Thứ Hai, 25 tháng 9, 2023

Thủ môn – Vị trí đầy hắc ám của Arsenal

 

HLV Areta đã gây tranh cãi lớn khi đưa về TM Raya trong bối cảnh TM Ramdale vừa được bầu là TM xuất sắc nhất của Ngoại hạng Anh mùa bóng qua.
Nhìn lại quá khứ, chưa có đội bóng nào sài TM hoang phí như Arsenal, bởi hàng thải của đội đều dễ dàng chiếm xuất số 1 ở các đội bóng đẳng cấp.
Đó là: (theo thứ tự thời gian)
- Mannone về chơi cho Sunderland khi đội này còn ở Premier League
- Fabianski, TM số 2 của Ba lan, chơi cho một loạt đội ngoại hạng, hiện 38 tuổi vẫn còn trong biên chế Westham
- Szczesny, TM số 1 Ban Lan chơi cho đội Juventus với thành tích vô địch nước Ý và CL
- Ospina, số 1 Chí Lợi, chơi cho Napoli
- Martinez, số 1 đội tuyển Argentina vô địch thế giới, hiện chơi cho Anston Villa
- Leno, số 2 đội tuyển Đức, hiện chơi cho Fullham
- Gần nhất là Turner, TM đội tuyển Mỹ, chỉ là số 2 ở Arsenal đã dễ dàng chiếm đôi găng vàng ở Nortingham Forest.
Đó là chưa kể đến Lehmann và Cech, hai thủ môn huyền thoại đã từng bị “trảm’ một cách không thương tiếc vào lúc vẫn còn phong độ cao.
Khi các TM giỏi mà không có đất dụng võ đã chứng tỏ đầu óc HLV các thế hệ của Arsenal như Wenger, Emery và Arteta đương nhiệm có vấn đề, hoặc số vận TM của đội đã phạm phải một lời nguyền bí ẩn nào đó khi họ bị thải loại mà không phải vì lý do năng lực.
Vào thời kỳ hoàng kim của Arsenal, họ có hai TM ổn định và xuất chúng là Seaman và Lehmann. Thành tích của đội đã bị trượt dài trong gần hai thập niên qua “trùng lặp” vào thời gian mà không có một TM nào trụ vững được thời gian lâu.
Mùa giải 2010-2011 thật kỳ lạ khi cả bốn TM đều bị chấn thương, gồm TM chính Almunia, các TM dự bị Fabianski, Mannone và Szczeny, trog khi TM số 5 lúc đó là Martinez mới 18 tuổi. Đội phải triệu tập gấp “lão tướng” Lehmann, lúc đó đã 42 tuổi để "cứu giá".
Đó cũng là mùa bóng HLV Arteta bắt đầu gia nhập đội, không biết có phải vì ám ảnh vì chuyện này hay không mà ông đã đưa về thêm một TM xuất sắc.
Raya hiện được coi là TM đang cạnh tranh vị trí số 1 với Sanchez của Chelsea trong đội hình đội tuyển Tây Ban Nha. Còn Ramsdale đang là TM số 2 của đội tuyển Anh, chỉ thua kém Pickford về kinh nghiệm chứ thực ra được đánh giá cao hơn về chuyên môn.
Cả hai đều là những TM hàng đầu của Châu Âu và Thế giới hiện nay. Nhốt hai ông ba mươi vào một rừng thì ai sẽ là chúa sơn lâm?
Đáng chú ý Rays gia nhập Arsenal theo dạng cho mượn chứ không phải mua đứt. Nói một cách hình ảnh, Raya chấp nhận về làm vợ lẽ, nhưng cửa lên chính thất rất sáng. Chắc chắn tình nghĩa mới hơn hai mùa bóng mà Arteta dành cho Ramsdale đã không còn nguyên vẹn.
Vị trí TM là một vị trí đặc biệt. Nó không yêu cầu chạy nhiều nên không bị hao tốn thể lực nhưng về mặt tâm lý lại căng thẳng hơn. Chính vì thế, TM cần được HLV tin tưởng để ổn định tâm lý, bằng cách giữ vị trí một cách thường xuyên, không được thay đổi khi không thật cần thiết và không cần luân phiên vì lý do thể lực.
Khi mất đi sự tin cậy, cách giải thoát của họ đơn giản là việc ra đi. Với tài nghệ của Ramsdale, anh có thể nhanh chóng kiếm ra một bến đỗ mới. Điều tồi tệ sẽ xảy ra với giấc mộng bá vương của Arsenal nếu Ramsdale rời bỏ đội ngày từ giữa mùa bóng trong kỳ chuyển nhượng mùa đông.

Đi làm thiện nguyện ở Úc


Từ hơn 10 năm nay, Children’s Festival là nơi mình được thỏa lòng mong ước làm thiện nguyện. Mình rảnh quá chăng? Không phải, mình vẫn đi làm 40 giờ hoặc hơn mỗi tuần, nhưng thiện nguyện vẫn là một niềm vui và nhu cầu, nơi mình có thêm cơ hội được làm việc cộng đồng, được gặp gỡ, ăn sáng, ăn trưa cùng với những con người có tấm lòng vàng, mong muốn đóng góp cho việc chung.
Children’s Festival được tổ chức Xuân Thu nhị kỳ, mỗi năm hai lần, ngoài ra là có sự kiện khác như Tết nguyên đán hay Triển lãm cộng đồng. Với bề dày thời gian 25 năm, Children’s Festival đã và đang có sức lan tỏa rộng lớn, là hoạt động quy tụ được đông đảo thiếu niên nhi đồng tất cả các sắc tộc khác màu da chơi cùng nhau và sống cùng nhau một cách hòa đồng.
Children’s Festival được sự ủng hộ đóng góp công sức của hàng trăm thiện nguyện viên, các tổ chức hội đoàn chính phủ, các nhân vật “tai to mặt lớn” như các Bộ trưởng, Nghị sĩ cấp liên bang, tiểu bang và quan chức địa phương thường xuyên đến tham dự.
Chủ nhật vừa qua, Children’s Festival được tổ chức tại một địa điểm mới rộng rãi hơn trong công viên Gazzard, Yagoona trong một ngày nắng nóng bất thường, và đó có thể là một lý do các cháu thiếu nhi đến không đông như mọi khi. Tuy nhiên buổi diễu hành vẫn đầy đủ như thường lệ với đại diện các sắc dân Á, Âu, Hải đảo, Nam Mỹ, Trung Đông mà lần này thì mọi người chú ý nhiều đến đoàn từ đất nước Ukraine đang có chiến tranh.
Điều làm mình phải suy nghĩ, trong công việc của thiện nguyện viên, các bác lớn tuổi trên dưới 80, trên dưới 70, trên dưới 60 có vẻ làm việc nhiệt tình và trách nhiệm hơn tụi trẻ 18 đôi mươi? Rất có thể các cháu chưa hiểu được ý nghĩa của Children’s Festival.
Mình đã tham dự nhiều các buổi thuyết trình của Children’s Festival nhưng chưa bao giờ thấy Chủ tịch Thuất Nguyễn hay các thành viên quản trị “kể công” hay thuyết giảng những giáo huấn theo kiểu mục đích tầm quan trọng của Children’s Festival. Khi người ta chưa hiểu thì có bổ đầu ra nhét chữ thì cũng không xong.
Nếu các bạn trẻ tuổi nghĩ rằng Children’s Festival không đủ tốt thì có thể đến với vô số các hoạt động từ thiện khác. Ở các nước văn minh như Úc, đi làm từ thiện là việc hết sức thông thường và phổ biến, hầu như ai cũng đã từng tham gia, ít hoặc nhiều, đó cũng là một lối sống và cách hội nhập vào xã hội đa văn hóa.
Khi sang châu Phi, mình từng gặp những người da trắng từ những nơi xa xôi đi làm thiện nguyện ở đó. Họ mất thời gian (tất nhiên rồi), mất tiền (ít nhất là tiền mua vé máy bay) và chưa chắc đã được biết ơn vì nhiều người dân địa phương còn cho rằng chắc mấy ông bà này có mục đích động cơ gì chứ không tin vào lòng tốt của con người.
Nhiều người sang Úc nhưng vẫn chưa hiểu rằng Úc là nơi sự trung thực, lương tâm và tình thương là những điều có thật. Muốn tránh điều ác, chúng ta hãy cùng nhau làm những điều thiện. Làm riết, cái đầu của mỗi người sẽ nghĩ khác, chúng ta sẽ dần dần thay đổi, giác ngộ để trở thành những con người tốt hơn.
Vì sao nước Úc phồn vinh thịnh vượng và đẹp đẽ, từ bề ngoài lẫn cái đẹp tiềm ẩn bên trong? Đó là nhờ những con người tử tế với cách sống đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau.

Quần vợt: Nữ hoàng mới, Nhà vua cũ


Sau giải Mỹ mở rộng, cả 4 đại giải của quần vợt 2023 đã kết thúc với nhiều kết quả kỳ lạ không lúc nào giống lúc nào như mọi năm.
Djokovic đã một lần nữa lên ngôi, chiếm ¾ Grand Slam, chỉ một giải bị Alcaras “phá đám” trong một trận chung kết nghẹt thở 3-2. The Nole đã độc diễn một loạt các kỷ lục, tất nhiên danh giá nhất là 24 đại giải và về đích sớm trong ngôi vị số 1 thế giới 2023.
Về phía nữ có phần phức tạp hơn khi 4 cây vợt lên ngôi tại 4 Grand Slam, trong đó nhà vô địch mới nhất và lần đầu là cây vợt Mỹ đen 19 tuổi Coco Gauff. Coco cũng là cây vợt tuổi teen duy nhất hiện nay trong top 20 của nữ lẫn nam.
Ngôi vị số 1 thế giới nữ nay thuộc về Sabalenka, nhà vô địch Úc mở rộng. Sabalenka đã có một năm thi đấu khá ổn định, là cây vợt nữ duy nhất lọt vào bán kết của cả bốn giải.
Tuy nhiên so với các “tiền nhiệm” số 1 thì cô lên ngôi khá muộn khi đã 25 tuổi, trong khi Osaka, Barty hay Swiatek vào vị trí đều ở tuổi 20-21. Mới đây Osaka, nay cũng 25 tuổi tuyên bố sẽ trở lại với quần vợt sau một thời gian điều trị sức khỏe tâm thần và sinh con.
Cựu nữ hoàng Barty của Úc cũng mới sinh con, giá mà cô chịu quay lại thì vui biết mất, trong bối cảnh quần vợt nữ của Úc đang gặp khủng hoảng. Không biết con mắt đeo kiếng của mình có kẹp nhèm không, chứ nếu trở lại phong độ thì ngôi vị số 1 vẫn còn đó thôi bởi chưa ai qua được những trái banh khéo léo và chuẩn xác như em gái xứ Kangaroos.
Riêng với gương mặt mới Gauff vẫn còn nhiều tiềm năng để tiến bộ nên Barty mà “nhường” thì xem ra cô gái trẻ này nhiều khả năng sẽ chiếm vương miện nữ hoàng môn đánh quần nữ trong thời gian tới.
Tương tự như Osaka, Nadal đã ra thông báo sẽ quay lại quần vợt vào năm sau và có thể là năm cuối cùng của sự nghiệp. Nếu nhìn vào tuổi tác và năng lực thực tế thì anh vẫn có hy vọng ở giải Pháp mở rộng, nhưng chỉ thế mà thôi. Như vậy vẫn chưa thể đuổi kịp số lượng đại giải của Djokovic.
Nếu Djokovic giải nghệ vào lúc này thì anh vẫn đi vào lịch sử với tất cả các kỷ lục về số đại giải, số giải ATP, thời gian ngự trị number 1, số năm kết thúc ở vị trí số 1...Nên đây sẽ là một ẩn số là Nole có còn động lực và khát vọng chiến thắng nữa hay không.
Trái ngược với bên nữ, khi các em trẻ khá thất thường nên không nâng được thứ hạng thì các cây vợt U23 bên nam trong top 20 khá đông, đáng kể nhất là hai cây vợt mới 20 tuổi Alcaras và Shelton. Alcaras đã được nói đến nhiều, còn Shelton là một hiện tượng đang rất lên tay, hiện là cây vợt giao banh mạnh nhất thế giới hiện nay.
Đáng buồn cho quần vợt Úc, khi không có cây vợt nữ nào lọt vào top 100, điều chưa từng có trong lịch sử. An ủi chút với de Minaur, 24 tuổi, lần đầu tiên leo lên được thứ hạng 12.

Đổi mới hay là chết


P1: Đổi mới tập 1
Công cuộc đổi mới ở Việt Nam được coi là sẽ sang trang Đổi mới tập 2 sau chuyến thăm của Tổng thống Biden đến Việt Nam, theo đó quan hệ Việt – Mỹ sẽ được nâng cấp từ Đối tác toàn diện lên thẳng Đối tác Chiến lược toàn diện, bỏ qua giai đoạn Đối tác Chiến lược.
Đây là điều làm mình phấn khích để viết loạt bài gồm 3 phần, bao gồm kể lại chuyện cũ đổi mới tập 1; Thử lý giải lý do nâng cấp việc đổi mới; và Dự đoán về tương lai xán lạn cho đất nước.
Những người làm công tác lý luận nhận ra rằng, trước đây các văn kiện chỉ nói Đổi mới kinh tế, còn cụm Đổi mới toàn diện mới dùng mấy năm gần đây. Trước đây dùng chữ Hội nhập kinh tế quốc tế, còn bây giờ cắt chữ “kinh tế” đi, còn lại Hội nhập quốc tế.
Vậy là sao, đổi mới của chúng ta bao gồm cả đổi mới kinh tế lẫn chính trị hay chỉ có một nửa thôi? Nên nhớ “cải cách” ở Trung Quốc đi trước “cải tổ” của Liên Xô vài năm và tất nhiên trước “đổi mới” của Việt Nam và ở thuở ban đầu tất cả đều mập mờ về phạm vi của thay đổi.
Đăng Tiểu Bình từng chủ trương nới lỏng kiểm soát về ý thức hệ, điều này đã dẫn đến phong trào đấu tranh dân chủ của sinh viên. Gorbachev còn muốn mọi việc diễn ra nhanh và mạnh hơn với khái niệm “công khai”.
Hậu quả thì như mọi người đã thấy, Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, còn Trung Quốc chấm dứt cải cách về chính trị qua sự kiện đàn áp người biểu tình ở Thiên An Môn. Ở Việt Nam, ông Trần Xuân Bách, người được cho là thủ lĩnh phái cấp tiến bị cách toàn bộ chức vụ.
Loạt bài này khá dài, cho phép đủ dung lượng để mình kể chút chuyện riêng tư.
Mình tốt nghiệp đại học và bắt đầu đi làm vào giai đoạn cả nước tưng bừng với làn sóng đổi mới. Bố mình quen chú tên Phương, là con rể ông Đỗ Mười, người được coi là thủ lãnh phái bảo thủ đã mở công ty tư nhân lấy tên là “Đổi Mới”, trụ sở tại phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Lúc đó ai cũng thích thú với các bài viết “Những việc cần làm ngay” của đồng chí Nờ Vờ Lờ. Nói mọi người đừng cười, mỗi khi có Nghị quyết của TW, mình đọc đi đọc lại đến mức thuộc lòng.
Sau khi đi làm khoảng 2 năm và mình bắt đầu hoạt động trong Đoàn thanh niên. Có lẽ sự nhiệt tình của mình làm cho các đoàn viên dồn phiếu nên mình được phiếu cao nhất trong đại hội đoàn của cơ quan, trở thành Bí thư rồi đi dự Đại hội đoàn Bộ Ngoại thương.
Trời xui đất khiến thế nào, trong đại hội đoàn bộ, mình ra phát biểu ủng hộ đồng chí Trần Xuấn Bách, UV BCT, Bí thư TW Đảng về các ý kiến chỉ đạo đổi mới đồng bộ, bao gồm đổi mới kinh tế cùng lúc với đổi mới chính trị, giống như Đông Âu và Mông Cổ đang làm. Vậy mà vẫn được bầu vào BCH và Thường vụ và là ủy viên trẻ nhất, mới 23 ruổi.
Mấy tháng sau, nghe tin ông Bách bị cách chức, mình nghĩ thôi toi rồi nhưng rồi chỉ bị phê bình nhẹ theo kiểu rút kinh nghiệm. Lúc đó vào đảng rất khó nhưng ở vị trí của mình thì dễ, vậy mà mình không cần đảng nữa. Mình bắt đầu phá bĩnh, đi làm 8 giờ vàng ngọc thì 7 giờ ra ngồi quán nước, tạm coi là không thiết gì cả.
Như một đứa trẻ bị tước đi thứ đồ chơi yêu thích, mình bắt đầu tính đến chuyện nghỉ việc và đi nước ngoài. Việc ra đi bị trì hoãn vì bố mẹ không ủng hộ nên mình cần có thời gian để gom tiền cho nên đến tận năm 1994 mới đi Úc được.
Sau hơn 30 năm nhìn lại, có lẽ ông Bách đã không sai. Đổi mới kinh tế mà không đụng đến đổi mới chính trị chính là nguyên nhân của tình trạng bất cập tham nhũng không thể kiểm soát, nền kinh tế phát triển lệch lạc, điều kiện môi trường và các mối quan hệ xã hội bị phá vỡ.
Khi khuyến khích làm giàu mà luật pháp không theo kịp để bảo vệ tài sản và nhân quyền cho người dân sẽ dẫn đến tình trạng đang diễn ra tại Trung Quốc và Việt Nam hiện nay, đó là nhiều người tìm cách đào thoát khỏi đất nước. Dưới góc độ lợi ích quốc gia, câu chuyện những những có tài và có tiền rời bỏ đất nước thì chính là thảm họa, sẽ làm khánh kiệt đất nước.
Nhưng chuyển từ đổi mới tập 1 sang tập 2 lại do nguyên nhân chủ yếu khác, xem hồi sau sẽ rõ.

Đổi mới hay là chết
P2. Quy luật kiểu Mỹ
Cách đây mấy tháng, mấy ông bạn của mình không tin chuyện nâng cấp quan hệ với Mỹ. Bây giờ sau khi đọc bài phần 1, vẫn có bạn cho rằng không thể có chuyện đổi mới tập 2.
Quả thật, để đối phó với nạn tham nhũng, giải pháp ở Trung Quốc và Việt Nam hiện nay là những bản án tử hình, chung thân và tù dài hạn chứ đâu cần đổi mới về chính trị làm chi.
Việt Nam là đất nước trên trăm triệu dân, bốn ngàn năm văn hiến nhưng vẫn chưa thể tự đứng trên hai chân của mình, về cả phương diện quân sự lẫn kinh tế. Hàn Quốc vốn nhược tiểu như Việt Nam thì nay đã trở thành nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu ở châu Á.
Nếu không có khoản tiền tươi $100 tỉ ông Tơn của kim ngạch xuất khẩu hằng năm sang Mỹ thì lấy gì mà ăn chơi nhảy múa. Đã thế lại còn chuyện lấy thằng miền xuôi nuôi thằng miền ngược, xuất siêu khủng sang Mỹ thì lại nhập siêu khủng từ Tàu, mà sao chú Sam vẫn coi như chẳng có chuyện gì xảy ra. Chắc mình phải thế nào thì người ta mới thế.
Nhưng nói đi lại phải nói lại, có nước nào hoàn toàn tự lập tự cường chưa? Không có sự nâng đỡ của Mỹ như mở cửa thị trường, chuyển giao công nghệ thì liệu Hàn Quốc có vươn lên mạnh mẽ như hiện nay. Tương tự là với Đài Loan, Singapore, Thái Lan...và cả Trung Quốc, Đặng Tiẻu Bình bốn hiện đại bằng cách nào nếu không nhờ vào kỹ thuật Mỹ.
Ờ, có phải Mẽo đang thao túng đồng đô la để bóc lột và làm giàu trên lưng các nước khác?
Trước đây, hành tinh của chúng ta bị cô lập chia cắt, mọi sinh hoạt trong nội bộ từng mảnh đất khác nhau và không hề liên thông, liên kết với nhau. Còn thế giới phẳng ngày nay, đến đá banh cũng phải có FIFA cai quản theo một quy trình chung, chứ đâu phải mỗi nước đá một kiểu.
Lĩnh vực nào dù là kinh tế, văn hóa, giao thông, viễn thông... cũng có một tổ chức quốc tế và rõ ràng các tổ chức này làm sói mòn chủ quyền của các quốc gia. Thế giới chung một mái nhà ngụ ý một trật tự ngăn nắp hay chung một khu rừng để ám chỉ những bất công và lộn xộn vẫn còn tồn tại.
Cần nhận thức rằng có những quy luật đang chi phối cuộc chơi dù không hoàn toàn theo ý tứ của chủ nhà hay chúa sơn lâm.
Mao Trạch Đông là một người mang nặng chủ nghĩa dân tộc hơn là một người cộng sản. Để ý rằng ở Trung Quốc không treo ảnh các nhà lý luận cộng sản như Marx, Angel hay Lenin. Người Trung Quốc phải học thuộc lòng Mao tuyển chứ không phải trước tác của các ông tổ ngoại bang kia.
Nhưng rồi Trung Quốc vẫn phải đi theo con đường mà Mao “chọn lựa”, đó là chủ nghĩa cộng sản bởi vì Mao cần có vũ khí và trợ giúp của Liên Xô để đánh Tưởng Giới Thạch chiếm thiên hạ.
Tương tự là trường hợp của Cuba, khi Phidel Castro giành được chính quyền vào năm 1959, ông đã lập tức sang thăm Mỹ. Nhưng lúc đó Mỹ có những mối quan tâm khác nên tổng thống Eisenhow không tiếp mà cho ông phó Nixon ra gặp. Bất mãn, Phidel ngả sang phe Liên Xô nhưng cũng phải mất hơn 10 năm mới hoàn toàn ra nhập khối XHCN.
Hai ví dụ trên cho thấy, đối với đường lối chiến lược của các quốc gia thì lý do khách quan đóng vai trò quan trọng hơn ý chí chủ quan. Nhìn rộng ra, tất cả những biến cố ở Mỹ Latin, Đông Âu, Mùa xuân Ả Rập, các chuyển biến ở Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Indonesia...là do yếu tố bên ngoài là chính, yếu tố bên trong chỉ là phụ.
Mỹ là nước có sự vượt trội về kinh tế, quân sự, công nghệ, có hàng loạt đồng minh hùng mạnh, có tiếng nói nặng ký trong các tổ chức quốc tế. Dù yêu hay ghét chúa sơn lâm thì cũng phải thừa nhận trong gần 80 năm qua cho thấy (từ 1945) nước nào được Mỹ ưu ái thì được vào dòng chảy lớn phồn vinh, thịnh vượng, còn ngược lại thì như con thuyền lạc lối, chưa biết đi đâu về đâu và hiện tượng này có thể còn kéo dài thêm ít nhất vài chục năm nữa.
Liệu chúng ta có quan ngại không nếu thế giới bị khống chế bởi bộ ba độc tài sắt máu đang thủ đắc vũ khí hạt nhân là Tàu Cộng, Nga và Triều Cộng?
Hun Sen gặp rắc rối với Mỹ khi mạnh tay đàn áp phe đối lập. Để giải quyết, ông về hưu "non" ở tuổi 70, nhường chức thủ tướng cho Hun Manet, một người được "đúc" từ nền giáo dục Mỹ.
Hồ Chí Minh rất muốn kết nối với Mỹ, từng 3 lần viết thư cho tổng thống Mỹ nhưng không được hồi âm. Mới đây, Lê Kiên Thành, con trai Lê Duẩn đã viết trên fb cá nhân rằng cha ông cũng rất mong muốn quan hệ với Mỹ mà không được.
Nói như thế để thấy Nguyễn Phú Trọng may mắn như thế nào. Có thể đồ đoán ông Trọng không thích phương Tây, nhưng ông không thể bỏ lỡ cơ hội đi vào lịch sử như một lãnh tụ Việt Nam đã thành công khi bắt tay được với Mỹ, một việc làm phù hợp quy luật khách quan.
Có ý kiến cho rằng, nếu theo Mỹ thì sẽ bị Tàu đánh cho giống như trước đây chọn bên Liên Xô. Đó là một rủi ro với xác suất thấp, nhưng kể cả điều đó thì cũng chỉ là một cuộc xung đột biên giới kéo dài hơn một tháng như hồi 1979, chứ không thể có chuyện Trung Quốc “giải phóng” cả nước Việt Nam.
Nâng cấp quan hệ với Mỹ và tiếp tục đổi mới sâu rộng hơn còn có hệ lụy nào nữa không, xin xem tiếp phần 3.

Đổi mới hay là chết
P3. Con tim đã vui trở lại
Tổng thống Biden vừa kết thúc chuyến thăm lịch sử tại Việt Nam với việc thiết lập mối Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện cùng một bản thông cáo chung dài dằng dặc, cụ thể và chi tiết.
Điều nhiều người quan tâm, hiện kinh tế Việt Nam đang đối mặt hai vấn đề khó khăn về kim ngạch xuất khẩu sụt giảm, nhất là May mặc- Giầy dép và đồ gỗ; tình trạng thị trường Bất động sản suy trầm thì có thể được giải quyết không? Mạo muội trả lời không.
Bất động sản Việt Nam đã và đang bị Trung Quốc lũng đoạn, nay Bất động sản Trung Quốc sụp đổ thì Việt Nam sẽ bị ăn theo, có dính dáng gì đến Mỹ đâu.
Việc mất các đơn hàng May mặc, Giày dép và đồ gỗ cũng không nên tiếc vì đây là những ngành nghề “công nghệ thấp”, dễ dẫn tới cái bẫy thu nhập trung bình. Điều mà chúng ta nên hướng tới là những hoài bão cao hơn về kinh tế số, kinh tế xanh như đã được đề cập bấy lâu nay.
Các lĩnh vực kinh tế sẽ được triển khai sau chuyến đi có thể kể đến:
1. Khai thác đất hiếm ở vùng Tây bắc
2. Chuyển các Nhà máy công nghệ cao về IT từ Trung Quốc sang Việt Nam
3. Việt Nam mua và nhận viện trợ vũ khí tăng cường phòng thủ từ Mỹ
4. Hỗ trợ ngành sản xuất ô tô và cơ khí như đã bắt đầu với Vinfast.
Việt Nam có trữ lượng đất hiếm đứng thứ hai thế giới (sau Trung Quốc). Việc khai thác nguồn nguyên liệu mới này là một trong những cách phá thế độc quyền của Trung Quốc, đồng thời mang lại nguồn thu to lớn cho Việt Nam.
Việc “lót ổ đón đại bàng” đã được nói đến từ lâu thì nay sẽ trở thành điều có thật. Đây cũng là việc thực hiện chiến lược mới của Mỹ là Frienshoring (chuyển sản xuất sang nước bạn), ít nhất không để tình trạng quá phụ thuộc vào Trung Quốc như hiện nay.
Mọi người đều đã biết, Đại sứ quán Mỹ đã được khởi công xây dựng sẽ là Đại sứ quán lớn nhất của Mỹ trong vùng Đông Nam Á. Các cử chỉ thân mật giữa các nhà lãnh đạo cho thấy thiện chí của đôi bên, họ đã chuẩn bị chu đáo cho sự kiện Đối tác Chiến lược toàn diện vỡ òa này và có thể tin rằng nước bạn Huê Kỳ muốn giúp Việt Nam hóa rồng hóa hổ.
Mình xa quê hương đã lâu, từng rất buồn với những ý nghĩ tuyệt vọng về đất nước. Điều mà mình vẫn băn khoăn là người Việt vẫn còn hận thù quá nhiều, hậu quả của một cuộc chiến tranh tàn khốc, kéo dài với quá nhiều mất mát tang thương.
Các cụ có câu “thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”, làm giàu rất khó nhưng làm sao để đồng thuận còn khó hơn. Theo thông cáo, việc nâng cấp quan hệ Việt Mỹ nhằm “hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững”. Mình lưu ý chữ “phát triển bền vững”, và để làm điều này thì bắt buộc phải có hòa giải và hòa hợp dân tộc. Hy vọng người Mỹ không chỉ giúp người Việt nâng cấp về kinh tế mà còn chiếu cố luôn chuyện này thì đây mới là đổi mới thật sự.
- Đất nước đổi mới rồi, anh có về không?
- Không
Còn gì nữa đâu mà về, một trái tim khô đã rỉ máu quá nhiều, trái tim vẫn muốn yêu nhưng không còn khả năng.
Có ý kiến cho rằng Việt Nam thiếu nhân lực để phát triển kinh tế tri thức với công nghệ cao. Thật ra điều này không khó, Ấn Độ là nguồn kỹ sư IT rất dồi dào. Không nên phụ thuộc một nước nào, chúng ta có thể nhận các nguồn nhân công có tay nghề khác nhau từ Trung Quốc, Philippines, Indonesia hay Thái Lan, miễn là có cơ chế phù hợp.
Tất nhiên, điều không thiếu được là lực lượng đồng bào khúc ruột ngàn dặm đã trở nên hết sức đông đảo. Những người có tuổi trẻ, tri thức, kỹ năng, am hiểu cách vận hành của thế giới văn minh và có đầy đủ những phẩm chất đưa đất nước Việt Nam trở thành một cường quốc.

Trưng cầu dân ý vấn đề người thổ dân


Ngày 14/10 tới đây, một cuộc Trưng cầu dân ý lần đầu tiên sau 24 năm sẽ diễn ra xem có thay đổi Hiến pháp để thành lập một Ủy ban đặc trách xử lý cách vấn đề liên quan đến người Thổ dân. Người Thổ dân là những người sống đầu tiên trên mảnh đất này, hiện chiếm khoảng 3% dân số nhưng xem ra lại ít hội nhập vào xã hội nhất so với các sắc dân khác.
Trưng cầu dân ý năm 1999 có chủ đề về thể chế nước Úc với kết quả đa số dân chúng chọn giải pháp giữ nguyên Chế độ quân chủ lập hiến thay vì thay đổi thành một nước Cộng hòa. Đáng chú ý, Thủ tướng Howard lúc đó đã cho phép các đảng viên đảng Tự do cầm quyền được bỏ phiếu theo lương tâm chứ không cần theo đường lối của đảng.
Lần này thì khác, hiện có hai phe rõ rệt, phe Chính phủ chủ trương bỏ “Yes” đồng ý thành lập một cơ cấu mới gọi là “The Voice” cho người Thổ dân, còn phe Đối lập kêu gọi bỏ phiếu “No”.
Những ngày này, cư dân sống tại Úc đã nhận được một tập tài liệu chứa thông tin về cuộc Trưng càu dân ý. Phần quan trọng của tài liệu là lập luận của hai phe “Yes” và “No”, mỗi phần được trình bày không quá 2000 chữ.
Có 8 lý do bỏ phiếu “Yes”, chủ yếu như sau:
- Nhằm lấy ý kiến phản ánh nguyện vọng của người Thổ dân, trong đó 80% người thổ dân kêu gọi có một cơ cấu phục vụ cho tiếng nói của họ.
- Bảo đảm cuộc sống tốt đẹp hơn của người Thổ dân như về Giáo dục nhân dụng, Sức khỏe và tuổi thọ.
- Mang ý nghĩa hàn gắn quá khứ và mang đến tương lại tốt đẹp hơn.
- Giúp Chính phủ và Quốc hội làm việc tốt hơn
Phe “No” coi đây là một sự mạo hiểm về luật pháp khi một cơ cấu tổ chức mới được ghi vào Hiến pháp, có tiếng nói với cả Chính phủ lẫn Quốc hội, gây trì hoãn và vô hiệu hóa các hoạt động. The Voice sẽ là một cơ cấu không rõ rệt nhưng lại được Hiến pháp bảo vệ.
Quan trọng hơn The Voice không giúp được gì cho Thổ dân mặc dù mang thêm gánh nặng ngân sách và phát sinh thêm một tổ chức quan liêu.
Đối lập đồng ý cần giúp đỡ cho Thổ dân, đồng thời kêu gọi khi chúng ta chưa có chi tiết vấn đề thì hãy bỏ phiếu “No”.
Hiến pháp sẽ được sửa đổi và “The Voice” sẽ ra đời nếu đa số cử tri bỏ phiếu “Yes”, cùng lúc 4/6 tiểu bang có đa số thông qua “Yes”. Theo thăm dò dư luận, hiện tỉ số Yes/No là 45/49%. Trong 6 tiểu bang (không tính ATC và NT) chỉ có VIC là ủng hộ “Yes”, và điều đáng ngạc nhiên VIC cũng là tiểu bang có tỉ lệ người Thổ dân ít nhất, chưa đầy 1%.
Đây là tin tức rất buồn cho Thủ tướng Albanese, người mạnh mẽ ủng hộ cho “Yes”. Có lẽ vì đã chiến thắng vang dội trong Tổng tuyển cử năm ngoái mà ông đã quá tự tin khi đưa ra trò chơi Trưng cầu dân ý này.
Thủ tướng Cameron của Anh quốc đã có một bài học nhớ đời cũng sau Tổng tuyển cử thì lại bước ngay vào cuộc chơi Brexit và đã nhận thất bại đau đớn, phải từ giã chính trường. Khi vọng ông Albanese không bị gặp lại điều tương tự sau cuộc bỏ phiếu tốn kém 450 triệu Úc kim.
Sắp tới Kelly sẽ là thành viên thứ ba trong gia đình mình vừa đủ tuổi đi bầu, vào ngày bỏ phiếu lại nằm ngay trong giai đoạn thi tốt nghiệp HSC của con. Dự kiến sơ bộ, mình và bà xã bỏ cho “No”, còn Kelly bỏ “Yes”.

Bougainville: một quốc gia độc lập sẽ ra đời tại Châu Đại dương

 

Vùng tự trị Bougainville thuộc Papua New Guinea (PNG) sẽ trở thành một quốc gia độc lập trước năm 2027. Dù có diện tích và dân số lớn thứ hai ở Châu Đại dương (sau Úc), PNG là một trong những nước khép kín nhất thế giới.
Tháng 5 vừa qua, một sự kiện đáng lẽ sẽ được ghi vào lịch sử khi Tổng thống Biden dự kiến đến thăm nước này lần đầu tiên sau chuyến viễn du dự Hội nghị G7 ở Nhật nhưng chuyến đi bị hủy vào phút chót vì ông phải về Mỹ để giải quyết vấn đề ngân sách cho chính phủ. Tuy nhiên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã thay mặt tổng thống để ký với PNG một Hiệp ước quan trọng giữa hai nước, trong đó có vấn đề Quốc phòng.
Khu vực Châu Đại dương vốn bao gồm 4 chủng tộc chính là Polynesia, Microsenia, Melanesia và Thổ dân Úc. Người Melanesia được coi là có dân số đông nhất sống chủ yếu ở PNG và quần đảo Solomon.
PNG tuyên bố độc lập vào tháng 9/1975, trong khi Quần đảo Solomon trở thành quốc gia riêng vào năm 1978. Khi Quần đảo Solomon được ra ở riêng thì đảo lớn nhất của quần đảo này là Bougianville vẫn còn nằm trong thành phần của PNG.
Năm 1988, những người theo chủ nghĩa dân tộc tại Bougainville đã tuyên bố ly khai với PNG dẫn đến một cuộc nội chiến đẫm máu, cướp đi sinh mạng của khoảng 15,000 người, chiếm khoảng 10% dân số của đảo thời đó. Hậu quả của cuộc chiến là Bougianville được trao quy chế tự trị.
Năm 2019, một cuộc trưng cầu dân ý đã diễn ra, theo đó 98% người dân ở đây đồng ý Bougainville trở thành một quốc gia độc lập. Quy trình cho việc này còn phải được quốc hội PNG thông qua trước năm 2027, dự kiến cũng không sớm hơn năm 2025.
PNG là xứ sở của động đất và núi lửa, cũng là nơi hiếm hoi trên thế giới vẫn còn những cánh rừng rậm nguyên sinh. Địa hình rừng núi hiểm trở đã chia cắt các cộng đồng dân cư và đây cũng là nước có gần một ngàn ngôn ngữ bản địa, trong đó hầu như không có ngôn ngữ nào chiếm đến 2% dân số. Đó là lý do khách quan vì sao dù có nguồn tài nguyên phong phú nhưng PNG vẫn là nước nghèo nàn và lạc hậu.
Bougainville còn gọi là Bắc Solomon hiện có 300,000 dân, lớn hơn một số quốc đảo trong Thái Bình dương nhưng vẫn được coi là nhỏ. Mặc dù vậy, thành phần sắc dân ở đây cũng khá phức tạp với hàng chục ngôn ngữ khác nhau.
Mặc dù có trữ lượng đồng khủng chưa được khai thác, tình trạng dân tình Bougainville vẫn sống dưới mức nghèo khổ chiếm đến trên 30%.
Việc ra đời của quốc gia này đang là một vấn đề nhạy cảm liên quan đến lĩnh vực an ninh quốc phòng của các nước trong vùng.
Đại dương mang tên Thái Bình bỗng dậy sóng khi Trung Quốc đã tìm ra mắt xích yếu nhất trong khu vực khi ký Hiệp ước an ninh với Quốc đảo Solomon. Trước mối lo về viễn cảnh của sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trong Thái Bình dương, với tư cách là nước lớn nhất và đang viện trợ nhiều cho các tiểu quốc trong vùng, Úc đã có những cuộc họp khẩn với các nước trong một Diễn đàn khu vực đồng thời mời gọi sự tham gia của Mỹ.
Có thể coi Úc đã thành công trong việc khuyết phục được Mỹ giương cái ô bảo hộ quân sự, cùng dự án tàu ngầm hạt nhân để "canh giữ hòa bình", trong bối cảnh sẽ có nhiều biến động trong vùng như việc quốc gia mới ra đời.

Danh dự là điều cao quý nhất

 

Trong ảnh là lời phát biểu của Đảng trưởng thì cấm có sai. Tuy nhiên qua các vụ án Chuyến bay giải cứu và Việt Á mới đây cho thấy ní nuận thì dễ, làm được mới khó.
Đa số chúng ta xuất thân bần hàn, chỉ mong kiếm được miếng ăn. Nhưng cho đến khi thoát được cái ngưỡng đói ăn rất xa thì lại vẫn giữ thói quen tham lam giành giật như cũ làm mình nhớ đến một câu chuyện ngụ ngôn.
Khi thấy con voi to đùng được xích bởi cái xích bé xíu, người ta mới hỏi Quản tượng thì được trả lời: tôi vẫn xích nó như thế từ xưa như một thói quen và nó thì chưa hiểu được rằng chiếc xích nay đã quá bé.
Thói quen đó là: chỉ vì một món lợi nhỏ mà sẵn sàng chà đạp, làm hại người. Đau ở chỗ là thường dối trá bạn bè và những người thân chứ khó lừa được người ngoài lắm.
Đi hay ở, đi rồi thì lại tính ở lại định cư hay về nước là một chủ đề được bàn tán nhiều. Có điều mọi người thường chỉ nhìn vấn đề qua lăng kính tiền bạc (bằng không thì nhìn góc độ nào bi giờ). Giấc mơ Mỹ, giấc mơ Úc lại không chỉ chuyện vật chất tầm thường mà nó sẽ thay đổi cuộc sống toàn bộ, nặng hơn về khía cạnh tinh thần.
Khi bạn đi mua nhà ở Úc tức là tròng vào cổ cái thòng lọng mortgate, bán sẽ trở thành một con người khác, ngoan như cún chỉ biết làm việc, sống lành mạnh lương thiện, chân chỉ hạt bột.
Bà xã nhận định mình thuộc loại “trong veo”, không bồ bịch gì hết, nhưng lại nói thêm: nếu ông sống ở Việt Nam thì chưa chắc đâu.
Khi tiếp Đại phu Án Anh của nước Tề, vua Sở “hỏi ngu” rằng có phải người nước Tề hay đi ăn trộm? Án Anh đáp:
- Như trái cam có nơi ngọt nơi chua là do thổ nhưỡng. Người nước Tề sống bên Tề không bao giờ ăn trộm nhưng sang Sở thì có thể!
Vậy là con người tốt hay xấu còn do hoàn cảnh. Cũng có thể không phải như thế vì có người phải cần son phấn mới xinh, còn người khác để mặt mộc vẫn đẹp.
Nếu vợ chồng nghi ngờ nhau ngoại tình thì chắc chắn đó là điều bất hạnh. Bạn bè có làm cho quý vị giàu hay không thì chưa biết nhưng có thể làm cho quý vị vui. Bạn được sống trong một xã hội công bằng văn minh thì quý bạn sẽ không phải bực bội và suốt ngày chửi đổng.
Mục đích của cuộc sống là đi tìm hạnh phúc và mình tin rằng yếu tố tinh thần giúp cho bạn điều này nhiều hơn là vật chất. Giấc ngủ trong khách sạn 5 sao mà vẫn giật mình thon thót mỗi khi mơ thấy cảnh bị nhập kho sẽ không ngon như giấc ngủ hồn nhiên vô tư trên cái chiếu rách thuở thơ ấu.
Bạn có thể có rất nhiều tiền nhưng bỗng chốc sẽ chẳng còn gì nếu bị điều tra thôi chứ chưa tới dính vòng lao lý. Chức của bạn rất to, nhưng rất hiếm người có thể ôm ghế đến khi chết. Vậy cái gì còn ở lại? Chỉ có thể là danh dự mà thôi.