹ, xa nữa là cụ kỵ...mà cổ nhân gọi là “nợ đồng lần”.
Các khái niệm Dân chủ, Nhân quyền hay Khoan dung... liên quan mật thiết với nhau.
Hồi sống bên Trung Đông, mình lái xe rất ẩu, phạm lỗi nhiều nhưng đều được tha và chưa bao giờ mất xu nào đóng phạt. Điều đó làm mình hối hận, mình đã đi tử tế hơn thay vì tìm cách gian manh để lách luật.
Mình nghĩ tha thứ là cách giáo dục tốt hơn trừng phạt. Úc là một đất nước Khoan dung vì nó không bao giờ lạm dụng các chế tài. Úc cũng như hầu hết các nước tiên tiến không còn án tử hình. Cuộc sống của con người là thiêng liêng và bất khả xâm phạm, không có lý do gì để tước bỏ nó.
“Nhân chi bản thiện”, vì đâu mà con người sinh ra tội lỗi? Câu hỏi là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, tổ chức và rộng hơn là của nền tảng xã hội với cơ chế và thể chế của nó ở đâu, rồi mới đến trách nhiệm của cá nhân đương sự. Đó là góc nhìn nhân văn, tha thứ và yêu thương và dường như khá xa lạ đối với quan niệm của đa số người Việt?
Mình chưa bao giờ nói “biết ơn” nước Úc nhưng thật ra chẳng cần phải làm cái chuyện đầu môi chót lưỡi đó để làm gì. Cái mà mình có thể làm được là thượng tôn pháp luật, cùng đấu tranh, vun đắp xây dựng xã hội, cộng đồng, như cách mà các thế hệ người Úc đã làm xưa nay, cho hôm nay và cho mai sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét