Hai quốc gia hồi giáo hà khắc nhất thế giới vừa có mội thỏa thuận mang tính lịch sử, đó là hai nước đã ký một hiệp định nhằm khôi phục lại quan hệ ngoại giao. Điều này có nghĩa mối quan hệ giữa hai nước theo hai nhánh chính của hồi giáo là Sunni và Shia đã trở nên “bình thường”, còn liệu có trở nên thân thiết hay không thì chúng ta sẽ phải chờ xem.
Saudi và Iran chính thức đặt quan hệ ngoại giao khá lâu đời, kể từ năm 1929, khi mà Saudi Arabia của vua Abdulaziz chưa hoàn thành thu phục được lãnh thổ rộng lớn như ngày nay, trong khi Iran còn do vua Reza Shah trị vì. Sau đó, thế giới và khu vực xảy ra nhiều biến cố lớn.
Năm 1939, Đại chiến II bùng nổ, khi nó kết thúc vào năm 1945 thì thế giới không còn như trước với sự xuất hiện hệ thống XHCN do Liên Xô lãnh đạo. Năm 1948, nhà nước Israel ra đời, ngay lập tức là cuộc chiến tranh với các nước láng giềng Ả Rập hồi giáo.
Năm 1952, Nasser làm cách mạng lật đổ vua Fabrouk ở Ai Cập và hướng đất nước này ngả theo phe Liên Xô đồng thời là thủ lĩnh của liên quân Ả Rập trong các cuộc chiến với Israel.
Như đa số các nước Ả Rập, Saudi theo đuôi Ai Cập chống Mỹ, trong khi Iran công nhận nhà nước Israel nên có thể coi là ủng hộ bên Isreal- Mỹ. Điều kỳ lạ, Saudi và Iran nằm ở hai bên đối địch nhưng mối quan hệ giữa hai nước không xấu đi, trái lại còn thân thiết hơn.
Abdulaziz và Reza Shah đều chết, nhưng rồi hai con của họ là Faisal và Reza Pahlavi đã thăm viếng lẫn nhau, hai nước láng giềng trong khu vực cũng có nhiều giao lưu. Vào cuối thập niên 1960s, Pahlavi viết thư cho Faisal rằng “Hỡi người anh em, hãy hiện đại hóa đất nước của bạn. Hãy cho phụ nữ mặc váy ngắn, trai gái được đến chung trường học. Nếu không tôi không thể đoan chắc bạn giữ được ngôi báu”. Chắn chắn phải rất thân tình mới dám “khuyên nhủ" như vậy.
Tuy nhiên, Faisal giữ được ngôi vị đến khi chết, còn Pahlavi thì đã bị lật đổ trong một cuộc cách mạng hồi giáo vào đầu năm 1979. Sự kiện này đã làm mối giao hảo Saudi – Iran đổ vỡ và không bao giờ như trước được nữa, trong bối cảnh khu vực trung độc có nhiều biến cố mang tính đột phá.
Cùng năm 1979, Ai Cập bất ngờ ký Hiệp định Hòa bình với Israel, đánh dấu sự “quay xe” về chính sách đối ngoại từ theo Liên Xô trở thành một đồng minh quan trọng của Mỹ. Hành trình đến hòa bình không dễ dàng, cho đến tận ngày nay mới có 6 nước Ả Rập bình thường hóa và đặt quan hệ ngoại giao với Do Thái nhưng tâm lý chống Mỹ trong khu vực đã giảm đáng kể.
Với Saudi, sau thời gian đối đầu với Mỹ vào đầu thập kỷ 1970s, đẩy giá dầu lửa lên cao thì cũng đã trở thành một đồng minh mới của Mỹ. Dường như “yếu tố Iran” đã làm nên sự thay đổi này khi một nước Iran đông dân, rất hùng mạnh vào thời điểm đó, theo xu hướng hồi giáo Shia cực đoan đã trở thành con "ngáo ộp" đe dọa về an ninh và toàn vẹn lãnh thổ đối với các nước Ả Rập láng giềng, vì thế họ cần cái ô quân sự bảo hộ của Mỹ.
Năm 1980, Saudi là nước tài trợ chính cho Iraq thời Husain tấn công Iran làm bùng lên cuộc chiến kéo dài 8 năm, trong khi Giáo chủ Iran Khomeini đã gọi Saudi là “tà giáo”. Saudi và Iran đã có nhiều bất đồng lớn, trước hết khi Iran và UAE tranh chấp lãnh thổ 3 hòn đảo thì Saudi bênh UAE. Họ cũng là ủng hộ viên của hai phía chiến hào khác nhau trong các cuộc nội chiến tại Lebanon, Syria và Yemen.
Ngày 10/3/2023 vừa qua, điều bất ngờ đã xảy ra khi hai nước ký hiệp định nối lại quan hệ ngoại giao với sự mối giới trung gian của Trung Quốc, sau đó Mỹ và nhiều nước khác đã lên tiếng hoan nghênh. Hãy thử tìm hiểu xem những gì đang diễn ra về đối nội và đối ngoại đằng sau thỏa thuận này.
Iran có bề dày lịch sử lâu đời với hàng ngàn năm văn hiến, trong khi Saudi là một quốc gia hoàn toàn non trẻ, chỉ mới thành lập sau khi thống nhất các bộ tộc hồi giáo Sunni vào năm 1932. Mặc dù diện tích lãnh thổ không chênh lệch nhiều nhưng dân số Iran gấp 4 lần Saudi trước đây, còn ngày nay chỉ còn hơn gấp đôi. Trước đây Iran cũng áp đảo Saudi về quy mô kinh tế cũng như trình độ ký thuật thì nay có thể thấy Saudi đã vượt lên, là một thành viên nhóm G20 của thế giới, trong khi Iran bị tụt hậu nặng do chiến tranh và cấm vận lâu năm.
Như thế tương quan lực lượng giữa hai nước đã thay đổi, Iran không thể kẻ cả “khuyên” Saudi phải làm gì như bức thư của Pahlavi gửi Faisal nữa vì tiềm lực kinh tế quân sự của Saudi không còn thua kém nếu không muốn nói là vượt hơn Iran.
Tại Saudi Arabia, quốc vương Salman sắp bước sang tuổi 88, yếu kém sức khỏe nên mọi việc điều hành hằng ngày được giao cho con trai là Thái tử Mohamed. Tuy vậy, địa vị của Mohamed chưa hẳn là hoàn toàn vững chãi vì Mohamed lên ngôi sẽ dường như vi phạm một lời nguyền của “cha già dân tộc” Abdulaziz, người khai sinh ra đất nước khi ông muốn truyền hết đời con mới sang đời cháu.
Salman còn hai người em trai chưa được lên ngôi vua, trong đó Ahmed là một nhân vật có uy tín cao ở trong và ngoài nước và cũng chưa từng tỏ ý từ chối ngai vàng.
Hiện nay Mỹ không còn phụ thuộc dầu lửa vào Saudi như trước và vì thế không có lý do gì Mỹ phải bảo vệ vương triều Saudi bằng mọi giá và không loại trừ khả năng một biến cố bất ngờ sẽ diễn ra giống như sự kiện “Mùa xuân Ả Rập” cách đây hơn chục niên.
Về phần Iran, trước đây nước cộng hòa hồi giáo chỉ có một đồng minh duy nhất là Lybia, Gaddafi chết làm Iran cô độc hơn, trước khi tìm thấy hơi hướng liên minh với Nga trong việc làm khó dễ Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên tham vọng hạt nhân của Iran đã bị chặn lại và mối đe dọa thường trực vẫn còn đó khi kẻ thù Israel của họ là một nước có vũ khí hạt nhân.
Việc hai nước hòa hoãn với nhau ít nhất sẽ giúp cho tình trạng căng thẳng ở Lebanon, Syria và Yemen giảm nhiệt, Saudi bớt đi một kẻ thù, còn Iran mở ra tia hy vọng phá vỡ sự cô lập khi nối lại sự hợp tác giao lưu với các nước láng giềng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét